Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá cách mạng nước ta

 Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp cơ bản khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp, Nhà nước và xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, tổ chức, cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm cho Đảng đủ sức lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước không ngừng phát triển. Tuyệt đối không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm tư tưởng chính trị sai trái, thù địch đòi đa nguyên, đa đảng.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế; cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Nếu không nhận thức sâu sắc điều này, nếu cán bộ, đảng viên không tích cực, kiên trì rèn luyện và học tập thì rất dễ bị thoái hoá, biến chất. Vấn đề giữ vững bản chất giai cấp của Đảng - một Đảng Cộng sản, đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc tộc, là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng.

Hai là, chủ động phát hiện kịp thời những tư tưởng đối lập do các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang; xử lý kịp thời và nghiêm minh theo pháp luật đối với các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, không để chúng tạo dựng ngọn cờ tập hợp được lực lượng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý các hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, internet, mạng xã hội (Facebook), các cuộc hội thảo, việc hợp tác nghiên cứu khoa học xã hội về những vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền... Không xảy ra sơ hở để bên ngoài có thể lợi dụng xâm nhập, thu thập bí mật, xuyên tạc, phủ nhận, truyền bá quan điểm tư tưởng thù địch và kích động phá hoại. Đồng thời, đẩy mạnh đấu tranh, vô hiệu hóa các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc; tăng cường giáo dục, đối thoại với những người có quan điểm sai trái, ngăn chặn sự tác động của bọn phản động bên ngoài, không đẩy họ vào thế đối địch, đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây tổn hại đến nội bộ Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.

Ba là, chủ động phê phán, bác bỏ các quan điểm tư tưởng sai trái và ý đồ thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là yêu cầu cần kiên quyết, kiên trì, tăng cường đấu tranh phê phán hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, chủ nghĩa thực dụng. Đảng ta chỉ rõ: “Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nới còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng được yêu cầu”[2]. Bởi vậy, yêu cầu: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…”, “không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống những luận điểm sai trái, thù địch, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng để có luận chứng bác bỏ có sức thuyết phục từng luận điểm. Trên cơ sở đó, huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của các cơ quan, đơn vị trên mặt trận tư tưởng - lý luận tiến hành phản bác kịp thời, có hiệu quả các quan điểm sai trái, phủ nhận đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vạch trần thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, trong quản lý kinh tế - xã hội nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; sắp xếp tổ chức bộ máy, sát nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xấp xã và tinh giảm biên chế của hệ thống chính trị; đổi mới công tác cán bộ và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xử lý nghiêm những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”[3].

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ: “Chúng ta phải có dũng khí, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ”. Phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trong đó đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại; “kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”[4]. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét