Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Thành tựu phát triển của Việt Nam - giá trị không thể phủ nhận

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. Với kết quả này, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 xếp thứ 34 thế giới theo bảng xếp hạng của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh ở Anh (CEBR). Theo dự báo, nếu tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng thì đến năm 2038, với quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như Philippines (1.536 tỷ USD), Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thậm chí, nếu xét về GDP (PPP) hay còn gọi là GDP theo sức mua thì theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam hiện xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 25 thế giới. Theo đó, năm 2023, Indonesia là quốc gia có quy mô GDP (PPP) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 4.391 tỷ USD. Xếp thứ hai là Thái Lan với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.563 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 3 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.438 tỷ USD. Philippines xếp thứ 4 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.280 tỷ USD. Malaysia xếp thứ 5 với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 1.221 tỷ USD. GDP (PPP) Singapore đạt khoảng 759,52 tỷ USD, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2026, quy mô GDP (PPP) Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 1.833 tỷ USD, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, vượt qua Thái Lan (đạt khoảng 1.807 tỷ USD) và chỉ xếp sau Indonesia (đạt khoảng 5.402 tỷ USD).

Xét trên quy mô thế giới, đến năm 2023, quy mô GDP (PPP) Việt Nam đã xếp trên Hà Lan và Thụy Sĩ. Cụ thể, GDP (PPP) Hà Lan đạt khoảng 1.290 tỷ USD, xếp thứ 27 trên thế giới và Thụy Sĩ đạt khoảng 787 tỷ USD, xếp thứ 35 trên thế giới vào năm 2023. Cùng với đó, khoảng cách với Australia (đạt khoảng 1.724 tỷ USD, xếp thứ 20 thế giới) và Ba Lan (đạt khoảng 1.706 tỷ USD, xếp thứ 21 trên thế giới) không còn quá xa. Đến năm 2029, IMF dự báo quy mô GDP (PPP) Việt Nam (2.343 tỷ USD) vượt qua Australia và Ba Lan, xếp thứ 20 trên thế giới. 

Xét một cách toàn diện thì GDP (PPP) mang lại bức tranh kinh tế toàn diện hơn so với GDP. Bởi GDP (PPP) đo lường giá trị toàn bộ hàng hóa và dịch vụ sản xuất của một quốc gia trong một năm dựa trên sức mua của tiền tệ địa phương. GDP (PPP) thường được sử dụng để so sánh sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia và để xác định mức sống của người dân trong các quốc gia khác nhau. Nó cung cấp một cái nhìn tổng quan về khả năng mua sắm của một quốc gia và giúp đánh giá sự phát triển kinh tế và tiêu dùng của nó.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam là quốc gia còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để tăng tốc phát triển kinh tế. Do đó, những mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là hoàn toàn khả thi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét