Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh - một học thuyết cách mạng vô giá của Việt Nam

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ. Đó là các tác phẩm tiêu biểu, như “Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925), “Đường Cách mệnh” (năm 1927), “Tuyên ngôn Độc lập” (năm 1945), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (năm 1946), “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (năm 1969) và bản “Di chúc” thiêng liêng bất hủ (năm 1969) được coi là những kiệt tác, những bảo vật quốc gia vô cùng quý giá. Bao trùm lên tất cả là tư tưởng Hồ Chí Minh, kết tinh của trí tuệ và tinh hoa văn hóa Việt Nam, của tinh thần yêu nước, thương dân, yêu Tổ quốc và đồng bào, yêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, yêu Đảng Cộng sản, ngọn cờ chiến đấu và chiến thắng của cách mạng Việt Nam.

Thông thường, một học thuyết (dù là triết học, kinh tế - chính trị học hay xã hội học) được xếp theo hai cấp độ: cấp độ 1 được gọi là chủ nghĩa (chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn). Cấp độ 2 được gọi là tư tưởng (tư tưởng Mao Trạch Đông; tư tưởng chủ thể Kim Nhật Thành...).

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, chủ nghĩa (triết) là học thuyết hay hệ thống lý luận về chính trị, triết học, kinh tế, văn hóa... do một người hay một tập thể đề xuất. Ví dụ: Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết cách mạng của C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin, là một hệ thống hoàn chỉnh, hữu cơ những quan điểm triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học... Tư tưởng, tuy nói ở cấp độ 2 những vẫn là học thuyết có chiều sâu và tầm nhìn xa rộng, có hàm lượng chất xám cao, có giá trị lý luận và thực tế không khác gì chủ nghĩa

Con người Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đến với cách mạng Việt Nam, với Đảng và dân tộc ta từ rất sớm, nhất là từ sau khi nước nhà giành được độc lập (năm 1945). Vị trí và vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã được xác định từ lâu. Từ khi đổi mới đến nay, rõ nhất là trong hai bản Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Với Đảng ta, Cương lĩnh là Tuyên ngôn chính trị của Đảng; là ngọn cờ chiếu đấu của Đảng và dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, là nền tảng lý luận, nền tảng tư tưởng và chính trị, định hướng cho hoạt động của chúng ta hiện tại và tương lai. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) của Đảng ghi rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng của Đảng đã hàm ý rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết cách mạng, chứ không đơn thuần là tập hợp những ý tưởng, những suy nghĩ cụ thể, riêng lẻ.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã đưa ra một định nghĩa rất chính xác, ở tầm cao: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển của các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.

Lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội XIII của Đảng là phải: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.

Vậy là, trong bốn sự kiên định đã nêu, chỉ có kiên định thứ nhất là duy nhất được đi kèm với “vận dụng và phát triển sáng tạo”. Vì sao? Vì một lẽ rất giản đơn: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một học thuyết cách mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét