CHUYỆN KHEN, CHÊ.
Đã là cái giống người thì chắc chắn ai cũng muốn mình
được khen, được tâng bốc. Tất nhiên là nếu bạn làm đúng, làm tốt thì bạn rất
xứng đáng với lời khen, nếu bạn làm chưa tốt thì chắc hẳn sẽ đối diện với những
lời chê bai. Ngày xưa khi trị quân, các tướng soái giỏi thường đưa ra các tiêu
chí để thưởng, phạt thật phân minh. Có công được thưởng, có tội phải phạt. Thế
mới bảo đảm được việc duy trì quân kỷ nghiêm minh, khích lệ tướng sĩ, đồng thời
đặt ra những chuẩn mực để không ai dám vi phạm quân lệnh. Cụ Hồ dạy "thi
đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua, những người thi đua là những người
yêu nước nhất". Tuy nhiên, cần so bó đũa để chọn cột cờ, tìm ra những người
xứng đáng nhất và khen thưởng, động viên, khích lệ họ trên mặt trận thi đua, ái
quốc!
Khen, chê, thưởng phạt đúng mực, đó cũng là cái trí
của kẻ cầm cân nảy mực. Nước Việt thời Trần, huy hoàng khi 3 lần đánh bại quân
Nguyên Mông. Hào khí Đông A ngút trời Á Đông, vì Hưng Đạo Vương biết khích lệ
binh sĩ, thưởng phạt phân minh. Cả nước đồng lòng nhất trí để "SÁT
THÁT". Đến đời vua Trần Dụ Tông, thế nước nghiêng ngã, suy vi vì Dụ Tông
chỉ biết hưởng lạc, nghe lời tâng bốc, nịnh hót của đám nịnh thần. Vạn thế sư
biểu của nước Việt là Chu Văn An can gián, phê bình và dâng sớ chém 7 tên nịnh
thần, nhưng Vua không nghe. Trần Dụ Tông đắm chìm tửu sắc, chỉ thích khen, bỏ
qua lời nói phải. Trung ngôn nghịch nhỉ, Chu Văn An đành gạt lệ mà từ quan. Nhà
Trần suy vi từ đây, chẳng bao lâu sau thì mất nước. Thế mới thấy cái sự khen
chê thật có giá trị biết bao.
Nước ta hiện nay, từ học sinh tiểu học cho đến cán bộ
lãnh đạo cao cấp đều ngập tràn "bằng khen, giấy khen". Nhiều lúc,
nhiều nơi người ta khen nhau vô tội vạ. Học sinh thì có lớp có 100% em nhận
giấy khen. Quan chức thì có nơi được nhận giấy khen cho tất cả, chẳng ai mất
lòng ai. Đó là cái hoạ suy vi, chúng ta cần phải suy nghĩ lại, nhận thức lại và
hành động lại! Cả lớp học chỉ nên tặng giấy khen cho những ai thật sự xuất sắc,
bỏ khen học sinh tiên tiến đi. Cả lớp nhìn vào một vài bạn xuất sắc để mà phấn
đấu, không thể để chủ nghĩa bình quân. Cán bộ công chức cũng thế, một năm công
tác, phải bình bầu vài người thật sự xứng đáng để nhận giấy khen, bằng khen.
Không có chuyện hoà cả làng rồi "con hát mẹ khen hay". Nguy hiểm lắm
đấy!
Bệnh thành tích, chủ nghĩa vừa lòng cả làng chính là
mối nguy của quốc gia, dân tộc. Ai cũng tưởng mình giỏi, mình hay thì làm sao
mà tự phê bình và phê bình cho đặng. Có công phải thưởng là đúng nhưng phải so
bó đũa để chọn cột cờ, làm gương cho người khác học tập. Tập thể nào cũng 100%
hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì hỏng vì con người không phải
là thần thánh, ai cũng có sai lầm, khuyết điểm. Đừng quá huyễn hoặc về mình.
Phải thường xuyên tìm tòi, học hỏi và nhận định đúng sai lầm, khuyết điểm của
mình và của đồng chí, đồng đội của mình, tìm hướng khắc phục thì mới là hồng
phúc của nhân dân. Người dân cần cán bộ như vậy chứ không cần những người
"nhà chẳng có gì ngoài bằng khen, giấy khen". Con trẻ cũng cần hướng
giáo dục đúng, đi vào thực chất chứ chẳng phải là thành tích theo kiểu tự sướng
với nhau, tự sướng giữa phụ huynh và giáo viên. Cần lắm một cuộc "thay máu
tư tưởng". Được thế thì xã tắc may lắm, nhân dân yêu lắm./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét