Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

 "ĐIỂM NGHẼN" CỦA "ĐIỂM NGHẼN" DO AI?

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” là “thể chế” và khẳng định: Tất cả do mình! Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm gióng lên một hồi chuông thúc giục cả hệ thống chính trị vào cuộc để bắt tay thực thi, hành động.

Thể chế pháp lý hiểu một cách ngắn gọn là những quy định và chuẩn mực pháp lý như hiến pháp, luật pháp và các chính sách. Từ đó, để Nhà nước thiết lập khung pháp lý và hướng dẫn hành vi của các cá nhân, tổ chức, nhằm bảo đảm ổn định, thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ phát triển xã hội. Suy cho cùng, thể chế do chính chúng ta đặt ra. Là những cán bộ được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao trọng trách, cùng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, soạn thảo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Sao cứ “tắc nghẽn”, gỡ chưa ra? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó năng lực xây dựng, hoàn thiện pháp luật của đội ngũ cán bộ và các cơ quan chuyên môn là nguyên nhân chủ yếu. Vì năng lực hạn chế nên chưa đánh giá sát tình hình thực tiễn, giải pháp không sát đúng, thiếu tầm nhìn. Việc lấy ý kiến từ nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học, tổ chức tọa đàm, hội thảo; tham khảo chính sách, pháp luật từ các nước phát triển... đôi khi mang tính hình thức. Từ đó, nhiều chính sách, luật mới ban hành đã “lỗi thời”, thiếu đồng bộ, chồng chéo, gây khó khăn, cản trở, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Có ý kiến cho rằng: Đều là cán bộ, công chức; cơ quan chức năng của Nhà nước, sao không thể ngồi cùng nhau, tháo gỡ những bất cập trong xây dựng chính sách, pháp luật từng ngành, từng lĩnh vực? Rồi nhiều người tự trả lời: Phải chăng có tình trạng lợi ích nhóm, tiêu cực với dạng thức “tham nhũng chính sách” một cách tinh vi giữa những người có quyền lực với cá nhân, doanh nghiệp để đạt được lợi ích riêng đang hiện hữu, dẫn tới nhiều quy định cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chưa khơi thông được nguồn lực ở trong dân.

Ở tầm hành pháp, thủ tục hành chính còn rườm rà; chậm ban hành hướng dẫn thực hiện luật; còn tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các cơ quan, ban, ngành. Việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, dẫn đến tình trạng “đổ lỗi cho nhau” hay “không ai chịu trách nhiệm”... đặt ra câu hỏi về tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức?

Để gỡ “điểm nghẽn” về thể chế là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ.

Vấn đề đặt ra là Quốc hội và Chính phủ phải có biện pháp hiệu quả để “quy tụ” những cán bộ, nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực vượt trội, một lòng tận hiến vì nước, vì dân vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật; thành lập các cơ quan chuyên môn đánh giá, thẩm định độc lập các chính sách, pháp luật trước khi ban hành; thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27-6-2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Có cơ chế sàng lọc những ai không dám làm; xử lý nghiêm những cán bộ, cơ quan, đơn vị có tư tưởng lợi ích nhóm; nhũng nhiễu dân và doanh nghiệp... Như vậy, “điểm nghẽn” thể chế mới được khơi thông, tạo đột phá để đất nước vươn mình phát triển./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét