Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực cho thấy, từ đầu năm đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy
ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý,
trong đó có 14 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Phó Thủ tướng, nguyên
Phó Thủ tướng; 3 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 7 Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy,
thành ủy; 11 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng và tương đương; 18 Chủ tịch, nguyên
Chủ tịch UBND tỉnh; 2 Chủ tịch HĐND tỉnh; 4 Phó Bí thư, nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy…
Trong số này, nhiều quan chức cấp cao phải hầu tòa vì nhận hối lộ dưới dạng
“quà tặng, quà cảm ơn”. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, lỗi ấy do nhận
thức của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) còn hạn chế, hay là do “miếng bánh pho mát
quà tặng” lót đường đã làm cho CB, ĐV gục ngã.
Bị gục ngã khi đánh mất chữ “liêm”
Như ở bài trước đã
phân tích, chỉ rõ, việc tặng quà không còn đơn thuần là tình cảm mà đã bị lạm dụng,
biến tướng, trở thành một phương thức che đậy việc hối lộ, chạy chức, chạy quyền,
chạy dự án hay vì những mục đích chính trị khác. Như vậy, sự biến tướng của
“quà tặng” thực chất là hình thức tham nhũng, tiêu cực gián tiếp của CB, ĐV.
Chúng ta đều biết, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt
quan tâm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã ban hành nhiều
nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị,
toàn dân tổ chức thực hiện. Mặc dù có quy định cụ thể như vậy, nhưng việc lạm dụng
“quà tặng” và biến tướng thành những hình thức khác trong đời sống xã hội vẫn xảy
ra và bị che đậy dưới nhiều dạng nên rất khó phát hiện.
Trung tá, Thạc sỹ Đỗ
Văn Tân, Giảng viên khoa công tác Đảng, công tác chính trị, Học viện Phòng
không- Không quân nêu ví dụ: “Tặng quà bằng hiện vật, như tặng cây gậy đánh
golf hay chiếc đồng hồ, thoạt nghe có vẻ hết sức bình thường, nhưng giá trị lên
đến hàng tỉ đồng như thế, là không phải những món quà tặng đơn thuần. Mà đó
chính là hành vi đưa, nhận hối lộ một cách tinh vi, kín đáo. Những CB, ĐV nhận
“quà tặng”, họ biết đó là hành vi đưa nhận hối lộ, nhưng tại sao họ lại không từ
chối, theo tôi cho rằng, tất cả đều xuất phát từ lòng tham vật chất quá mức, vì
giá trị “quà tặng” quá lớn nên không dễ từ chối. Minh chứng rõ nhất, khi bị
phát hiện nhận “quà tặng”, nhưng họ không tự giác nộp lại tài sản đó. Điển hình
như trong vụ án chuyến bay giải cứu, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận
450.000 USD, được camera ghi lúc bị cáo nhận vali do cựu phó giám đốc Công an
Hà Nội gửi đến. Thế nhưng, khi khai trước tòa, bị cáo Hưng vẫn không thừa nhận
và cho rằng bên trong vali chỉ đựng 4 chai rượu ngoại”.
Qua đó cho thấy,
nguyên nhân và động cơ chủ yếu mà CB, ĐV biết sai nhưng vẫn nhận “quà tặng”, đều
xuất phát từ lòng tham, vì lợi ích cá nhân không cưỡng lại được trước sức hút của
giá trị món quà quá lớn, nên họ đã từ bỏ chữ “liêm”. Vì vậy, những CB, ĐV này
có thể làm tất cả, bất chấp mọi thủ đoạn, mọi hậu quả để đạt được dù hành vi đó
là vi phạm đạo đức, pháp luật, hay vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng.
Nói về lòng tham của
những CB, ĐV này, sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất trăn trở, đặt câu
hỏi: “Cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, có những người có thiếu thốn gì đâu,
nhưng sao mà tham thế? Chưa làm cái gì đã nghĩ đến chấm mút, nói nhỏ là chấm
mút, còn nói to là vi phạm pháp luật, bất chấp cả pháp luật, không còn xứng
đáng là đảng viên nữa…”. Như vậy, lòng tham là gốc của mọi tiêu cực, xấu xa, đã
có không ít bài học về lòng tham, ma lực của “quà tặng” khiến quan chức phải
ngã ngựa, vướng vào lao lý.
Lẽ dĩ nhiên đam mê
lợi ích vật chất không phải lúc nào cũng xấu, nhưng để lòng tham dẫn dắt, che mờ
lý trí, điều khiển, kiểm soát hành động và vì lợi ích của bản thân, rồi chà đạp
lên lợi ích của tập thể, cộng đồng và quần chúng nhân dân thì rõ ràng là không
thể chấp nhận được. Thông qua những vụ án, vụ việc liên quan đến CB, ĐV được
đưa ra ánh sáng công luận thời gian qua, nhất là các vụ án tiêu cực, tham ô,
tham nhũng cho thấy, không ít CB, ĐV đã không giữ được chữ “Liêm”, bị cuốn theo
những cám dỗ về lợi ích vật chất, bị “viên đạn bọc đường quà tặng” xuyên thủng
hàng rào đạo đức cách mạng đi thẳng đến lòng tham.
Do đó, để không mắc
phải những sai lầm đáng tiếc từ những bài học nhãn tiền, CB, ĐV luôn phải cảnh
giác với những món lợi bất minh, đứng trước những lợi ích phi nghĩa, lợi ích
không rõ ràng thì phải cương quyết không để lòng tham trỗi dậy, không để bản
thân rơi vào tình huống “há miệng mắc quai”.
Học giữ chữ
“Liêm” theo chỉ dẫn của Bác
Trong tác phẩm Cần
kiệm liêm chính với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu quốc năm 1949, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Người chỉ rõ:
“Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất
Liêm”. Người cho rằng: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao
thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương
tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. CB, ĐV phải
thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho nhân dân. Người khẳng định: “Mỗi
người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với
nước, với dân”.
Người chỉ rõ: “Liêm
của ngày xưa để chỉ “những người làm quan không đục khoét dân”, còn Liêm ngày
nay có nghĩa rộng hơn và mọi người đều phải Liêm”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Liêm là một phẩm chất đạo đức của con người, thể hiện qua lối sống trong sạch,
không hám danh, không bận tâm toan tính nhỏ nhen, ích kỷ. Người căn dặn CB, ĐV
phải “ít lòng tham muốn về vật chất”. Vì Bác biết vật chất có thể tha hóa, làm
biến chất cán bộ. Cán bộ mà tham lam, xa hoa vật chất, giàu có bất chính sẽ làm
mất lòng tin của dân chúng và khi đó, cán bộ không đủ tư cách để lãnh đạo dân
chúng làm cách mạng. Bác rất căm ghét tệ tham ô nhũng lạm, Bác cho đó là “giặc
nội xâm”, nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm. Năm 1950, giữa lúc cuộc kháng
chiến chống Pháp đang hồi quyết liệt, nhưng Bác vẫn nhất quyết cho xử tử đại
tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu về tội tham ô của công là một ví dụ điển
hình.
Chúng ta sống không
thể thiếu vật chất, nên việc lo xa phòng ngừa chuyện tác hại của vật chất là điều
hết sức hệ trọng. Hiện nay, cùng với sự phát triển của đất nước, quyền lực và vật
chất cũng không ngừng lớn lên, kéo theo sự tha hóa của vật chất đối với xã hội
và bộ máy công quyền, đội ngũ CB, ĐV cũng gia tăng hàng ngày, nhưng vì chưa có
nhiều giải pháp ngăn ngừa hiệu quả, nên đã dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc. Do
đó, cần phải xây dựng cơ chế, tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, để hạn
chế sự lộng quyền, lạm quyền.
Nhưng để thực hiện
được điều này, thì phải thực hành dân chủ rộng rãi, vì có thực hành dân chủ rộng
rãi mới không còn sự lộng quyền, lạm quyền, gây phiền hà đối với nhân dân; từ
đó, khắc phục bệnh tham ô, tham nhũng, lãng phí. Cần tăng cường, siết chặt kỷ
luật đảng, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, bởi
theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất
liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, vì chỉ khi pháp luật, kỷ
cương nghiêm minh, thì CB, ĐV mới nâng cao ý thức chấp hành, nêu gương, làm
gương.
Đồng thời, cùng với
đó, mỗi CB, ĐV cần nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện, tận tâm, tận
lực cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân,
nhất là phải đề cao trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu. CB, ĐV phải
thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân, bởi niềm tin của CB, ĐV và
nhân dân vào Đảng luôn gắn liền với niềm tin vào người đứng đầu.
Vì vậy, người đứng
đầu phải nêu gương về đạo đức, giữ gìn phẩm chất liêm khiết, công minh, chính
trực. Đảng lãnh đạo bằng “hành động gương mẫu của đảng viên”, dân có tin Đảng
hay không là phụ thuộc vào sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và sự gương mẫu của
đội ngũ đảng viên. Nếu đảng viên không gương mẫu thực hiện chủ trương, chính
sách, pháp luật, rèn luyện đạo đức, lối sống, thì các chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khó thực hiện được, thậm chí bị thực
hiện sai, khi đó, nhân dân sẽ thiếu tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính
sách, công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động của Đảng và Nhà nước. Để
phát huy tính gương mẫu, đòi hỏi CB, ĐV phải gương mẫu toàn diện, cả về tư tưởng
chính trị và đạo đức, lối sống, trong lời nói và việc làm với những hành động cụ
thể, thiết thực trên mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, trong tổ chức,
gia đình và ngoài xã hội. Khi đó chữ “liêm” mới nảy nở, phát triển trong mỗi
CB, ĐV một cách bền vững.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét