Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

Quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản lãnh đạo quốc phòng bảo vệ Tổ quốc

 Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, lịch sử xã hội loài người từ khi phân chia thành giai cấp và đối kháng giai cấp là lịch sử đấu tranh giai cấp. Trong cuộc đấu tranh giai cấp, giai cấp nào muốn giành và giữ quyền thống trị xã hội cũng đều phải tổ chức ra lực lượng vũ trang, tổ chức ra Quân đội, lãnh đạo Quân đội, tăng cường và xây dựng củng cố quốc phòng. Nhà nước, Quân đội, hoạt động quân sự là một hiện tượng xã hội - lịch sử gắn liền với đấu tranh giai cấp sâu sắc, không có một nền quốc phòng nào phi giai cấp.

Kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về chiến tranh, quân đội và bảo vệ Tổ quốc, V.I. Lênin khẳng định nguyên tắc cơ bản nhất là Đảng Cộng sản phải lãnh đạo chặt chẽ Quân đội, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; động viên sức mạnh toàn diện của đất nước, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, của chế độ xã hội chủ nghĩa là nguồn gốc sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc. Đây là một nguyên tắc chiến lược, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I. Lênin đã cùng Đảng Bônsêvích (sau là Đảng Cộng sản Liên Xô) lãnh đạo Nhà nước Xô Viết thành lập Hồng quân Công Nông và lực lượng an ninh cách mạng, thực hiện công cuộc phòng thủ đất nước. Người chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ, nhưng không phải cách mạng có thể biết ngay được cách tự vệ”[1], “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”[2]. V.I. Lênin khẳng định: “Không có Chính ủy thì chúng ta không có Hồng quân”[3]. Chính ủy là đại biểu của Đảng trong Hồng quân, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hồng quân. V.I. Lênin viết: “Ở đâu kỷ luật giữ nước được giữ vững nhất, ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các ủy viên chính trị làm được chu đáo nhất, thì ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong Quân đội; Quân đội đó giữ được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn; ở đấy cũng thu được nhiều thắng lợi hơn”[4].

Trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quan điểm bạo lực cách mạng và đảng phải “Tổ chức ra quân đội công nông”[5], phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

 Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”[6], vì thế con đường để giành và giữ độc lập dân tộc chỉ có thể là con đường cách mạng bạo lực; Cách mạng giải phóng dân tộc là lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, nó phải được thực hiện bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Đảng cầm quyền phải “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt”[7]; phải “Lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc”[8]; lãnh đạo kháng chiến toàn dân, bởi “Cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân”[9]. Đảng phải biết “Sử dụng các hình thức đấu tranh cách mạng tuỳ theo tình hình cụ thể của phong trào, đặc biệt là kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân lâu dài, gian khổ và anh dũng để đánh thắng quân xâm lược”[10]. Người chỉ rõ, để xây dựng quân đội cách mạng, Đảng phải lãnh đạo quân đội thật chặt chẽ, phải liên tục tăng cường công tác đảng, công tác chính trị ở mọi cấp, mọi đơn vị trong quân đội. Đặc biệt, Đảng phải thường xuyên chăm lo giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao bản lĩnh và ý chí chiến đấu, nâng cao lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đảng phải giữ vững vai trò “Lãnh đạo quân đội” trong mọi tình huống, đảm bảo cho Quân đội luôn “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[11].

phao

[1] V.I Lênin toàn tập, Tập 37, Nxb Tiến bộ, Matxkva, 1978, tr.145.

[2] V.I Lênin toàn tập, Tập 35, Nxb Tiến bộ, Matxkva, 1978, tr.480-481.

[3] V.I. Lê-nin toàn tập, bản tiếng Nga, in lần thứ 4, tập 35, tr. 330.

[4] V.I. Lê-nin tuyển tập, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1959, quyền 2, phần 2, tr. 234.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.1.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.91.

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.352.

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.771.

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.23.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.391.

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2011, tr.435.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét