Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Xây dựng hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh

Quán triệt tinh thần của Lênin về sức mạnh của tổ chức, trải qua các chặng đường cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng về tổ chức.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, dù Đảng phải hoạt động bí mật dưới sự lùng sục, khủng bố gắt gao của chính quyền thực dân phong kiến phản động, nhưng Đảng đã gây dựng được cơ sở cách mạng trong nhân dân, được nhân dân sẵn sàng hy sinh tính mạng để che chở, bảo vệ Đảng. Hai lần địch khủng bố, hệ thống tổ chức Đảng  bị tổn thất nặng nề (sau phong trào cách mạng 1930-1931 và sau khi thực dân Pháp phát xít hóa bộ máy chiến tranh 1939-1940), Đảng đã từng bước khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng, tiếp tục lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945.

Từ khi trở thành Đảng cầm quyền, công tác xây dựng tổ chức Đảng ngày càng được quan tâm toàn diện trên mọi mặt. Tại Đại hội II năm 1951, thế và lực cách mạng ba nước Đông Dương đã có sự chuyển biến quan trọng, Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định tách ra ba đảng, để giải quyết nhiệm vụ cách mạng của mỗi nước trong phạm vi quyền tự quyết của mỗi dân tộc. Đảng Lao động Việt Nam đã căn cứ vào đặc điểm của dân tộc Việt Nam, hoạch định Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, dẫn dắt cách mạng Việt Nam vừa tiến hành kiến quốc vừa chống ngoại xâm giành độc lập, hòa bình, thống nhất cho đất nước. Sau năm 1954, trước bối cảnh đất nước tạm thời bị chia cắt, khi đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào miền Nam Việt Nam với chiến lược chiến tranh đặc biệt, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập một bộ phận của Đảng Lao động Việt Nam để trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam - Trung ương Cục miền Nam ra đời (10-1961). Từ tháng 10-1961, Trung ương Cục miền Nam đã trực tiếp xây dựng hệ thống tổ chức Đảng đến tận cơ sở, với phương châm" dân bám đất, Đảng bám dân, du kích bám giặc", bám đất, bám làng lãnh đạo cuộc kháng chiến, đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, nhiệm vụ lịch sử đã hoàn thành, tháng 9-1975 Trung ương Cục miền Nam tự giải tán. Đến Đại hội Đảng lần thứ IV (12-1976) - đại hội đầu tiên của đất nước thống nhất, Đảng Lao động Việt Nam trở lại tên Đảng Cộng sản Việt Nam - lãnh đạo cách mạng cả nước, cho đến nay.

Từ ngày thành lập đến nay, qua 12 nhiệm kỳ đại hội, Đảng đều luôn chăm lo xây dựng Đảng về tổ chức, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Nguyên tắc đó bảo đảm cho mọi đảng viên được thảo luận và tham gia quyết định các chủ trương công tác của tổ chức Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng. Để bảo đảm thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, đòi hỏi thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tổ chức, cấp dưới phục tùng cấp trên, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Xây dựng hệ thống tổ chức Đảng phải gắn liền với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức không phải chỉ vì sự tồn tại và sức chiến đấu của bản thân tổ chức Đảng mà còn vì sự nghiệp vận động và tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện mục tiêu của cách mạng.

Đặc biệt bước vào thời kỳ đổi mới, các đại hội Đảng luôn nhấn mạnh những nội dung cơ bản trong xây dựng Đảng về tổ chức, bao gồm: Đổi mới tổ chức, bộ máy, công tác cán bộ và đổi mới đội ngũ cán bộ, kiện toàn các cơ quan lãnh đạo và quản lý; Nâng cao chất lượng đảng viên, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực; Kiện toàn, đổi mới hoạt động và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở; Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Từ kinh nghiệm của công tác xây dựng Đảng về tổ chức qua 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng (2016) đặt nhiệm vụ cụ thể là hướng mạnh vào tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở sức mạnh của hệ thống tổ chức, tinh thần kỷ luật và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét