Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022
LỜI BÁC DẠY NGÀY 03 / 8
Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo về các tác động tiêu cực của tiền điện tử
Các loại tiền kỹ thuật số và nền tảng thanh
toán thay thế mang lại cho các bên bị Mỹ trừng phạt cơ hội nắm giữ, chuyển tiền
bên ngoài hệ thống tài chính dựa trên đồng USD truyền thống. Bộ Tài chính Mỹ cho
biết việc tiền điện tử ngày càng phổ biến có thể làm suy yếu tính hiệu quả từ
các biện pháp trừng phạt
kinh tế và tài chính của
nước này, thậm chí có khả năng làm suy giảm vai trò của đồng USD.
Một báo cáo xem xét hệ thống trừng phạt của Mỹ
do Bộ Tài chính nước này công bố hôm thứ Hai đã nhận định dù các biện pháp
trừng phạt kinh tế và tài chính vẫn là một công cụ chính sách cần thiết và hiệu
quả, những công cụ đó cũng phải đối mặt với một loạt thách thức. Theo báo cáo
trên, những thách thức này bao gồm rủi ro gia tăng từ các hệ thống thanh toán
mới, việc sử dụng ngày càng nhiều tài sản kỹ thuật
số và hoạt động tội phạm mạng gia
tăng. Các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ hoạt
động bằng cách ngăn chặn các đối tượng mục tiêu - gồm các cá nhân, quan chức
chính phủ hoặc công ty - sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ. Điều này khiến
những đối tượng đó không thể kết nối với hoạt động ngân hàng hoặc thu lợi từ
thương mại ở hầu hết các địa điểm trên thế giới. Theo báo cáo, việc sử dụng các
biện pháp trừng phạt đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, với 9.421 trường
hợp bị áp đặt trong năm nay so với chỉ 912 vào năm 2000.
Tuy nhiên, báo cáo cho hay các loại tiền kỹ
thuật số và nền tảng thanh toán thay thế mang lại cho các bên bị trừng phạt cơ
hội nắm giữ, chuyển tiền bên ngoài hệ thống tài chính dựa trên đồng USD truyền
thống. Chính yếu tố đó giúp tạo động lực để họ tìm ra những cách mới che giấu
các giao dịch xuyên biên giới, đồng thời xây dựng các hệ thống tài chính và thanh
toán mới có thể làm giảm vai trò toàn cầu của đồng USD. Chính quyền đương nhiệm
của Mỹ phải sử dụng các biện pháp trừng phạt với sự phối hợp và cộng tác với
các đồng minh, tận dụng những tác động lớn hơn từ việc các nước cùng hành động.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ phải cập nhật cơ chế trừng phạt, công nghệ và lực
lượng lao động để thích ứng với các mối đe dọa ngày càng tăng từ tội phạm mạng,
mã độc tống tiền và những rủi ro khác./.
Các thủ đoạn lừa đảo giao dịch ngân hàng điện tử
Gần đây, gian lận lừa đảo giao
dịch điện tử có xu hướng ngày càng tăng, nhiều người dân “bỗng
dưng” mất tiền trong tài khoản, vì vậy các ngân hàng đồng loạt cảnh báo thủ
đoạn mới đánh cắp mã OTP để thực hiện lấy dữ liệu rồi kết nối ví điện tử, từ đó
thực hiện rút tiền qua các ví này.
Hiện một số khách hàng của Ngân hàng Thương
mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang yêu cầu thực hiện tra soát
cho các giao dịch điện tử. Chủ một thẻ visa debit (thẻ ghi nợ quốc tế) cho
biết, ngày 6/10, họ nhận được một loạt tin nhắn thông báo trừ tiền từ ngân
hàng, với tổng giá trị hơn 21 triệu đồng. Nội dung cho những phần giao dịch trừ
tiền được báo về là "Giao dịch qua POS số thẻ xxx... tại ZaloPay..."
hoặc "Giao dịch qua POS số thẻ xxx... tại SenPay...", trong khi chủ
thẻ chưa hề đăng ký hay sử dụng dịch vụ tại các ví điện tử này. Một khách hàng
khác cũng cho biết, họ có 4 giao dịch bị trừ tiền dù bản thân không giao dịch.
Trong đó 3 lần trừ tiền liên tiếp trong một ngày với tổng số tiền lên đến 31,7
triệu đồng, 2 lần thanh toán qua cổng ZaloPay; "Ngay lập tức thời điểm bị
trừ tiền mà không hề giao dịch, chủ thẻ đã ra phòng giao dịch ngay gần nhà để
báo sự việc và hỏi nguyên nhân; nhân viên phòng giao dịch tư vấn nên khoá thẻ
và khách hàng đã huỷ ngay thẻ
visa quốc tế này; Ngân hàng
nói sẽ làm tra soát trong vòng 45 ngày sẽ có câu trả lời. Trong lúc ngồi tại
quầy ngân hàng đợi thì có 3 giao dịch hoàn tiền bị rút báo về tài khoản của họ;
Nhân viên tại quầy cũng đã xác nhận, nhưng còn 1 giao dịch bị mất tiền không
thấy trả lại, nhân viên ngân hàng hứa sẽ tra soát giao dịch đó. Cũng trong tình
cảnh tương tự, một khách hàng đưa lên facebook với nội dung “Góc cầu cứu” về
việc tài khoản bất ngờ bị trừ 10 triệu đồng cho giao dịch qua ZaloPay, họ đã
liên hệ với cả hotline và chi nhánh Techcombank để khóa thẻ và thực hiện tra
soát…
Một hình thức khác nữa là kẻ lừa đảo giả mạo
nhân viên ngân hàng thông báo cho khách hàng tài khoản liên kết với ví điện tử
có vấn đề phát sinh, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, thông
tin bảo mật của tài khoản (mật khẩu, OTP, số thẻ, ngày đến hạn, CVV…) để xử lý
nhưng thực chất là trộm tiền trong ví.
Phản hồi về các vụ việc trên, đại diện
Techcombank khẳng định: “Không có tình trạng 'hack' giao dịch như các thông tin
thiếu xác thực trên mạng”. Đối với các yêu cầu tra soát từ khách hàng,
Techcombank cho biết “sẽ phối hợp cùng Tổ chức Thẻ Quốc tế để rà soát và xác
thực thông tin. Ngay khi kết quả rà soát cho thấy khách hàng không thực hiện
giao dịch, ngân hàng sẽ làm việc với các tổ chức liên quan để hoàn trả khoản
giao dịch nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng. “Techcombank luôn cố
gắng đẩy nhanh tiến trình rà soát để có thể phản hồi đến khách hàng trong thời
gian ngắn nhất, dù thời gian tra soát tối đa theo quy định từ Tổ chức Thẻ Quốc
tế Visa là 45 ngày,” đại diện Techcombank cho
hay.
Bên cạnh đó, Techcombank cho biết đối với các
thông tin được một số đối tượng lan tỏa cố ý trên mạng xã hội nhằm gây tổn hại
đến niềm tin của khách hàng với thương hiệu Techcombank, phía ngân hàng sẽ chủ
động phối hợp và cung cấp dữ liệu đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để
làm rõ trách nhiệm pháp lý của các đối tượng này.
Hồi tháng Bảy, Ngân hàng Thương mại cổ phần
Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới với
chủ tài khoản ngân hàng. Theo VietinBank, thẻ ghi nợ nội địa của ngân hàng này
hiện đã liên kết với hầu hết các ví điện tử đang hoạt động
trên thị trường hiện nay như Momo, VinID, ZaloPay, AirPay, MOCA, VNPTPay,
VNPay, ViettelPay, Payoo, SenPay, 1Pay, EcPay, OnePay Mpay… Qua thực tế, Trung
tâm Dịch vụ khách hàng VietinBank đã ghi nhận các trường hợp khách hàng phản
ánh lừa đảo thường gặp liên quan đến ví điện tử. Kẻ gian lợi dụng mời chào
khách hàng vay vốn trực tuyến qua mạng (online) rồi yêu cầu cung cấp các thông
tin, hình ảnh như chứng minh nhân dân, số thẻ ngân hàng, mật khẩu OTP… Sau khi
lấy được những thông tin này, kẻ gian thực hiện mở ví điện tử đối với khách
hàng chưa từng mở ví rồi thực hiện trộm tiền về ví điện tử và mua sắm, chuyển
qua ví điện tử khác để chiếm đoạt.
Techcombank, VietinBank các chuyên gia đều đưa
ra khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng trong việc bảo mật thông tin cá nhân,
tuyệt đối không để lộ thông tin số thẻ, ngày đến hạn và số CVV (thường ở mặt
sau) của thẻ tín dụng cho bất kỳ ai và qua bất kỳ hình thức nào (gọi điện, tin
nhắn, e-mail, Zalo, Viber, Facebook Messenger…). Ngoài ra, khách hàng không
click vào bất kỳ các đường link, website yêu cầu thực hiện đăng ký hoặc hủy
dịch vụ không rõ nguồn gốc, không nhập các thông tin bảo mật trên các đường
link, website này. Để phòng ngừa, khách hàng nên khóa thẻ/khóa chức năng thanh
toán trực tuyến trong thời gian không có nhu cầu sử dụng hoặc nếu nghi ngờ
thông tin bị lộ cần lập tức liên hệ ngân hàng để đóng thẻ và phát hành thẻ
mới./.
Gia tăng các vụ phạm tội liên quan đến tiền điện tử
Liên
quan đến tiền điện tử, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa thông báo đã tịch
thu 4.9 triệu USD tiền điện tử từ đường dây buôn bán ma túy thông
qua các trang web đen (còn gọi là Darknet). Chiến dịch quy mô lớn nói trên được
FBI phối hợp thực hiện cùng Cơ quan chống tội phạm opioid và web đen (JCODE).
Chiến dịch có sự hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bulgaria, Pháp, Đức, Italy, Hà
Lan, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ. Ngoài việc tịch thu 4,9 triệu USD tiền điện tử có liên
quan tới hoạt động mua bán ma túy, lực lượng chức năng còn bắt giữ 150 đối tượng
tình nghi cùng 26,7 triệu euro (31 triệu USD) tiền mặt, 234kg ma túy và 45 khẩu
súng. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, các vụ phạm pháp liên
quan đến tiền điện tử đã xảy ra thường xuyên hơn so với những năm trước.
Nhà
chức trách Nga phát hiện 729 dự án có dấu hiệu lừa đảo trong nửa đầu năm nay. Chỉ
trong 6 tháng đầu năm nay, nhà chức trách Nga đã phát hiện 729 dự án có dấu hiệu
lừa đảo, trong đó 146 dự án có dấu hiệu đa cấp.
Vào
tháng Sáu, Trung Quốc bắt giữ 1.100 tội phạm với cáo buộc rửa tiền; Trong tháng
Bảy, lực lượng thực thi pháp luật tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung
Quốc) đã triệt phá băng nhóm tội phạm rửa tiền bằng tiền điện tử và tịch thu
tổng tài sản lên đến 155 triệu USD. Một tháng sau đó, cảnh sát đặc khu này tiếp
tục bắt giữ 19 tội phạm đã chiếm đoạt tài sản của 150 nạn nhân. Các đối tượng
tội phạm không chỉ hoạt động trên các trang web đen không thể truy cập từ các
công cụ tìm kiếm mà còn chuyển sang các kênh khác như Dream, WallStreet, White
House, DeepSea. Thậm chí, chúng liên tục biến tướng thành các hình thức lừa đảo
tinh vi./.
Nguy cơ gia tăng khủng hoảng lương thực toàn cầu
Cuộc xung đột tại Đông Âu ảnh hưởng đến nhiều
quốc gia đang phát triển với giá lương thực tăng hơn 1% Tổng sản phẩm quốc nội
(GDP) hằng năm. Giá các mặt hàng lương thực tăng mạnh đang "càn quét"
ở nhiều nước đang phát triển kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ, trong khi một số nước giàu có hơn cũng bị
"mắc kẹt" trong vòng xoáy này. Theo báo cáo mới nhất được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 1/8, cuộc xung đột tại
Đông Âu ảnh hưởng đến nhiều quốc gia đang phát triển với giá lương thực sẽ tăng
hơn 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm, trong khi những quốc gia
khác có khả năng rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ.
WB đánh giá Liban là quốc gia chịu ảnh hưởng
nặng nề nhất sau vụ nổ kho ngũ cốc ở cảng Beirut cách đây 2 năm, làm tê liệt
khả năng dự giữ và phân phối ngô và lúa mỳ cho
6,8 triệu dân của nước này. Lạm phát lương thực tại đây tăng vọt lên mức 332%
trong 6 tháng đầu năm nay, cao hơn mức tăng 255% của Zimbabwe và 155% của
Venezuela. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 4 với tỷ lệ lạm phát lương thực là 94%. Trong
khi đó, các quốc gia Nam Á cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn do giá thực
phẩm cũng như năng lượng tăng cao và phải đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ
trợ. Tuần trước, Bangladesh đã kêu gọi IMF hỗ trợ tài chính trong bối cảnh chi
phí thực phẩm và năng lượng nhập khẩu tăng cao đe dọa làm suy yếu tài chính của
các nước Nam Á. Sri Lanka cũng đã đề nghị một gói cứu trợ từ quỹ sau khi hết
tiền mặt để mua các mặt hàng nhập khẩu quan trọng. Trong khi đó, IMF đã khôi
phục gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD cho Pakistan vào tháng Sáu vừa qua.
Giá lương thực thấp đã tạo nền tảng cho tăng
trưởng toàn cầu trong những thập niên gần đây, bù đắp chi phí cao cho các nước
đang phát triển trong việc trả nợ và nhập khẩu nhiên liệu. Tuy nhiên, WB cho
biết giá lương thực tăng mạnh trong những tháng gần đây đang ảnh hưởng đến hầu
hết các nền kinh tế, bao gồm cả những nước có thu nhập tương đối cao. Tỷ lệ các
nước thu nhập cao hứng chịu lạm phát tăng mạnh cũng gia tăng, với khoảng 78,6%
số nước này ghi nhận giá lương thực tăng vọt. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều
nhất là ở châu Phi, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Nam Á, châu Âu và Trung Á. WB cũng cảnh
báo các nhà sản xuất ngũ cốc lớn như Pháp, Tây Ban Nha và Italy cần có các biện
pháp thích hợp để đối phó với các hình thái thời tiết cực đoan do biến đổi khí
hậu gây ra nhằm duy trì năng suất cao./.
Cần cân nhắc lợi ích đóng-hưởng khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Thực trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một
lần tăng lên nhanh đóng đang rất đáng lo ngại, điều này ảnh hưởng đến cả quyền
lợi của người lao động và nỗ lực thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Đời sống khó khăn do dịch bệnh COVID-19 khiến
nhiều người lao động đã đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản
tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Một số ít người vì lợi ích trước mắt muốn
rút bảo hiểm xã hội một lần để có luôn một khoản “tiền tươi”... Thực trạng này
đang khiến số người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đặc biệt vào
thời gian gần đây tăng lên nhanh chóng. Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có
hơn 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6
tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế rất
đáng lo ngại, không chỉ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà
còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế-xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu,
nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân. Nếu
nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng
lương hưu và cấp thẻ bảo
hiểm y tế miễn phí trong
suốt thời gian hưởng lương hưu để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe khi về già - độ
tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro,
dịch bệnh như hiện nay.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng
mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng
làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; trong đó người lao động
đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã
hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội
một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình
quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và
bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm
đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao
động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội
trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội
sau năm 2014. Nếu quyền lợi được đặt lên "bàn cân” thì chính sách bảo hiểm
xã hội đem lại cho người lao động những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào
có thể so sánh được. Hiện tại, đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội
bắt buộc, mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội bằng 25% mức tiền lương hằng tháng
của người lao động, trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động
đóng 17%.
Lấy ví dụ cụ thể về cách tính mức đóng và lợi
ích được hưởng khi tham gia bảo hiểm xã hội, nếu tiền lương của người lao động
là 5 triệu/tháng thì quỹ bảo hiểm xã hội thu 1,25 triệu đồng; trong đó người
lao động đóng 400.000 đồng (32% tổng tiền đóng), người sử dụng lao động đóng
850.000 đồng (68% tổng tiền đóng). Khi tham gia bảo hiểm xã hội với việc bỏ ra
số tiền 8% tiền lương hằng tháng (32% tổng tiền đóng), người
lao động được hưởng những lợi ích bao gồm các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Chỉ tính riêng mức lương hưu
tối đa, người lao động nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là
3,75 triệu đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà người lao động phải
bỏ ra là 400.000 đồng/tháng.
Với người lao động tự do, khi tham gia bảo
hiểm xã hội tự nguyện, người lao động được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều
kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là
700.000 đồng). Với tỷ lệ đóng hằng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương
đương với 138.600 đồng (nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu
khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. Ngoài ra, người hưởng lương
hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng
tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia bảo hiểm xã
hội còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia bảo hiểm xã hội qua đời.
Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi
đã nhận bảo hiểm xã hội một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham
gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về bảo
hiểm xã hội chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân
nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần./.
Các chính sách tăng tiền lương hưu, trợ cấp vừa có hiệu lực
Từ tháng Ba, một số quy định mới về về
tiền lương hưu, trợ cấp hàng tháng và tiền lương làm căn cứ
tính các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ có hiệu lực.
Theo thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH việc điều
chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng sẽ có hiệu lực
từ ngày 15/3. Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng
7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và
trợ cấp hằng của tháng 12/2021, thời gian điều chỉnh tính từ 1/1/2022. Đối
tượng điều chỉnh gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao
động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương
hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng
tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Một chính sách tăng mức trợ cấp hàng tháng khác đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc
cũng có hiệu lực từ ngày 15/3, đó là theo thông tư 2/2022/TT-BNV, mức trợ cấp
hằng tháng cũng được điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 đối với cán bộ xã,
phường, thị trấn đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội
đồng Chính phủ và Quyết định 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng. Mức
trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh như sau: Đối với cán bộ nguyên là Bí thư
Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã: 2.473.000 đồng/tháng (Trước đây là
2.116.000 đồng/tháng); đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch,
Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký Ủy ban nhân dân, Thư ký hội đồng nhân dân
xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 2.400.000 đồng/tháng (trước đây là
2.048.000 đồng/tháng); đối với các chức danh còn lại: 2.237.000 đồng/tháng
(trước đây là 1.896.000 đồng/tháng). Chế độ quy định tại thông tư này có hiệu
lực từ 15/3/2022 và được áp dụng từ ngày 1/1/2022.
Từ ngày 1/3, Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng
dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn
lao động, bệnh nghề nghiệp có sé hiệu lực. Theo đó, tiền lương làm căn cứ thực
hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và
tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3
Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động sẽ được điều chỉnh. Tiền lương làm căn
cứ thực hiện các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính bình quân
của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh
nghề nghiệp. Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không
đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền
lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn
lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp. Mức tiền lương tháng được
xác định tuỳ theo từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực
lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân; người lao động làm việc theo hợp
đồng; người học nghề, tập nghề; người lao động trong thời gian tập việc, thử
việc.../.
Ý nghĩa vô cùng quan trọng của lương hưu
Chế độ hưu trí là cốt
lõi của chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người
lao động khi hết tuổi lao động. Lương hưu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp
người lao động đảm bảo khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ
bản và có thêm thẻ bảo hiểm y tế (được cấp miễn phí) để chăm sóc sức khỏe.
Hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện
chi trả cho gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu với số tiền hưởng gần 14.475 tỷ
đồng mỗi tháng. Mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu
đồng/tháng, cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021, cho thấy,
lương hưu là mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho người hưởng.
Theo bà Lý Hoàng Minh, Phó Trưởng phòng Hưu
trí, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), mức
hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được
điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo
cuộc sống. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã 22 lần điều chỉnh lương hưu và
trong 2 năm qua, dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19
nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022. Đối
với người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo
mức chung 7,4% nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì lại tiếp tục
được điều chỉnh (tăng thêm 200 nghìn đồng với những người có mức hưởng thấp hơn
2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ
2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng). Điều đó càng minh chứng rõ
nét chính sách của Nhà nước ta rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương
hưu.
Hệ thống chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang ngày càng được hoàn thiện phù hợp với phát
triển kinh tế-xã hội của đất nước, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia nói
chung và người nghỉ hưu nói riêng. Hiện nay, theo quy định, thời gian người lao
động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn
tới nhiều người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn nên khi hết tuổi lao
động, không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Trước
thực trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đề xuất sửa đổi Luật Bảo
hiểm xã hội năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để
được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo
điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã
hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội; tăng mức hỗ trợ
từ ngân sách nhà nước, bổ sung chế độ trợ cấp thai sản nhằm tăng tính hấp dẫn,
thu hút, tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện... Việc
đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu mà
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra về cải cách
chính sách bảo hiểm xã hội, cũng chính là để đáp ứng được nguyện vọng của đông
đảo người lao động mong muốn được hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế để
chăm lo cuộc sống, chăm sóc sức khỏe khi về già.
Không chỉ được hưởng lương hưu khi về già,
người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp
thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm
sóc sức khỏe trọn đời do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95% (cao
hơn mức hưởng trung bình của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình). Đã
có những người nghỉ hưu được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả chi phí khám, chữa
bệnh bảo hiểm y tế lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí, có những người hưởng
lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo, nan y được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả lên tới
cả tỷ đồng. Không những thế, trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương
hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với
nhiều quyền lợi.
Theo quy định hiện hành, mức lương hưu hằng
tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân
tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mức hưởng lương hưu tỷ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng
bảo hiểm xã hội. Có nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng
bảo hiểm xã hội càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn. Bảo hiểm xã hội
Việt Nam cho biết qua phản ánh của một số địa phương và qua kiểm tra tiền lương
đóng bảo hiểm xã hội tại một số đơn vị sử dụng lao động cho thấy vẫn còn tình
trạng doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương, bảng lương bằng mức thấp nhất để
đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hoặc một số doanh nghiệp và người lao
động thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng bảo hiểm
xã hội. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Do chủ sử dụng
lao động cố tình lách Luật để giảm bớt phần trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (theo quy định, trách
nhiệm đóng của chủ sử dụng lao động chiếm 2/3 tổng số tiền phải đóng bảo hiểm
xã hội của người lao động); việc giảm mức đóng bảo hiểm xã hội để tăng phần chi
trả thu nhập cho người lao động, từ đó giúp doanh nghiệp làm tăng cạnh tranh
trên thị trường lao động. Cũng có thể có nguyên nhân từ việc hoặc bản thân
người lao động chưa hiểu biết chính sách pháp luật đầy đủ, chưa nắm rõ
việc đóng bảo hiểm xã hội cao thì mức hưởng bảo hiểm xã hội sẽ cao, chỉ quan
tâm đến lợi ích trước mắt, thiếu quan tâm đến lợi ích lâu dài, chưa có ý thức
tiết kiệm, tích lũy thông qua khoản tiền đóng nảo hiểm xã hội ngay khi còn
trẻ...
Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục
thực hiện các giải pháp đồng bộ như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
việc chấp hành quy định của pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp; xử lý
nghiêm, kịp thời các vi phạm về tiền lương, bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh công tác
tuyên truyền để người lao động hiểu đúng, hiểu đủ quyền lợi của việc tham gia
bảo hiểm xã hội; nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm
y tế của chủ sử dụng lao động trong việc đóng đúng, đóng đủ bảo hiểm xã hội để
đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội lâu dài cho người lao động./.
Để bảo hiểm xã hội thực sự là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia
Bảo hiểm xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng,
là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia, như "của để
dành" mà Nhà nước dành cho người lao động, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo
đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, vẫn còn những
vấn đề đáng quan tâm, trong đó số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần tăng cao,
ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển Bảo hiểm xã hội.
Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch tác động
mọi mặt đến đời sống xã hội, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, người lao động
mất việc làm đã ảnh hưởng đến việc tham gia đóng Bảo hiểm xã hội. Số người tham
gia Bảo hiểm xã hội mặc dù có tăng (tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
là 16,1 triệu người, tăng thêm 2,6% so với năm 2019) nhưng số người tham gia
Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm tự nguyện giảm (giảm 1% so với năm 2019); mức
đóng không cao chủ yếu là mức đóng chuẩn nghèo nông thông (700.000 đồng/tháng)
mới đạt 21,3%; số tiền chậm đóng Bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng so với năm 2019.
Việc thu Bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động ở các
doanh nghiệp gặp khó nên không thể đóng bảo hiểm. Năm 2021, số tiền nợ, chậm
đóng Bảo hiểm xã hội là 15.129 tỷ đồng, trong đó nợ gốc đóng bảo hiểm xã hội
bắt buộc là 12.113 tỷ đồng (tăng 2.013 tỷ đồng so với 2019), nợ lãi chậm đóng
là 3.016 tỷ đồng (chiếm gần 20% tổng số nợ); đặc biệt số người hưởng Bảo hiểm
xã hội một lần giai đoạn 2016-2020 tăng cao tập trung từ 20-40 tuổi (chiếm
80,9% ).
Nguyên nhân là do số người hưởng Bảo hiểm xã
hội một lần tiếp tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng
tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các
doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng
chậm đóng, tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội tăng cao. Trong khi đó, nhận thức của
một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia Bảo hiểm xã
hội vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ; quy định về chính sách
chưa đủ sức hút người tham gia, thời gian đóng dài (20 năm), chưa cạnh tranh
được với các loại bảo hiểm thương mại. Dự báo có thể số người hưởng chế độ Bảo
hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.
Dư địa
từ lĩnh vực Bảo hiểm xã hội tự nguyện này rất lớn, do đó Chính phủ cần công
khai doanh nghiệp, người lao động hay chủ thể sử dụng lao động chậm nộp Bảo
hiểm xã hội, thu hồi nợ đọng và kiểm tra, giám sát đồng thời có chế tài nghiêm
khắc để thực hiện nghiêm việc đóng bảo hiểm xã hội hiện nay; đồng thời cần sớm
xem xét quy định rút ngắn thời gian để thúc người dân tham gia Bảo hiểm xã hội
tự nguyện, nhằm tạo điều kiện cho người tham gia đóng bảo hiểm.
Thiệt đơn, thiệt kép nếu nhận Bảo hiểm xã hội một lần
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong 3 tháng
đầu năm 2022 số người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 208.943
người, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó đồng nghĩa trong tương lai,
những người lao động này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hằng
tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế
miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già, hoặc nếu có thì mức hưởng lương hưu
rất thấp. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến
quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã
hội lâu dài của quốc gia khi mà những năm tới dân số nước ta đang bắt đầu già
hóa.
Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần có thể giải
quyết được một số khó khăn trước mắt, song như vậy, người lao động cũng đang
đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già, cái tuổi dễ bị tổn
thương nhất: Hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao
động. Có nhiều người đã nhận bảo hiểm xã hội một lần, sau này lại mong muốn
được nộp lại khoản tiền đã nhận, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội cho số năm
còn thiếu để hưởng lương hưu nhưng không thể giải quyết được vì pháp luật hiện
hành không có quy định theo mong muốn của người lao động.
Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 hoành hành khiến
nhiều người lao động mất việc làm, dẫn đến không có thu nhập, đa số chọn hưởng
bảo hiểm xã hội một lần vì cần có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc
sống. Một số người lao động khác lựa chọn nhận vì không hiểu được những lợi ích
của việc hưởng lương hưu so với nhận bảo hiểm xã hội một lần, cũng như tính
nhân văn, ưu việt và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng của việc tham gia bảo
hiểm xã hội.
Làm rõ những thiệt thòi khi nhận bảo hiểm xã
hội một lần nhằm giúp người lao động có lựa chọn đúng đắn cho bản thân mình,
Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu ví dụ cụ thể về trường hợp bà Nguyễn Thị B năm
2022 đủ 55 tuổi 08 tháng, đến hết năm 2019 đã tham gia bảo hiểm xã hội được 18
năm (từ năm 2002-2019). Giả định bà B thọ 76,3 tuổi (tuổi thọ trung bình theo
kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2020 về tuổi
thọ của nữ giới), không tính đến tác động của các yếu tố tỷ lệ lạm phát, tốc độ
tăng lương, lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, so sánh theo quy định chung,
nếu bà B quyết định nhận bảo hiểm xã hội một lần thì có mức hưởng là: (12 năm x
1,5 tháng lương) + (6 năm x 2,0 tháng lương) = 30 tháng lương.
Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã
được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động sẽ
không được tính thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội khác;
không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ về an sinh xã
hội; mất cơ hội tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi
với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền. Bên cạnh đó, người lao
động phải tự chi trả chi
phí khám chữa bệnh nếu không may bị
ốm đau, tai nạn trong thời gian chờ hưởng bảo hiểm xã hội một lần (12 tháng) và
bị mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động, hoặc đủ
điều kiện hưởng nhưng mức hưởng thấp do bị trừ thời gian đóng bảo hiểm xã hội
đã nhận một lần.
Trong trường hợp bà B đóng bảo hiểm xã hội
thêm 2 năm cho đủ 20 năm (đảm bảo điều kiện về số năm tham gia bảo hiểm xã hội
để được hưởng lương hưu) thì mức hưởng lương hưu nhận được trong khoảng 20 năm
là: 20 năm x 12 tháng x 45% = 108 tháng lương. Ngoài lương hưu lĩnh hằng tháng,
bà B còn được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội
bao gồm: Được điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng
và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh để
chăm sóc sức khỏe (hằng tháng quỹ bảo hiểm xã hội đóng bằng 4,5% mức lương
hưu). Đồng thời, khi bà B qua đời, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất gồm có
trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất một
lần mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng trước khi chết. Hoặc trợ
cấp tuất hàng tháng với số thân nhân được hưởng tối đa là 4 người, mức trợ cấp
tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân
nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng
70% mức lương cơ sở).
So sánh về trường hợp giả định có mức bình
quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lấy
ví dụ một người lao động có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (từ năm 2001-2020),
với mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là 4 triệu
đồng/tháng. Giả định người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2022, lương
hưu hưởng đến khi chết, không tính đến tác động của các yếu tố tỷ lệ lạm phát,
tốc độ tăng tiền lương, tỷ lệ điều chỉnh lương hưu, lãi suất đầu tư quỹ bảo
hiểm xã hội, thì lao động nam sẽ có tỷ lệ hưởng lương hưu là 45%, mức lương 1,8
triệu đồng/tháng. Tính theo tuổi thọ trung bình của nam giới là 71 tuổi (theo
kết quả công bố của Tổng cục Thống kê năm 2020) thì số tháng hưởng lương hưu
khi nghỉ hưu ở tuổi 60 tuổi 6 tháng đến khi chết là 126 tháng. Do vậy, tổng
tiền lương hưu nhận được là 226,8 triệu đồng. Cùng với số tiền mua thẻ bảo hiểm
y tế (bằng 4,5% lương hưu hằng tháng) là hơn 10,2 triệu đồng, trợ cấp mai táng
phí (10 tháng lương cơ sở) là 14,9 triệu đồng, trợ cấp tuất một lần (03 tháng
lương hưu trước khi chết) là 5,4 triệu đồng, tổng số tiền lao động nam được
hưởng từ quỹ bảo hiểm xã hội khi hưởng lương hưu là hơn 257,3 triệu đồng. Với
lao động nữ, tỷ lệ hưởng lương hưu là 55%, mức lương 2,2 triệu đồng/tháng. Tính
theo tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76,3 tuổi thì số tháng hưởng lương hưu
khi nghỉ hưu ở tuổi 55 tuổi 8 tháng đến khi chết là 247 tháng. Tổng tiền lương
hưu nhận được sẽ là: 543,4 triệu đồng. Tính cả số tiền mua thẻ bảo hiểm y tế
hơn 24,45 triệu đồng, trợ cấp mai táng phí là 14,9 triệu đồng, trợ cấp tuất 1
lần 6,6 triệu đồng, tổng số tiền được hưởng từ quỹ bảo hiểm xã hội đối với lao
động nữ khi hưởng lương hưu là hơn 589,35 triệu đồng. Trong khi đó, cả lao động
nam và nữ, giả sử có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà đủ điều kiện hưởng bảo hiểm
xã hội một lần thì số tiền nhận sẽ là: 134 triệu đồng. Tính ra, lao động nam
hưởng lương hưu sẽ lợi hơn nhận bảo hiểm xã hội một lần trên 123,3 triệu đồng
và với lao động nữ, con số này là trên 455,35 triệu đồng. Đây chỉ là ví dụ về
trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 20 năm để đủ điều kiện
hưởng lương hưu, nếu tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn thì mức hưởng sẽ cao
hơn, chưa kể đến mức hưởng lương hưu còn được điều chỉnh tăng và khi người lao
động sống càng thọ thì tiền hưởng lương hưu sẽ càng nhiều hơn.
Như vậy, có thể thấy rõ việc người lao động được
hưởng chế độ hưu trí sẽ có nhiều quyền lợi hơn lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội
một lần. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động ra
khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội và tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân,
chịu “thiệt đơn, thiệt kép”. Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị, người lao
động khi không lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có quyền bảo lưu thời
gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số
năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp
thẻ bảo hiểm y tế (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) trong suốt thời
gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khỏe khi về già.
Thời gian tới, dự kiến Luật Bảo hiểm xã hội sẽ
được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu
ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm
theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Việc
sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội theo tinh thần này, sẽ góp phần tăng mức độ
hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội (trong đó có bảo hiểm xã hội tự nguyện),
người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng
bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững
cho người lao động./.
Nhận Bảo hiểm xã hội một lần - "lợi trước mắt, hại lâu dài"
Giai đoạn 2016-2020, số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần tăng
cao, dự báo còn có thể sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo. Hơn lúc nào hết,
người lao động cần cân nhắc khi lựa chọn nhận Bảo hiểm xã hội một lần, bởi việc
nhận Bảo hiểm xã hội một lần đúng là
"lợi trước mắt, hại lâu dài".
Bảo hiểm xã hội được xem như “của để dành” mà Nhà nước dành
cho người lao động, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ
khi hết tuổi lao động. Khi nhận Bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc
người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Hầu hết những trường hợp sẽ
không tích lũy đủ thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hoặc
nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng Bảo hiểm xã hội ngắn
nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội và gia đình.
Người lao động lựa chọn hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần
không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân mà còn ảnh hưởng đến
mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền
được đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định. Bên cạnh
đó, việc nhận Bảo hiểm xã hội một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”
bởi khi lựa chọn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao
động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu như chi trả về Bảo
hiểm y tế, điều chỉnh lương hưu định kỳ, chế độ tử tuất… Nhiều người hưởng chế
độ Bảo hiểm xã hội một lần khiến độ bao phủ an sinh xã hội của Nhà nước bị
giảm, đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là đảm bảo an sinh cho mọi người dân.
Các cấp, các ngành đang nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng
Bảo hiểm xã hội một lần theo tinh thần Nghị quyết 28 đề ra trong đó hướng đến
mục tiêu bao phủ Bảo hiểm xã hội toàn dân; sửa đổi điều kiện về thời gian tham
gia Bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm
giảm số lượng người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần; điều chỉnh cách tính lương
hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng,
chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ Bảo hiểm
xã hội để đạt mục tiêu mở. Người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa
chọn nhận Bảo hiểm xã hội một lần, để không rơi vào hoàn cảnh "lợi trước mắt, hại lâu dài".
Không thể xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Sứ mệnh lịch sử (SMLS) toàn thế giới của giai cấp công nhân (GCCN) hiện đại là phát kiến vĩ đại của C.Mác. Bằng cái nhìn duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng về sứ mệnh của GCCN trong toàn bộ học thuyết của mình, song tập trung nhất là ở lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) khoa học.
Việc nghĩa thắm tình quân dân
Mới đây, chúng tôi cùng cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Thạch Hà đến xã Thạch Ngọc (Thạch Hà, Hà Tĩnh) thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Diệu.
Mẹ Diệu năm nay tròn 100 tuổi, có 7 người con thì hai con trai đầu của mẹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dù tuổi cao, sức yếu song trí óc mẹ Diệu vẫn còn minh mẫn. Siết chặt tay Thượng tá Phan Huy Tiệp, Chính trị viên Ban CHQS huyện Thạch Hà, mẹ Diệu xúc động nói: “Các cô, các chú bộ đội đến thăm mẹ, mẹ vui lắm! Mẹ được quan tâm thế này, các con của mẹ dù ở gần hay xa đều rất yên tâm, phấn khởi”.
Ban CHQS huyện Thạch Hà thăm, tặng quà ông Hồ Văn Tư, thương binh hạng 3/4 tại xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh). |
Còn bà Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1945, trú tại xã Sơn Lễ (Hương Sơn, Hà Tĩnh) rất vui khi căn nhà tình nghĩa sắp hoàn thành. Bà Hồng chia sẻ: “Tôi là thương binh hạng 4/4, chồng là bệnh binh đã qua đời. Do kinh tế khó khăn nên căn nhà cũ rộng 45m2 đã hư hỏng, xuống cấp từ lâu mà không có khả năng làm mới. Được Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh và Quân khu 4 quan tâm hỗ trợ 80 triệu đồng cùng số tiền của con cháu, tôi sắp có căn nhà mới. Quá trình thi công, địa phương và cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện thường xuyên đến kiểm tra, giúp đỡ để đẩy nhanh tiến độ. Tôi rất biết ơn vì sắp có chỗ ở khang trang, không còn nỗi lo chạy mưa, chạy nắng”.
Theo Trung tá Phạm Thanh Hùng, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh: Dịp lễ, tết và 27-7 hằng năm, Bộ CHQS tỉnh cũng như các cơ quan, đơn vị trực thuộc đều tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà đối tượng chính sách; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa; phụng dưỡng, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm; dâng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sĩ...
Từ năm 2015 đến nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã nhận phụng dưỡng 20 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện đang phụng dưỡng 6 mẹ còn sống); thăm hỏi, tặng quà gần 3.000 đối tượng chính sách với số tiền hơn 2 tỷ đồng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân hỗ trợ xây dựng 45 nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng. Bộ CHQS tỉnh cũng đã tìm kiếm, quy tập được hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thiện hàng trăm hồ sơ thương binh, liệt sĩ, bệnh binh; người tham gia dân công hỏa tuyến, báo cáo lên trên theo quy định, thực hiện chi trả kịp thời.
Đại tá Mai Ngọc Việt, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Đây là những việc làm ý nghĩa, thiết thực thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, "Ăn quả nhớ người trồng cây" đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì tự do, độc lập của dân tộc. Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh tích cực, chủ động trong tham mưu, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” để cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, chính sách quân đội và hậu phương quân đội. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong tổ chức thực hiện công tác chính sách, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân”.
Cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" đối với 3 liệt sĩ Công an hy sinh khi chữa cháy
Tối 2/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 928 về việc cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" đối với 3 liệt sĩ thuộc Bộ Công an đã hy sinh ngày 1/8/2022 trong khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam – Campuchia khi đón tiếp Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia.
Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi, chia sẻ mất mát với gia đình 3 CBCS hy sinh trong khi chữa cháy
Chiều 2/8, Đoàn công tác của Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đã đến thăm, động viên, sẻ chia nỗi đau thương, mất mát với gia đình 3 CBCS Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại quán karaoke số 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy.