Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

Lịch sử phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng ở biên giới và chính sách an dân để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân

Để tăng cường sức mạnh, tiềm lực mọi mặt cho bảo vệ lãnh thổ, ngoài chú trọng xây dựng lực lượng quân sự từ Trung ương đến các làng bản biên giới, Nhà nước còn chú trọng phát triển kinh tế ở các vùng biên ải; trong phát triển kinh tế luôn quan tâm kết hợp tăng cường với sức mạnh quốc phòng. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực làm vững mạnh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều khuyến khích chiêu mộ người ra vùng biên viễn khai khẩn đất hoang để mở rộng diện tích canh tác, phát triển kinh tế biên giới vững mạnh, vừa tạo cơ sở xã hội cho nhà nước ở biên giới, vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ ở những vùng đất mới khai phá. Diện tích do nhân dân tự khai phá được cho thành ruộng tư, không thu thuế trong nhiều năm đầu, những năm sau thu thuế rất nhẹ. Nhà nước khen thưởng những ai mộ được nhiều người, khai khẩn được nhiều diện tích ở biên giới, vùng biển; mộ được càng nhiều người, khai hoang được càng nhiều ruộng đất mức thưởng càng cao. Với biện pháp này, nhà nước đã đưa được một lực lượng lớn cư dân ra biên giới, khai phá được nhiều ruộng đất canh tác. Lực lượng cư dân bám trụ ở biên giới ngày càng tăng làm cho sức mạnh biên phòng ngày càng được củng cố.

Để huy động lực lượng nhân dân bảo vệ biên giới, trước hết Nhà nước phải quan tâm đến việc an dân, cố kết các dòng họ, vỗ về nhân dân biên giới về kinh tế, xã hội… để họ gắn bó với bản làng, bám trụ nơi biên cương bảo vệ chủ quyền lãnh thổ như: Triều đình dùng biện pháp hôn nhân, gả công chúa cho các tù trưởng thiểu số cho họ làm phò mã triều đình, duy trì chế độ thế tập (cha truyền con nối) cho các thổ tù, dòng họ lớn cai quản nhân dân các địa phương biên giới, biến họ thành những gia thần để ràng buộc trách nhiệm và thành những tôi trung của triều đình, để họ thay mặt nhà nước quản lý đất đai, đoàn kết Nhân dân, ngăn ngừa tình trạng chống đối, tự đem đất dâng cho giặc, chống lại âm mưu mua chuộc của ngoại bang nhằm “gặm nhấm” dần đất đai biên giới ta. Thời Lý, họ Giáp (sau được vua cho đổi thành họ Thân) ở vùng “cổ họng” Lạng Châu ba đời được nhà vua gả công chúa, nối đời làm phò mã triều đình. Vì vậy, họ Giáp (Thân) trở thành trung thần nhiều đời của triều đình ở vùng biên ải Lạng Sơn. Một số tù trưởng ở biên giới có công lao còn được vua phong những chức tước ngang với đại thần trong triều, được vua ban quốc tính.

Tuy nhiên, ngoài biện pháp “nhu viễn” (mềm dẻo phương xa), triều đình cũng kết hợp cả biện pháp “cương”, định rõ chức phận, thưởng phạt nghiêm minh các “khổn quan” (quan coi giữ biên giới) nếu làm yếu thế nước, tạo cơ hội cho nước ngoài lợi dụng xâm chiếm đất đai ven biên giới trong Luật Hồng Đức - thế kỷ XV và Luật Gia Long - thế kỷ XIX.

Với chính sách an dân “nhu viễn” linh hoạt đối với nhân dân biên giới, Nhà nước đã thực sự đoàn kết được các tộc người thiểu số chung sức khai phá và bảo vệ  toàn vẹn bờ cõi qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.

PHAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét