Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Bóc trần âm mưu DBHB trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng

 

Tư tưởng chính trị là sự phản ánh trực tiếp các quan hệ chính trị của đời sống xã hội. Đây là một lĩnh vực rất quan trọng vì nó liên quan đến nền tảng tư tưởng của Đảng, đến lý tưởng chính trị, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ, đến sự đoàn kết trong Đảng và đồng thuận xã hội. Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng chính trị là một nội dung quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp, một nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới đất nước. Vì vậy, cần tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chính trị hiện nay nhằm chống các quan điểm sai trái, thù địch, chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc.

Trong những năm đổi mới, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” gây bạo loạn, lật đổ nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.

Các thế lực thù địch sử dụng các thủ đoạn tinh vi, thâm độc thông qua hàng trăm cơ quan báo chí, xuất bản ở nước ngoài, móc nối với các phần tử cơ hội chính trị ở trong nước; thông qua con đường ngoại giao, hợp tác kinh tế, đầu tư… hòng chuyển hóa nước ta theo quỹ đạo của Mỹ, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, hòng làm mất ổn định chính trị - xã hội, tạo cớ và điều kiện can thiệp sâu hơn chống phá cách mạng Việt Nam.

Các thế lực thù địch lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót, yếu kém trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước cũng như những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên để gây ra những dao động về tư tưởng, mất lòng tin, thiếu đồng thuận trong nhân dân, kích động, chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, lập các tổ chức phản động trong nước.

Chúng dùng mọi biện pháp để đánh vào nền tảng tư tưởng của Đảng hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, về lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng tiếp tục xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chỉ thích hợp với nền văn minh công nghiệp, còn thế kỷ XXI là thời đại văn minh tin học, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa nên đã lỗi thời, đã bị lịch sử vượt qua; hoặc cho rằng chủ nghĩa Mác -Lênin chỉ phù hợp với các nước Tây Âu, không thích hợp với các nước lạc hậu như Việt Nam, rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là sản phẩm của thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là “một sai lầm của lịch sử”, “đã kìm hãm sự phát triển của đất nước”. Hoặc cho rằng, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu chứng tỏ “chủ nghĩa Mác - Lênin là sai lầm, sai lầm từ trong bản chất chứ không phải do nhận thức và vận dụng sai”.

Các thế lực thù địch còn đẩy mạnh tuyên truyền, ca ngợi chủ nghĩa tư bản, cổ súy cho chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chúng cho rằng chủ nghĩa tư bản là chế độ xã hội cuối cùng của lịch sử loài người, chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, không còn là một xã hội áp bức, bóc lột nữa. Đồng thời, chúng coi con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn là “mù mờ”, “thiên đường mù”, “không tưởng”, “không rõ chủ nghĩa xã hội là gì mà dám lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa”; hoặc cho rằng “chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn dân giàu, nước mạnh”; họ tách rời và đối lập độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, thậm chí cho rằng “xưa kia trong chế độ phong kiến làm gì có chủ nghĩa xã hội đâu mà cha ông ta vẫn giữ vững được độc lập dân tộc”, v.v..

Đồng thời chúng còn xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng, đạo đức, tác phong, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng viết sách, báo, sản xuất băng hình nhằm “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”. Họ đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, coi Hồ Chí Minh chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là người cộng sản.

Chúng xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có Báo cáo tình hình nhân quyền, trong đó họ tự dành cho mình cái quyền phán xét tình hình nhân quyền của các nước khác, trong đó có Việt Nam, cố tình lờ đi tình trạng vi phạm nhân quyền đầy rẫy trên đất Mỹ. Thậm chí, họ còn đe dọa đưa nước ta trở lại danh sách CPC (danh sách “Các quốc gia đáng quan ngại về vấn đề tôn giáo”); can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, đòi chúng ta phải thả những tên phạm tội phản quốc, khủng bố, chống Nhà nước ta mà họ gọi là “những tù nhân lương tâm”. Họ còn tài trợ cho các lực lượng chống đối trong tôn giáo và người đi khiếu kiện; tổ chức đình công, bãi công, kích động biểu tình trong giáo dân, người dân tộc thiểu số, sinh viên, học sinh.

Các thế lực thù địch muốn truyền bá lối sống thực dụng, văn hóa phẩm đồi trụy, khuếch trương các quyền tự do, dân chủ trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ núp dưới chiêu bài tự do ngôn luận, tự do sáng tác, quyền thông tin; móc nối với những phần tử bất mãn, chống đối trong nước, lợi dụng những sơ hở, yếu kém của ta trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, tung ra những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo chế độ ta, hòng bôi đen chế độ.

Ý đồ lâu dài không thay đổi của các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, thay đổi chế độ ta. Thông qua việc truyền bá những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, lối sống lai căng vào xã hội, vào cán bộ, đảng viên, dần dần từng bước tạo sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, để đi đến chuyển hóa Đảng, chuyển hóa chế độ và cuối cùng thực hiện mục tiêu như cựu Tổng thống Mỹ R. Nixơn đã mong muốn là “chiến thắng không cần chiến tranh”.

Những tác động của âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, trong đó có những tư tưởng, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước mà bên cạnh mặt thuận lợi đang có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Chủ nghĩa tư bản còn tồn tại lâu dài và hiện tại còn tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế; các cường quốc tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Mỹ đang chi phối trật tự thế giới. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ, chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào thoái trào đã tác động mạnh đến niềm tin, lý tưởng của nhiều cán bộ, đảng viên. Tình hình thế giới biến đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều xu thế và đặc điểm mới, nhiều vấn đề mới nảy sinh.

Ở trong nước, chúng ta chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nó kích thích chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng phát triển, coi tiền là tất cả mà coi thường đạo lý, coi nhẹ lý tưởng, tình đồng chí, làm băng hoại những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, làm tăng phân hóa giàu nghèo, khuyến khích lối sống hưởng thụ ích kỷ, không có tình nghĩa. Trong bối cảnh đó, nếu cán bộ, đảng viên không có bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên thì rất dễ dao động về lý tưởng, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, dễ sa ngã bởi những cám dỗ vật chất tầm thường, rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Hiện nay, tình trạng nhạt Đảng, nhạt chính trị, nhạt chủ nghĩa đang diễn ra và có xu hướng tăng lên. Ngay từ năm 1927 (khi Đảng còn chưa ra đời), trong cuốn Đường cách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn “phải ít lòng tham muốn về vật chất” và “phải giữ chủ nghĩa cho vững”. Thiết nghĩ, những lời căn dặn đó như Người đang nói với chúng ta ngày hôm nay. (X.T)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét