Chúng tôi may mắn nhiều lần được gặp và trò chuyện với Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế-Bộ Quốc phòng, nay là Phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Tháng 11-1968, ông là sinh viên năm cuối chuyên ngành mỏ-địa chất vào tuyến đường Trường Sơn tập sự, sau đó chính thức trở thành kỹ sư khảo sát thiết kế thi công đường ống xăng dầu của Bộ đội Trường Sơn cho đến khi kết thúc chiến tranh.
Gần 10 năm ở chiến trường đã để lại trong ông nhiều dấu ấn khó quên mà đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu vẫn kể "vanh vách" từng tên người, tên đất… mà ông đã gặp và đi qua. Và một trong số những kỷ niệm sâu sắc mà ông từng chia sẻ với chúng tôi là lần cùng đồng đội đi khảo sát thi công tuyến ống xăng dầu men theo dãy núi Phu Đô Tuya trên đất bạn Lào khoảng cuối năm 1970, sang đầu năm 1971.
“Tổ khảo sát lần ấy ngoài tôi-phụ trách chung còn có 6 đồng chí khác là: Giá, một cán bộ đại đội trắng trẻo, thư sinh; Phùng, sĩ quan tác chiến đã có kinh nghiệm chiến đấu tiễu phỉ trên đất Lào; Phú, một cán bộ trung đội cao ráo, nhanh nhẹn; Hồng y tá và hai chiến sĩ, vừa bảo vệ, vừa phục vụ”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu cho biết.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu trò chuyện với phóng viên |
“Cuộc họp” bất ngờ
Vậy là theo dòng hồi tưởng, vị tướng đã ở tuổi bát thập đưa chúng tôi về Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh cùng ông sống lại những ngày ở chiến trường cách đây hơn 50 năm. Ông kể: "Trải qua 2 ngày lội suối, băng rừng tổ chúng tôi mới tới chân dãy Phu Đô Tuya. Chúng tôi dừng chân tại bản Tà Lùng, lúc này không một bóng người. Những ngôi nhà cháy và đồ vật cháy dở lăn lóc ngổn ngang. Theo lời cán bộ tà xẻng (xã) nói, thì cách đây hơn một tháng, bọn phỉ Lào đã tràn qua, đốt phá bản làng, phá hoại kho tàng của bộ đội 559, nhưng bị đánh trả mãnh liệt, chúng đã bỏ chạy. Dân bản sơ tán vào rừng vẫn chưa kịp về. Không có người dẫn đường chúng tôi đành cứ theo con đường mòn mà đi, vì con đường này men theo sườn núi và vẫn nhằm về hướng nam.
Đường càng ngày càng hẹp. Một vài đoạn chúng tôi phải dùng dao phát dây leo mọc chăng ngang. Trời mỗi lúc một tối dần. Cả tổ đang lo lắng chưa xác định đâu là điểm dừng chân qua đêm thì có tiếng gà gáy, và bắt đầu ngửi thấy mùi khói bếp. Đây rồi, những ngôi nhà sàn tạm bợ hợp với nhau thành một bản nhỏ trên một khu đất bằng phẳng, ẩn mình dưới tán rừng già. Khi chúng tôi bước vào bản, một ông già ra chắn ngang đường và hỏi chúng tôi đi đâu bằng tiếng Lào. May mắn biết chút tiếng Lào, tôi trả lời: Chúng tôi là bộ đội Việt Nam, đang tìm đường đến bản Soa-a-viêng.
Nghe xong, ông già ra hiệu không cho vào nhà mà chỉ cái sân giữa bản và nói bộ đội ngồi đây nghỉ đã. Khi biết đây chính là bản Tà Lùng mới sơ tán đến, tôi liền nói: Chúng tôi có mang thư của tà xẻng gửi phò bản (già bản), xin ông đọc rồi giúp bộ đội.
Bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn khảo sát thi công xuyên rừng. Ảnh tư liệu |
Bắt đầu có một số người quây quanh tổ khảo sát. Tôi liếc xung quanh thấy từ vài nhà sàn, những nòng súng AK vẫn đang kín đáo chĩa về phía mình. Ông già cầm lá thư, hỏi mấy người đàn ông xung quanh. Những người này đều lắc đầu, không ai biết đọc. Tôi đề nghị sẽ đọc cho bà con nghe. Bấy giờ mới thấy "công phu" học chữ Lào thời gian qua thật có ích. May thay chữ Lào là chữ ghép vần, chứ nếu là tượng hình như chữ Trung Quốc thì hôm ấy “đứt hẳn”. Bọn phỉ vừa tràn qua vùng này nên dân rất cảnh giác âu cũng là điều dễ hiểu.
Tôi cầm lá thư đọc to, chậm, đôi chỗ vấp, nhưng có vẻ như bà con đều hiểu, vì sau khi đọc xong, họ tỏ vẻ bình tĩnh. Tuy nhiên, có một thanh niên liếc nhìn tôi rồi ghé vào tai ông già. Tôi nghe loáng thoáng: “Cẩn thận, trông hắn giống người Lào lắm” . Bất giác, tôi nhìn lại mình: Gầy gò, đen đúa sau những trận sốt rét và xuyên rừng, quả thật trông giống những người đàn ông Lào vất vả kiếm ăn, đi nương đi rẫy. Ông già nhíu mày. Tôi đoán ông đang nghi ngờ, biết đâu “cái thằng cha gầy, đen này” là phỉ Lào đang dẫn thám báo quân ngụy Việt Nam đi trinh sát. Có lẽ ông thấy trách nhiệm của mình rất lớn. Nếu là bộ đội Việt Nam thì không thể không giúp nhưng nếu là phỉ thì ngay đến đêm thôi, tai họa có thể ập đến với dân bản. Ông trao đổi gì đó với mấy người đàn ông đứng tuổi, rồi nói: “Chúng mày họp đi cho dân xem có giống bộ đội không!”.
Tôi quay sang anh em :
- Bà con đã hiểu lá thư tà xẻng gửi xuống, nhưng họ chưa thật yên tâm, vì vùng này phỉ đang hoạt động mạnh. Họ yêu cầu ta họp xem có giống bộ đội họp không. Có lẽ với họ đó mới là đặc điểm dễ nhận diện bộ đội Việt Nam nhất. Ta cứ trách nhau họp nhiều, té ra bây giờ cuộc họp lại là cứu cánh cho anh em mình. Tôi sẽ chủ trì, đề nghị mọi người xem đây là một cuộc họp nghiêm túc. Phải thật thoải mái, không được căng cứng, bà con sinh nghi.
Mấy người trong tổ bắt đầu rút sổ tay và bút ra ghi chép. Tôi mở đầu:
- Thưa các đồng chí, tính đến hôm nay, ta đã qua hai ngày khảo sát. Đây là một tuyến rất khó khăn. Rừng rậm, địa hình hiểm trở, lại là địa bàn phỉ Lào đang hoạt động. Từ đây đến bản Soa-a-viêng còn xa, mà bà con thì chưa tin nên chưa sẵn sàng dẫn đường cho chúng ta. Tiến độ khảo sát có nguy cơ bị chậm. Chúng ta thử bàn xem nên giải quyết thế nào ?
Mỗi người một ý kiến. Các thành viên đều giơ tay, và chỉ khi được tôi cho phép, họ mới nói. Có những ý kiến thực ra chỉ để tạo không khí. Cuộc họp diễn ra mười lăm phút, sau khi kết luận tôi quay sang phò bản nói đã họp xong. Ông già gật gù: “Bây giờ thì tao tin chúng mày là bộ đội Việt Nam rồi” và chỉ căn nhà to nhất để chúng tôi vào ngủ, hứa ngày mai sẽ cho dân quân dẫn đường. Cả tổ khảo sát mừng lắm, chung nhau góp mấy phong lương khô, sữa bột, đưa cho ông già để tặng trẻ con trong bản. Ông già nhẹ nhàng cảm ơn chúng tôi. Nét hài lòng hiện lên trên khuôn mặt khắc khổ, vì đây đúng thực là đồ của bộ đội Việt Nam. Theo yêu cầu của ông, chủ nhà đã tạo điều kiện cho chúng tôi nấu cơm, thậm chí còn cho bộ đội một trái bí xanh. Tối hôm ấy, trước khi ngủ, Phùng nhắc vẫn cần cắt nhau thức gác. Anh ra hiệu báo cho tôi: Gần nơi bậc thang lên nhà sàn, có một người đàn ông khoác AK đang đứng sau gốc cây. Rõ ràng, họ chưa hoàn toàn yên tâm khi có một toán người mang vũ khí xuất hiện ở nơi thâm sơn cùng cốc này của họ. Ngược lại, với tổ khảo sát, thì đây là vùng phỉ đang hoạt động, nên cũng phải đề phòng mọi bất trắc.
Băng qua bãi mìn, hoàn thành nhiệm vụ
Một đêm yên tĩnh trôi qua. Sáng hôm sau, ông phó bản dẫn thêm hai người đàn ông trung niên đeo AK dẫn đường. Trước khi chia tay, ông nhắc chúng tôi cẩn thận khi đi tiếp vì nơi này bọn phỉ Lào vừa tràn qua. Trên đường có thể bị chúng rải mìn díp nên bộ đội phải cẩn thận. Chúng tôi cảm ơn những người dẫn đường tốt bụng, rồi đi tiếp.
Lời cảnh báo của ông già đã đặt ra một tình huống mới với chúng tôi. Mìn díp là loại mìn sát thương bộ binh. Nó làm cụt chân người dẫm phải. Nếu đi trên đường này không may dính mìn thì cũng khó sống, vì từ đây, không biết đi bao lâu mới đến được bệnh viện. Phùng nhận mình quen đất Lào và xin đi trước nhưng Giá gạt đi:
- Tôi thuộc loại nhanh tay nhanh mắt, để tôi đi đầu. Tôi sẽ có cách để chúng ta không thể dẫm phải mìn. Ta đi thôi!
Không chờ mọi người có ý kiến, Giá bẻ một cành cây mềm, vừa đi vừa khua đám lá khô trên đường. Qua nửa giờ, chỉ đi được vài trăm mét, Phùng nói:
- Cái sáng kiến này xem ra chưa ổn. Bây giờ thế này: Tôi đi đầu, tôi sẽ để ý mỗi bước chân. Tôi đặt chân vào đâu thì người sau đặt đúng vào chỗ ấy. Nếu không đặt đúng vào vết chân của tôi, thì không được đặt vào chỗ có biểu hiện của đất mới, chúng có thể vùi mìn dưới đó, và không được đặt chân vào đám lá khô.
Bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn thi công vượt suối. Ảnh tư liệu |
Theo cách của Phùng, tốc độ đi đã khá hơn, nhưng vẫn rất chậm. Khi cảm thấy có vẻ như không có mìn trên đường, bước chân chúng tôi mạnh dạn dần lên. Khi chiều sắp tắt nắng, tổ khảo sát đến bản Soa-a-viêng. Ở đây, những ngôi nhà sàn mái tranh đã sập, cỏ mọc lút vườn và lối đi. Khả năng dân làng bỏ bản đã được một thời gian. Trong khi chúng tôi ngồi tạm nghỉ trên một phiến đá lớn, bỗng một cậu cảnh vệ phát hiện có hộp thuốc lá Lào ở cách đó không xa. Phùng thảng thốt nói ngay: “Mìn díp đấy. Đừng động vào. Mọi người ngồi im, theo sự chỉ dẫn của tôi nhé!”.
Phùng cầm một cái que, nhẹ nhàng gạt cỏ và lá xung quanh, phát hiện thêm hai trái mìn nữa. Anh thận trọng nhặt từng trái bỏ xuống một cái hố. Sau đó, anh quan sát địa hình, rồi chỉ vào hai cái cây nhỏ, thân chỉ bằng cổ chân, nói với hai chú lính: ”Đến hai cái gốc cây, tìm quanh bán kính một đến hai mét, có thể có mìn đấy. Nhớ đi phải thận trọng từng bước chân”. Nói rồi, đích thân anh đi tiếp theo lối mòn xuống núi ở đầu bản. Quả nhiên họ đã phát hiện ra bốn quả mìn nữa. Chúng tôi chất tranh khô vào cái hố và đốt, cho đến khi nghe đủ bảy tiếng nổ.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu trong một lần gặp mặt đồng đội. Ảnh: TIẾN ÍCH |
Khi tôi đầy thán phục hỏi Phùng làm sao có thể phát hiện ra vị trí đặt mìn chính xác như vậy. Anh cười hiền: "Kinh nghiệm thôi mà. Bọn phỉ tính kỹ lắm. Loại mìn díp này chỉ làm cụt chân, chứ không chết. Một người trúng mìn, thì phải thêm bốn người khiêng thương binh. Rồi mọi người còn xúm vào cấp cứu. Vậy sẽ rất hiệu quả nếu rải mấy quả mìn quanh một chỗ, thế nào cũng nhiều người bị dính. Giữa rừng khiêng thương binh bằng cách nào? Tất nhiên là cáng bằng võng. Muốn cáng võng phải có đòn khiêng. Vậy quanh khu vực này, lấy đâu ra đòn khiêng? Hai cái cây ấy đấy. Chặt nó làm đòn khiêng thì còn gì bằng. Một trái mìn ở gốc cây, sẽ thêm anh chàng chặt đòn khiêng thành nạn nhân. Bây giờ khiêng thương binh đi đâu? Tất nhiên không thể theo con đường chúng mình vừa đi, mà phải đi xuống núi. Vậy còn gì tốt bằng rải thêm vài trái trên đường cáng thương. Những điều ấy cứ như sách vở, nhưng lính tiễu phỉ mà không có kinh nghiệm là dễ bị dính mìn lắm".
Còn với chúng tôi, chuyến khảo sát ấy đã thành công và an toàn. Thật may mắn cho tổ khảo sát có người đầy kinh nghiệm như Phùng, nếu không, không biết điều gì sẽ xẩy ra. Chỉ tiếc rằng sau này, hai thành viên trong tổ khảo sát là anh Giá và anh Phú đã hy sinh!...
TUẤN TÚ-BẢO LINH (Theo lời kể của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu)
nguồn báo QĐND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét