Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

 

Thực trạng và giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương

(LLCT) - Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là những nội dung quan trọng trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Bài viết góp phần làm rõ cơ sở khoa học, thực trạng và giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam.


1. Cơ sở khoa học về tổ chức chính quyền địa phương

Từ rất sớm, các cộng đồng dân cư đã sinh sống tập trung trên một địa bàn lãnh thổ. Qua thời gian, sự gắn kết giữa các thành viên hình thành các đặc điểm về văn hóa, truyền thống, lịch sử, hoạt động kinh tế... của từng cộng đồng dân cư. Sự phát triển của các cộng đồng dân cư hình thành nên cộng đồng quốc gia - dân tộc. Xét về mặt lịch sử, sự quần cư ban đầu gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn nông thôn và dần mở rộng sang lĩnh vực phi nông nghiệp ở địa bàn đô thị. Nói cách khác, các đơn vị lãnh thổ - dân cư với các yếu tố tự nhiên như điều kiện địa lý và lãnh thổ ban đầu là tác nhân thu hút sự quần tụ của cộng đồng dân cư và dần dần các yếu tố xã hội như huyết thống, nghề nghiệp... gắn kết cộng đồng dân cư càng chặt chẽ.

Sự hình thành và phát triển nhà nước đòi hỏi sự quản lý thống nhất ở tính chất và quy mô lớn, xuất hiện nhu cầu phân chia đơn vị hành chính. Đây là một hiện tượng tự nhiên đối với một tổ chức lớn và phức tạp nhằm tổ chức thực hiện quyền lực của trung tâm tốt hơn. Việc chia lãnh thổ quốc gia thành các đơn vị hành chính - lãnh thổ và quản lý dân cư theo lãnh thổ là dấu hiệu cơ bản của mọi nhà nước nhằm thực hiện chức năng “chia để quản lý”.

Tùy vào điều kiện và đặc điểm của mỗi quốc gia, việc phân chia đơn vị hành chính - lãnh thổ là không giống nhau. Để phân chia lãnh thổ toàn quốc thành các đơn vị hành chính - lãnh thổ một cách khoa học, trước hết cần dựa vào tính chất của lãnh thổ. Theo đó, đơn vị hành chính - lãnh thổ của một nhà nước thường gồm hai loại có tính chất khác nhau, đó là đơn vị cơ bản mang tính tự nhiên và đơn vị trung gian mang tính nhân tạo.

Bên cạnh nền tảng là tính chất lãnh thổ trong phân chia đơn vị hành chính - lãnh thổ, các quốc gia còn chú trọng quyền tự nhiên của lãnh thổ. Quyền lãnh thổ là quyền tự có, được hình thành cùng với sự hình thành cộng đồng lãnh thổ, trong đó trung tâm là quyền cơ bản của cư dân. Theo đó, mỗi cộng đồng lãnh thổ được công nhận là một thực thể tự nhiên, có các quyền năng độc lập với các quyền của nhà nước, nó là quyền tự nhiên không thể bị giới hạn bởi bất kỳ lý do gì. Đây là cơ sở của mô hình chính quyền địa phương tự quản và chính quyền đô thị (CQĐT) ở các nước châu Âu hiện nay.

Cộng đồng lãnh thổ ở đô thị là nơi quần tụ dân cư đông đúc và phát triển mạnh các loại hình thương mại - dịch vụ, đòi hỏi các thể chế pháp lý về tổ chức và vận hành một cách hợp lý. Các đô thị hiện nay đã phát triển khá chuyên biệt và đa dạng về quy mô, chức năng, vai trò... đòi hỏi thể chế quản trị trao quyền tự chủ cao cho cộng đồng đô thị nhằm bảo đảm dân chủ và phát triển kinh tế bền vững.

Lịch sử tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước trên thế giới cho thấy, cùng với việc tổ chức chính quyền trung ương (CQTƯ), cần tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) ở các đơn vị hành chính - lãnh thổ. Khi đã tổ chức ra CQĐP, điều cần thiết để CQĐP hoạt động một cách thực chất là cần phải tiến hành xác định thẩm quyền của CQĐP. Nói cách khác, đây chính là việc phân định thẩm quyền giữa CQTƯ và CQĐP cùng các nguyên tắc, cơ chế giải quyết mối quan hệ giữa các cấp chính quyền này nhằm bảo đảm tính thống nhất và toàn vẹn của chủ quyền quốc gia, bảo đảm việc thực thi quyền lực nhà nước hiệu lực, hiệu quả, chủ động và trách nhiệm của các cấp chính quyền.

Phi tập trung xuất hiện trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa CQTƯ và CQĐP. Theo cách hiểu phổ biến, phi tập trung là sự chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nguồn lực từ trung ương cho địa phương(1). So với tập trung, phi tập trung đã trở thành xu hướng toàn cầu và được xem là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước phù hợp cho một nền quản trị tốt, hiện đại và dân chủ.

Như vậy, quản trị và vận hành cộng đồng địa phương ở Việt Nam cần nghiên cứu các cơ sở lý thuyết mang tính đa dạng nêu trên. Một khi xây dựng được cơ sở lý thuyết rõ ràng và phù hợp với yêu cầu quản trị quốc gia, quản trị địa phương, việc rà soát và điều chỉnh các quy định về tổ chức và hoạt động của CQĐP sẽ đầy đủ và toàn diện.

2. Thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam

Cho đến nay, mô hình CQĐP ở Việt Nam được thiết kế đồng nhất cho tất cả các địa bàn, các đơn vị hành chính trên phạm vi cả nước. Về cơ bản, CQĐP ở các đơn vị hành chính đều là cấp CQĐP: đều có cơ quan đại diện là Hội đồng nhân dân (HĐND) và cơ quan hành chính là Ủy ban nhân dân (UBND) (ngoại trừ mô hình CQĐT ở Thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thí điểm từ ngày 01-7-2021)(2).

Thực tiễn đồng nhất cấp chính quyền với cấp đơn vị hành chính có nguyên nhân cốt lõi từ việc xác định vị trí, tính chất và vai trò của từng loại đơn vị hành chính - lãnh thổ. Do không xác định chính xác các đơn vị hành chính - lãnh thổ nên không giải quyết được nội dung cần tổ chức bao nhiêu cấp đơn vị hành chính ở địa bàn nông thôn, bao nhiêu cấp đơn vị hành chính ở địa bàn đô thị, cấp nào có cơ quan đại diện, còn cấp nào chỉ có cơ quan hành chính. Nói cách khác, mô hình đồng nhất hiện nay đã không phân biệt các đơn vị trung gian, mang tính nhân tạo với các cộng đồng lãnh thổ cơ bản, mang tính tự nhiên.

Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp dưới là bản sao của chính quyền cấp trên. Cấp trên có cơ quan gì và hình thức hoạt động thế nào, thì ở cấp dưới cũng có cơ quan và hình thức hoạt động tương ứng. Mô hình này chịu ảnh hưởng từ mô hình tập quyền Xôviết, với các đặc trưng là chính quyền các cấp đều được tổ chức giống nhau: cấp nào cũng có cơ quan quyết nghị do người dân trực tiếp bầu ra, được xác định tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và có thẩm quyền thành lập cơ quan chấp hành cùng cấp. Theo đó, CQĐP là bộ phận cấu thành của hệ thống chính quyền nhà nước thống nhất. Mô hình như vậy nặng về sự bảo trợ hành chính của chính quyền cấp trên, hạn chế sự chủ động, sáng tạo của chính quyền cấp dưới.

Ngoài ra, tổ chức bộ máy CQĐP dù đã trải qua nhiều lần sắp xếp(3) nhưng chưa thật sự tinh gọn, chưa tương ứng với nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Pháp luật hiện hành chưa có nhiều quy định phân biệt sự khác nhau trong cơ cấu tổ chức bộ máy của UBND, các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các chức danh chuyên trách ở cấp xã. Về tổng thể, tổ chức bộ máy CQĐP chưa được hoàn thiện, vẫn cồng kềnh và tầng nấc, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Hiện nay, CQĐT được tổ chức tương ứng với đơn vị hành chính - lãnh thổ và loại đô thị được xếp tương đương với thứ bậc hành chính của lãnh thổ. Theo đó, CQĐT được tổ chức ở tất cả ba cấp hành chính - lãnh thổ một cách cào bằng, cơ học. Mô hình này tương tự mô hình CQĐP ở nông thôn, bao gồm: cấp 1 (tương đương tỉnh) là thành phố trực thuộc Trung ương; cấp 2 (tương đương huyện) là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã và thành phố thuộc thành phố; cấp 3 (tương đương xã) là phường và thị trấn.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp CQĐT về cơ bản giống nhau. Cụ thể như, thành phố trực thuộc trung ương (cấp 1) gồm 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn; quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã và thành phố thuộc thành phố (cấp 2) gồm 6 nhóm; phường, thị trấn (cấp 3) chỉ còn 5 nhóm(4). Ngoài ra, nếu so sánh với với CQĐP ở nông thôn cùng cấp thì nhiệm vụ và quyền hạn của CQĐT nhìn chung không quá khác biệt(5).

Do chưa có mô hình CQĐT phù hợp nên khi gặp vướng mắc trong quá trình hoạt động, các đô thị đều xin Trung ương cơ chế đặc thù. Gần đây, cả 05 đô thị trực thuộc Trung ương đều đã được Quốc hội ban hành các nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù. Cơ chế đặc thù của các thành phố này đòi hỏi nhiều quyền hơn về mặt hành chính - nhân sự, về huy động vốn đầu tư và được phân bổ ngân sách lớn hơn từ Trung ương. Với cơ chế đặc thù cho đô thị, cả Trung ương và địa phương đều đang hướng đến sự an toàn trong trách nhiệm(6). Hệ quả là, các đô thị thay vì tập trung vận hành chính sách để phát triển lại dành thời gian và nguồn lực cho việc xin cơ chế. Đối với Trung ương, thay vì tập trung vào chính sách vĩ mô lại vướng vào việc xem xét chấp nhận hay không một cơ chế nào đó cho các đô thị. Tình trạng “xin - cho” cơ chế đặc thù đang có xu hướng lan rộng trên cả nước(7).

Nguyên tắc thống nhất quyền lực và tập trung dân chủ vẫn chi phối đáng kể đến việc phân định thẩm quyền giữa CQTƯ và CQĐP. Thể chế pháp lý về phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương đã thể hiện sâu sắc hơn tinh thần dân chủ và đề cao hơn tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐP. Nhờ đó, CQĐP đã chủ động phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tại chỗ để phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn; khắc phục từng bước sự ỷ lại, trông chờ vào sự chỉ đạo, điều hành của Trung ương, cấp trên; phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ công chức địa phương.

Tuy nhiên, việc phân định thẩm quyền giữa CQTƯ và CQĐP vẫn còn một số hạn chế. Đó là “việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ”(8); “chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng”(9). Các quy định về phân quyền, phân cấp chủ yếu dừng lại ở nguyên tắc, thiếu vắng cơ chế và phương thức thực hiện, đặc biệt là các chế tài xử lý; khá nhiều nội dung còn mang tính đại trà, không thật cụ thể cho từng cấp chính quyền, chỉ khác về cấp độ và khu vực địa lý trong khi năng lực và nguồn lực của từng cấp chính quyền là khác nhau. Trong khá nhiều trường hợp, việc giao nhiệm vụ chưa thật gắn với quyền hạn, trách nhiệm và các điều kiện thực hiện. Phân quyền, phân cấp chủ yếu diễn ra giữa cấp trung ương với cấp tỉnh; giữa cấp tỉnh với cấp huyện, xã chưa được quan tâm thỏa đáng.

3. Giải pháp góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương

Thứ nhất, đa dạng hóa mô hình tổ chức CQĐP phù hợp với tính chất của từng loại hình đơn vị hành chính, đặc điểm của cộng đồng dân cư và yêu cầu quản trị địa phương ở từng địa bàn cụ thể. Đặc biệt, cần khẩn trương xây dựng mô hình CQĐT hiện đại và hiệu quả. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý về mô hình CQĐT. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về CQĐT, nhất là trên lĩnh vực tài chính - ngân sách, quy hoạch đô thị, xây dựng, đất đai... nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản.

Cần đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của UBND phù hợp với đặc trưng và yêu cầu của CQĐT. Với ba thành phố đang thực hiện mô hình CQĐT, UBND nên được tổ chức và hoạt động theo mô hình Thị trưởng. Bởi trên thực tế, vai trò của Chủ tịch UBND trong điều hành thường xuyên, trực tiếp các hoạt động của UBND, có tiếng nói chi phối, quyết định trong tập thể lãnh đạo UBND. Với mô hình Thị trưởng, tên gọi UBND nên đổi thành Tòa Thị chính do Thị trưởng đứng đầu, Thị trưởng có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu giúp việc. Theo đó, chức năng chủ yếu của Tòa Thị chính là quản trị đô thị, cung cấp dịch vụ công thiết yếu, triển khai thực hiện các văn bản của HĐND thành phố và chịu trách nhiệm trước HĐND thông qua cơ chế bãi miễn.

Thứ hai, tiếp tục điều chỉnh hợp lý đơn vị hành chính. Trong đó, cần chú trọng việc phân định đơn vị hành chính cơ bản, mang tính tự nhiên và đơn vị hành chính trung gian, mang tính nhân tạo. Muốn vậy, quan niệm “xã, tỉnh” ở địa bàn nông thôn và “thành phố” ở địa bàn đô thị là đơn vị hành chính cơ bản, mang tính tự nhiên. Theo đó, xác định các đơn vị hành chính này là cấp CQĐP, bao gồm hai thiết chế là HĐND và UBND. Với các đơn vị hành chính còn lại nên khẳng định là đơn vị hành chính trung gian, thực hiện một số nhiệm vụ quản trị địa phương theo sự ủy quyền của cấp trên và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn.

Thứ ba, tiếp tục sắp xếp và kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và huyện theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả. Việc sắp xếp và kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc CQĐT cần trả lời thấu đáo các câu hỏi sau: (i) dựa trên cơ sở khoa học nào? (nhằm tránh sự chủ quan, tùy tiện và duy ý chí); (ii) mục đích thật sự là gì? (nhằm xác định rõ giá trị hay lợi ích đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội); (iii) thẩm quyền quyết định việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy? (nhằm tránh tư duy nhiệm kỳ). Theo đó, giải quyết bài toán sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn phải đặt trong bối cảnh tổng thể của xây dựng CQĐT và đổi mới quản trị địa phương theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về phân định thẩm quyền giữa CQTƯ và CQĐP trong bối cảnh mới. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm liên quan trực tiếp đến các cơ quan Trung ương và CQĐP các cấp. Trước mắt, cần tập trung xác định các nhóm cơ bản: (i) công việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; (ii) công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan trung ương, nhưng được tổ chức thực hiện ở địa phương, cần có sự phối hợp với CQĐP các cấp; (iii) công việc gắn liền với nhu cầu của các địa phương, giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi địa phương thì cần phải đẩy mạnh chuyển giao cho địa phương; (iv) công việc hoàn toàn thuộc về địa phương, do CQĐP các cấp thực hiện trong khuôn khổ của chế độ tự quản địa phương(10). Việc định chế hóa các nhóm công việc nêu trên là tiền đề quan trọng trong việc bảo đảm thống nhất quản lý của CQTƯ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của CQĐP.

Thứ năm, đổi mới phương thức kiểm soát của CQTƯ đối với CQĐP. Trong đó, chú ý đến cơ chế kiểm soát tư pháp thông qua tòa án. Trước mắt, cần nghiên cứu trao cho tòa án thẩm quyền xem xét và phán quyết văn bản quy phạm pháp luật của CQĐP.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), HĐND có thẩm quyền ban hành nghị quyết, UBND có thẩm quyền ban hành quyết định. Đây là khuôn khổ pháp lý trong thực hiện thẩm quyền riêng của CQĐP và là một nội dung cần được quan tâm kiểm soát(11). Về lâu dài, cần nghiên cứu áp dụng cơ chế tài phán hành chính đối với những tranh chấp về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước ở Trung ương với CQĐP các cấp hoặc giữa các cấp CQĐP với nhau trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được các luật quy định.

Thứ sáu, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền thông minh, hướng đến chính quyền số. Trước hết, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy chính quyền điện tử, chính quyền số; chú trọng thể chế pháp lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản trị và giám sát CQĐP hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin. Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của địa phương để phục vụ chính quyền điện tử trên hạ tầng nền tảng điện toán đám mây; thực hiện chia sẻ thông tin qua hệ thống mạng giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan trong CQĐP các cấp. Sớm hình thành trung tâm thông tin và an toàn thông tin địa phương; tập trung vận hành hiệu quả cổng dịch vụ công trực tuyến, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hoạt động cung ứng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần xây dựng chính sách ưu đãi thích hợp đối với nhân lực công nghệ thông tin trong hệ thống CQĐP; tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động vận hành và phát triển công nghệ cao; bảo đảm chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm cho nhân lực công nghệ thông tin; có cơ chế thu hút nhân tài công nghệ, bồi dưỡng và tạo điều kiện tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ cao.

Như vậy, tổ chức và hoạt động của CQĐP ở Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cải cách mạnh mẽ, nhất là dưới tác động to lớn của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP nằm trong định hướng tổng thể về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận bài: 08-01-2023; Ngày bình duyệt: 08-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

 

(1) Võ Công Khôi: Phi tập trung trong quản lý nhà nước ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học (Luật học), Đại học quốc gia Hà Nội, số 3 (37) - 2021.

(2) Ngày 27-11-2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội; ngày 19-6-2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; ngày 16-11-2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

(3) Tính từ Nghị định số 171 và 172/2005/NĐ-CP đến Nghị định số 107 và 108/2020/NĐ-CP (trong vòng 15 năm), các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện đã trải qua 4 lần sắp xếp. Chưa kể việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả”, một số địa phương đã thí điểm hợp nhất cơ quan chuyên môn thuộc UBND với cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, cụ thể: Văn phòng, Nội vụ và Tổ chức, Thanh tra và Kiểm tra.

(4) Xem các Điều 38, 45, 52, 59 và 66 - Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi năm 2019).

(5) So sánh Điều 17 với Điều 38 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi năm 2019) về chính quyền tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; tương tự là Điều 24 với Điều 52, Điều 31 với Điều 59, 66 cho các cấp chính quyền còn lại.

(6) Nguyễn Thị Thiện Trí: Cơ chế đặc thù để phát triển đô thị Việt Nam: Giải pháp hay vòng luẩn quẩn, https://tiasang.com.vn/dien-dan/co-che-dac-thu-de-phat-trien-do-thi-viet-nam-giai-phap-hay-vong-luan-quan-29865, truy cập ngày 02-12-2022.

(7) Bích Liên: Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành, https://dangcongsan.vn/phap-luat/quoc-hoi-thong-qua-co-che-dac-thu-phat-trien-4-tinh-thanh-596856.html, truy cập ngày 02-12-2022.

(8) ĐCSVN: Nghị quyết số 18-NQ/W ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.89.

(10) Trần Thị Diệu Oanh: Về tác động của phân cấp quản lý đến địa vị pháp lý của chính quyền địa phương trong đổi mới tổ chức hoạt động bộ máy nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.231-234.

(11) Theo Báo cáo số 78/BC-BTP ngày 10-5-2020 về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, năm 2020, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) kiểm tra 4.702 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh, có 62 văn bản chứa đựng các quy định trái pháp luật, và 225 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày.

TS VÕ CÔNG KHÔI

Học viện Chính trị khu vực III

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét