Trong công tác giáo dục, đào tạo nói chung; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phương châm “học đi đôi với hành”. Người coi việc thực hiện phương châm này là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; đồng thời là tiêu chuẩn của một đảng cách mạng chân chính. Quan điểm của Người về thực hiện “học đi đôi với hành” luôn mang giá trị thời sự để Đảng ta vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho đội ngũ cán bộ trong công cuộc đổi mới hiện nay!
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “học đi đôi với hành”
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: cán bộ là gốc của mọi công việc và muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Người xác định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; và để huấn luyện cán bộ đạt hiệu quả thì phải thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”. Đây là quan điểm mang tính phương pháp luận sâu sắc, không những có ý nghĩa chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và cả hệ thống chính trị, mà còn trong xây dựng nền giáo dục mới của nước nhà.
Trong hành trình tìm đường cứu nước đầy gian nan, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng tự học tập và thực hiện gắn kết giữa học và hành để bổ sung những kiến thức mới trong kho tàng tri thức nhân loại, nhằm mục tiêu cao nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhờ đó, Người đã vươn tầm trở thành một lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, được nhiều nhà chính trị và cả những nhà văn hóa nổi tiếng trên thế giới cảm phục, yêu mến, ngưỡng mộ bởi cả đạo đức trong sáng, mẫu mực và trí tuệ lỗi lạc, uyên bác.
Khi sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) và bắt tay vào công việc trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam, tại các lớp huấn luyện lý luận chính trị ở Quảng Châu, Trung Quốc trong những năm 1925 - 1927, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện nhất quán phương châm học đi đôi với hành. Chương trình đào tạo luôn có sự gắn kết giữa kiến thức lý luận và kiến thức thực tiễn, giữa truyền dạy lý thuyết và thảo luận, đặc biệt là thực hành, rèn luyện các kỹ năng tuyên truyền, làm báo, diễn thuyết, đi thực tế... Sau những khóa học, các học viên được đưa về nước hoạt động, thâm nhập thực tế đời sống nhân dân lao động, vận dụng những kiến thức đã học để vừa tuyên truyền, xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng; vừa tìm kiếm, chọn lựa những học viên mới đưa sang Tổng bộ Thanh niên đào tạo.
Phương pháp huấn luyện cán bộ rất hiệu quả đó của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lý giải được vì sao từ lúc ban đầu mới chỉ có 09 hội viên thì đến năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã phát triển nhanh chóng các cơ sở về trong nước, trải rộng khắp ba miền Bắc - Trung - Nam với số lượng hàng trăm hội viên và ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần hình thành nên lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Đảng thông qua, việc gắn liền giữa học và hành không chỉ là phương châm trong công tác huấn luyện cán bộ, mà còn được xác định là một trong năm nhiệm vụ (trách nhiệm) của cán bộ, đảng viên, đó là: “Phải thực hành cho được chánh sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản”. Người phê bình các cuộc hội nghị của tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ chỉ đưa ra “các lời đề nghị đều có ý mênh mông, không thấy đề nghị thế nào để tất cả đảng viên, tất cả chi bộ thảo luận và thực hành được các nghị quyết án của Trung ương; không thấy đề nghị kế hoạch thiết thực cho mỗi địa phương”.
Phương châm học đi đôi với hành tiếp tục được Nguyễn Ái Quốc chú trọng trong việc tổ chức huấn luyện cán bộ vào những năm 1941-1942 và trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ sau này. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, sự thiếu hụt cán bộ có năng lực lãnh đạo, quản lý đặt ra yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng vừa quan tâm chỉ đạo mở những lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ; vừa chú ý uốn nắn những lệch lạc trong công tác huấn luyện, học tập lý luận chính trị. Người phê phán một số cán bộ: “Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Người nhấn mạnh, người cán bộ đã đọc được sách, đã học được lý luận thì phải ra sức thực hành, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế, phải chữa bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.
Từ vai trò là một trong những phương châm chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, rồi trở thành một nhiệm vụ, trách nhiệm của người đảng viên, phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực hành được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là một trong 12 tiêu chuẩn của một đảng cách mạng chân chính: “Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, lý thuyết và thực hành, trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực hành là một chỉnh thể không thể tách rời trên thực tế của quá trình nhận thức. Sự phân định ra từng khâu trong quá trình nhận thức chỉ mang ý nghĩa tương đối, để thực hiện một cách hiệu quả, hoàn toàn không bị biệt lập.
Người nhấn mạnh: “Hiểu biết do thực hành mà ra. Hiểu biết lại trải qua thực hành mà thành lý luận. Lý luận ấy lại phải dùng vào thực hành. Sự tiến tới của hiểu biết chẳng những ở chỗ từ cảm giác tiến đến lý luận, mà cốt nhất là từ lý luận tiến đến thực hành cách mạng. Đã nắm được quy luật thế giới, thì phải dùng nó vào thực hành cải tạo thế giới, thực hành tăng gia sản xuất, thực hành giai cấp đấu tranh, dân tộc đấu tranh. Đó là quá trình liên tiếp của hiểu biết”. Vì vậy, Người phê bình những sai lầm, hạn chế xảy ra do tách rời giữa việc học và hành, lý thuyết và thực hành: “Những bệnh duy tâm, máy móc, mạo hiểm, chủ quan,v.v, đều vì tách rời điều kiện khách quan với chủ quan, tách rời lý luận với thực hành mà có”. Đây là sự cảnh báo có ý nghĩa thời sự rất cao đối với công tác lãnh đạo, quản lý nói chung; việc xây dựng chủ trương, chính sách, biện pháp nói riêng.
Trước khi về cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trăn trở dặn lại một trong những công việc cần phải làm sau ngày nước nhà thống nhất là: “Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động”. Đó là mô hình các trường học gắn liền giữa học và hành, giữa chương trình học trên lớp và thực tế đầy sinh động của cuộc sống.
2. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “học đi đôi với hành” để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, việc quán triệt, thực hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học đi đôi với hành, lý thuyết gắn kết chặt chẽ với thực hành là một yêu cầu cấp thiết đối với nền giáo dục Việt Nam nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị nói riêng. Trong thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được nêu ra từ Đại hội ĐBTQ lần thứ XI và Hội nghị Trung ương lần thứ tám, khóa XI, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học đã chỉ ra những vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết là chất lượng nền giáo dục còn thấp và lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, lạc hậu với thực tế; chương trình học vừa nặng nề, quá tải, vừa không thiết thực, nặng về truyền thụ kiến thức hàn lâm, ít chú trọng giáo dục đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống; tình trạng “hư học” nhiều hơn “thực học”; tình trạng thừa thầy, thiếu thợ; học xong mà không sử dụng được, học nghề này, nhưng khi ra trường lại làm nghề khác...
Riêng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XII đã chỉ ra một trong những hạn chế, yếu kém là: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới”. Nghị quyết xác định một trong chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII đánh giá: “Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ 20 năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”. Một trong những biểu hiện cụ thể của những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ được Nghị quyết chỉ ra là: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh”.
Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một thực tế là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về học đi đôi với hành, lý thuyết gắn kết với thực hành chưa thực sự được chú trọng đầy đủ và thực hiện nghiêm túc trong nền giáo dục nói chung, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng. Vì vậy, việc vận dụng quan điểm “học đi đôi với hành” nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay, cần chú ý những nội dung sau:
Một là, đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải thực sự quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm học đi đôi với hành mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, coi đây là một trong những nguyên tắc chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Quan điểm học đi đôi với hành phải được thể hiện nhất quán và toàn diện trong các khâu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng, từ mục tiêu, nội dung, chương trình đến tài liệu giảng dạy, học tập; phương pháp giảng dạy và học tập; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; từ cán bộ quản lý nhà trường đến giảng viên. Đặc biệt, phải chú ý làm rõ: “Người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay không? Có thực hành được ngay không?”.
Hai là, đối với học viên, khi tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng phải ý thức được học tập là để vận dụng vào thực tiễn công tác, để làm cho công tác đạt hiệu quả cao hơn. Qua quá trình vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác, mỗi người mới thực sự nắm bắt những kiến thức đã học, biến những kiến thức trong kho tàng tri thức nhân loại thành tri thức của bản thân; đồng thời trên cơ sở vận dụng những kiến thức đó trong thực tiễn để bổ sung, phát triển những tri thức mới. Mỗi người học cũng cần có ý thức rõ rằng việc tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng không phải là học tập cho xong việc, không phải vì chạy theo bằng cấp, hoặc “vì tạo cho mình một cái vốn để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”. Bởi lẽ, quá trình giáo dục chỉ thực sự đạt được kết quả khi người học nhận thức được và biến nó thành quá trình tự giáo dục. Mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn là tiền đề giúp quá trình học tập đạt hiệu quả tối ưu.
Ba là, trong quá trình học tập, đặc biệt là việc học tập lý luận chính trị, cần tránh việc học thuộc lòng câu chữ và áp dụng một cách máy móc, rập khuôn những kiến thức đã học; phải có tư duy độc lập, tự chủ để hiểu rõ, hiểu đúng các quan điểm, nguyên lý và xem xét chúng có phù hợp với tình hình mới hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”.
Bốn là, để thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành, mỗi học viên phải luôn nêu cao tinh thần khiêm tốn, không ngừng học hỏi, cầu tiến bộ, tránh chủ quan, kiêu ngạo tự phụ, tự mãn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”./.
Môi trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét