Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

“VÙNG CẤM” – GIỮ VỮNG KỶ CƯƠNG, CỦNG CỐ NIỀM TIN

 

 

Chống tham nhũng là cuộc chiến cam go, thậm chí có cả hy sinh. Tham những làm xói mòn niềm tin quần chúng, kể cả đảng viên “gạo cội” cũng có lúc dao động. Còn với kẻ thù thì đây là cơ hội để chống phá nhưng với bản lĩnh và quyết tâm của Đảng, cuộc chiến này sẽ thắng!

Đến nay, dư luận vẫn chưa khỏi bàng hoàng khi trong một thời gian ngắn, Đảng đã cho thôi giữ chức đối với hai đồng chí Chủ tịch nước. Họ nghi ngờ, thậm chí mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ, đảng viên; họ đặt dấu hỏi về hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, về vấn đề kỷ luật Đảng và lo lắng cho tương lai, vận mệnh của Đảng... Đó là những câu hỏi lớn, những vấn đề hệ trọng mà dư luận đang muốn kiểm chứng bản lĩnh, năng lực lãnh đạo của Đảng?

Nói đến “niềm tin” của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên, với vấn đề kỷ luật Đảng, xin được kể câu chuyện mà tác giả là người trong cuộc: Năm ngoái tôi có dịp đi đám tang mẹ vợ của một đồng chí trong cơ quan. Ngồi nói chuyện với con gái của cụ, chị kể, bố chị năm nay 95 tuổi là đảng viên hơn 70 năm tuổi Đảng, kinh qua nhiều vị trí, nhất là từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nên khi nghe tin Chủ tịch nước thôi giữ chức vụ, ông đã không ăn uống mấy ngày liền và cũng không hề giao tiếp với ai. Về nhà tôi kể lại chuyện đó với mẹ vợ, bà cũng giật mình: Chủ tịch nước bị kỷ luật à, vì răng rứa? Ông vi phạm cái chi? Người như ông răng lại vi phạm được? (xin được nói nguyên văn giọng của bà). Rồi đến tháng 3 năm nay, tiếp tin Chủ tịch nước thôi giữ chức vụ, bà lại thảng thốt! 

Có lẽ niềm tin của những người đảng viên đã đặt trọn vào nhau nên khi mất niềm tin bà cũng đau đớn và thất vọng lắm (bà là đảng viên, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ những năm Mậu Thân 1968). Không chỉ hai nhân vật trong câu chuyện vừa kể, chúng ta biết rằng có hàng ngàn cán bộ, đảng viên khác cũng có chung cảm xúc như vậy. Còn với quần chúng thì không dám chắc rằng đa số họ đều tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Như lời kể của Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Ông nói: Tôi đã đi nói chuyện ở nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành, đến đâu quần chúng họ cũng ý kiến: Ông Phú ơi, ông đừng diễn thuyết nữa, dân họ không muốn nghe đâu, có nghe họ cũng chẳng tin đâu. Dân họ chỉ muốn thấy cán bộ, đảng viên làm được những gì, có thành tích gì bằng người thực việc thực thôi. Điều đó nói rằng niềm tin của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên không phải lúc nào cũng cao như chúng ta nghĩ.

Có nhiều người còn chặc lưỡi cho rằng, thấy đâu cũng tham nhũng, cấp nào, địa phương nào, ngành nào cũng có tham nhũng, sờ vào đâu cũng thấy sai phạm. Vậy lấy ai để chống tham nhũng và chống tham nhũng thì chống ai? Và liệu có chống được tham nhũng? 

Quần chúng ngụy biện, những kẻ tham nhũng là những kẻ có quyền, chúng đã cấu kết với nhau thành một mạng lưới rộng khắp, họ bao che và lấp liếm cho nhau vì vậy đụng đến người này sẽ ảnh hưởng đến người kia nên việc đấu tranh với loại “giặc” này không hề đơn giản (như dân gian nói: “Thù trong khó chống hơn giặc ngoài”). Họ luôn nghĩ rằng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay vô cùng khó khăn, phức tạp bởi phần lớn cán bộ, đảng viên và quần chúng “rất sợ” “rất ngại” đấu tranh. Họ không dám tin rằng cuộc chiến này sẽ đẩy lùi được tham nhũng… Vì vậy, không ít cán bộ, đảng viên hoang mang, bi quan trước công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng.

 

Quay lại câu chuyện về hai đồng chí nguyên Chủ tịch nước xin từ chức, dư luận không khỏi xôn xao, thậm chí có người mất hết niềm tin. Còn với các thế lực “bên kia chiến tuyến” thì nhân đây họ vô cùng hả hê, điên cuồng xuyên tạc, nói xấu, cổ xúy cho tệ tham ô, tham nhũng. Họ lợi dụng vào đấy để rêu rao rằng: Bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa chẳng có gì tốt đẹp, rằng cán bộ, đảng viên thì tham nhũng; rằng những người đứng đầu thì nói một đường làm một nẻo và công tác chống tham nhũng của Đảng ta chỉ mang tính hình thức, mị dân, không có sức “răn đe”…vv.

Chúng ta không ngụy biện, chúng ta cần nhìn thẳng sự thật và mạnh dạn nói với nhau rằng: Quần chúng không tin cũng không phải không có lý do. Khi mà họ nhận thức rằng trong cuộc chiến này “ai” là người đứng ra chống tham nhũng và chống tham nhũng là “chống ai”, “chống ai” khi mà những cán bộ, đảng viên đứng đầu, thậm chí là ủy viên Bộ chính trị, là bí thư …lại thiếu gương mẫu, là đối tượng tham nhũng.

Thừa nhận rằng họ suy luận như vậy cũng có chỗ hợp lý nhưng chưa đủ, còn rất phiến diện và mang cảm tính chủ quan (chưa nói là vơ đũa cả nắm). Bởi chúng ta cần phải thấu suốt và vận dụng đúng bản chất chủ nghĩa Mác - Lê nin vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của chúng ta và phải thống nhất nhận thức rằng: Một chế độ đang trong thời kỳ quá độ, nó còn mang trong mình nhiều hạn chế, khuyết tật cần phải sữa chữa, thay thế. Và cũng xem đó là một “mặt đối lập”, là “mâu thuẫn” khách quan - nguồn gốc của sự vận động và phát triển. Tham nhũng chính là vật cản, là “mâu thuẩn” cần giải quyết để thúc đẩy xã hội phát triển.

Do vậy, đấu tranh phòng chống tham nhũng là cấp thiết, kỷ luật cán bộ, đảng viên là cần thiết. Bởi theo tư tưởng của Hồ Chí Minh thì “kỷ luật” là sức mạnh của Đảng. Việc thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, quy định chính là tăng cường sức mạnh của Đảng, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Chúng ta biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến vấn đề kỷ luật và xây dựng Đảng. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải hết sức giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn đạo đức cách mạng, nghiêm túc chấp hành cương lĩnh, đường lối, nghị quyết, Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người đã đề cập rất nhiều vấn đề về giữ gìn tính kỷ luật của đảng viên phải gắn liền với việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; cán bộ, đảng viên phải có tinh thần trách nhiệm và hành động tích cực chống tham nhũng, lãng phí...

Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Và chúng ta vẫn còn nhớ vụ án tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu - Đây được xem là bản án kỷ luật đầu tiên và nặng nhất của Đảng dành cho cán bộ, đảng viên vi phạm. Tư tưởng của Người là sẵn sàng “Cắt một vài cành sâu để cứu cả cây”. Điều đó nói lên rằng, không chỉ mới đây mà vấn đề về kỷ luật từ lâu đã được Bác Hồ, được Đảng ta hết sức coi trọng. 

Vận dụng tư tưởng của Bác vào điều kiện thực tiễn hiện nay, người đứng đầu Đảng ta đã nói: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ…” trong đấu tranh chống tham nhũng. Con số thống kê dưới đây nói lên điều đó (Theo số liệu của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương): Từ năm 2013 đến 2020, cấp uỷ, Uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị) Kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỉ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Riêng năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập…

Chúng ta đã biết và thấy rồi đấy, Tổng Bí thư đã nói: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Đảng đã nhất quyết cho thôi giữ chức vụ đối với 2 vị Chủ tịch nước (Ủy viên Bộ Chính trị) thì chẳng còn ai Đảng lại “không dám”. Nhìn vào đấy, có thể khẳng định rằng: Đảng không chừa “một ai” nếu vi phạm và Đảng đã nói là làm, nói đi đôi với làm! Đảng ta không hề né tránh! Đảng sẵn sàng “kỷ luật” để làm trong sạch bộ máy, để giữ vững kỷ cương và tăng cường sức mạnh của mình.

Đó chính cơ sở, là niềm tin để chúng ta tin tưởng vào thắng lợi của cuộc chiến này. Xem những cán bộ ấy và sai phạm của họ chỉ là những “con sâu” làm rầu nồi canh mà thôi. Chúng ta tin vào chính nghĩa, vào lẽ phải, vào cái Chân - Thiện - Mỹ, như lời Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Và hãy xem những vụ việc trên chỉ là tàn tích, là mặt trái của một xã hội đang trong giai đoạn quá độ, trong thời kỳ thai nghén, nó phải trải qua những vật cản, những cuộc đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn, nhờ đó mà từng bước tự hoàn thiện mình để phát triển.

Đấy! chẳng có “vùng cấm”, chẳng có “ngoại lệ” nào cả. Đảng đã nói là làm, hãy tin vào điều đó!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét