Thôn Cộng Hòa là thôn thông minh đầu tiên ở xã Phù Linh đạt đủ các tiêu chí gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; giao tiếp thông minh; thương mại điện tử; du lịch thông minh; dịch vụ xã hội. Đồng chí Trương Ngọc Lan, Bí thư Đảng ủy xã Phù Linh phấn khởi chia sẻ: “Xây dựng thôn thông minh mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân, từ tiếp cận các dịch vụ công; thông tin, thông báo của chính quyền xã, huyện đến những giao dịch buôn bán đều trên nền tảng số chỉ qua chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn, thuận lợi, an toàn”.

Lợi ích từ thôn thông minh
Tuyến đường 4.0 ở thôn Cộng Hòa, xã Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội). 

Trước đây, ở các thôn trong xã Phù Linh, để chuẩn bị triển khai hay thông báo công việc của thôn, của xã như: Tổ chức tổng dọn vệ sinh; họp thôn; thu các loại quỹ... ngoài phát trên loa truyền thanh thôn, cán bộ phải đến nhiều hộ dân để đôn đốc, nhắc nhở. Nay có trang fanpage của thôn, xã; nhóm zalo thôn kết nối 100% hộ gia đình... mọi việc nhân dân đều tiếp cận, nắm bắt kịp thời. Đồng chí Nguyễn Phú Tòng, Bí thư chi bộ thôn Vệ Linh, xã Phù Linh cho biết: “Nhờ công nghệ mà các công việc được giảm tải hơn rất nhiều cho đội ngũ cán bộ thôn. Người dân cũng nhiệt tình tham gia vì đem lại những tiện ích trong đời sống”.

Ở xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, để xây dựng các thôn thông minh, xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, nòng cốt là lực lượng đoàn viên, thanh niên đã hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn các hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, như: Y tế, giáo dục, chính sách xã hội... Đồng chí Lê Văn Ninh, Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng cho biết: “Từ những tổ công nghệ số cộng đồng, người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu của đời sống nên hưởng ứng xây dựng thôn thông minh vì mang lại nhiều giá trị thiết thực”.

Với những lợi ích đem lại cho nhân dân từ xây dựng thôn thông minh, theo kế hoạch, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, với 90% hồ sơ công việc tại cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực... Từ những thôn thông minh, đây là tiền đề ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên toàn TP Hà Nội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là ở nông thôn.

Bài và ảnh: THÀNH AN

nguồn báo quân đội nhân dân