Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Xác định đường lối chính trị đúng đắn, độc lập, sáng tạo, đáp ứng với nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử


  Một trong những nguy cơ đầu tiên mà V.I.Lênin đã từng cảnh báo các đảng cộng sản là nguy cơ sai lầm về đường lối và xa rời dân. Thực tiễn cách mạng thế giới cũng như cách mạng Việt Nam đã minh chứng rằng, khi nào chính đảng lãnh đạo sai lầm về đường lối, cách mạng không những không thành công, mà còn gây nên những tổn thất lớn đối với nhân dân, đối với Đảng, đối với dân tộc. Đường lối chính trị đúng đắn có ý nghĩa quyết định hiệu quả và chất lượng lãnh đạo của Đảng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã coi trọng xây dựng cương lĩnh, đường lối chiến lược gắn liền với rèn luyện bản lĩnh chính trị. Ngay trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng những quan điểm chính trị cơ bản để hình thành cương lĩnh chính trị của Đảng. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thể hiện trong hai văn kiện quan trọng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Đó là văn kiện Chánh cương vắn tắt của Đảng và văn kiện Sách lược vắn tắt của Đảng. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, tuy vắn tắt, nhưng đã thể hiện bản lĩnh chính trị độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc đánh giá đặc điểm, tính chất xã hội Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX, chỉ rõ những mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu của dân tộc Việt Nam lúc đó, đặc biệt là việc đánh giá đúng đắn, sát thực thái độ chính trị của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đối với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Từ đó, Cương lĩnh đã xác định đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, đồng thời xác định phương pháp cách mạng, nhiệm vụ cách mạng và lực lượng của cách mạng để thực hiện đường lối chiến lược và sách lược đã đề ra. Lần đầu tiên, cách mạng Việt Nam có một cương lĩnh chính trị đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.Trong đó, mục tiêu, lý tưởng của Đảng phù hợp, đáp ứng đúng nguyện vọng của giai cấp công nhân, các tầng lớp nhân dân lạo động và của toàn dân tộc.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa nửa phong kiến. Kết hợp đúng đắn vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc; kết hợp truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân với những kinh nghiệm của cách mạng thế giới; kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản và kết hợp thực tiễn, yêu cầu của cách mạng Việt Nam với tư tưởng cách mạng của thời đại đó là tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Chính vì vậy, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết toàn dân và lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân: "Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta... Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta. Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường". Từ định hướng chiến lược đó, Đảng đã xác định đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phù hợp với từng thời kỳ lịch sử.

Trong 15 năm năm đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng đã từng bước hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, phù hợp với thực tiễn đặc điểm là một nước thuộc địa nửa phong kiến, với sự chuyển biến các giai tầng trong xã hội sau tác động của quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1940), đặc biệt là Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) về cơ bản đã bổ sung và hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị đầy đủ những yếu tố cần thiết để tạo nên cao trào cách mạng, làm nên thắng lợi vĩ đại trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - một cuộc cách mạng mang tính nhân dân sâu sắc.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), phải đối phó với kẻ thù hùng mạnh về mọi mặt, bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của cách mạng thế giới trong những năm 50 của thế kỷ XX, Đảng đã xác định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh là chính. Trong đó, đặc biệt là Chính cương Đảng Lao động Việt Nam với 15 chính sách cụ thể, được thông qua tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951). Trong đó, xác định rõ kẻ thù, mục tiêu trước mắt của cách mạng, sắp xếp và tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng, sử dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo phương pháp cách mạng, phương thức tiến hành chiến tranh để tạo nên sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn của quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến.

Chặng đường 21 năm (1954-1975) lịch sử dân tộc Việt Nam đứng trước thách thức mới. Đế quốc Mỹ tiến hành can thiệp và từng bước xâm lược miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Đất nước bị chia làm hai miền, với hai chế độ chính trị khác nhau. Với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng đã hoạch định đường lối cách mạng miền Nam (Nghị quyết lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II - 1959), được thông qua Đại hội lần thứ III của Đảng (9-1960). Đại hội III của Đảng xác định đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng ở hai miền và vai trò, vị trí, mối quan hệ của cách mạng của mỗi miền đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước. Đây là điểm độc đáo, sáng tạo của một chính đảng cộng sản lãnh đạo cách mạng một nước bị chia cắt với hai chiến lược khác nhau và đã thành công vào Xuân năm 1975. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là minh chứng trong lịch sử sự đúng đắn về đường lối chính trị của Đảng Lao động Việt Nam trong tiến trình chiến tranh cách mạng. Đường lối chính trị đó đã kế tục và phát triển đường lối kháng chiến chống Pháp trong điều kiện lịch sử mới. Quyết định đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng ở hai miền ở Việt Nam trong thời kỳ này đã giải quyết đúng đắn các mối quan hệ cơ bản trong cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chiến tranh và cách mạng; hậu phương và tiền tuyến, lao động sản xuất trong xây dựng đất nước và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại...

Khi cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới đất nước, Đảng đã dũng cảm, thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khiếm khuyết, đúc rút một trong những bài học quan trọng của Đảng là lấy dân làm gốc, mục tiêu trước hết phải là dân giàu, nước mạnh... Đến năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX trước những biến động chính trị của hệ thống XHCN trên thế giới, với bản lĩnh chính trị kiên cường của một chính đảng vô sản đã được tôi luyện trong chiến tranh, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), lần đầu tiên Đảng đã đưa ra được một mô hình xã hội XHCN phù hợp với đặc điểm thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển chung của nhân loại. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội khẳng định Việt Nam vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và xác định những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta hướng tới. Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi to lớn. Nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra được nhận thức làm sáng tỏvà từng bước giải quyết qua các nhiệm kỳ đại hội. Tại Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Qua tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử và giá trị định hướng, chỉ đạo to lớn của Cương lĩnh đối với công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời cũng thấy rõ thêm những vấn đề mới đặt ra cần tiếp tục được giải đáp”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) đã bổ sung và phát triển những nội dung trong Cương lĩnh năm 1991 cho phù hợp với sự biến đổi của tình hình trong nước, khu vực và thế giới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”

Trong Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011, Đảng tiếp tục nhất quán tư tưởng Hồ Chí Minh - một Đảng vì dân, thể hiện ở mục tiêu, đường lối cách mạng mà chính đảng cần đạt tới,  ngày càng được sáng rõ hơn về chặng đường, phương hướng, giải pháp mà Đảng cùng toàn dân đang nỗ lực hiện thực hóa thành công mục tiêu đã xác định.

Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đại hội XII của Đảng (2016) xác định mục tiêu: “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN. Giữ gìn hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”

Như vậy, các đại hội của Đảng thời kỳ đổi mới (từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội XII) Đảng đã tập trung nỗ lực để hoạch định đường lối chính trị đúng đắn, chỉ đạo đưa đường lối đó vào thực tiễn cuộc sống.

Để có được đường lối chính trị đúng đắn, trước hết phải kiên định, trung thành và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam; Cương lĩnh của Đảng luôn luôn xác định đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng; Cần phải tăng cường nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách căn bản, có hệ thống, sâu sắc; Thường xuyên bám sát thực tiễn, tổng kết lý luận, làm rõ bản chất cách mạng, khoa học và giá trị bền vững của hệ tư tưởng chính trị của Đảng. Không ngừng bổ sung, phát triển cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; đồng thời, phòng ngừa nguy cơ sai lầm về đường lối, vì điều đó không chỉ ảnh hưởng đến bản chất cách mạng của Đảng mà còn tác động xấu đến sự phát triển của đất nước và cuộc sống của nhân dân, có thể dẫn tới những tổn thất, làm chậm sự phát triển của cách mạng và đất nước, hoặc đưa cách mạng đi chệch hướng. Để ngăn ngừa nguy cơ sai lầm về đường lối, khi xây dựng đường lối Đảng cần phải nâng tầm  trí tuệ để có thể  nắm vững và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, nắm vững lý luận và vận dụng sáng tạo lý luận, chống giáo điều, rập khuôn, vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài một cách máy móc. Phải xuất phát từ thực tế hoàn cảnh, điều kiện của đất nước, phân tích đặc điểm và hoàn cảnh thực tế một cách tỉ mỉ, sâu sắc để đề ra đường lối, chính sách thích hợp.

Để xây dựng được đường lối chính trị đúng, trước hết chính đảng lãnh đạo phải xuất phát từ nền tảng tư tưởng của Đảng - những nguyên lý cơ bản của học thuyết cách mạng và khoa học - chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng sáng tạo vào đặc điểm thực tiễn của quốc gia, dân tộc trong từng giai đoạn lịch sử. Đồng thời, đường lối đó phản ánh được nguyện vọng cơ bản, chính đáng của đại đa số các giai tầng trong xã hội và phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét