Việc học tập và làm theo Bác Hồ là nghĩa vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam trong suốt cả cuộc đời.
Lớp
cán bộ chúng tôi giờ đây đã tám chín mươi tuổi đời, sáu bảy mươi năm tuổi đảng.
Còn nhớ trước khi cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 nổ ra, chúng tôi đã nghe cán bộ
Việt Minh trong làng truyền tai nhau về đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hình ảnh về
Người trong chúng tôi khi ấy là “ông tài giỏi lắm, 30 năm bôn ba nước ngoài,
nay trở về nước lãnh đạo nhân dân mình đứng dậy đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và
chế độ phong kiến, giành độc lập cho nước nhà”… Rồi dần dần, nhân dân nói về
Người nhiều hơn, truyền tai nhau về một Nguyễn Ái Quốc đã hy sinh hạnh phúc cá
nhân để lo cho đất nước. Và cứ như vậy, những câu chuyện về đồng chí Nguyễn Ái
Quốc, dù giản dị thôi nhưng đã len lỏi vào tâm trí mỗi người, thức tỉnh hàng
triệu trái tim, nhất là lớp thanh niên lúc bấy giờ phải suy nghĩ cho đất nước.
Sau Cách mạng Tháng
Tám năm 1945, trân trọng ngắm nhìn bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi vô
cùng xúc động. Trải qua nhiều năm tháng hoạt động cách mạng, bôn ba lặn lội, ăn
rừng ngủ đất, khuôn mặt Người gầy lắm. Nhưng ai nấy lại trầm trồ vì đôi mắt
sáng, vầng trán cao và dáng vẻ hiền từ của Bác. Khi đọc Tuyên ngôn độc lập tại
Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, giọng Người trong, rõ ràng, mạch lạc và ấm
áp, đã lay động hàng triệu triệu người dân Việt Nam và cả thế giới. Lòng tin
yêu Đảng, Bác Hồ trong lớp thanh niên hồi bấy giờ ngày càng sâu đậm, đưa họ trở
thành lực lượng xung kích cùng toàn dân lập nên chiến công vang dội ở chiến
trường Điện Biên Phủ, chấm dứt 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ
của nhân dân ta.
Vào những năm 60 của
thế kỉ XX, Đảng ta đã tổ chức cuộc vận động lớn trong toàn dân: “Sống, lao
động, công tác và học tập theo gương Bác Hồ”. Cùng với những cuộc vận động thi
đua như “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… lúc bấy giờ, đã
dấy lên những phong trào hành động cách mạng rộng lớn, xây dựng nên những con
người Việt Nam “vào nhà gặp dũng sĩ, ra ngõ gặp anh hùng”.
Những cuộc vận động “học
Bác”, “làm theo lời Bác” trước đây không tổ chức rầm rộ, hoành tráng, phần lớn
là rỉ tai, nhủ bảo nhau, tự mình suy ngẫm, tự giác làm theo nhưng đã đem lại
kết quả to lớn cho cách mạng. Từ việc “học Bác” đã đào tạo và bồi dưỡng nên một
lớp người mới, đặc biệt là lớp cán bộ, đảng viên trung với nước, hiếu với dân,
sẵn sàng sống, chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc, sống cần, kiệm, liêm, chính,
chí công vô tư… Đó là nguồn lực vô giá cho cách mạng. Lúc bấy giờ không ai vỗ
ngực tự xưng là mình đã học và làm theo Bác, nhưng từ lời nói, việc làm đều
nhìn theo gương Bác để noi theo. Sự quan tâm, tình yêu thương của Bác đối với
mọi tầng lớp nhân dân, từ giai cấp nông dân, công nhân, trí thức, bộ đội, người
dân tộc ít người, không phân biệt già trẻ, gái trai,… đã hằn sâu vào trái tim
mỗi người. Bởi vậy mà toàn dân tộc Việt Nam đã tin Đảng, yêu Bác Hồ, “Bác bảo
đi là đi, Bác bảo thắng là thắng”. Đó là lòng tin tuyệt đối vào Bác, vào Đảng
mà hiếm thời kỳ nào có được.
Nước ta đang trong
giai đoạn phát triển mới với thế và lực chưa bao giờ có, nhưng khó khăn và
thách thức hãy còn rất lớn. Những nguy cơ từ thiên tai, dịch bệnh đe doạ nghiêm
trọng đến sự phát triển của đất nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự
phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh
mẽ về mọi mặt. Để đất nước đổi mới, thì trước hết Đảng phải đổi mới phương thức
lãnh đạo của mình, đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm để đưa đất nước vượt qua
khó khăn, phát triển xứng tầm. Phải xây dựng được đội ngũ những người lãnh đạo
có đức, có tài; loại bỏ những cán bộ, đảng viên tha hoá về nhân phẩm, đạo đức;
ngăn chặn những hành vi tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn xâm
phạm lợi ích chính đáng của nhân dân. V.I.Lê-nin từng nói về 2 nguy cơ của một
đảng cầm quyền, đó là sai lầm về đường lối và bệnh quan liêu. Bác Hồ cũng đã
viết trong Di chúc thiêng liêng: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên
và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm
chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là
người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Thiết nghĩ, lớp cán bộ
trưởng thành sau hai cuộc kháng chiến của dân tộc có nhiều ưu điểm, nhiều triển
vọng nhưng vẫn cần phải thường xuyên học và làm theo Bác, khắc phục cho được
chủ nghĩa cá nhân, kiên quyết tránh xa sự cám dỗ về tiền tài, địa vị. Bởi thực
tế đã có không ít cán bộ, trong đó có cán bộ lãnh đạo cấp cao, lúc nói về tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì hay, nhưng làm thì dở, vi phạm kỷ luật,
suy thoái về đạo đức, tham ô, tham nhũng…
Việc làm theo Bác phải
gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị,
với nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Các phong trào, cuộc vận
động học tập và làm theo Bác Hồ cũng phải gắn với hiệu quả thiết thực chứ không
nên làm cho có hình thức, phô trương. Người thực sự học và làm theo Bác, họ rất
khiêm tốn, không phải cố làm để được khen thưởng hay tuyên dương. Cho nên nói
thi đua học và làm theo Bác, vừa có thể hiểu rằng là thi đua trong quần chúng
để ngày càng phát triển thêm, vừa là thi đua với chính mình để chiến thắng chủ
nghĩa cá nhân. Bởi vậy, việc bình chọn, tuyên dương, khen thưởng danh hiệu thi
đua “học tập và làm theo Bác” ở các cấp, các ngành, địa phương… cần làm thận
trọng để tránh việc thi đua hình thức, không thực chất.
Việc học tập và làm
theo Bác Hồ là nghĩa vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân
Việt Nam trong suốt cả cuộc đời. Dù với hình thức nào, thì trên hết vẫn là tinh
thần tự học, tự rèn luyện, tự giác làm theo, có như vậy việc học Bác, làm theo
Bác mới có ý nghĩa trường tồn, vĩnh cửu./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét