Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

Đảng vì lợi ích thiết thực của người dân.

 



Phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và những người yêu nước đã tạo ra hoàn cảnh cũng như yêu cầu khách quan để ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam, đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử là dẫn dắt cuộc đấu tranh đó theo ý nguyện của nhân dân. Chính vì vậy, mối quan hệ dân với Đảng ngay từ đầu là rất chặt chẽ, mật thiết, gắn bó không thể xa rời. Đó là yêu cầu lịch sử, mang tính tất yếu.

Suốt chặng đường 80 năm qua là quá trình gắn bó giữa Đảng với dân và thực tế đã chứng minh qua những kỳ tích vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Kỳ tích của Đảng cũng là của dân tộc, điều kỳ diệu của Việt Nam chính là ở chỗ đó. Đảng không giành thành tích riêng cho mình. Thành tích của Đảng chính là thành tích của nhân dân. Chính thế, mối quan hệ giữa Đảng với dân là một sự đồng hành, gắn bó đi suốt những chặng đường lịch sử của đất nước. Cố nhà thơ Tố Hữu đã từng viết “Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin”, giá trị lời thơ này là minh chứng về mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân. Nếu không có mối quan hệ này, sự nghiệp đổi mới của Đảng ta cũng khó mà thành công. Thắng lợi trong đấu tranh chống ngoại xâm và trong sự nghiệp đổi mới rõ ràng là thành quả của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân đặc biệt ở chỗ, Đảng không buộc nhân dân phải thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng từ trong công việc, từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, nhân dân đã thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng một cách tự nhiên. Lịch sử, thực tiễn đã chứng minh điều đó. Vì vậy, mối quan hệ này là bền chặt.

Cho đến bây giờ, nếu ai đó nói rằng mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân đang phai mờ đi là không đúng. Mối quan hệ này vẫn rất đậm đà. Đó là cái nhìn toàn diện. Nhưng phải thừa nhận, có một số hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta phải biết phân biệt. Thực tế là trong quá trình phát triển, có sự gia nhập của một bộ phận đảng viên có động cơ không đúng đắn, không vì mục tiêu phụng sự cho nhân dân, cho Tổ quốc, mà vì lợi ích cá nhân. Vì thế, khi nhân dân nhìn vào một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất đó đã giảm sút lòng tin vào Đảng. Đây là một nguy cơ rất trầm trọng. Đảng vẫn gắn bó với dân, vẫn với mục tiêu phụng sự nhân dân, nhưng nhân dân lại giảm sút lòng tin thông qua bộ phận đảng viên thoái hóa. Bởi thế, điều cần làm là phải xây dựng, chỉnh đốn lại ngay tình trạng này.

Mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân là để đi đến cùng mục tiêu, vì thế phải chủ động đến với nhân dân. Việc này đã làm xuyên suốt các thời kỳ, nhưng có lúc, có nơi làm chưa tốt. Mặc dù chúng ta đôn đốc nhiều, nhắc nhở nhiều nhưng vì có lúc chưa coi trọng nên vô tình làm xa mối quan hệ này. Hiện nay, việc của dân ngày càng nhiều: dân sinh, dân trí, dân chủ… Mọi lo toan trong cuộc sống của người dân đều cần sự dẫn dắt, nên vai trò chủ động đến với người dân của cán bộ, đảng viên cần phải được tăng cường hơn.

Người dân đến với Đảng rất nhiều. Họ đến với Đảng thông qua thư từ, lời nói, hoặc trực tiếp, nhưng cán bộ, đảng viên giải quyết đến đâu, có tận tâm, tận lực không, có giải quyết hết các bức xúc của dân không, đó là điều phải xem lại, phải suy nghĩ thấu đáo. Lo toan của người dân ngày càng nhiều, nhưng cán bộ, đảng viên đáp ứng mong mỏi của dân như thế nào. Nếu đáp ứng càng nhiều thì mối quan hệ sẽ càng bền chặt.

Đội ngũ nòng cốt của Đảng là rất quan trọng. Lựa chọn, bố trí cán bộ nòng cốt đúng sẽ tác động tốt vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một thủ trưởng cơ quan tốt thì sẽ có một cơ quan hoạt động tốt, nền nếp tốt. Đó là thực tế. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng phải làm mạnh, bắt đầu từ khâu lựa chọn và bố trí cán bộ, đảng viên. Đảng viên có thể có người này người khác, năm ngón tay có thể ngón ngắn ngón dài, nhưng người lãnh đạo không thể là “ngón tay ngắn”. Người lãnh đạo phải đủ tầm, có hồng có chuyên thì mới có tác dụng điều chỉnh hàng ngày đối với đảng viên. Đây là điều rất quan trọng. Từng đảng bộ, từng chi bộ phải có người lãnh đạo tốt. Đó là bài học của người đứng đầu ở mỗi vị trí.

Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải gần dân, học dân, tôn trọng dân, có trách nhiệm. Tránh “gần hiện tượng, xa bản chất”, tức là vẫn đến với dân nhưng trong lòng lại suy nghĩ khác. Người dân hoàn toàn có thể nhận diện, phát hiện ra thái độ, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên khi đến với họ. Thái độ “mị dân” còn nguy hiểm hơn cả việc không đến với dân.

Hiện nay, Đảng ta đoàn kết các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội là đoàn kết thật lòng, đoàn kết lâu dài. Cán bộ, đảng viên đến với dân cũng phải xuất phát từ tinh thần đó. Bản chất mặt trận, đoàn thể là phải cùng nhân dân, sống trong nhân dân. Nhưng rộng ra, Đảng và chính quyền đều phải làm công tác dân vận, từ mỗi cán bộ, đảng viên. Nhưng phải chú ý tính hiệu quả của công tác dân vận. Thay vì có quá nhiều báo cáo, nhiều phong trào, cuộc vận động, hãy quan tâm giải quyết những công việc thiết thực cho người dân. Phải trả lời cho được câu hỏi về sự phối hợp giữa mặt trận, đoàn thể và cán bộ chính quyền trong việc giải quyết bức xúc của dân.

Cho nên, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng và dân chính là giải quyết sâu sắc, trực tiếp nhất lợi ích của người dân thông qua việc giải quyết hàng ngày của cán bộ chính quyền mà cầu nối là mặt trận, đoàn thể. Phải có sự tham gia của cán bộ, đảng viên, cán bộ chính quyền trong giải quyết lợi ích của người dân. Đó là đòi hỏi mọi lúc, mọi nơi trong giai đoạn hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét