Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

 

BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI LÀ TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ 
CỦA TOÀN ĐẢNG, TOÀN QUÂN VÀ TOÀN DÂN

 Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, cùng với đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, mở rộng giao lưu và hội nhập quốc tế đang đặt ra những vấn đề mới cấp thiết. Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết đã đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nước ta trong điều kiện mới. Vì vậy, trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần phải quán triệt sâu sắc, tổ chức giáo dục và thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ trong tình hình mới.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì giáo dục, động viên chính trị, tinh thần, tạo thế trận lòng dân có vai trò và ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong giáo dục, cần bám sát quan điểm chỉ đạo trong Đại hội XI của Đảng: “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ‎ ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới”[1]. Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh:“Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng giáo dục, thống nhất, nâng cao nhận thức về đối tác và đối tượng; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.[2]. Theo đó, cần phải thường xuyên, tích cực, chủ động tuyên truyền, giáo dục để mọi công dân Việt Nam hội tụ được đầy đủ phẩm chất, năng lực xây dựng đất nước, có ý thức, đạo đức, ý thức quốc phòng - an ninh và kỹ năng quân sự cần thiết tham gia tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp củng cố quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc.

 Các nội dung giáo dục phải làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ Tổ quốc phải bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hoà bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta khẳng định, bất cứ quốc gia nào cũng tồn tại trên một vùng lãnh thổ nhất định. Tổ tiên ta đã để lại cho nước ta một lãnh thổ quý giá bao gồm cả vùng đất, vùng biển, vùng hải đảo, thềm lục địa và vùng trời tương ứng. Đó là sản phẩm lịch sử, được xây dựng và phát triển bằng lao động và chiến đấu của cả cộng đồng các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam qua nhiều thế hệ, là tài sản quý báu nhất, thiêng liêng nhất của nhân dân Việt Nam. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, nhà sử học Phan Huy Chú đã đặt "Dư địa chí" lên "loại chí" hàng đầu và viết: Nước nào có địa phận nước ấy. Việc định giới hạn để ngăn cách là việc cần phải làm trước tiên khi mới dựng nước. Của báu của một nước không gì quý bằng đất; nhân dân và của cải đều do đấy mà sinh ra.

Bảo vệ Tổ quốc, phải bảo vệ chủ quyền quốc gia trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, xã hội, lãnh thổ, tài nguyên. Tập trung nhất là bảo vệ chủ quyền chính trị, tức chủ quyền xây dựng chế độ chính trị mà nhân dân các quốc gia đã lựa chọn. Mọi công dân Việt Nam thuộc bất cứ dân tộc nào, tôn giáo nào, giai cấp và tầng lớp nào đều có chung Tổ quốc Việt Nam, đều có nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, có quyền lợi chính đáng được Tổ quốc bảo vệ. Do đó, bảo vệ Tổ quốc là phải bảo vệ công dân, cả công dân ở trong nước và công dân ở nước ngoài. Bảo vệ quyền lợi công dân là tạo điều kiện cho mọi công dân làm tròn nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi chính đáng của mình theo Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo vệ quyền làm ăn, thu nhập và tài sản hợp pháp của tất cả các thành phần kinh tế, các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, các hình thức sở hữu. Các công dân Việt Nam sống ở nước ngoài phải được Nhà nước Việt Nam chăm lo bảo vệ lợi ích, được giáo dục và quản lý, được tạo điều kiện để họ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có địa vị xứng đáng, tự hào là công dân của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, một chủ thể có uy tín trên thế giới và cộng đồng quốc tế./.

* Tài liệu tham khảo
1-Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2001, tr.134.
2-Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG, H.2021, tr.159.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét