Với ánh sáng soi đường từ Đề cương về văn hóa
Việt Nam, chúng ta đã biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, tạo ra những thành
quả to lớn, vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng bảo
vệ tổ quốc hôm nay.
Tròn 80 năm trước, Hội nghị Ban Thường vụ
Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến 28/2/1943 tại xã Võng La, huyện Đông Anh,
tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Đông Anh, Thủ đô Hà Nội) đã nhất trí thông qua
Đề cương về văn hóa Việt Nam (gọi tắt là Đề cương) do đồng chí Trường Chinh,
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, soạn thảo.
Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử rất cam go, Đề
cương về văn hóa Việt Nam được xem như bản "tuyên ngôn văn hóa",
"cương lĩnh văn hóa" đầu tiên của Đảng, có tính chất hoạch định chiến
lược phát triển văn hóa Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Tròn 80 năm nhìn lại, đất nước đã trải qua bao
đổi thay nhưng những nội dung cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn
nguyên giá trị và tính thời sự. Nó không chỉ là ánh sáng soi đường cho văn hóa
dân tộc trong quá trình đấu tranh giành độc lập, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc
mà còn cả trong thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển hiện nay.
Ba nguyên tắc mà Đề cương đưa ra: dân tộc hóa,
đại chúng hóa, khoa học hóa đã trở thành kim chỉ nam cho các tổ chức và hoạt
động văn hóa, văn nghệ, trực tiếp đưa các giá trị văn hóa nói chung đóng góp
cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây
dựng nước Việt Nam mới ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Xây dựng nền văn hoá Việt Nam
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Nguyên tắc dân tộc hóa ngoài việc chống mọi
ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa nô dịch và thuộc địa của thực dân và đế quốc,
còn đề cao giá trị truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc để thúc đẩy tinh
thần tự tôn tự cường, anh hùng bất khuất; động viên toàn dân đứng lên thực hiện
nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân đối với non sông đất nước, quyết tâm thực
hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.
Nguyên tắc đại chúng hóa thể hiện rõ quan điểm
lấy dân làm gốc, văn hóa phải thuộc về quần chúng nhân dân, người dân có quyền
học tập để có kiến thức, có trình độ học thức, từ đó biết thưởng thức và tham
gia sáng tạo văn học, nghệ thuật và tiếp thu các giá trị tinh thần của dân tộc
cũng như tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Nguyên tắc khoa học hóa chống lại những cái gì
làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, kéo lùi sự phát triển; chống lại
sự bảo thủ lạc hậu, thành kiến, mê tín dị đoan, và những nội dung mị dân, ngu
dân.
Đề cương khẳng định tính chất của nền văn hóa
Việt Nam mới: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về
hình thức và tân dân chủ về nội dung. Chính vì thế nó cách mạng nhất và tiến bộ
nhất ở Đông Dương trong giai đoạn hiện nay”.
Tính dân tộc về hình
thức là giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phát triển tiếng nói của ông cha
nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống mới, hiện đại, hội nhập với thế giới bên
ngoài; bảo tồn, giữ gìn các giá trị và di sản văn hóa tinh thần, văn hóa vật
chất của ông cha.
Tính dân chủ về nội dung là nói lên tiếng nói
của nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng, tư tưởng của nhân dân, vì nhân dân
trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt
Nam yêu dấu.
Tiếp nối tinh thần của Đề cương văn hóa Việt
Nam 1943, ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa ra đời, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại
Hà Nội ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm văn hóa soi đường
cho quốc dân đi. Người chỉ rõ: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc
lập, tự cường và tự chủ.
Tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998)
về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc, Đảng tiếp tục khẳng định: “Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực
then chốt của văn hoá”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: Xây dựng nền văn
hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống
nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho
văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền
tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.
Tháng 6/2014, Trung ương ra Nghị quyết
33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững đất nước, tiếp tục xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng nền văn
hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ,
thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự
trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan
trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Một sự kiện đặc biệt gần đây, được ví như
"Hội nghị Diên Hồng về văn hóa", diễn ra ngày 24/11/2021 tại phòng
họp Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội, tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt
của Đảng: "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hoá Việt Nam
trong thời kỳ mới: “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách
quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát
triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là
"nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi
đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người
Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra
sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức,
thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo
định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.
Một sự kiện khác diễn
ra cuối năm 2022 được người dân rất quan tâm, là Hội thảo Văn hóa 2022 tại Bắc
Ninh. Hội thảo tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương và nghị quyết
của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần của Nghị
quyết Đại hội XIII của
Đảng và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa
toàn quốc năm 2021.
Có thể nói, với ánh sáng soi đường từ Đề cương
về văn hóa Việt Nam, chúng ta đã biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, tạo ra
những thành quả to lớn, vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và
đang tiếp tục khơi dậy, phát huy sức mạnh ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc hôm nay.xt
xt st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét