Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023
Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và một số vấn đề đặt ra đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo an ninh con người
Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm trong thời gian gần đây. Nhiều quốc gia thậm chí coi đây là phần không thể thiếu trong chính sách, chiến lược phát triển trong thế kỷ XXI. Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề mới về lý luận và thực tiễn đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo an ninh con người tại Việt Nam.
Việc các quốc gia quan tâm đến vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là dễ hiểu do thế giới ngày càng kết nối và phụ thuộc vào không gian mạng. Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), tính đến cuối năm 2021, có khoảng 4,9 tỷ người sử dụng Internet đang hoạt động trên toàn thế giới (63% dân số thế giới, tăng 17% so với năm 2019)[2]; ước tính sẽ có 28,5 tỷ thiết bị sẽ kết nối với Internet vào năm 2022, tăng 158% so với năm 2017.[3] Mỗi ngày đều có nhiều ứng dụng và dịch vụ mới ra đời. Các tiến bộ về khoa học công nghệ tiếp tục cách mạng hóa cuộc sống của con người theo hướng tiện ích, hiện đại hơn.
Đặc biệt, thế giới đang đứng trước những thay đổi quan trọng trên không gian mạng, trong đó có sự tiến bộ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu (data analytics), điện toán đám mây (cloud computing) và 5G, sự gia tăng các rủi ro vật lý mạng trong Internet vạn vật (IoT), sự phổ biến của kết nối kỹ thuật số sau đại dịch và gia tăng căng thẳng trên không gian mạng.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia vừa có thêm những cơ hội lớn nhưng, như đã được chứng minh trong thời gian vừa qua, vừa phải đối mặt, ứng phó với nhiều rủi ro, thách thức lớn trên mọi lĩnh vực; đặc biệt là ứng phó với tội phạm trên không gian mạng và các cuộc tấn công mạng được tiến hành từ lãnh thổ của các quốc gia khác. Truyền thông quốc tế đã đưa nhiều tin bài về các vụ tấn công mạng nhằm vào hệ thống hạ tầng thông tin của các chính phủ và giới doanh nghiệp của Ấn Độ, Iran, Hoa Kỳ, Israel…; đồng thời các nguy cơ nghiêm trọng đối với an toàn, an ninh thông tin cá nhân và quyền tự do cá nhân.[4] Ví dụ như vụ rò rỉ thông tin cá nhân và kết quả xét nghiệm của 14.200 người bị chẩn đoán dương tính với HIV tại Singapore, trong đó thông tin của 2,400 bệnh nhân bị đưa lên mạng.[5]
Không phải ngẫu nhiên mà Bà Izumi Nakamitsu, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), Đại diện cấp cao về các vấn đề giải trừ quân bị, người đứng đầu Cơ quan Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (ODA) phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ rằng “chúng ta phải luôn cảnh giác” với các công nghệ độc hại mà “có thể ảnh hưởng đến an ninh của các thế hệ tương lai”. Bà Izumi Nakamitsu, nhấn mạnh: “Các công nghệ kỹ thuật số đang gây thêm căng thẳng cho các chuẩn mực luật pháp, nhân đạo và đạo đức hiện hành, không phổ biến vũ khí hạt nhân, ổn định, hòa bình và an ninh quốc tế”.[6]
Kết nối nhiều hơn với tốc độ nhanh hơn cũng làm tăng rủi ro về quy mô và tác động của tội phạm mạng và các cuộc tấn công trên không gian mạng. Đồng thời, sự phát triển ngày càng nhanh, càng nhiều của các công nghệ kỹ thuật số đặt ra các yêu cầu mới, cần phải điều chỉnh các chuẩn mực, quy định hiện có về pháp luật, đạo đức, nhân đạo, không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh, ổn định và hòa bình của thế giới. Đáng lưu ý là, những thách thức an ninh mạng đã trở thành một phần tất yếu của thế giới thực, không quốc gia nào có thể né tránh được.
Thời gian qua, tội phạm trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp cả về số lượng, quy mô và tính chất. Tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng…, trực tiếp đe dọa đến an ninh và lợi ích kinh tế quốc gia. Các đối tượng tội phạm đã sử dụng không gian mạng để tiến hành nhiều hoạt động nghiêm trọng như: chiếm dụng và sử dụng trái phép tài nguyên máy tính (hacking), giám sát bất hợp pháp, tấn công mạng tống tiền, ấu dâm, lấy cắp thông tin bí mật công nghệ, bí mật quốc gia…[7] Đáng lo ngại là sự phát triển bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số trên khắp thế giới cũng tạo ra nhiều lĩnh vực tiềm năng mới cho xung đột và khả năng các tác nhân nhà nước và phi nhà nước thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới quốc tế. Những khó khăn liên quan đến yếu tố chính trị và công nghệ trong việc quy kết trách nhiệm các cuộc tấn công trên không gian mạng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có các cuộc tấn công đáp trả quân sự và căng thẳng địa chính trị không mong muốn.
Theo Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ đứng sau tội phạm khủng bố về mức độ nguy hiểm. Theo một thống kê, 90% tội phạm truyền thống đã chuyển sang môi trường mạng hoặc có sử dụng các thiết bị công nghệ cao để tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật. Một nghiên cứu gần đây do công ty quốc tế KPMG tiến hành cho thấy 18% giám đốc điều hành (CEO) trong tổng số 500 CEO cho biết rủi ro an ninh mạng sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển doanh nghiệp của họ trong 03 năm tới.
Theo Bà Izumi Nakamitsu, thời gian qua thế giới chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các sự cố độc hại dưới nhiều hinh thức khác nhau như các chiến dịch cung cấp thông tin sai lệch đến sự gián đoạn của các mạng máy tính; từ đó làm giảm lòng tin giữa các quốc gia. Các cuộc tấn công lại nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của ngành tài chính, cơ sở chăm sóc sức khỏe, mạng lưới điện và các cơ sở hạt nhân… gây ra những tác động mạnh mẽ, phức tạp, ngày càng tăng và khó đoán định là đối với an ninh con người.
Bà Izumi Nakamitsu nhận định, các xu hướng tiêu cực trên không gian mạng có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cản trở việc thụ hưởng đầy đủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác. Do đó, Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng bảo an LHQ nói riêng cần phải dành nhiều quan tâm, xử lý các xu hướng tiêu cực trên không gian mạng, không để ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh thế giới.
Đáng tiếc là cộng đồng quốc tế vẫn chưa đạt được thống nhất cách hiểu về các vấn đề rất cơ bản như không an mạng, an ninh mạng, chứ chưa nói đến chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Điều này cản trở nỗ lực quốc tế để phòng ngừa và đấu tranh chống lại các thách thức an ninh trên không gian mạng.
Tại cuộc thảo luận mở của Hội đồng bảo an LHQ (UNSC) vào tháng 6/2021, lãnh đạo các chính phủ, bộ trưởng và quan chức cấp cao của 15 nước thuộc UNSC nhấn mạnh rằng không gian mạng cũng chịu sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và nguyên tắc chủ quyền quốc gia.
Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, “các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối, an toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức là có chủ quyền quốc gia trên không gian mạng [như chủ quyền lãnh thổ]; việc xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền kiểm soát, chi phối trên cơ sở chủ quyền, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Thực chất việc quốc gia xác lập chủ quyền không gian mạng là xác lập quyền quản lý, kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng và thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền đưa trên đó, được thực hiện thông qua xác lập chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế đối với cơ sở hạ tầng mạng thuộc sở hữu cả ở trong và ngoài lãnh thổ quốc gia; đồng thời mã hóa thông tin số truyền đưa trên không gian mạng toàn cầu”.[8]
Giống như các thách thức an ninh phi truyền thống khác (mua bán người, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…), các thách thức an ninh đặt ra trên không gian mạng có tính xuyên quốc gia, đòi hỏi nỗ lực hợp tác quốc tế để giải quyết. Người dân ở khắp nơi trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đều mong muốn được bảo vệ an ninh, an sinh, an toàn để phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Mặc dù vẫn chưa đạt được đồng thuận quốc tế về các vấn đề cơ bản như không gian mạng, an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, cộng đồng quốc tế đã đạt được nhận thức nhất định về các rủi ro trên không gian mạng và sự cần thiết phải cảnh giác với việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại đi ngược lại mục đích bảo vệ người dân, các quốc gia trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Đồng thời, đã có những bước đi cụ thể để ứng phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với công nghệ thông tin và truyền thông. Ở cấp độ Liên hợp quốc, Đại hội đồng LHQ đã thành lập 02 nhóm chuyên trách là: Nhóm các chuyên gia của Chính phủ về thúc đẩy hành vi của Nhà nước có trách nhiệm trên không gian mạng trong bối cảnh an ninh quốc tế và Nhóm công tác cởi mở về phát triển trong lĩnh vực thông tin và viễn thông quốc tế.
LHQ đang nỗ lực kết nối các quốc gia thành viên hoàn thiện các khung khổ pháp lý quốc tế để giải quyết hài hòa nguyên tắc chủ quyền quốc gia tối thượng theo luật pháp quốc tế và nhu cầu hợp tác xuyên biên giới để ứng phó với các thách thức an ninh trên không gian mạng. Tuy nhiên, thực tế, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Rõ ràng, đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải hành động thực chất, đạt được mức đồng thuận cơ bản để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn mà các bên liên quan hành động trên cơ sở trách nhiệm, nghĩa vụ trên không gian mạng. Các hành động đơn phương không phải là giải pháp tối thượng, mà trong nhiều trường hợp chỉ làm gia tăng hoài nghi, gây bất ổn an ninh, hòa bình khu vực và thế giới.
Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet cao trên thế giới. Kể từ khi Internet vào Việt Nam năm 1997 đến nay, hiện có khoảng 70 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 68% dân số), cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (51,4%) và các nước châu Á - Thái Bình Dương (44,5%). Hiện Việt Nam có khoảng 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook và 154 triệu thiết bị kết nối Internet. Theo tổ chức We are Social, mỗi người dân Việt Nam dành trung bình khoảng 6 giờ 24 phút mỗi ngày để truy cập Internet, trong đó, dành khoảng 2,5 giờ để vào mạng xã hội. Tỷ lệ người dân lên mạng Internet hàng ngày là 94%.
Tại Việt Nam, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 05/01/2022, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bảo đảm an ninh thông tin và an ninh mạng. Thực tế, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của các thách thức an ninh mạng. Theo số liệu từ Kaspersky Security Network (Nga), liên tiếp trong 3 năm (2018-2020), Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và là quốc gia có tỷ lệ gặp phải mã độc tống tiền cao nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019. Nghiêm trọng hơn, các thế lực thù địch còn sử dụng internet và mạng xã hội để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị, xã hội tại Việt Nam.
Theo một thống kê của Bộ Công an, trong gần 10 năm qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã, đang sử dụng 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài; 381 web, blog có tên miền trong nước thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam; đã phát hiện 279 vụ sử dụng internet xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với hơn 200 đối tượng; xử lý 140 đối tượng. Đáng chú ý, trong đó có 219 vụ kích động biểu tình trên không gian mạng; 138 hội, nhóm trá hình hoạt động trên không gian mạng; 45.498 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền ".vn" bị tấn công, trong đó có 2.113 lượt tấn công các cổng thông tin, trang tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.[9]
Tại Hội nghị Phòng ngừa tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và bảo đảm an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam ngày 21/12/2021, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết trong 05 năm gần đây, Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 2.386 chuyên án, khởi tố 1.158 vụ với 1.055 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Trung tướng Chính cũng thông tin “Các đơn vị nghiệp vụ đã xử lý hơn 1.100 mục tiêu trọng điểm với 2,3 triệu tin, bài viết vi phạm pháp luật. Trong năm 2021, Bộ Công an ghi nhận 8 triệu cảnh báo tấn công mạng với 2.763 cuộc tấn công nhằm trang, cổng thông tin điện tử trong nước (tăng 26 % so với năm 2020)”. Đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng lây nhiễm virus và xuất hiện phần mềm gián điệp gây nguy cơ mất an ninh, an toàn hệ thống thông tin mạng.[10]
Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội người nước ngoài đã lợi dụng địa bàn Việt Nam để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật. Một số phương thức phạm tội chủ yếu của các đối tượng là: lấy cắp thông tin, làm thẻ ngân hàng giả để rút tiền; sử dụng thẻ tín dụng giả để thanh toán “khống” hàng hóa; thuê địa điểm, thiết lập quản trị, điều hành đánh bạc, cá cược thể thao. Số lượng các đối tượng bị bắt, xử lý cho thấy mức độ nghiêm trọng và tính chất xuyên quốc gia của hệ loại tội phạm này. Tính đến cuối năm 2021, Bộ Công an Việt Nam đã bắt, xử lý 819 đối tượng, khởi tố 48 đối tượng liên quan đến tội phạm người nước ngoài xử dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Trong đó, số đối tượng người Trung Quốc là 530, người Thái Lan là 20…
Thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực, sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm xây dựng môi trường không gian mạng hòa bình, ổn định, an toàn, vì người dân và phát triển bền vững. Điều này xuất phát từ nhu cầu quốc gia và chủ trương tăng cường và nâng tầm ngoại giao đa phương, cụ thể là tham gia xây dựng và định hình luật chơi, tham gia thúc đẩy các tiến trình, các thể chế đa phương.
Bắt kịp xu thế của thời đại, Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số quốc gia. Trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đã được đẩy mạnh trong công tác quản trị tại một số địa phương như: triển khai áp dụng nền tảng Sổ tay đảng viên, mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh tại tỉnh Lạng Sơn, triển khai hệ thống thông tin an toàn Covid-19 và PC-Covid, giải pháp tổng đài AI để tư vấn, hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà, ứng dụng cấp giấy đi đường QR Code…
Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của UNSC trong tháng 6/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: bên cạnh các mặt tích cực của việc bùng nổ công nghệ thông tin, các phần tử khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia lợi dụng công nghệ để xâm nhập vào hệ thống ngân hàng, tài chính, phá hoại các cơ sở hạ tầng thiết yếu, kích động bất ổn xã hội, truyền bá các tư tưởng cực đoan và thông tin sai lệch đến cộng đồng… Các hoạt động trên có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, gây tổn hại cơ sở hạ tầng quan trọng, đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh, phát triển và làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia. Chính phủ các nước phải gánh thêm gánh nặng bảo đảm an ninh mạng và xử lý hậu quả của các hoạt động tiêu cực trên không gian mạng. Chi tiêu hàng năm trên toàn cầu cho an ninh mạng lên đến 1.000 tỷ đô la vào năm 2020, cao hơn 50% so với năm 2018, mà phần lớn là nhằm sửa chữa, khắc phục thiệt hại do các cuộc tấn công mạng gây ra. Theo tổ chức nghiên cứu về an ninh mạng hàng đầu thế giới Cybersecurity Ventures, dự kiến con số này sẽ là hơn 1,75 nghìn tỷ đô la trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025.[11]
Đề xuất giải pháp
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (CMCN 4.0) tác động ngày càng sâu rộng trên toàn thế giới và việc Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số, để bảo đảm tốt chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, an ninh, an sinh, an toàn cho người dân, tác giả đề xuất Chính phủ triển khai một số nhóm giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện khung khổ luật pháp quốc gia, phù hợp với các quy định quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức an ninh mạng, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
Hai là, nâng cao năng lực bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông quốc gia thông qua hiện đại hóa cơ sở hạ tầng mạng quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng ứng phó với tội phạm sử dụng công nghệ cao. Mục tiêu là bảo vệ tuyệt đối an toàn không gian mạng quốc gia và không để cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia bị sử dụng gây phương hại đến chủ quyền, lợi ích của quốc gia khác. Yêu cầu bức thiết hiện nay là cần phải có đủ năng lực kỹ thuật để bảo mật thông tin, bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật, luôn đi trước những kẻ tấn công mạng nguy hiểm ít nhất một bước.
Thực tế, đa số hệ thống máy tính tại các cơ quan, doanh nghiệp có cấu hình thấp, sử dụng các ứng dụng không bản quyền nên còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, dễ bị tin tặc tấn công gây mất an toàn, an ninh thông tin.
Ba là, tiếp tục chủ động phối hợp với cộng đồng quốc tế thiết lập khuôn khổ pháp luật quốc tế với các quy tắc, chuẩn mực ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng, trên cơ sở đồng thuận và có sự tham gia rộng rãi, đầy đủ của các quốc gia; bảo đảm rằng mọi hoạt động trên không gian mạng phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp nếu có.
Bốn là, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về các thách thức an ninh mạng và cách thức sử dụng, hoạt động trên không gian mạng an toàn, có trách nhiệm. Người sử dụng mạng cần có kiến thức cơ bản về bảo mật trong môi trường mạng; thường xuyên cập nhật về tình hình, mức độ rủi ro mất an toàn thông tin để có thể tự phòng ngừa hiệu quả.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh trên không gian mạng.
Việt Nam cần rút ra những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn của các quốc gia khác trên thế giới (như Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ…) trong xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là an ninh con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vừa qua.
Sáu là, cần tiếp tục đổi mới phương thức quản trị quốc gia cho phù hợp với bối cảnh mới của thế giới. Như đã thấy trong thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy cuộc cách mạng kỹ thuật số trên toàn thế giới để khắc phục những khó khăn do quy định hạn chế đi lại và giãn cách xã hội. Chưa bao giờ mà các hoạt động hội họp trực tuyến, gọi điện video, học điện tử, mua sắm và thanh toán trực tuyến lại nở rộ như trong 02 năm qua. Trong bối cảnh dịch bệnh do virrus corrona gây ra vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, không khó để thấy rằng đó sẽ tiếp tục là xu hướng phổ biến của các hoạt động tương tác, kinh doanh, giao lưu… giữa các quốc gia trong thời gian tới. Nguồn lực quốc gia còn hạn chế và số lượng các thách thức đối với an ninh ngày càng gia tăng, cần tạo cơ chế thuận lợi hơn để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và mọi thành thành phần trong xã hội nhằm bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét