Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: “LỰC LƯỢNG 04” VÀ NỖI KINH HOÀNG CỦA BỌN PHẢN ĐỘNG FULRO!

     Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, Nam - Bắc sum họp một nhà, non sông thu về một mối. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ dã tâm chia cắt đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, bọn phản động FULRO được “hà hơi tiếp sức” nổi dậy chống phá chính quyền, gây tội ác với nhân dân…
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 27/2/1977 về việc thành lập “Lực lượng 04” nhằm tổ chức lực lượng tham gia giải quyết vấn đề FULRO. Tham gia “Lực lượng 04” là những thanh niên trẻ, khỏe, có nhiệt huyết, có cảm tình với cách mạng ở các buôn làng Tây Nguyên với nhiệm vụ đặc biệt: Tìm và diệt FULRO. Sau thời gian được huấn luyện về vũ khí, võ thuật và kỹ năng vận động quần chúng, họ được tăng cường cho các đơn vị Công an địa phương.

Từng một thời sát cánh cùng lực lượng Công an tham gia truy quét FULRO, ông Ksor Luih (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn còn nhớ như in những tháng ngày đầy gian khổ, vất vả nhưng cũng hết sức vinh quang ấy. Câu chuyện bắt đầu bằng những thước phim quay chậm về ký ức của người đàn ông dân tộc Gia Rai này, một con người đã trải qua biết bao thăng trầm khi sát cánh cùng “Lực lượng 04” vào sinh, ra tử chống lại phản động FULRO.

Ông Ksor Luih từng là lính trinh sát Trung đoàn 95B rồi chuyển về công tác ở Tỉnh đội. Năm 1980, ông về làm Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl. Thời điểm này, xã Ia Khươl đang là điểm “nóng” hoạt động FULRO. Bọn chúng tìm cách dụ dỗ, bắt ép một số người dân đi theo, lập hành lang hoạt động, xây dựng lực lượng cốt cán nhằm chống phá chính quyền. Người dân đi làm rẫy gần rừng phải có lực lượng dân quân hay du kích cắt cử thành từng nhóm thay phiên bảo vệ. Trước tình hình trên, năm 1982, “Lực lượng 04” của xã được thành lập, do ông Ksor Luih phụ trách.

Ông Ksor Luih nhớ lại: “Đó là trận đấu súng nghẹt thở giữa “Lực lượng 04” và bọn phản động FULRO vũ trang vào một buổi chiều đầu tháng 8/1985. Sáng hôm đó, khi xã đang tổ chức đại hội Đảng thì có một người dân vừa bị FULRO bắn hụt, hớt hải chạy về báo tin. Ngay lập tức, mình cùng hàng chục anh em trong “Lực lượng 04” xách súng tìm đường lên núi theo sự chỉ dẫn của người dân. Lần theo dấu vết, đến chiều thì nhóm của mình phát hiện lán trại FULRO với khoảng 6 đến 7 tên. Lúc này, mình ra ám hiệu cho anh em tập kích bất ngờ. Tuy nhiên, khi giơ nòng súng ngắm chuẩn 1 tên trong nhóm rồi bóp cò nhưng súng không nổ. Cuộc tập kích bị lộ, 2 bên bắn nhau dữ dội. Bọn FULRO sử dụng cả súng phóng lựu M79 điên cuồng chống trả. Sau một hồi đấu súng ác liệt, nhóm của mình đã tiêu diệt được 1 tên. Những tên còn lại vội vàng rút chạy lên núi”.

Đối với Đại tá Lê Hữu Lành, nguyên Phó trưởng Phòng An ninh dân tộc Công an tỉnh Đắk Nông, khi nhắc đến “Lực lượng 04”, ông trầm ngâm nhớ lại: “Có trực tiếp tham gia chiến đấu cùng “Lực lượng 04” thì mới thấu hiểu được những gian khổ, hy sinh mà họ đã trải qua như thế nào. Điều ấn tượng của tôi đối với anh em là sự hăm hở, nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nhiều khi đi truy quét FULRO trong rừng sâu phải ăn cá khô, lá bép hàng tháng trời, sốt rét đến rụng hết cả tóc nhưng chỉ cần nghe lệnh là họ tức tốc lên đường ngay”.

Thời đó, khi đang còn là một cán bộ của Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, Lê Hữu Lành là người trực tiếp chỉ huy một nhóm “Lực lượng 04” gồm 47 đồng chí đã tổ chức nhiều trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên phản động FULRO vũ trang, thu về rất nhiều vũ khí, đạn dược. Nhưng với ông, trận đấu súng nghẹt thở giữa “Lực lượng 04” và bọn phản động FULRO tại xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk vào một ngày đầu tháng 4/1984 không thể nào quên.

Hôm đó, từ nguồn tin báo của quần chúng cho biết, một toán FULRO hơn 20 tên do Đại úy Y Ba (một ZG trưởng của lực lượng FULRO tại huyện Krông Năng) cầm đầu từ rừng ra đang tổ chức cướp phá tại một làng của người đồng bào Êđê trên địa bàn xã. Nhận lệnh chiến đấu từ cấp trên, “Lực lượng 04” lúc đó gần 30 người dưới sự chỉ huy của đồng chí Lành đã nhanh chóng tới hiện trường tổ chức đánh chặn.

“Thấy lực lượng vũ trang của ta đến, chúng đã điên cuồng chống trả, nhưng với bản lĩnh của những người lính được đào tạo bài bản, sau hơn 1 giờ đấu súng ác liệt, ta tiêu diệt được 5 tên FULRO cộm cán, thu giữ 5 khẩu AR15 và 1 khẩu M79. Riêng tên Đại úy Y Ba bị thương bỏ trốn vào rừng, ta tiếp tục truy đuổi và đến sáng hôm sau thì bắt sống được hắn khi đang tìm đường bò ra một đầm lầy để uống nước”, Đại tá Lành kể.

Cùng chung tâm trạng, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Phó Ban Chỉ đạo 04 tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ cho hay, những năm đầu sau giải phóng, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến hết sức phức tạp.

“Tại Đắk Lắk, điểm “nóng” về hoạt động của FULRO thời gian đó tập trung tại K61 (thuộc địa bàn các huyện Cư M’gar, Ea Súp, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk). Được sự tiếp tay của bọn phản động lưu vong, cùng với các loại vũ khí chiếm được sau chiến tranh, FULRO hoạt động hết sức manh động, chúng liên tục tập kích vào các buôn, làng để cướp bóc, giết hại nhân dân”, ông Quyết nhớ lại.

Ngay sau khi có Chỉ thị 04 của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo 04 tỉnh Đắk Lắk nhanh chóng được thành lập. Để thực hiện được mục tiêu này, Ban Chỉ đạo 04 cùng với các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang xắn tay giải quyết các vấn đề về đời sống ở các buôn làng, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân. Từ đó, ở các buôn làng, đồng bào các dân tộc tại chỗ đã tự nguyện kết nghĩa, phối hợp với Bộ đội, Công an và các ban, ngành, đoàn thể cùng quyết tâm chống lại tội ác của FULRO.

“Qua đó, lực lượng Công an của ta phát hiện hàng chục cơ sở ngầm của chúng, kêu gọi nhiều tướng, tá, binh lính FULRO ra hàng. Trong đó có thể kể đến nhóm sĩ quan, binh lính cộm cán FULRO gồm 9 tên do “Thiếu tướng” Nay Gúh cầm đầu đã tự nguyện ra đầu hàng để hưởng sự khoan hồng. Sau khi được cảm hóa, giáo dục, Nay Gúh cùng những người này đã nhận thức lỗi lầm, trở về với gia đình và đến nhiều buôn làng tố cáo tội ác của FULRO, phát động quần chúng nâng cao cảnh giác với bọn chúng”, ông Quyết kể.

Cũng theo ông Lê Chí Quyết, mặc dù điều kiện sinh hoạt và công tác khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng nhờ tinh thần kiên quyết đấu tranh của các lực lượng, đặc biệt là “Lực lượng 04”, ta đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.

“Từ năm 1977 - 1987, thực hiện nghị quyết của các kỳ Hội nghị Công an toàn quốc, các kế hoạch của Bộ Nội vụ, Cục nghiệp vụ, Công an các địa phương Tây Nguyên đã thực hiện nhiều chuyên án giải quyết vấn đề FULRO (khoảng 55 chuyên án). Một số chuyên án lớn qua đấu tranh đã giúp Cơ quan An ninh đánh giá, hiểu rõ hơn nội tình của FULRO, tạo những bước ngoặt trong quá trình đấu tranh, giải quyết vấn đề FULRO trên toàn địa bàn Tây Nguyên. Đến tháng 10/1992, FULRO buộc phải đầu hàng UNTAC (cơ quan quyền lực lâm thời của Liên hợp quốc tại Campuchia), chấm dứt 17 năm hoạt động chống phá cách mạng”, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhớ lại.

Giờ đây, nhiều đồng chí tham gia “Lực lượng 04” người đã qua đời, người còn lại thì già yếu. Hằng năm, Công an các địa phương đều tổ chức gặp mặt, tặng quà như một sự tri ân đối với những đóng góp, hy sinh to lớn của lực lượng này trong cuộc chiến chống lại FULRO.

“Dù chúng tôi không mang quân hàm và nhiều người trong số đó cũng không được hưởng chế độ gì, tuy nhiên, điều khiến chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào là vẫn có nhiều người thấu hiểu được những gian khổ, hy sinh mà chúng tôi đã trải qua và động viên, chia sẻ. Được vậy, chúng tôi cũng không cần gì thêm”, ông Ksor Luih tự hào nói./.
Ảnh: Ông Ksor Luih tự hào kể về những chiến công của “Lực lượng 04” .

Ảnh: Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bên những hình ảnh, kỷ vật về “Lực lượng 04”.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét