Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Quá trình già hóa dân số và những tác động đến sự phát triển bền vững hiện nay - Những gợi mở chính sách cho Việt Nam

Hiện nay, tuổi thọ trung bình con người được nâng cao là thành quả tích cực trên chặng đường phát triển nhân loại; tuy vậy, đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng già hóa dân số diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp, tác động không nhỏ tới sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo đó, bối cảnh mới yêu cầu đất nước ta cần tập trung nghiên cứu, phân tích tác động toàn diện của quá trình già hóa dân số, từ đó, xây dựng, triển khai những chính sách, kế hoạch phù hợp nhằm chủ động ứng phó trong tương lai.

Về vấn đề già hóa dân số

Già hóa dân số được xem là một trong những xu hướng nổi bật của thế kỷ XXI, biểu hiện ở việc tỷ lệ người cao tuổi (NCT) gia tăng nhanh chóng, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của một quốc gia, vùng lãnh thổ cũng như trên toàn cầu. Năm 1950, thế giới mới có khoảng 200 triệu người trên 60 tuổi, đến năm 2020, có đến 727 triệu người trên 65 và theo dự báo, con số này có thể sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 (khoảng 1,5 tỷ người); ở các vùng ít phát triển hơn, độ tuổi trung vị sẽ tăng từ 26 tuổi năm 2010 lên 35 tuổi năm 2050. Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng già hóa dân số, cụ thể:

Thứ nhất, tỷ suất sinh giảm gắn với điều kiện sống ngày càng được cải thiện, điều này khiến tỷ lệ NCT tăng cao hơn hẳn so với số lượng trẻ em được sinh ra (là một phần kết quả từ các chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hóa gia đình). Theo thời gian, tổng tỷ suất sinh trung bình của một phụ nữ trên toàn cầu bị suy giảm, từ 4,9 con/phụ nữ (năm 1950) xuống còn 2,6 (năm 2010) và dự kiến chỉ còn 2,0 (năm 2050). Nguyên nhân là do xu hướng kết hôn muộn, tâm lý coi trọng không gian riêng tư ngày càng phổ biến; quá trình đô thị hóa dẫn đến khó khăn trong tìm việc làm, nhà ở, sinh hoạt và áp lực gia tăng trong cuộc sống; yêu cầu nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ ngày càng cao; các chính sách dân số của một số quốc gia tác động đến quá trình giảm sinh trong xã hội,...

Người cao tuổi ở Mỹ_Ảnh: Tư liệu

Thứ hai, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng trên toàn cầu, phần nào dẫn đến sự già đi nhanh chóng của dân số. Theo đó, tuổi thọ trung bình toàn cầu dự kiến sẽ đạt 77,2 vào năm 2050 nhờ các tiến bộ y học, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt và dinh dưỡng được cải thiện, cụ thể: Ở châu Á sẽ đạt 78 tuổi; khu vực Bắc Mỹ, châu Mỹ La-tinh, châu Âu và châu Đại Dương sẽ đạt khoảng từ 81 đến 84 tuổi; trong khi đó, mặc dù châu Phi có tuổi thọ trung bình thấp hơn mức trung bình của thế giới nhưng sẽ tăng mạnh lên 66 tuổi vào năm 2030 và gần 70 tuổi vào năm 2050.

Ở châu Âu, dự kiến đến năm 2050, khoảng 30% dân số châu Âu sẽ là NCT. Trong khi đó, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ người già nhiều nước gia tăng nhanh chóng, trong khi tỷ lệ sinh giảm, ví dụ: Dân số Nhật Bản được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong bốn thập kỷ tới (năm 2023, số người trên 75 tuổi lần đầu tiên vượt mốc 20 triệu người, số người từ 80 tuổi trở lên khoảng 12,59 triệu người, chiếm hơn 10% trong tổng dân số); tại Trung Quốc, năm 2022, quốc gia đông dân nhất thế giới chứng kiến sự sụt giảm dân số, khởi đầu giai đoạn khủng hoảng dân số (lần đầu tiên sau hơn 60 năm).

Tác động của già hóa dân số tới sự phát triển bền vững

Có thể khẳng định, nhân khẩu là một trong những yếu tố then chốt, quyết định tới quá trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, cơ cấu dân số thay đổi theo xu hướng già hóa sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện tới đời sống kinh tế - xã hội cũng như việc duy trì nguồn lực phát triển trong tương lai, cụ thể:

Về khía cạnh ổn định tình hình chính trị

Già hóa dân số có thể tạo ra sự thay đổi trong phân phối quyền lực và tác động đến cơ cấu đại diện ở các khu vực hành chính trong hệ thống chính trị, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới quyết sách mỗi chính quyền. Đặc biệt, ở các mô hình chính trị phương Tây nổi bật với hệ thống đa đảng, việc tranh thủ sự ủng hộ của cử tri luôn là bài toán mà bất cứ đảng phái nào muốn nắm quyền cũng đều phải xác định để có chính sách vận động phù hợp. Người cao tuổi được xem là nhóm cư dân có xu hướng đề cao tính ổn định, ngại thay đổi, do đó, họ thường ủng hộ các đảng phái dành sự quan tâm đối với các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi cho họ.

Về khía cạnh kinh tế

Già hóa dân số gây áp lực lên thị trường lao động và ngân sách của nhà nước, bởi khi nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động (15 tuổi - 59 tuổi) thiếu hụt, chính quyền các nước buộc phải sử dụng nhân lực lớn tuổi. Tại châu Âu, nhiều người trên 65 tuổi vẫn tham gia thị trường lao động, theo dự báo, vào năm 2030, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thiếu trên 4 triệu nhân viên y tế; tại nước Pháp, sự thiếu hụt nguồn lực lao động chính là nguyên nhân khiến Thượng viện Pháp thông qua đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu (từ 62 tuổi lên 64) bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các liên đoàn lao động; trong khi đó, tại Nhật Bản, tỷ lệ công ty tuyển dụng lao động trên 70 tuổi trong năm 2022 là 39% (gấp đôi so với năm 2012),... Tình trạng thiếu hụt lao động có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất sản xuất và đổi mới, qua đó làm giảm khả năng cạnh tranh của các quốc gia có dân số già so với các nền kinh tế khác.

Về khía cạnh quản lý, bảo đảm an sinh xã hội

Dân số già hóa khiến các nhu cầu an sinh xã hội của người cao tuổi ngày càng gia tăng, gây sức ép lớn với hệ thống y tế và ngân sách của mỗi quốc gia. Tại Nhật Bản (người trên 65 tuổi chiếm 25,1%), tỷ trọng chi tiêu an sinh xã hội trong tổng thu nhập quốc dân của nước này đã tăng từ 5,8% (năm 1970) lên 29,6% (năm 2010) ở mức 70,5 nghìn tỷ Yên (tương đương 68,1% tổng chi tiêu an sinh xã hội). Tại Việt Nam, chi phí trung bình để chăm sóc sức khỏe cho một NCT gấp 7 - 8 lần so với một người trẻ tuổi. Theo đó, với số lượng NCT tăng lên, hệ thống lương hưu và an sinh xã hội sẽ phải đối mặt với một áp lực lớn, tăng chi tiêu công để hỗ trợ NCT, nhất là những người không có nguồn thu nhập ổn định. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí xã hội, khiến nguồn lực đầu tư phát triển đối với các lĩnh vực khác bị suy giảm.

Bên cạnh đó, ở các nước phát triển, vào năm 2010, trung bình cứ 4 người trong độ tuổi lao động (15 tuổi - 64 tuổi) sẽ hỗ trợ 1 NCT (từ 65 tuổi trở lên); tuy nhiên, tỷ lệ này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 3 người trong độ tuổi lao động/NCT vào năm 2025. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, nơi các chương trình phúc lợi xã hội chưa được thiết lập tốt, thách thức đặt ra là phải đáp ứng thỏa đáng nhu cầu y tế và các nhu cầu khác ngày càng tăng của NCT trong bối cảnh kết cấu hạ tầng, nhân lực y tế cũng như chi phí khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những người có mức thu nhập thấp và trung bình.

Cùng với đó, xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ tại các nước phát triển và đang phát triển khiến dân số trẻ có mong muốn dịch chuyển về các đô thị sinh sống, NCT và trẻ nhỏ bị bỏ lại tại các vùng nông thôn. Một mặt, xu hướng này càng khoét sâu thêm khoảng cách trong phát triển giữa khu vực đô thị và nông thôn; mặt khác, người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản (xăng dầu, cửa hàng tạp hóa,...) bởi các nhà cung cấp dịch vụ tập trung về các đô thị lớn thay vì vùng sâu, vùng xa như đã diễn ra tại các nước Nhật Bản, Vương quốc Anh và Ireland. Việc đóng cửa các dịch vụ cơ bản ảnh hưởng đến điều kiện sống ở địa phương, đặc biệt là các hộ gia đình NCT và làm giảm cơ hội tương tác giữa các thành viên trong cộng đồng, phần nào khiến NCT bị cô lập về mặt xã hội. Thêm vào đó, người trẻ di cư ra thành phố khiến dân số nông thôn suy giảm, nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng bị bỏ hoang, gây lãng phí. Theo thống kê, vào năm 2019, 13,6% số ngôi nhà ở nông thôn Nhật Bản bị bỏ trống và con số này đã tăng lên tới 20% ở một số tỉnh và được dự báo còn tiếp tục gia tăng; hơn 25% người từ 65 tuổi trở lên sống cô độc; ước tính mỗi năm có khoảng 30.000 trường hợp qua đời một mình tại nhà, không được phát hiện trong vài ngày hoặc nhiều tuần. Đối với các xã hội phương Đông, nơi chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, việc con cái phụng dưỡng cha mẹ cũng gây áp lực, căng thẳng lên các thế hệ thanh niên, có thể dẫn đến hành vi ngược đãi NCT, nhiều người già có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Mặt khác, NCT thường có sức khỏe thể chất, tinh thần suy giảm, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, di chuyển, phần nào khiến họ có thể bị cô lập về mặt xã hội, khó tiếp cận các dịch vụ an sinh, thậm chí dễ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, nhất là lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Theo thống kê của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), năm 2021, người dân Mỹ đã mất hơn 1 tỷ USD vì lừa đảo qua mạng; phần lớn nạn nhân là phụ nữ trên 40 tuổi góa chồng hoặc ly dị và người già yếu hoặc tàn tật. Ở Đông Nam Á, nghiên cứu của nhà khoa học Kaspersky vào tháng 2-2023 cho thấy, gần một nửa người dùng từng là nạn nhân của các cuộc lừa đảo qua mạng; trong đó, tỷ lệ nạn nhân tập trung vào 2 nhóm lớn tuổi nhất (chiếm 33%).

Về khía cạnh văn hóa

Ở cấp độ quốc gia, già hóa dân số gây ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực lao động khiến nhiều nước phải điều chỉnh chính sách nhập cư, thuê lao động nước ngoài dẫn tới việc hình thành các nhóm lao động có sự khác biệt về văn hóa đối với cư dân bản địa. Mặt khác, nguồn lao động nhập cư quá lớn có thể dẫn tới tình trạng văn hóa ngoại lai xâm nhập, áp đảo văn hóa bản địa; đồng thời lượng NCT tăng, tỷ lệ sinh giảm sẽ gây ra khó khăn trong việc truyền tiếp các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ sau, nguy cơ xảy ra tình trạng đứt gãy văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới bản sắc và sự phát triển bền vững của mỗi cộng đồng dân tộc. Trường hợp của các vùng nông thôn Nhật Bản cho thấy thực trạng nghiêm trọng trong quá trình chuyển giao kiến thức truyền thống qua nhiều thế hệ, khi những cư dân lớn tuổi không thể chuyển giao kiến thức của họ cho thế hệ trẻ vì cộng đồng của họ ngày càng có ít người trẻ hơn. Thậm chí, ngay cả khi một số thanh niên vẫn sinh sống ở các cộng đồng nông thôn, nhiều người trong số họ không tham gia vào nghề nông hoặc các nghề truyền thống khiến việc chuyển giao các tri thức truyền thống càng trở nên khó khăn hơn.

Về khía cạnh bảo vệ quốc phòng - an ninh

Già hóa dân số tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với vấn đề quốc phòng - an ninh, ví dụ: Việc tuyển quân và tuyển dụng nhân lực vào quân đội, lực lượng vũ trang sẽ bị giảm sút, hao hụt, khó khăn; khi xảy ra chiến tranh sẽ rất nghiêm trọng (điển hình tại Nga và Ukraine hiện nay, cả hai nước đều rất khó tuyển quân bổ sung cho lực lượng vũ trang để bảo vệ đất nước). Tại Hàn Quốc, vấn đề già hóa dân số cùng tỷ lệ sinh thấp khiến lực lượng vũ trang khó duy trì đủ quân số để đối phó với các mối đe dọa an ninh; giai đoạn 2002 - 2022, quy mô quân đội quốc gia này giảm đến 27,6% khiến họ phải áp dụng phương án kéo dài thời gian tại ngũ của quân nhân, đồng thời Chính phủ Hàn Quốc cũng tính toán biện pháp tuyển nữ giới vào quân đội.

Một số gợi mở cho Việt Nam để chủ động ứng phó với già hóa dân số, hướng tới phát triển bền vững

Kể từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", đến năm 2011, nước ta nằm ở giai đoạn “già hóa dân số”; năm 2023, dân số Việt Nam đạt 104,065 triệu người, trong đó, khoảng 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 15,54% dân số (dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 25%); đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già. Quá trình già hóa dân số tại Việt Nam có nhiều tác động tiêu cực, dự báo trực tiếp làm giảm 2,6 điểm phần trăm GDP vào năm 2030 và 5,4 điểm phần trăm GDP vào năm 2045. Theo đó, để có thể chủ động ứng phó tốt với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức toàn diện về vấn đề già hóa dân số, xem đây vừa là kết quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, song cũng là thách thức đặt ra đối với sự phát triển bền vững đất nước. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xóa bỏ định kiến xã hội về NCT; xác định vị thế, vai trò và nguồn lực NCT tại Việt Nam, là đối tượng có đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như duy trì vững chắc thể chế, chế độ chính trị và bảo vệ quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, bản thân NCT cũng cần thay đổi nhận thức, tích cực phát huy hơn nữa kinh nghiệm, cống hiến đối với công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; chủ động duy trì, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bản thân.

Người cao tuổi gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thứ hai, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách phù hợp, toàn diện nhằm đề cao và phát huy vai trò nguồn lực NCT. Luật Người cao tuổi năm 2009 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta với vấn đề già hóa dân số từ sớm, tuy nhiên, Luật đã bộc lộ một số khoảng trống, nội dung cần điều chỉnh, như việc căn cứ vào độ tuổi từ 60 trở lên được coi là NCT đến nay có sự bất cập, chưa theo kịp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nên cần tính toán điều chỉnh chỉ số này thời gian tới. Trong khi đó, Quyết định số 1679/QĐ-TTg, ngày 22-11-2019, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030” xác định mục tiêu thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe, bảo đảm thu nhập, tạo môi trường sống thân thiện nhưng chưa chú trọng đến khía cạnh đời sống văn hóa, tinh thần cho NCT. Như vậy, các chính sách, chiến lược quốc gia cần hướng tới tinh thần già hóa chủ động, tích cực; phải chuẩn bị ngay từ thế hệ trẻ để bảo đảm nước ta có dân số già và khỏe mạnh, giảm áp lực cho hệ thống y tế và an sinh xã hội trong tương lai; bảo đảm tỷ lệ sinh thay thế, góp phần giữ vững sự liên kết, tiếp nối giữa các thế hệ.

Thứ ba, tăng cường giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế với các quốc gia đã thực hiện thành công quá trình già hóa dân số tích cực trên thế giới. Có thể nói, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra muộn hơn các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhưng tốc độ già hóa lại nhanh hơn, diễn biến phức tạp hơn, bởi nước ta vẫn là nước đang phát triển. Do đó, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia đi trước sẽ giúp Việt Nam có sự chuẩn bị cần thiết để phát huy tối đa cơ hội, giảm thiểu các hạn chế, tác động đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong thời kỳ già hóa dân số.

Thứ tư, khai thác, tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu các thách thức do tình trạng già hóa dân số đem lại trong phát triển bền vững đất nước thông qua bố trí công việc phù hợp với điều kiện chuyên môn, sức khỏe để NCT phát huy hết khả năng, truyền lại các kiến thức, kinh nghiệm quản lý, sản xuất,... cho thế hệ sau. Cần xây dựng ngành “kinh tế bạc”, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu đang ngày càng gia tăng của NCT; nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thân thiện với NCT trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay./.

ST.

PHÁT TRIỂN, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG BỐI CẢNH CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ


Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước ta càng đặc biệt coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Vai trò quyết định của nguồn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Ông cha ta thường căn dặn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. C. Mác cho rằng, con người là yếu tố số một của lực lượng sản xuất. Nhà tương lai học người Mỹ, Alvin Toffler nhấn mạnh vai trò của lao động trí thức: “Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất; chỉ có trí tuệ của con người thì khi sử dụng không những không mất đi mà còn lớn lên”(1).

Giữa nguồn lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất - kỹ thuật, khoa học - công nghệ,... có mối quan hệ nhân - quả với nhau, nhưng trong đó nguồn nhân lực được xem là năng lực nội sinh chi phối các nguồn lực khác và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. So với các nguồn lực khác, nguồn nhân lực với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý; còn các nguồn lực khác dù nhiều đến đâu cũng chỉ là yếu tố hữu hạn và chỉ phát huy được tác dụng khi kết hợp với nguồn nhân lực một cách có hiệu quả. Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác; trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Thực tế chứng minh rằng, một quốc gia có thể không giàu về tài nguyên, điều kiện thiên nhiên không mấy thuận lợi, nhưng kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững nếu quốc gia đó biết đề ra đường lối kinh tế đúng đắn, biết tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó; với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ trí thức xứng tầm; lực lượng công nhân kỹ thuật tay nghề cao, đông đảo và có các doanh nhân tài ba.

Trong thế giới hiện đại, khi chuyển dần sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức và trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao đều phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là những người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo nhằm trở thành “nguồn vốn - vốn con người, vốn nhân lực”. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh quyết liệt, phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư và một môi trường chính trị - xã hội ổn định.

Quan điểm và thực trạng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong thời kỳ đổi mới

Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đổi mới, quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng ta là đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Quan điểm này của Đảng và Nhà nước ta là sự vận dụng tổng hợp các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về con người. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(2). Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người”(3); “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(4)...

Tinh thần trên được phản ánh trong các bước phát triển về nhận thức, tư duy của Đảng về con người, về phát triển nguồn nhân lực từ Đại hội VI (năm 1986) đến nay.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII nêu rõ: “Kinh nghiệm vô giá mà chúng ta khái quát được trong lịch sử lâu dài và đầy khắc nghiệt của dân tộc ta là: nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là nguồn lực con người Việt Nam; là sức mạnh nội sinh của chính bản thân dân tộc Việt Nam. Con người Việt Nam là tài sản quý báu nhất của Tổ quốc ta và chế độ xã hội chủ nghĩa chúng ta”(5).

Tại Đại hội XI (năm 2011), Đảng nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước”(6), “là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững”(7). Những quan điểm này đánh dấu sự chuyển hướng từ nhận thức có tính chất lý luận về vị trí, vai trò của nhân tố con người và nguồn nhân lực đến coi phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá của chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2011 - 2020.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua quan điểm: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu...”(8). Đại hội XII của Đảng cũng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, đòi hỏi cần phải: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành”(9).

Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế không thể thành công nếu thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, với những con người có đủ “đức”, “tài”. Xét dưới góc độ nguồn nhân lực, có thể thấy, đội ngũ cán bộ khoa học của nước ta so với các nước xung quanh còn có khoảng cách lớn không dễ thu hẹp. Không ít chuyên gia đã chỉ rõ, nước ta đang vấp phải 3 trở lực lớn: chất lượng còn thấp về nguồn nhân lực(10), sự bất cập của kết cấu hạ tầng, vật chất - kỹ thuật, thể chế và năng lực quản lý nguồn nhân lực còn hẫng hụt về nhiều mặt.

Nhìn vào bức tranh tổng thể cho thấy, số lượng cán bộ khoa học đầu đàn, chuyên gia trong các lĩnh vực còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn mới. Những công trình khoa học có chất lượng cao, được Đảng, Nhà nước và xã hội tôn vinh, ghi nhận còn ít. Ngoài ra, nhiều công trình các cấp được triển khai và nghiệm thu nhưng tính ứng dụng - thực tiễn, chất lượng nhìn chung còn thấp.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức chưa tương xứng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc; tính chủ động, ý thức trách nhiệm còn thấp; khả năng quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế. Một bộ phận công chức thoái hóa, biến chất, tham nhũng, buôn lậu, nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân, thiếu công tâm, khách quan khi giải quyết công việc; kỷ luật hành chính lỏng lẻo, bản lĩnh thiếu vững vàng, bộc lộ những yếu kém, bất cập. Đảng ta đánh giá: “Đội ngũ cán bộ hiện nay xét về chất lượng, số lượng, cơ cấu nhiều mặt chưa ngang tầm với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; “Năng lực và phẩm chất của nhiều cán bộ, công chức còn yếu, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất”... Tất cả những điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hiệu quả lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; đồng thời đặt ra đòi hỏi bức thiết là phải cải cách, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất vận hội, thời cơ đang đến với đất nước. Nếu không nhanh chóng khắc phục được yếu kém này, chúng ta sẽ phải đối diện với những nguy cơ, những thách thức mới, sẽ kéo theo sự tụt hậu của đất nước. Nếu không giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chất lượng nguồn nhân lực, mà hệ quả của nó là sụt giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế; khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”; đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế.

Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong thời gian tới

Thứ nhất, để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Việc đào tạo phải dựa trên xu hướng, nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đúng địa chỉ sử dụng; tiếp cận cách làm hay của thế giới.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn đạt được thành công trong chiến lược phát triển của mình thì phải chú trọng đến vai trò quan trọng của yếu tố con người, nhất là nhân tài, là nguồn lực tạo ra thế mạnh cạnh tranh. Do đó, việc thu hút người tài cần trở thành ưu tiên hàng đầu đối với mỗi tổ chức. Tuy vậy, các tổ chức cũng phải đối mặt với ba áp lực lớn, đó là: biến động về con người, biến động nguồn vốn và biến động trong tri thức. Điều này khiến cho việc quản lý người tài trở nên khó khăn.

Thứ hai, để tăng cường quản lý nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay, cần có các phương pháp quản lý phù hợp. Trong đó cần đặc biệt chú ý đến 2 nhóm yếu tố: yếu tố nguồn nhân lực (gồm sự phù hợp giữa con người với tổ chức, lương và các khoản thu nhập, đào tạo và phát triển chức nghiệp, các cơ hội thực hiện nhiệm vụ đầy thách thức) và yếu tố tổ chức (hành vi của lãnh đạo, mối quan hệ trong tổ chức, văn hóa và các chính sách của tổ chức, môi trường làm việc).

Cần có chính sách phù hợp về cơ chế lương, thưởng đặc biệt đối với nhân tài. Cần nghiên cứu thành lập và sử dụng có hiệu quả nhất “Quỹ nhân tài” để khuyến khích nhân tài phát triển, cống hiến, sáng tạo, gắn bó, đồng hành cùng tổ chức. Về lâu dài, cần có cơ chế, chính sách về nhà ở, các phương tiện, điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân tài công tác, cống hiến cho sự phát triển của tổ chức, của quốc gia.

Thứ ba, đối với đội ngũ trí thức, nhân tài, cần quán triệt sâu sắc quan điểm: “Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức... Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”(11); đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhân tài vì sự nghiệp chung.

Trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đòi hỏi phải đổi mới trên nhiều phương diện, phải có một môi trường trọng công bằng, kỷ cương, đạo đức, thượng tôn pháp luật được coi làm chuẩn mực; tạo ra một môi trường văn hóa dẫn dắt sự phát triển nguồn nhân lực.

Khi đất nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp cận kinh tế tri thức trong điều kiện sự phát triển kinh tế - xã hội chưa cao thì yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của sự nghiệp đổi mới. Đảng ta xác định phải lấy việc phát huy chất lượng nguồn nhân lực làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; là điều kiện để rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm phát triển bền vững; là điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng./.


Do đó, trong chiến lược phát triển đất nước, nguồn nhân lực phải được quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực về trí tuệ, ý chí và niềm tin... Nguồn nhân lực có chất lượng cao, với số lượng và cơ cấu hợp lý, giàu trí tuệ, giàu ý chí và khát vọng, có lý tưởng cách mạng soi sáng, sẽ là động lực để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay./.

Cội nguồn lịch sử và văn hóa của kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ

Kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn sâu xa trong lịch sử đấu tranh, trong truyền thống văn hóa lâu đời và độc đáo của dân tộc ta. Đó là biểu tượng và đỉnh cao của hình ảnh người lính cầm vũ khí chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc Việt Nam, vì hạnh phúc của nhân dân trong thời đại mới.

Xuất xứ và ý nghĩa tên gọi Bộ đội Cụ Hồ

Trong một hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể về xuất xứ của tên gọi Bộ đội Cụ Hồ như sau: “Tôi nhớ rằng từ trong khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân thành như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên Bác. Có lẽ, về sau, khi biết tên Người, đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là Bộ đội Cụ Hồ. Và cũng từ chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu dấu ấy xuất hiện từ khời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.


Đoàn cán bộ ngành chính sách Quân đội tham quan Bia di tích địa điểm ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

Từ đó đến nay, qua 80 năm chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Cụ Hồ trở thành một danh hiệu cao quý của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là một hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà chính nhân dân lấy tên lãnh tụ tối cao của mình đặt cho Quân đội. Danh hiệu đó thể hiện sâu sắc mối quan hệ khăng khít giữa người chiến sĩ với Bác Hồ và giữa Bác Hồ với người chiến sĩ.

Trước hết, đó là tình cảm, tình yêu và niềm tin sâu xa của quần chúng dành cho LLVT cách mạng. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam ta. Đó là một cách gọi rất Việt Nam, vô cùng gần gũi, trìu mến và có lẽ chỉ có ở Việt Nam .

Nhân dân gọi bộ đội là Bộ đội Cụ Hồ chính vì bản thân các thế hệ chiến sĩ Quân đội trải qua 80 năm chiến đấu đã luôn luôn xứng đáng với niềm tin của Người và từ đó hình ảnh người chiến sĩ đã trở thành một mẫu hình cao đẹp, bình dị về con người mới với lý tưởng, đạo đức cao thượng, trong sáng, thực hiện trọn vẹn xuất sắc chỉ thị, niềm tin và những lời căn dặn đầy yêu thương của Bác Hồ.

Ý nghĩa sâu xa hơn, nhân dân ta gọi Bộ đội Cụ Hồ vì Cụ Hồ-tên gọi trìu mến, ấm áp của nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tiêu biểu cho ý chí đấu tranh bất khuất của nhân dân, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh, là người tổ chức và dẫn dắt nhân dân ta đứng lên tự giải phóng, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhân dân ta gọi Bộ đội Cụ Hồ vì cảm nhận sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác và Quân đội, Bác và chiến sĩ. Bác là người cha thân yêu của các LLVT nhân dân Việt Nam, là người khai sinh ra Quân đội ta. Bác chăm lo từng bước trưởng thành của Quân đội, giáo dục chiến sĩ, khuyên bảo cán bộ... Nét đẹp hiếm có và có lẽ chỉ có ở Bác, trong tình cảm, đạo đức của Người là sự vô cùng gần gũi, yêu thương bộ đội, tin tưởng ở tinh thần dũng cảm và sáng tạo của bộ đội, thấu hiểu, cảm thông và xúc động trước sức chịu đựng gian khổ, khó khăn, hy sinh của người chiến sĩ... Bác Hồ đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể bộ đội trước lúc đi xa.

Chỉ có 4 từ “Bộ đội Cụ Hồ”, song đã chứa đựng trong đó một giá trị văn hóa đặc sắc của lịch sử hiện đại Việt Nam, khi mà lý tưởng cách mạng, tấm gương sáng ngời của Bác Hồ hòa quyện và thống nhất tuyệt đối với khát vọng giải phóng, độc lập, tự do của nhân dân, của Quân đội cách mạng do Đảng và Bác sáng lập.

Kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn văn hóa quân sự của dân tộc Việt Nam

Bộ đội Cụ Hồ là sản phẩm của lịch sử hiện đại Việt Nam, song nếu xét từ góc độ truyền thống dân tộc và truyền thống văn hóa nước ta từ hàng nghìn năm trước, thì kiểu mẫu Bộ đội Cụ Hồ còn có nguồn gốc sâu xa hơn, bởi vì, nó không chỉ là sản phẩm của 80 năm qua, mà còn bắt nguồn, nối tiếp và phát triển của kiểu mẫu những người cầm vũ khí, của nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc cả nghìn năm lịch sử.

Họ đã tự nguyện sung vào Quân đội chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp trong suốt nghìn năm dựng nước, giữ nước, trong một nghìn năm Bắc thuộc, trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm thời phong kiến và trong gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp. Họ là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Có lẽ giống trong truyền thuyết, Thánh Gióng là người lính đầu tiên trong lịch sử nước nhà cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ và giải phóng quê hương! Gióng đánh quân xâm lược một mình? Không phải! Ai nuôi Gióng từ một cậu bé bỗng lớn lên thành Phù Đổng? Dân làng. Ai rèn đúc vũ khí (ngựa sắt, gươm sắt) cho Gióng? Cơm gạo của dân làng. Gậy sắt bị gãy, vũ khí thay thế cho Gióng là các cụm tre làng. Gióng đã thắng, đuổi quân xâm lược khỏi bờ cõi đất nước, song, đó chính là sức mạnh nhân dân trong Gióng đã làm nên chiến thắng. Hình như có một sự tương đồng kỳ diệu giữa huyền thoại người anh hùng làng Gióng với Quân đội nhân dân của chúng ta hàng nghìn năm sau.

Nói về những nghĩa binh, nghĩa quân của cả nghìn năm lịch sử không thể không kể tới hình ảnh của các nữ binh thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, những nữ binh cưỡi voi xung trận với tinh thần “đền nợ nước, trả thù nhà”, với khí thế “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi”, đánh đuổi giặc, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, làm nên truyền thống Việt Nam “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Phải chăng, đó là cội nguồn tạo tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của các “đội quân tóc dài”, của nữ thanh niên xung phong và nữ chiến sĩ cách mạng sau này?

Nói về những nghĩa binh, nghĩa quân thời xa xưa ấy không thể không nhắc tới những người “cờ lau tập trận” trong đội quân Đinh Bộ Lĩnh thời phục thù dẹp 12 sứ quân năm 967, những người áo vải cờ đào trong khởi nghĩa Tây Sơn (năm 1786) nhằm lập lại nền thống nhất đất nước, chấm dứt cuộc xung đột Nam-Bắc và cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh. Nói về những nghĩa sĩ, nghĩa binh trong lịch sử giữ nước, cần phải nói nhiều hơn đến hình ảnh những người lính đã làm nên chiến công lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, sông Cầu, ở bến Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Xương Giang, Tốt Động, Chúc Động, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi, Đống Đa... Đó là thế hệ những người lính nối tiếp nhau của những thời điểm lịch sử oai hùng với những chiến công lẫm liệt. Đó là hình ảnh của những tráng sĩ mài gươm, những “Hội nghị Diên Hồng”, những cuộc dấy binh “Lam Sơn tụ nghĩa”, là tiếng hô “Sát Thát”, là tiếng thơ sang sảng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, là lời “Hịch tướng sĩ” đầy sức động viên, vẫy gọi khí thế chiến đấu. Họ bất tử trong lịch sử và đi vào những tác phẩm văn hóa bất hủ: Sông núi nước Nam (thơ thời Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu), Phú núi Chí Linh (Nguyễn Mộng Tuân), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Ai Tư Vãn (Lê Ngọc Hân) và thơ của Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung...

Di sản tinh thần quý giá trên để lại cho các thế hệ sau, đặc biệt từ khi có Đảng và Bác Hồ, một truyền thống bền vững, đó là lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường, đồng thời đó còn là phẩm giá đạo đức tuyệt vời của người lính “Phụ tử chi binh” của thời Trần, “Huynh đệ chí binh” của thời Lê, thời Tây Sơn. Các giá trị truyền thống trên là cơ sở, là cội nguồn lịch sử để sau này chúng ta xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì Tổ quốc sẵn sàng hy sinh.

Ở đây, trong cảm nhận về vẻ đẹp độc đáo của người lính Việt Nam, từ nghĩa binh, nghĩa quân đến Bộ đội Cụ Hồ là một dòng chảy lịch sử không đứt đoạn. Ví như, tinh thần quân và dân như cá với nước, nghĩa tình đồng đội, đồng chí thương yêu nhau như ruột thịt phải chăng đã bắt nguồn từ thời “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn!

Từ sự phân tích, cảm nhận trên cho phép chúng ta khẳng định rằng, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có cội nguồn sâu xa trong lịch sử đấu tranh, trong truyền thống văn hóa lâu đời và độc đáo của dân tộc ta. Đó là biểu tượng và đỉnh cao của hình ảnh người lính cầm vũ khí chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc Việt Nam, vì hạnh phúc của nhân dân trong thời đại mới./.

ST.

Kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam

Kiên định chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” là chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, hành động nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Đó là kế sách “sâu rễ, bền gốc” để “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Tuy nhiên, với mưu đồ thâm độc, các thế lực thù địch đã và đang ra sức xuyên tạc, chống phá bằng nhiều chiêu trò tinh vi, xảo quyệt, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Trong tiến trình hàng nghìn năm lịch sử, dựng nước đi đôi với giữ nước đã trở thành truyền thống quý báu; là quy luật trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Kế thừa kinh nghiệm quý mà tổ tiên để lại, Đảng ta luôn chủ động chăm lo củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; trong đó, kiên định chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, quan điểm nhất quán, góp phần “giữ yên bờ cõi”, giữ cho “trong ấm, ngoài êm”, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đây là kế sách “sâu rễ, bền gốc”, thể hiện sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống và nghệ thuật quân sự độc đáo của tổ tiên ta; đồng thời, mang tính thời đại sâu sắc.

Là quốc gia chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của “hòa bình”, yêu chuộng hòa bình luôn là khát vọng, truyền thống của dân tộc; hòa bình được coi là một “giá trị thiêng liêng” của đất nước. Thực hiện chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”, Việt Nam chủ trương: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước, cũng như tạo nền tảng vững chắc giải quyết những thách thức an ninh chung, Việt Nam chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước; quan tâm duy trì và phát triển những mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ phù hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực phức tạp hiện nay, Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng, chủ trương xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh” tiến lên hiện đại là nhằm nâng cao khả năng “tự vệ”, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, chứ không phải là chạy đua vũ trang và càng không hề có dụng ý đe dọa vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế như các thế lực thù địch từng rêu rao, xuyên tạc.

Âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch

Chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi và hóa giải nguy cơ chiến tranh, xung đột “từ sớm, từ xa”, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đưa đất nước phát triển. Đây cũng là thông điệp hòa bình mà Việt Nam nhắn gửi tới cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, với bản chất thù địch chưa bao giờ thay đổi, các thế lực chống phá Việt Nam luôn tìm mọi cách chống phá chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”, tung ra luận điệu xuyên tạc, công kích chính sách đúng đắn đó của Đảng và Nhà nước ta. Chúng suy diễn, cho rằng chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” là “đối sách nhu nhược”, là “hành động tự trói”, là sự “cam chịu và khuất phục” trước các nước lớn. Nham hiểm hơn, lợi dụng việc nước ta bỏ phiếu tại Liên hợp quốc về cuộc xung đột Nga - Ukraine, chúng tuyên truyền, kích động: chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính “chung chung”, rất “mơ hồ”, “không rõ ràng”, “phi thực tế”, mang nặng tư tưởng “hòa bình chủ nghĩa”. Không những thế, chúng phớt lờ, phủ nhận những đóng góp quan trọng của Việt Nam trước đây và hiện nay đối với cộng đồng quốc tế, nhất là việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chúng “quên” điều đó cũng là dễ hiểu, bởi nếu nhắc lại thì đối với chúng “lợi bất cập hại”, trước mắt sẽ gây bất lợi cho các hoạt động xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam. Tráo trở và thâm độc hơn, chúng tỏ vẻ “quan tâm sâu sắc” đến sự an nguy của đất nước và “quan ngại, lo lắng” trước thực tế các nước đang hợp tác đầu tư mạnh cho quốc phòng; chúng rêu rao: khả năng và sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh quân sự của Việt Nam hiện tại “quá yếu”, việc hiện đại hóa Quân đội chủ yếu chỉ nằm trên “nghị quyết”, thực tế thì “lạc hậu” và “không đủ sức tự vệ”, không có khả năng giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Từ đó, chúng ra sức cổ súy, “vẽ đường”, “dẫn lối”, “đề xuất” Việt Nam nên “chọn phe”, “chọn bên” để không bị cô lập trong hoạt động quốc phòng, để luôn nhận được sự “giúp đỡ hiệu quả, chí nghĩa, chí tình” của các nước lớn, nhằm “mang lại một tương lai tươi sáng hơn”. Vì thế, chúng “gợi ý” Việt Nam nên xúc tiến “liên minh quân sự”, nhất là đối với các nước có tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới là việc làm “duy nhất đúng” lúc này, góp phần “tự cứu”, “tự vệ” và như vậy mới đủ khả năng “bảo vệ Tổ quốc vững chắc từ xa”.

Những luận điệu trên của các thế lực thù địch được che đậy, ngụy biện khá kín kẽ nên thoạt nghe có vẻ hợp lý, nhưng khi đã thấu suốt bản chất, dã tâm của chúng, sẽ không khó nhận thấy đó chỉ là sự xuyên tạc, cực kỳ nham hiểm, thâm độc. Một mặt chúng “phủ nhận sạch trơn” những giá trị nhân văn của chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”; mặt khác, chúng trắng trợn bóp méo sự thật, cho rằng Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng, tăng cường sức mạnh quốc phòng “không hẳn nhằm mục đích tự vệ”, mà là chạy đua vũ trang, điều đó rất dễ châm ngòi cho chiến tranh, xung đột quân sự trong khu vực. Đây là những luận điệu hết sức lố bịch, xuyên tạc trơ trẽn, nếu chúng ta không kịp thời nhận diện, vạch trần, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa thì sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu, gây hoài nghi cho nhiều người, nhiều quốc gia về chính sách quốc phòng của Việt Nam, ảnh hưởng không tốt đến uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các đại biểu tham quan Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (Viet Nam Defence 2022). Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Cơ sở lý luận, thực tiễn khẳng định tính đúng đắn của chính sách quốc phòng “Hòa bình và tự vệ”

Hòa bình và tự vệ là những vấn đề hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Là một đất nước đã trải qua những cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, đối với Việt Nam vấn đề này lại càng quan trọng, bởi nó luôn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó, hòa bình là tiền đề cho “tự vệ tích cực” và tự vệ là cơ sở đảm bảo cho hòa bình thực sự, bền vững. Hòa bình phải luôn gắn chặt với tự vệ, một khi tách rời nhau thì sớm muộn gì hòa bình sẽ mất, tự vệ cũng chẳng còn. Vì thế, hòa bình và tự vệ luôn gắn bó hữu cơ với nhau và là quan điểm nhất quán của dân tộc Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại.

Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam (năm 2019), một lần nữa Đảng ta khẳng định: “Chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ”. Kiên định, nhất quán chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”, Đảng, Nhà nước ta đã kế thừa những tư tưởng, kinh nghiệm quý của tổ tiên ta trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Đó là tư tưởng nhân văn cao cả “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, góp phần làm nên những chiến công vang dội, viết nên những trang sử chói lọi của dân tộc Việt Nam anh hùng, bất khuất. Với quan điểm “Thái bình tu trí lực/Vạn cổ thử giang san” (Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy ngàn thu) - giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, nên nhà Trần hết sức chú trọng và nỗ lực giữ gìn nền hòa bình, giữ yên bờ cõi, mang lại nền “thái bình, thịnh trị” cho muôn dân.

Khi đề cập tầm quan trọng của bảo vệ - tự vệ, Đảng ta đã kế thừa, phát triển lý luận về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin, nhất là chú trọng củng cố quốc phòng, góp phần nâng cao khả năng phòng thủ, “tự vệ” chính đáng của đất nước. V.I.Lênin khẳng định: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”; đồng thời, chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”, “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Có thể nói, lý luận về xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa của V.I.Lênin là cơ sở quan trọng để Đảng ta xác định một trong hai chiến lược quan trọng bậc nhất của quốc gia - Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và nhất quán chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”; chủ động chuẩn bị tâm thế để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Không thể “khoanh tay đứng nhìn”, “ngồi im chờ đợi” sự giúp đỡ “chí nghĩa, chí tình” từ các nước lớn “đầy thiện chí”, để giữ vững hòa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như “gợi ý” của các thế lực thù địch.

Đặc biệt, chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” còn được Đảng ta kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Lời kêu gọi của Người thể hiện khát vọng mãnh liệt về một nền hòa bình bền vững, quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để giành và giữ độc lập dân tộc bằng “tự lực cánh sinh”, “dựa vào sức mình là chính”. Người khẳng định: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”; “Chúng ta phải ra sức xây dựng Quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”. Như vậy, từ rất sớm chúng ta đã chủ trương xây dựng Quân đội chính quy và hiện đại để thực hiện khả năng “tự vệ chính đáng”. Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hoàn toàn không phải là một đội quân xâm lược. Như vậy, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội chính trị cho rằng Việt Nam hiện đại hóa Quân đội là “châm ngòi” cho cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực thực sự rất lố bịch, trơ trẽn, thiếu khách quan, phản khoa học.

Nền tảng pháp lý vững chắc để Việt Nam nhất quán với chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” là dựa vào Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các hiệp định, hiệp ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết và là một thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm cao. Theo đó, trong quan hệ quốc tế, Việt nam cam kết thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; đồng thời, vì sự ổn định và hòa bình của khu vực và thế giới, chúng ta nêu rõ quan điểm không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp, bất đồng với các nước; đề cao chủ trương giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các tiến trình pháp lý và ngoại giao. Như vậy, chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với mục đích cao cả mà Hiến chương Liên hợp quốc hướng đến, điều này cũng đập tan luận điệu của các thế lực thù địch cho rằng chính sách quốc phòng của Việt Nam là “ích kỷ”, “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”.

Có thể thấy, để giữ vững được hòa bình, độc lập dân tộc, không thể thiếu hoạt động bảo vệ - tự vệ; hơn thế còn cần phải có sự chuẩn bị chu đáo và tổng thể các biện pháp hoạt động đủ mạnh mới đạt được mục tiêu xác định. Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng, gia tăng tiềm lực quốc phòng không gì ngoài mục đích tự vệ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đồng thời, bằng những hoạt động tích cực, hiệu quả Việt Nam ngày càng có những đóng góp quan trọng nhằm giữ vững hòa bình, ổn định; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, chủ động nâng cao khả năng “tự vệ” của đất nước, sẵn sàng đánh bại quân xâm lược, kiến tạo hòa bình là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của các triều đại phong kiến Việt Nam. Thực tiễn kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống cho thấy, trước thế giặc rất mạnh, nhà Lý đã tích cực chuẩn bị kháng chiến, tăng cường khả năng phòng bị, xây dựng lực lượng quân đội tinh nhuệ, nhiều thứ quân, bố trí thế trận chống giặc “hiểm, sắc, chắc, có chiều sâu” trên những địa bàn chiến lược. Theo đó, Lý Thường Kiệt chủ động cho xây dựng phòng tuyến vững chắc trên sông Như Nguyệt, kịp thời chặn đứng cuộc tiến công của địch, lập thế, tạo thời cơ có lợi, phản công đánh bại quân xâm lược, giữ vững nền độc lập. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, với mục tiêu bất biến là “Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh”, “mở nền thái bình muôn thủa” và với tư duy nhạy bén, chiến lược, Nguyễn Trãi chỉ rõ: “Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước/Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh/Sửa hòa hiếu cho hai nước/Tắt muôn đời chiến tranh”, chúng ta đã thể hiện rõ thiện chí và khát vọng hòa bình, chủ trương giữ hòa hiếu với các nước láng giềng, nhằm mang lại nền độc lập bền vững, “tránh họa binh đao”, có điều kiện để khắc phục hậu quả chiến tranh, dựng xây đất nước. Chính sách đó thể hiện rõ tinh thần cao thượng của tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam, nghệ thuật ngoại giao hết sức mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, xây dựng và kiến tạo nền hòa bình bền vững, giữ yên biên thùy.

Giương cao “ngọn đuốc hòa bình”, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, từ rất sớm Việt Nam đã chủ động xây dựng tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của 03 nước Đông Dương; giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt “chế độ diệt chủng”, góp phần bảo vệ nền độc lập, tự do của mỗi dân tộc. Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia trải qua bao thăng trầm của lịch sử đã phát triển lên một tầm cao mới. Điều đó phù hợp với nguyện vọng chính đáng của chính phủ và nhân dân mỗi nước, đồng thời góp phần vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Là quốc gia có trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nghiêm chỉnh thực hiện các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, luôn chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước nhằm giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống vì hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển. Theo đó, từ tháng 6/2014, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), trên các lĩnh vực: tham mưu, y tế, công binh, v.v. Tháng 02/2023, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc đề nghị các nước và tổ chức quốc tế hỗ trợ ứng cứu, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử 76 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhân dân nước sở tại về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, v.v. 

Giải pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch

Chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam là sự kế thừa quan điểm, tư tưởng mang tính quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” và thực tiễn phong phú trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đây chính là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một chính sách mang đậm tính nhân văn và thể hiện sâu sắc bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam - một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn khát khao, nỗ lực đấu tranh giành và giữ vững nền hòa bình, độc lập ấy. Điều đó cũng trả lời cho câu hỏi vì sao Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn kiên định, nhất quán với chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”; đồng thời cũng lý giải cho việc tại sao các thế lực thù địch lại ra sức xuyên tạc chính sách quốc phòng của Việt Nam, nội dung quan trọng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà chúng đã và đang thực hiện nhằm chống phá cách mạng nước ta. Vì thế, đối với chúng ta, để đấu tranh làm thất bại những luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam của các thế lực thù địch cần phải được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá trên rất nhiều lĩnh vực khác; trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau.

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách quốc phòng “Hòa bình và tự vệ”.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong quá trình đấu tranh vạch trần bộ mặt thật và âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch đối với chính sách quốc phòng Việt Nam. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên cả trong nước và ngoài nước (thông tin đối ngoại) để nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu đúng bản chất, nội dung chính sách quốc phòng, nhất là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, vạch trần sự xuyên tạc, ngụy biện của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; chỉ rõ cơ sở lý luận, thực tiễn khoa học, nội dung cơ bản khẳng định chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chính nghĩa “hòa bình và tự vệ”, để mọi người chủ động, tự giác đấu tranh trực diện, hiệu quả. Cùng với công tác tuyên truyền giáo dục phải thường xuyên nắm chắc tình hình, nhất là những động thái mới, thủ đoạn mới, chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch, để kịp thời có biện pháp đấu tranh thích ứng, phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực. Quá trình tuyên truyền, giáo dục cần chú trọng giáo dục lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Phải làm cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhận thức rõ mục tiêu, tính chất ngụy biện của chiến lược “diễn biến hòa bình” nói chung, luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam nói riêng của các thế lực thù địch đang tiến hành, cũng như tầm quan trọng cuộc đấu tranh của chúng ta với “cuộc chiến không tiếng súng” này.

Trước sự biến động nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và khu vực, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, cần phải tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục cả nội dung, hình thức, phương pháp theo hướng kết hợp giáo dục theo chương trình cơ bản với tổ chức tọa đàm, hội thảo, diễn đàn thanh niên, giáo dục chuyên đề, v.v. Thông qua đó, tiếp tục củng cố vững chắc lòng tin của các quốc gia về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình; tích cực, chủ động cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, tạo sức đề kháng “tự miễn dịch” trước những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch.

Hai làtăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, nâng cao năng lực “tự bảo vệ”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Để có được nền hòa bình, độc lập, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc như hiện nay, nhân dân ta đã phải trả một cái giá không hề rẻ bằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đó là tài sản quý nhất, lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc, mà chúng ta phải gìn giữ bằng mọi giá, mọi cách trong khả năng của mình. Chúng ta không “ảo tưởng về hòa bình”, càng không thể trông chờ vào “một nền hòa bình viển vông” do một ai đó “vẽ ra” hoặc “ban phát”; hòa bình chỉ có thể được đảm bảo bền vững khi có nền quốc phòng đủ mạnh, đủ sức răn đe những cái “đầu nóng” luôn toan tính “nhòm ngó” thôn tính chúng ta. Thực tế hiện nay cho thấy, không trân trọng “hòa bình”, không nâng cao khả năng “tự vệ”, cả tin theo những “bánh vẽ” mà người khác “ban tặng”, thì hậu quả là đất nước rối loạn, nhân dân ly tán và hậu quả là nhãn tiền. Cho nên, tăng cường sức mạnh quốc phòng là kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của Đảng, Nhà nước ta.

Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam cho thấy, trong bất kỳ giai đoạn cam go nào, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng là công việc trọng yếu của quốc gia - dân tộc ngay cả trong thời bình, nhất là trong những thời điểm nền độc lập dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng, đất nước lâm nguy. Thấu triệt điều đó, Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng tiềm lực vững mạnh, lực lượng rộng khắp, thế trận quốc phòng vững chắc, từ đó nâng cao khả năng huy động quốc phòng, nhằm ứng phó hiệu quả với mọi tình huống, luôn giữ vững sự chủ động, không để bất ngờ về chiến lược. Chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ các cấp vững chắc, nhất là các địa bàn chiến lược, trọng yếu và trên cả nước, tạo thế trận “liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc, có chiều sâu”. Tập trung xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng nghiên cứu, nâng cao năng lực tác chiến trên không gian mạng, chiến tranh thông tin và các hình thái chiến tranh mới, nhằm đảm bảo sự chủ động và giành thắng lợi khi đất nước xảy ra chiến tranh xâm lược. Đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng và ngày càng hiện đại; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Ba làphát huy sức mạnh tổng hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá chính sách quốc phòng.

Thực tiễn cho thấy, các thế lực thù địch không từ âm mưu, thủ đoạn thâm độc nào để chống phá ta trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng và chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ”. Thậm chí chúng còn liên tục thay đổi cách thức, biện pháp chống phá, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng và sâu rộng cả về nội dung và hình thức. Vì thế, chúng ta cần phải bám sát thực tiễn, nhận diện đúng đối tượng, nội dung xuyên tạc, thời điểm tập trung chống phá của chúng để trên cơ sở đó sử dụng tổng thể các biện pháp, phương thức, lực lượng phòng, chống đạt hiệu quả thiết thực.

Về lực lượng đấu tranh, cần phát huy cả lực lượng trong và ngoài nước, lực lượng chuyên trách và lực lượng rộng rãi, trong đó vai trò của cơ quan Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47, đội ngũ chuyên gia các cấp, các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản,… là rất quan trọng. Về phương thức đấu tranh, cần phải linh hoạt, sáng tạo kết hợp chặt chẽ cả hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền trong các sự kiện chính trị - xã hội, lễ hội truyền thống, tuyên truyền thông tin đối ngoại, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, trên internet, v.v. Cần phải chủ động đấu tranh, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng, chiếm lĩnh trận địa thông tin và tích cực đổi mới sao cho linh hoạt, sáng tạo, với phương thức đa dạng, hiệu quả; đồng thời, chuẩn bị tốt cả về lực lượng, phương tiện và cách thức tiến hành, chú trọng đấu tranh trên môi trường không gian mạng. Cùng với đó, phải coi trọng phân tích, đánh giá, phản biện, chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại, kịp thời đúc rút những bài học hay, kinh nghiệm quý để nhân rộng trong toàn xã hội, v.v.

Bốn làđẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, nhằm kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác đối ngoại và đối ngoại quốc phòng, coi đây là kế sách “sâu rễ, bền gốc” giữ nước “từ khi nước chưa nguy” bằng biện pháp hòa bình, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Kết hợp chặt chẽ các lực lượng, biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại, giúp cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Đảng và Nhà nước ta. Trong quan hệ quốc tế, cần kiên định nguyên tắc độc lập dân tộc gắn với bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là bất biến, nhưng phải căn cứ vào tình hình cụ thể, xử lí khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, xác định rõ đối tác, đối tượng để vừa hợp tác, vừa đấu tranh, tránh bị cô lập, lệ thuộc hoặc ở vào thế buộc phải “chọn bên”, “chọn phe”; không để nước ta trở thành chiến trường, địa bàn xung đột lợi ích chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn. Tăng cường và ngày càng thắt chặt quan hệ hữu nghị, tốt đẹp, xây dựng “biên cương xanh”, nâng cao chất lượng hiệu quả, đi vào chiều sâu, thực chất hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng với các nước láng giềng. Tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; đa dạng hóa đối tác hợp tác quân sự quốc phòng; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại quốc phòng bằng nhiều hình thức: tham gia các diễn đàn của khu vực và quốc tế, trao đổi đoàn, hợp tác huấn luyện, đào tạo, tuần tra chung, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, v.v. Tăng cường hợp tác trong ứng phó và giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống; tham gia tích cực, hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh,... góp phần không ngừng tăng cường uy tín, tiềm lực, sức mạnh quốc gia trên trường quốc tế, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

ST.

Cảnh báo lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

  Theo ghi nhận của các chuyên gia Bkav, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ 1-7, các giao dịch trên 10 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt. Để việc chuyển khoản online được thông suốt, nhiều người cố gắng cập nhật sinh trắc học trước thời hạn nói trên song gặp khó khăn khi thao tác trên các ứng dụng ngân hàng.

Lợi dụng điều này, các kẻ xấu đã mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua Zalo, Facebook với khách hàng… lừa hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Trong nhiều trường hợp, kẻ xấu yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt, thậm chí cả giọng nói và cử chỉ của khách hàng… để được hỗ trợ. Khi có được thông tin cá nhân và tài khoản người dùng, chúng dễ dàng đăng nhập tài khoản đánh cắp toàn bộ tiền của nạn nhân.

Ngoài ra, kẻ xấu cũng lừa thu thập thông tin của người dùng bằng cách dụ họ bấm vào đường link giả mạo để tải và cài đặt ứng dụng thu thập sinh trắc học nhưng thực chất là tải về file có chứa mã độc, phần mềm gián điệp, nhằm khai thác sâu hơn nữa các thông tin của nạn nhân.

Để tránh bị lừa đảo trong quá trình cập nhật sinh trắc học, các chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng cần lưu ý: Các ngân hàng không trực tiếp liên hệ với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học, vì vậy tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kì ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Người dùng không truy cập các đường link lạ được gửi qua chat, tin nhắn hoặc thư điện tử (email).

Bên cạnh hình thức lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học đang rộ lên những ngày gần đây, các chuyên gia của Bkav cũng cảnh báo nguy cơ lừa đảo Deepfake trong giao dịch ngân hàng.

Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các hình ảnh, video hoặc âm thanh giả, có thể bắt chước hoàn hảo giọng nói và ngoại hình của một cá nhân. Những kẻ xấu có thể lạm dụng công nghệ này để lừa đảo người dùng, thực hiện các giao dịch tài chính trái phép.

Mặc dù các biện pháp xác thực sinh trắc học như nhận diện khuôn mặt, vân tay hay giọng nói đang được áp dụng rộng rãi nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch, Deepfake vẫn có thể lách qua những biện pháp bảo mật này.

Các chuyên gia Bkav khuyến cáo khách hàng cần hết sức cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch tài chính, ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học. Người dùng cần thường xuyên kiểm tra lịch sử giao dịch, không chia sẻ thông tin cá nhân.

Ngoài ra, các ngân hàng cần liên tục cập nhật các giải pháp công nghệ tiên tiến, kết hợp nhiều lớp bảo mật để chống lại các cuộc tấn công Deepfake. Việc nâng cao nhận thức và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và khách hàng là rất quan trọng để bảo vệ an toàn tài chính trong kỷ nguyên số.

 

Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế ngăn ngừa, giải quyết xung đột vì tương lai của trẻ em

 Vừa qua, tại Niu Oóc, Hoa Kỳ, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã tổ chức Phiên thảo luận mở về chủ đề bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang dưới sự chủ trì của Hàn Quốc, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này.

Tại phiên thảo luận, hầu hết ý kiến bày tỏ quan ngại về xu thế gia tăng đáng kể vi phạm đối với trẻ em trong xung đột khiến nhiều trẻ thiệt mạng, bị thương hoặc ly tán. Cùng với đó là tình trạng trẻ em bị ép làm lính, trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục và bị cản trở tiếp cận nhân đạo. Nhiều nước lên án việc giết hại trẻ em trong các xung đột và các cuộc tấn công vào các cơ sở giáo dục, y tế đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Phát biểu tại phiên họp, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế cũng như mỗi quốc gia là giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột thông qua thúc đẩy phát triển bền vững, giúp trẻ em tránh được hậu quả của chiến tranh và bạo lực.

Đại diện Việt Nam khẳng định việc bảo đảm tôn trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế có ý nghĩa then chốt trong công tác bảo vệ trẻ em. Tất cả các bên trong xung đột phải tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hiệp quốc, trong đó có Nghị quyết 2573 (năm 2021) của Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất về bảo vệ thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em trong xung đột, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam cho rằng cần tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các nước thành viên và các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc như UNICEF, UNDP, các các Phái bộ gìn giữ hòa bình… Cách tiếp cận toàn diện này giúp tạo khuôn khổ gắn kết các nhiệm vụ duy trì hòa bình, phát triển kinh tế với công tác bảo vệ trẻ em cả trước, trong và sau xung đột. Việt Nam khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, Liên hiệp quốc và các bên liên quan khác trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột, góp phần bảo đảm một tương lai an toàn và tốt đẹp cho tất cả trẻ em trên thế giới.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ và sự vận dụng của Đảng ta hiện nay

 

Trên cơ sở phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, nội dung công tác đánh giá cán bộ, bài viết phân tích sự vận dụng của Đảng và đề xuất 5 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay.

ĐGCB là hoạt động của cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu nhận xét, đánh giá theo hệ tiêu chí đã xác định như phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức thực tiễn và mối quan hệ ứng xử với quần chúng nhân dân. Theo Hồ Chí Minh để đánh giá đúng cán bộ cần phải “Hiểu biết cán bộ”[1]. Có nắm được những ưu khuyết điểm, kết quả thực hiện nhiệm vụ, năng lực sở trường, xu hướng phát triển, tâm tư nguyện vọng và giữ mối liên hệ với nhân dân của cán bộ thì mới có cơ sở để đánh giá chính xác cán bộ.

Để đánh giá đúng cán bộ, theo Hồ Chí Minh, chủ thể đánh giá phải nắm vững phương pháp biện chứng, lịch sử cụ thể. Bởi theo Người, “Trong thế giới cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá. Vì vậy, xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hoá”[2]. Người đã đưa ra sự so sánh hai mẫu hình cán bộ, có người khi trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng. Có người khi trước không cách mạng mà nay lại tham gia cách mạng; rằng cũng có cán bộ đến nay chưa bị sai lầm, nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm. Nhờ nắm vững phương pháp biện chứng, nhận diện chính xác bản chất của người cán bộ nên Hồ Chí Minh dễ dàng nhận biết những cán bộ hay khoe khoang, a dua, tìm việc nhỏ mà làm, tránh việc khó, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh… Ai cứ cắm đầu làm việc… ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó… những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”[3]. Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu “Xem xét cán bộ không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem xét tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”[4].

Theo Hồ Chí Minh, ĐGCB phải toàn diện, không phiến diện chủ quan. Do bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội nên ĐGCB phải toàn diện - đây là căn cứ khoa học để thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ. Khi ĐGCB phải căn cứ vào các nội dung/tiêu chí đó như phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức thực tiễn, kết quả hoàn thành nhiệm vụ, quan hệ ứng xử có gần gũi với nhân dân hay không. ĐGCB không chỉ làm cơ sở cho khâu quy hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng mà trong khâu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cũng phải xem xét, đánh giá. Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không… Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không”[5]. Trong các nội dung đó, theo Bác Hồ đức là gốc, tài là quan trọng; có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. 

Theo Hồ Chí Minh, đánh giá cán bộ phải xuyên suốt, đa chiều

Từ thực tiễn hoạt động cộng với sự trải nghiệm của mình, Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ thể đánh giá có nhân cách, càng ít khuyết điểm, công tâm, khách quan thì ĐGCB càng chính xác. Người đúc kết: “Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”[6]. “Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình”[7]. Nhận diện những lực cản của nền sản xuất nhỏ, Hồ Chí Minh đúc kết sâu sắc khi cán bộ, đảng viên sa vào căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, mất đoàn kết, bè cánh sẽ dẫn tới lệch chuẩn “Tự cao tự đại; Ưa người ta nịnh mình; Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người, đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”[8]. Đó là căn nguyên “không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”[9]. Đó là logic dẫn tới hệ quả “Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau”[10] làm nhiễu thang giá trị đánh giá và sử dụng cán bộ của Đảng ta.

Theo Hồ Chí Minh để đánh giá chính xác cán bộ cần tham khảo ý kiến của dân chúng. Từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý, Người yêu cầu “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng”[11]. Bởi dân chúng không chỉ thấy những ưu điểm, thành tích mà họ còn thấy rõ những khuyết điểm, hạn chế của cán bộ. “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng”[12]. Bởi vậy, khi ĐGCB, bổ nhiệm cán bộ cần tham khảo ý kiến nhân dân là hết sức cần thiết để giúp cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu có thêm thông tin để đánh giá chính xác. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần “Dựa vào ý kiến dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[13].

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐGCB, trong các nhiệm kỳ gần đây Đảng ta luôn coi trọng khâu ĐGCB, đã bám sát hệ tiêu chuẩn, kết quả công tác làm thước đo đánh giá; kết hợp chặt chẽ các kênh, các phương pháp để đánh giá. Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Đảng. Tuy nhiên, công tác ĐGCB còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm, đó là một số cấp uỷ ĐGCB còn chung chung, cảm tính, chưa lượng hoá các tiêu chí để đánh giá. Vẫn còn hiện tượng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, có trường hợp còn nhầm lẫn giữa hiện tượng và bản chất khi ĐGCB; một số ít cấp uỷ, người đứng đầu chưa lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu…

Để vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về ĐGCB cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ thể về tầm quan trọng của khâu đánh giá cán bộ

Nhận thức đúng là cơ sở để hành động đúng. Cần nhận thức rằng đổi mới khâu ĐGCB là góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Bởi ĐGCB là khâu mở đầu - khâu này làm tốt sẽ tác động tích cực đến các khâu tiếp theo của công tác cán bộ. Trước yêu cầu mới, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ vai trò của công tác ĐGCB. Các cấp uỷ, tổ chức  đảng, cơ quan tổ chức - cán bộ cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ĐGCB và có những đổi mới phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Trong các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đều khẳng định ĐGCB là khâu yếu nhất. Bởi, ĐGCB liên quan đến lăng kính, phương pháp của chủ thể đánh giá, liên quan đến người nhà, người thân, “cánh hẩu”. Để khắc phục những hạn chế này đặt ra cho các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu phải nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của ĐGCB; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức đủ tầm, có khát vọng cống hiến, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, bám sát các nội dung hoạt động chủ yếu của cán bộ để đánh giá

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý khi ĐGCB phải toàn diện, thể hiện các mặt hoạt động của  cán bộ, “nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ  cả toàn bộ công việc của cán bộ’’[14]. Bỏ qua một nội dung nào đó khi ĐGCB đều không đúng. Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về ĐGCB, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã có những điểm mới: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương, gắn đánh giá cá nhân và tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”. Đây là quan điểm toàn diện, lịch sử cụ thể, không dập khuôn. Căn cứ vào các nội dung tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; trình độ nghiệp vụ chuyên môn; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân để đánh giá. Nắm vững Quy định 124-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm với tập thể, cá nhân theo 4 mức: 1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ; 3. Hoàn thành nhiệm vụ; 4. Không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, bám sát tình thần Đại hội XIII của Đảng: cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt “6 dám”- dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung để nhận xét, ĐGCB. 

Thứ ba, kết hợp các phương pháp để đánh giá cán bộ

Mỗi phương pháp ĐGCB đều có những ưu điểm của nó. Kết hợp xâu chuỗi các phương pháp ĐGCB sẽ giúp cho tập thể cấp uỷ có cách nhìn toàn diện để nhận xét, đánh giá chính xác cán bộ về phẩm chất chính trị và các mặt công tác. Các phương pháp ĐGCB đó là, tập thể cấp uỷ quản lý cán bộ đánh giá; ban thường vụ đánh giá; người đứng đầu đánh giá; cơ quan tổ chức cán bộ đánh giá; cán bộ, công chức, quần chúng đánh giá; cấp uỷ nơi cư trú đánh giá. Kết hợp chặt chẽ tập thể cấp uỷ ĐGCB và cán bộ tự đánh giá về phẩm chất và các mặt công tác của mình. Xem xét tự kiểm điểm, tự đánh giá của cán bộ cũng là kênh, phương pháp để tập thể cấp uỷ, người đứng đầu hiểu sâu hơn, nắm được các mặt hoạt động của cán bộ. Bởi không ai có thể hiểu được sâu sắc, đầy đủ điểm mạnh, điểm yếu, sở trường ngoài bản thân cán bộ đó. Trong quá trình phân tích, đánh giá đòi hỏi các chủ thể đánh giá phải dân chủ, công tâm, khách quan, bám sát tiêu chuẩn, tiêu chí, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ - nhân tố đảm bảo góp phần nâng cao chất lượng công tác ĐGCB hiện nay.

Thứ tư, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong ĐGCB

Bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ là thống nhất biện chứng giữa tập trung và dân chủ - hai mặt này chế ước, làm tiền đề cho nhau, tập trung phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ phải có sự chỉ đạo của tập trung. Xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ thì công tác ĐGCB sẽ chệch hướng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật[15]- kỷ luật ở đây chính là tập trung. Từng cấp uỷ, tổ chức đảng phải phát huy dân chủ để cấp uỷ viên, cán bộ, đảng viên tham gia nhận xét, ĐGCB, làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục sửa chữa. Cần thực hiện nguyên tắc mở rộng và phát huy dân chủ trong ĐGCB nhưng phải vận hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thẩm quyền trách nhiệm cuối cùng là tập thể cấp uỷ nhận xét, đánh giá theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên. Đương nhiên cần tôn trọng ý kiến nhận xét của người đứng đầu. Người đứng đầu công tâm, khách quan, theo dõi và nắm chắc kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của cán bộ thì sự nhận xét đó cũng có ý nghĩa quan trọng để tập thể cấp uỷ tham khảo nhận xét, đánh giá, quyết định theo đa số đối với cán bộ thuộc diện quản lý.

Thứ năm, phối hợp với cấp uỷ địa phương nơi cư trú để đánh giá cán bộ

Cán bộ không chỉ tập trung hoàn thành chức trách, nhiệm vụ trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian làm việc theo quy định mà còn phải có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ ở nơi cư trú (theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 21-1-2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú. Từ khi có quy định trên, các cấp uỷ khi tiến hành công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đều có các văn bản gửi cho các cấp uỷ nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét cán bộ, đảng viên đương chức. Đây là kênh tham khảo để cấp uỷ, người đứng đầu có thêm thông tin về phẩm chất đạo đức, tính tiền phong gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở địa phương, sự gắn bó với nhân dân của cán bộ, đảng viên đương chức. Việc này thể hiện tính tổng hoà trong nhận xét, ĐGCB. Không thể có chuyện đảng viên đương chức ở cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng ở địa phương thì đảng viên đó thiếu gương mẫu, quan liêu, xa dân mà vẫn được xếp loại đảng viên xuất sắc, cán bộ tốt. Do đó, cần nắm vững định hướng Nghị quyết số 26-NQ/TW (khoá XII) “Nghiên cứu mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp”.