Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên, luôn đổi mới và chỉnh đốn Đảng là quy luật phát triển của Đảng


Những thành quả vĩ đại của dân tộc Việt Nam gần 90 năm qua gắn liền với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự trưởng thành về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Đảng đã chú trọng phát triển đội ngũ đảng viên về cả số lượng và chất lượng. Về số lượng, chỉ tính từ thời điểm Đại hội VI (12-1986), toàn Đảng có 1,9 triệu đảng viên; đến Đại hội XII (1-2016), Đảng đã có hơn 4,5 triệu đảng viên.

Về chất lượng đội ngũ đảng viên: “Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo”, “Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”.Để thực hiện được điều đó, kỷ luật nghiêm minh, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên góp phần quan trọng làm nên sức mạnh của Đảng. Nguyên tắc này yêu cầu phải thực hiện nghiêm kỷ luật, Điều lệ Đảng, mọi đảng viên đều bình đẳng trước Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Người, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh toàn diện, để “thu phục” cho được đông đảo quần chúng tin Đảng và theo Đảng. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo càng được chú trọng và thể hiện trong nhiều văn kiện của Đảng. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương  Đảng khóa VIII (1998) ban hành Nghị quyết về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng thể hiện một cách đồng bộ các khâu công tác cán bộ: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ.

Đến Đại hội XII của Đảng khẳng định “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” với quyết tâm chính trị: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”

Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt cả thời cơ, nguy cơ, vận hội và thách thức đều tồn tại đan xen phức tạp, điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có tầm nhìn xa, trông rộng, phải có khả năng tổng kết những bài học lịch sử, đánh giá đúng đắn tình hình hiện tại và dự báo được tương lai để không bị động, bất ngờ.vn

Đồng thời với việc xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên "đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ", Đảng luôn luôn coi trọng công tác chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, trong điều kiện lịch sử mới phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Từ thực tiễn cách mạng thế giới, V.I.Lênin  đã từng chỉ ra rằng: “khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết những nhiệm vụ thuộc loại khác, thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua”. Ngay từ khi có chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Lênin: Xây dựng chế độ mới là “cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Do vậy, trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh rất chú trọng công tác chỉnh đốn Đảng, nhất là khi cách mạng chuyển giai đoạn, hoặc gặp những khó khăn, thách thức. Trong Di chúc (1969), Người căn dặn: sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thường xuyên chú trọng chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng với yêu cầu của đất nước trong các thời kỳ lịch sử. Ngay khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã xác định 4 nội dung cần đổi mới: ''Đảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác''. Đến Đại hội lần thứ VII của Đảng, vấn đề đổi mới Đảng gắn liền với chỉnh đốn Đảng  được đặt ra: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo”. Đại hội VIII Đảng chính thức khẳng định: “Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn… đây là quy luật phát triển của Đảng”. Từ Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011) đến Đại hội XII (2016), thể hiện quyết tâm cao của Đảng, nhằm tiếp tục: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là vấn đề sống còn của Đảng, nếu không làm được điều đó thì “sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét