Các sản phẩm văn hóa xấu độc có nguy cơ làm tha hóa nhân cách quân nhân

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế”(1). Đảng ta cũng kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những nhận thức, hành vi phi giá trị, phản văn hóa (gọi chung là sản phẩm văn hóa xấu độc): “Đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, dân chủ, tiến bộ”(2). Điều đó cho thấy, trong tiến trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đảng ta chủ trương thực hiện phương châm vừa “xây”, vừa “chống”; phải kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Chính vì vậy, phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc vào Việt Nam nói chung, vào các đơn vị Quân đội nói riêng là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay.

Có thể thấy sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc vào đơn vị Quân đội thường thông qua một số con đường sau.

Thứ nhất, xâm nhập thông qua việc quân nhân sử dụng internet và mạng xã hội. Các thế lực thù địch tận dụng tối đa những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại để tán phát sản phẩm văn hóa xấu độc trên internet và mạng xã hội với nhiều chiêu thức mới, tinh vi. Thông qua internet và các nền tảng mạng xã hội mà quân nhân sử dụng, các sản phẩm văn hóa xấu độc trôi nổi tràn lan trên không gian mạng có thể thẩm thấu, tác động và gây ảnh hưởng xấu đến nhân cách quân nhân.

Thứ hai, xâm nhập thông qua hoạt động giải trí vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Tưởng chừng như sản phẩm văn hóa xấu độc không thể xâm nhập bằng con đường này vào đơn vị, nhưng thực tế vẫn xảy ra. Một bộ phận quân nhân vẫn lén lút, tùy tiện nghe, xem các sản phẩm nghệ thuật thiếu lành mạnh như xem phim bạo lực, khiêu dâm, sản phẩm nhạc chế với lời lẽ thô tục.

Thứ ba, xâm nhập khi cán bộ, chiến sĩ được đi phép, tranh thủ, làm nhiệm vụ độc lập và công tác xa. Đây là con đường xâm nhập nhanh nhất, có tính chủ động nhất và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của nhân cách quân nhân. Sau thời gian dài sống và làm việc trong môi trường chính quy, kỷ luật, khi được đi phép, tranh thủ, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì quân nhân thường tìm cách để “xả hơi” và sẵn sàng tiếp cận, thu nạp các sản phẩm văn hóa xấu độc.

Về phương thức, cơ chế xâm nhập là “mưa dầm thấm lâu”, chủ yếu là bí mật (trong các hội nhóm kín trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Viber, Instagram...) trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay; các sản phẩm văn hóa xấu độc có cơ chế lây lan theo cấp số nhân với tốc độ nhanh và khó kiểm soát.

Các sản phẩm văn hóa xấu độc xâm nhập vào đơn vị Quân đội “ngấm” dần vào tâm lý, sở thích, kích thích những ham muốn vật chất tầm thường của mỗi quân nhân, qua đó từng bước làm thay đổi các thang giá trị phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, làm cho một số quân nhân xao nhãng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lơ là chức trách, nhiệm vụ được giao; khơi dậy bản năng thấp hèn, chạy theo lạc thú, lợi ích vật chất tầm thường.

Xây dựng “phòng tuyến” ngăn ngừa sản phẩm văn hóa xấu độc vào môi trường Quân đội

Quân đội là trường học lớn, nơi giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ cả về lý tưởng, phẩm chất, năng lực, lối sống tốt đẹp. Vì vậy, không thể để cho sự tồn tại của sản phẩm văn hóa xấu độc xuất hiện trong môi trường văn hóa quân sự.

Để phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc vào môi trường Quân đội hiện nay, trước hết, các đơn vị cần tăng cường giáo dục, bồi đắp giá trị văn hóa làm chuyển biến từ nhận thức tới hành động cho cán bộ, chiến sĩ. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”(3), các đơn vị cần tập trung giáo dục lòng tự hào, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của Quân đội, bồi đắp phẩm chất cao đẹp của người quân nhân cách mạng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đấu tranh phê phán những biểu hiện lệch chuẩn, những thói hư tật xấu nảy sinh trong một bộ phận quân nhân.

Việc cần chú trọng hiện nay là các đơn vị tạo ra bước đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”. Cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường lãnh đạo công tác tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Chú trọng đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quân nhân trên từng lĩnh vực công tác; cổ vũ, động viên những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”, đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc, thực hiện phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Để cuộc vận động đi vào chiều sâu, cần tập trung xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú; hướng mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ tới những chuẩn mực giá trị văn hóa trong môi trường quân sự. Xây dựng các quan hệ văn hóa tốt đẹp, trong đó coi trọng các giá trị đạo đức, làm nền tảng vững chắc cho thực hành đạo đức, thực hành văn hóa chính trị của cán bộ, chiến sĩ, mà cốt lõi là quan hệ cấp trên-cấp dưới, quan hệ đồng chí, đồng đội. Tích cực xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa hài hòa, thân thiện, tạo nên cả diện mạo cũng như chiều sâu của đơn vị chính quy, vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa lành mạnh, phong phú, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của bộ đội.

Nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp có tác dụng lan tỏa rất lớn trong giáo dục, định hướng giá trị văn hóa nhân cách của cán bộ, chiến sĩ. Nhận rõ vai trò của nêu gương trong lãnh đạo, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Bởi vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải không ngừng học tập và thực hành đạo đức cách mạng, đi trước, làm gương cho quần chúng về đạo đức, bản lĩnh, phong cách và tinh thần trách nhiệm cao cả đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp thẩm thấu vào nhân cách bộ đội.

Trong tình hình hiện nay, các đơn vị cần phối hợp với địa phương trong phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc. Đây là giải pháp nhằm ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ bên ngoài, kịp thời phát hiện, xử lý các sản phẩm văn hóa xấu độc vào đơn vị. Trên cơ sở tiêu chí chung, các đơn vị cần cụ thể hóa và xây dựng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức về văn hóa công vụ cho đơn vị, gắn kết giữa đề cao văn hóa, đạo đức với tuân thủ pháp luật, kỷ luật cho mọi quân nhân. Thực hiện tốt các quy chế, quy định trong giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chế độ, quy định của đơn vị, nhất là quy định về tham gia mạng xã hội của quân nhân, giáo dục bộ đội không truy cập trang tin xấu độc, không tán đồng, ủng hộ quan điểm, luận điệu tiêu cực, sai trái trên các trang mạng xã hội.

Phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa xấu độc vào đơn vị Quân đội hiện nay là góp phần lưu giữ và nhân lên giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, qua đó góp phần “phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(4) mà Đảng ta đã xác định.

Phạm Văn Hậu ch32