Yêu thích những làn điệu hát ru, hát dân ca và nhạc cổ truyền, giữ gìn nét văn hóa dung dị song cũng rất sâu sắc, uyên bác của cha ông ta để lại, hơn 1.000 cán bộ, hội viên, chiến sĩ thuộc 38 cơ quan, đơn vị đã mang đến Liên hoan hát ru, hát dân ca và âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong phụ nữ Quân đội năm 2024 những chương trình, tiết mục dàn dựng quy mô, giàu bản sắc.
Với chủ đề “Lời ru giữ bình yên Tổ quốc”, liên hoan được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Quân đội (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) từ ngày 29-10 đến 1-11 đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả.
Tình yêu Tổ quốc từ lời hát ru, hát dân ca
Đông đảo khán giả xem phần thi của Đoàn Bộ đội Biên phòng (BĐBP) với tiểu phẩm kịch hát dân ca đậm màu sắc xứ Nghệ mang tên “Bông hồng thép” đã không cầm được nước mắt. Trong những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng của quê hương ví, giặm kết hợp với kịch hát dân ca Nghệ An, Hà Tĩnh, các “nghệ sĩ” BĐBP tái hiện hình ảnh câu chuyện kể về bộ đội Thanh-nữ cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Môn Sơn (BĐBP tỉnh Nghệ An) đã hết lòng chăm lo cho con em đồng bào dân tộc Đan Lai nơi vùng biên Tổ quốc. Cao trào của tiểu phẩm kịch dân ca là bộ đội Thanh không quản ngại hiểm nguy vượt qua mưa lũ để đi tìm một học sinh vì nhớ nhà mà bỏ ký túc xá. Bộ đội Thanh bị mưa lũ cuốn trôi, nhưng may mắn được đồng đội, bà con Đan Lai tìm thấy và cứu chữa tận tình. Khi vừa mở mắt tỉnh dậy, câu đầu tiên của bộ đội Thanh gấp gáp hỏi đồng chí của mình là đã tìm thấy em học sinh chưa?
Theo Thượng tá Đỗ Thị Hải Yến, Trợ lý phụ nữ BĐBP, “Bông hồng thép” dựa trên câu chuyện có thật của Đồn Biên phòng Môn Sơn. Nguyên mẫu là Trung tá QNCN Nguyễn Thị Trần Thanh (hiện nay chị đã chuyển sang Đồn Biên phòng Tam Hợp), đang công tác tại Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An và sinh sống cùng gia đình ở TP Vinh, nhưng đã viết đơn tình nguyện lên biên giới công tác. Đồn Biên phòng Môn Sơn cũng là một trong những đơn vị tiêu biểu của BĐBP xây dựng và duy trì mô hình ký túc xá vùng biên. Thông qua hình tượng bộ đội Thanh trong tiểu phẩm, Chương trình “Biên cương thắm mãi lời ru” của phụ nữ BĐBP đã thể hiện được nhiều mô hình hay, ấn tượng của BĐBP như: “Con nuôi đồn biên phòng”; “Ký túc xá vùng biên”; câu lạc bộ đàn hát, dân ca và âm nhạc cổ truyền; giúp đỡ nhân dân trong công tác cứu hộ, cứu nạn, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế-xã hội; tuyên truyền pháp luật, loại bỏ các hủ tục trong đồng bào các dân tộc thiểu số...
Thượng tá Đỗ Thị Hải Yến cho biết thêm, sở dĩ chọn màu sắc Quân khu 4 đi tham dự liên hoan lần này bởi các đơn vị nơi đây đang có những câu lạc bộ đàn, hát dân ca, hát ru và âm nhạc cổ truyền rất phát triển; ngoài nhiệm vụ công tác, chị em phụ nữ đã hướng dẫn nhau sưu tầm bài hát ru, hát dân ca của đồng bào các dân tộc để chuyển soạn lời mới sử dụng trong công tác tuyên truyền pháp luật, tảo hôn, phát triển kinh tế hiệu quả. Đặc biệt là nhiều chị em còn mở lớp truyền dạy, hướng dẫn phụ nữ và em nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số hát ví, giặm.
Đoàn Quân khu 7 lại mang đến chương trình với chủ đề “Đất mẹ” thông qua những câu hò, điệu lý mang nét đặc trưng của miền Nam như: Lý quạ kêu, hát ru vọng cổ, lý năm căn, lý chiều chiều, lý kéo chài... “Đất mẹ” tái hiện một không gian từ cánh rừng bạt ngàn đến đồng lúa mênh mông, chảy trôi theo dòng sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ xuôi ra biển lớn, lời ru trên đất mẹ miền Đông đã đong đầy tuổi ấu thơ con với giấc mơ thần Phù Đổng vươn mây, cùng khí thế mạnh mẽ trong "Bình Ngô đại cáo" và ánh nắng Ba Đình rực rỡ. Lời ru ấy dạy con biết chiều sâu của nhân nghĩa thủy chung, hun đúc cho bao thế hệ sẵn sàng hiến dâng đời mình viết nên tên đất nước.
Lan tỏa hồn quê
Có thể khẳng định, các đơn vị đã mang đến liên hoan nhiều tiết mục đặc sắc, phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung; có nhiều hoạt cảnh hấp dẫn, sáng tạo; có cốt truyện, nổi bật chủ đề tư tưởng, phản ánh sát thực hoạt động của phụ nữ từng cơ quan, đơn vị trong việc lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, gắn kết tình quân dân. Tiêu biểu là các kịch bản: “Vọng mãi lời ru” của Quân khu 5; “Lời ru giữ bình yên Tổ quốc” của Tổng cục Chính trị; “Câu ví giặm dâng Người” của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Lắng đọng những lời ru và khúc hát dân ca” của Quân đoàn 12; “Lời ru từ nơi gió ngàn” của Quân khu 1... Rất nhiều tiết mục đã nhận được tình cảm của khán giả bởi nội dung mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện được tình yêu thương con người và các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, Trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết, thành công của liên hoan khẳng định tính hiệu quả trong triển khai mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” trong toàn quân; tạo nên không khí sinh hoạt văn hóa, tinh thần sôi nổi, góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại các cơ quan, đơn vị, vào kết quả Phong trào Thi đua Quyết thắng, kết quả thực hiện các nhiệm vụ quân sự quốc phòng và xây dựng gia đình hạnh phúc. Liên hoan đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, sức lan tỏa sâu rộng; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét