Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

Hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch trên không gian mạng

 Cuộc cách mạng 4.0 với các thành tựu công nghệ mang tính đột phá đã và đang đem lại nhiều tiện ích cho loài người. Bên cạnh những tiện ích to lớn, những thành tựu ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ, ứng dụng thông minh trên không gian mạng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa an ninh quốc gia (ANQG) đối với các quốc gia, dân tộc.

Việt Nam một đất nước có tỷ lệ sử dụng Internet chiếm khoảng 70% dân số nên các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các đối tượng bất đồng chính kiến đã tận dụng triệt để không gian mạng vào mục đích chống phá.

Internet xuất hiện ở nước ta từ năm 1997 và phát triển nhanh chóng, thâm nhập vào mọi mặt đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng… Thống kê cho thấy, Việt Nam có gần 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm khoảng 70% dân số; trên 65 triệu người sử dụng mạng xã hội. 100% các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế xây dựng trang thông tin điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, kinh doanh, thông tin liên lạc. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang phải đối phó với các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ Internet.

Chính sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của Internet với hàng loạt dịch vụ phong phú như: Chat, email, blog, mạng xã hội… đã trở thành công cụ đắc lực để các thế lực thù địch tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, tác động chuyển hóa chính trị, thành lập tổ chức chính trị đối lập, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và thể chế chính trị tại Việt Nam. Với mưu đồ chuyển hoá chế độ chính trị tại Việt Nam, các thế lực thù địch và bọn phản động nội địa đã xây dựng kịch bản “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”. Chúng tập hợp lực lượng theo lộ trình “3 giai đoạn”, mục tiêu sẽ công khai hóa tổ chức chính trị, lực lượng đối lập trong nước vào thời gian thích hợp. Để thực hiện mục tiêu này, chúng triệt để sử dụng không gian mạng như một kênh chính thức và quan trọng nhất để phá hoại tư tưởng, tuyên truyền về tổ chức và khuếch trương thanh thế để tập hợp lực lượng chống phá đất nước.

Thậm chí, một số tổ chức được thành lập, hoạt động hoàn toàn trên mạng và sử dụng Internet tuyên truyền chống Việt Nam là mặt hoạt động chính. Điển hình trong số này là tổ chức “Người Việt vì dân tộc Việt” do Nguyễn Xuân Châu ở Australia cầm đầu. “Việt Tân” là một trong những tổ chức phản động lưu vong đã đề ra chủ trương, xây dựng các kế hoạch, chiến dịch, đầu tư tài chính lớn cho hoạt động sử dụng Internet tuyên truyền chống Việt Nam. “Việt Tân” đánh giá, Internet là “phương tiện chiến lược để phá vỡ bưng bít thông tin và huy động quần chúng”, thực hiện phương thức “đấu tranh bất bạo động”.

Tổ chức này còn đề ra kế hoạch “Nong xích trên mạng”, thành lập “Mũi 3” (“Mặt trận công luận”) nhằm huy động tất cả các thành viên, thân hữu và các đối tượng chống đối khác sử dụng Internet hoạt động chống Việt Nam, coi đây là kế hoạch có tầm quan trọng tương đương các chiến dịch “Nong xích”, “Xây dựng”, “Tấn công trụ cột truyền thông”, “Sang sông - dựng cờ” đã triển khai trong thời gian qua.

Là một ứng dụng của Internet, mạng xã hội ngày càng được đông đảo người dùng sử dụng. Với đặc tính dễ dàng kết nối, tương tác thông qua hàng loạt ứng dụng, tiện ích được tích hợp như: Tìm kiếm, chat, email, phim ảnh, voichat, chia sẻ file, blog…, đây cũng là phương tiện để các đối tượng chống đối, thù địch tận dụng khi tung ra những thông tin xấu độc để phục vụ cho mưu đồ chống phá. Trên thế giới hiện có hàng trăm mạng xã hội, nổi tiếng nhất là: Facebook, Twitter, Youtube, Myspace, GooglePlus…, Việt Nam cũng phát triển các mạng xã hội như: Zing Me, YoMe, Tamtay…

Theo thống kê, cứ 3 giây có 1 người Việt Nam đăng ký tham gia mạng xã hội Facebook; 10 người truy cập Internet có 1 người xem video trên Youtube. Con số trên cho thấy, khả năng phổ biến và sức lan truyền trực tiếp của mạng xã hội có thể tác động trực tiếp đến thế giới thực. Vì vậy, bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội cũng đang trở thành công cụ đắc lực để các tổ chức, đối tượng chống đối, phản động trong và ngoài nước sử dụng chống phá Việt Nam. Đó là việc thực hiện, âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại nền tảng tư tưởng của chế độ XHCN, tác động chuyển hóa, hình thành tư tưởng đối lập, liên kết các phần tử chống đối trong – ngoài tiến hành các hoạt động chống phá nhằm từng bước xóa bỏ chế độ hiện nay, thiết lập chế độ đa nguyên đa đảng.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét