Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

GIẢI PHÁP NÀO CHO VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

 Nhận thức đường tầm quan trọng của Biển Đông và thể hiện tham vọng thao túng và độc chiếm vùng biển này, Trung Quốc đã chủ trương hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền đối với vùng biển này được đưa ra theo yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò” và tiếp đó là thuyết “Tứ sa”. Đây là những yêu sách phi lý, đi ngược lại với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) do đó, yêu sách đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông theo “đường lưỡi bò” hay rộng hơn theo thuyết “Tứ sa” đều là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, nên Trung Quốc chỉ còn cách dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền đơn phương của mình.

Trung Quốc cùng với việc xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị nước này xâm chiếm bằng vũ lực và chiếm đóng trái phép từ năm 1974 thành căn cứ quân sự quy mô lớn nhất ở Biển Đông, đã ráo riết bồi đắp trái phép các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988 thành những đảo nổi nhân tạo rồi xây dựng thành các căn cứ quân sự lớn.

Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough của Phiplippin, gia tăng các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên trên Biển Đông thuộc quyền tài phán của các nước ven biển trong đó có Việt Nam. Về mặt hành chính, Trung Quốc thành lập Thành phố Tam Sa (Tây Sa (Hoàng Sa-VN), Trung Sa (Scarborough- Phiplippin) và Nam Sa (Trường Sa- VN) tuyên bố thành lập Về mặt quân sự, Trung Quốc nhiều lần tập trận trên Biển Đông với quy mô lớn nhằm răn đe các nước trong khu vực và Mỹ.

Là một bên trong cuộc tranh chấp “5 nước 6 bên” ở Biển Đông, là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn kiên quyết và kiên trì trên cơ sở thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Chính sách nhất quán đó được thể hiện cả trong lời nói và hành động. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức khác nhau như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các Tòa Trọng tài.

Trong khi chờ đợi một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) với cam kết nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; và khuyến khích các bên xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC), mới là giải pháp đúng đắn, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan, trước hết là của các quốc gia trong khu vực.

Hòa bình, ổn định, hợp tác, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của cả thế giới. Vấn đề Biển Đông do đó phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; cần có sự chung tay của tất cả các nước trong và ngoài khu vực trên tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hợp tác và cạnh tranh luôn song hành với nhau, cạnh tranh là tất yếu, là động lực để thúc đẩy hợp tác phát triển, nhưng đó phải là cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau và tuân thủ luật pháp quốc tế, không phải cạnh tranh để triệt tiêu lẫn nhau vì lợi ích của riêng quốc gia nào./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét