Tại một số nơi trên thế giới, kinh tế phát triển nhưng đời sống của đại bộ phận người dân còn khó nhọc, nước phát triển nhưng dân không giàu, không sung sướng. Tại Việt Nam, khi nền kinh tế đang thăng hạng nhanh thì cùng với đó, cuộc sống người dân đã được cải thiện nhanh. Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 4-2024, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam giai đoạn 2012-2022 đã tăng hơn 2,3 lần, từ 1,99 triệu đồng/người/tháng lên 4,67 triệu đồng/người/tháng. Mỗi người Việt Nam có thể tự so sánh để cảm nhận mức sống của bản thân được nâng lên rất nhiều và toàn diện so với 5 năm, 10 năm trước. Tại các thành phố lớn, xuất hiện rất nhiều khu đô thị hạng sang. Do mức sống tăng, có tài sản tích lũy nên người Việt Nam có cơ hội đi công tác, du lịch, học tập ở các nước phát triển trên thế giới và thấy rằng, điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt tại Việt Nam không còn thua kém nhiều so với các nước trên.
Cùng với đó, Việt Nam thực hiện chính sách
phát triển bao trùm, quan tâm đến các chính sách xã hội, chăm lo người nghèo,
thúc đẩy sự phát triển của miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 2023, tỷ lệ hộ
nghèo trong cả nước chỉ còn 3,4%. Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được sửa đổi
theo hướng mở rộng về đối tượng, tăng về mức hưởng trợ cấp. Hiện nay, cả nước
có khoảng 3,356 triệu người (chiếm khoảng 3,356 % dân số) đang hưởng trợ cấp
xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Từ ngày 1-7-2024, mức chuẩn trợ cấp xã hội
tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng, tương ứng tăng 38,9% so với
mức trợ cấp trước đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét