Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

NHỚ BÁC, LÒNG TA TRONG SÁNG HƠN: LỜI BÁC CÒN MÃI MÃI TRONG TIM!

     Có lẽ trong chúng ta, không ai là không biết đến hình ảnh Bác Hồ ngồi ở Đền Hùng (Phú Thọ) trước đông đảo cán bộ, chiến sỹ thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong và câu nói nổi tiếng của Người: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"!

Câu nói đó đã thấm sâu vào tim óc chúng ta nhưng ít người được biết hoàn cảnh ra đời câu nói ấy của Bác.

Hôm đó, có cả anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đi cùng và Bác biết rằng, đây là một đơn vị anh hùng được giao nhiệm vụ quan trọng là vào tiếp quản Thủ đô. Lúc đó, phần lớn cán bộ sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn... đều lui về phía sau, còn dành phía trước để cho các cán bộ đại đội được ngồi quây quần xung quanh Bác.

Bác hỏi các cán bộ, chiến sỹ:
- Các chú có biết, ta đang ngồi ở đây là đâu không?
- Thưa Bác, là trước cửa Đền Hùng ạ! - Nhiều cán bộ trả lời.
- Đúng! Bác cháu ta đang ngồi trước cửa Đền Hùng, nơi thờ các vua Hùng đã có công dựng nước. Vậy thì bác cháu ta phải làm gì bây giờ đây?

Tất cả các cán bộ đều không trả lời được. Bác liền nói lên công trạng của các vua Hùng cho cán bộ, chiến sỹ ta nghe, từ thời Lạc Long Quân qua 18 đời vua Hùng dựng nước. Sau đó, Bác kết luận bằng một câu ngắn gọn: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Đấy là lời Bác nói với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong nhưng cũng chính là lời của Bác nói với tất cả chúng ta, nói với con cháu muôn đời mai sau vậy.

Nhưng trước câu nói có ý nghĩa sâu xa đó, hôm ấy, Bác Hồ còn nói nhiều chuyện với cán bộ, chiến sỹ. Bác nói về quả đấm thép của quân đội ta đã làm cho kẻ địch phải khiếp sợ, về ta đã đánh tan một đội quân hùng mạnh của đế quốc Pháp ở Điện Biên Phủ nhưng điều thấm thía nhất là Bác nói về "viên đạn bọc đường". Bác hỏi các cán bộ:
- Đường có ngọt không?
- Có ạ!
- Vậy các cháu có thích đường không?
- Có ạ!
- Chúng ta ai cũng thích đường nhưng đường ở đây là "viên đạn bọc đường". Các chú bây giờ được giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô nghĩa là từ chỗ gian lao, khổ cực nay được tiếp xúc với sự giàu sang, sung sướng, với rượu ngon, gái đẹp... Đó là những "viên đạn bọc đường" mà kẻ địch giăng ra. Vì sao lại gọi nó là "viên đạn bọc đường"? Vì nó làm cho ta sa ngã, băng hoại đạo đức, mất ý chí chiến đấu. Nó cũng nguy hiểm không kém gì viên đạn thật. Bác biết rằng, trong các chú ngồi đây, có chú còn những mảnh đạn của quân thù găm trong người. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã lập công xuất sắc, vẻ vang. Bác, Đảng và Chính phủ rất biết công lao của các chú và sẽ có phần thưởng, đãi ngộ xứng đáng nhưng Chính phủ hãy còn nghèo, còn chưa lo kịp, còn nhiều việc phải làm, có đãi ngộ đến bao nhiêu cũng chưa xứng đáng với công lao của các chú. Nhưng Bác mong rằng, những "viên đạn bọc đường" này sẽ không làm lung lay ý chí cách mạng, làm giảm sút tinh thần hăng say chiến đấu của các chú. Các chú liệu có làm được như lời Bác dặn không?
Tất cả các cán bộ lúc ấy đều đồng thanh trả lời:
- Có ạ!

Lời của Bác thật là chân tình, chí lý. Bác quả là người biết nhìn xa, trông rộng. Bác đã lường trước mọi mua chuộc, cám dỗ của "viên đạn bọc đường" mới dặn dò cán bộ, chiến sỹ ta như thế.

Ấy vậy mà sau khi vào tiếp quản Thủ đô, bộ đội ta, cụ thể là Đại đoàn quân Tiên Phong đã mất một cán bộ tiểu đoàn phó. Anh này vì nhà lầu, vợ đẹp... không chịu được gian khổ thêm nữa nên đã rời bỏ quân ngũ, vĩnh viễn không bao giờ trở lại quân đội.

Nhưng đấy chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh", còn toàn thể cán bộ, chiến sỹ thuộc Đại đoàn quân Tiên Phong đã nêu cao ý chí chiến đấu, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, không để cho "viên đạn bọc đường" làm lung lay ý chí cách mạng./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét