Ngay từ năm 1978, tác giả bài
viết đã thể hiện rõ tư tưởng đấu tranh không khoan nhượng đối với các hành vi
tham nhũng, tiêu cực: Lênin coi bọn ăn cắp của cải của Nhà nước là những con
“sâu mọt” có hại, những con “chấy rận” hút máu người, cần phải “quét sạch”
chúng đi.
Bài “Móc ngoặc” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số tháng 8-1978 được
mở đầu với cách diễn giải rất hóm hỉnh nhưng thâm thúy: “Móc”
ghép với “ngoặc” thành từ “móc ngoặc” để diễn tả một cách có hình ảnh hành động
của một số người thông đồng, móc nối với nhau ăn cắp hoặc sử dụng nhập nhằng
tài sản của Nhà nước, của tập thể, lợi dụng lẫn nhau làm sai phép nước để mưu
lợi ích cá nhân - dùng từ như vậy quả là đạt, là thâm thuý và hóm hỉnh. Đã
“móc” rồi lại còn “ngoặc” nữa, mối quan hệ mới ràng buộc chặt chẽ làm sao!
Sau khi điểm qua các hiện tượng “móc ngoặc” đang diễn ra, tác
giả bài viết nêu rõ: Cũng có người biết móc ngoặc là sai, là vi phạm chế độ,
nguyên tắc quản lý của Nhà nước, nhưng vì thấy có người khác làm nhất thời “có
lợi”, cho nên... “cũng liều nhắm mắt đưa chân”... Thế rồi, trót lọt được một
lần, lần sau họ lại làm tiếp và cho mình là con người “khôn ngoan” biết cách
sống. Có phút giây nào đó giật mình nghĩ lại thì âu cũng chỉ là cơn gió thoảng
qua giữa mênh mông trời đất!.
Đảng ta, nhân dân ta đã nhiều lần lên án và phê phán thói tệ móc
ngoặc nhưng hậu quả thật đáng buồn: Điều đáng nói là, hiện tượng móc ngoặc hiện
nay không phải là cá biệt hay lẻ tẻ. Nó đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều ngành, cả
trong một số cán bộ phụ trách. Nhưng một số người lãnh đạo vẫn bàng quan, vô
trách nhiệm hoặc bị một số người cấp dưới nịnh hót, mua chuộc, đã buông lỏng,
làm ngơ, thậm chí bao che cho những hành vi móc ngoặc. Tình trạng “há miệng mắc
quai”, “rút dây sợ động rừng” đã trói buộc một số người, làm cho việc chấp hành
kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước không nghiêm, không triệt để.
Giải pháp
mà tác giả đưa ra là: Chỉ cần mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, đảng viên, trước
hết là những người lãnh đạo, thật sự bắt tay vào thực hiện, thực hiện nghiêm
chỉnh, kiên quyết, triệt để; thực hiện không hề có chữ “nhưng” nào đi kèm, thì
chúng ta sẽ chặn đứng được hiện tượng móc ngoặc, sẽ quét sạch được những con
“sâu mọt” muốn đục khoét tài sản của Nhà nước, những “con sâu bỏ rầu nồi canh”
làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của đội ngũ chúng ta.
Bài “Tình đồng chí” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 10-1979, với
bút danh Trọng Nghĩa lại thấm đượm tinh thần cách mạng cao cả: Tình đồng chí là
tình bạn chiến đấu của những người chiến sĩ cách mạng giác ngộ lý tưởng cộng
sản, có cùng chí hướng đấu tranh và được thử thách trong quá trình đấu tranh
cách mạng. Nó tồn tại và phát triển qua tất cả các thời kỳ và trở thành một
trong những truyền thống quý báu của Đảng, là vật bảo đảm quan trọng cho sự
đoàn kết thống nhất trong Đảng, tạo ra sức mạnh vô địch của Đảng.
Tác giả bải viết đã đưa ra cơ sở của tình đồng chí giữa những
người cộng sản được xây dựng trên cơ sở thế giới quan và nhân sinh quan cộng
sản chủ nghĩa; trên cơ sở những nguyên tắc tư tưởng và tổ chức của Đảng Cộng
sản; là tình thương yêu trong sáng, chân thành, tôn trọng, quan tâm, thông cảm
lẫn nhau, khiêm tốn, nhường nhịn nhau thì tác giả cũng chỉ rõ: Trong Đảng ta có
những hiện tượng cán bộ, đảng viên đối xử với nhau không theo tình đồng chí,
xúc phạm sự thiêng liêng, cao đẹp của tình đồng chí.
Bên cạnh việc chỉ rõ những hiện tượng: Kèn cựa, bon chen, tranh
giành địa vị, quyền lợi với đồng chí… hoặc mưu tính lợi ích cá nhân, có thái độ
không thẳng thắn, trung thực, không dám đấu tranh chống những khuyết điểm, sai
lầm của đồng chí mình, có khi còn kéo bè, kéo cánh, bênh che, dung túng cho
nhau, làm cho việc thi hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước không
nghiêm túc.
Tác giả bài viết nhấn mạnh: Sự yêu thương đồng chí của những
người cộng sản không có nghĩa là bao che, tha thứ lỗi lầm, khuyết điểm của đồng
chí mình; trái lại, người cộng sản thường xuyên giúp đỡ đồng chí mình giữ vững
phẩm chất cách mạng và nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết và năng lực công
tác. Với vũ khí tự phê bình và phê bình, người cộng sản bình tĩnh soi xét kỹ
mình, đồng thời thật sự chân thành chỉ ra cho đồng chí mình những khuyết điểm,
thiếu sót với tình thương yêu đồng chí thật sự, để giúp đồng chí mình sửa chữa
và tiến bộ, không đao to, búa lớn, dìm dập đồng chí, nhưng cũng không dung
túng, bao che khuyết điểm của đồng chí mình. Nếu nể nang, né tránh, hoặc vì lý
do nào đó mà không nghiêm khắc với khuyết điểm của đồng chí mình là làm hại
đồng chí mình, đẩy đồng chí mình vào sự sa ngã và tội lỗi; như thế không phải
là thương yêu đồng chí một cách đúng đắn. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính
quyền, cán bộ, đảng viên rất dễ mắc vào quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế,
xa rời quần chúng (là những thứ làm xói mòn bản chất cách mạng của cán bộ, đảng
viên thoái hóa, hư hỏng). Nếu những người cộng sản không sáng suốt, trung thực,
không thẳng thắn vạch ra và giúp đỡ đồng chí mình sửa chữa những khuyết điểm,
sai lầm thì làm sao có thể giúp đồng chí mình giữ được phẩm chất của người cộng
sản?.
Bài “Chức vụ và uy tín” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 2-1984,
với bút danh Trọng Nghĩa nêu rõ: Thông thường, bất cứ người lãnh đạo nào cũng
phải có một uy tín nhất định; chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn. Bởi vì
không có uy tín thì không thể lãnh đạo, thuyết phục và tập hợp người khác được.
Uy tín là điều kiện bảo đảm hiệu quả công tác của người lãnh đạo. Người lãnh
đạo không có uy tín thì nói chẳng ai nghe, làm chẳng nên trò trống gì. Vả
chăng, khi tập thể và cấp trên giao cho người nào đó một chức vụ nào đó tức là
đã căn cứ vào phẩm chất, năng lực và uy tín của anh ta rồi. Không có uy tín,
làm sao anh ta có thể được cất nhắc và đề bạt?
Nhưng dĩ nhiên sự đời không đơn giản như vậy. Không phải hễ cứ
có chức vụ là đã có uy tín, càng không phải đã có uy tín đầy đủ. Uy tín, theo
đúng nghĩa chân chính của nó là sự tín nhiệm mà người đó có được bằng chính
phẩm chất và tài năng của mình. Chức vụ không đẻ ra uy tín, không quyết định uy
tín. Uy tín không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với chức vụ. Thực tế đã chẳng
có những người ở cương vị khá cao, thậm chí rất cao nhưng lại không có uy tín
hoặc uy tín quá thấp đó sao? Ở nơi này nơi nọ, đã chẳng có những “thủ trưởng”
nói mà quần chúng và cấp dưới không muốn nghe, thậm chí còn bị quần chúng chê
trách, muốn “tẩy chay” đó sao?
Rõ ràng, giữa chức vụ và uy tín tuy có mối quan hệ chặt chẽ với
nhau, nương tựa vào nhau, nhưng không phải là một. Theo ý nghĩa nào đó, có thể
hiểu mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín như mối quan hệ giữa hình thức và nội
dung. Chức vụ là hình thức, còn uy tín là nội dung. Chức vụ là điều kiện khách
quan để củng cố và nâng cao uy tín, trong khi uy tín là cái quyết định sự tồn
tại của chức vụ. Nếu uy tín mất đi thì theo quy luật thông thường, chức vụ
trước sau cũng sẽ mất theo.
Trong thực tế cũng có những trường hợp một người nào đó ở tập
thể này thì có uy tín, nhưng khi chuyển sang tập thể khác lại không có uy tín,
hoặc ngược lại. Ngay trong một đơn vị, người lãnh đạo có thể có uy tín cao với
một số người này nhưng lại không có uy tín như thế với số người khác. Điều đó
chứng tỏ cách xem xét, đánh giá của những người chung quanh, cũng như môi
trường công tác và đặc điểm của mỗi tập thể cũng có ảnh hưởng đến việc xây dựng
uy tín của một người. Ví dụ như, một người lãnh đạo vốn có phẩm chất tốt, có
năng lực chuyên môn giỏi, lại phụ trách một tập thể tốt, đoàn kết nhất trí thì
dễ phát huy tác dụng và do đó dễ có uy tín hơn là phải phụ trách một đơn vị mà
nội bộ có nhiều vấn đề phức tạp. Nhưng dù sao môi trường công tác cũng chỉ là
hoàn cảnh khách quan góp phần thử thách và kiểm nghiệm uy tín của một người,
chứ không phải là cái quyết định uy tín.
Trong nhiều nghị quyết, Đảng ta đã khẳng định mạnh mẽ rằng cần
phải kiên quyết thi hành kỷ luật những cán bộ, đảng viên làm bậy, phải thay đổi
những cán bộ, đảng viên không có đủ những yêu cầu về phẩm chất và năng lực đảm
đương trách nhiệm được giao, không còn uy tín trước quần chúng. Nhưng đáng tiếc
là cho đến nay, tư tưởng đó của Đảng và cũng là nguyện vọng của đông đảo đảng
viên và quần chúng vẫn chưa được quán triệt một cách sâu sắc và triệt để; trong
thực tế vẫn còn không ít những người không xứng đáng nắm giữ những chức vụ khá
quan trọng trong các tổ chức đảng, các cơ quan quản lý kinh tế và các tổ chức
xã hội khác. Vì sao như vậy? Đó chẳng phải vì cái gì khác ngoài sự nể nang và
sự bao che, sự thiếu phê bình và tự phê bình. Chính sự nể nang, sự bao che, sự
thiếu phê bình và tự phê bình đang là một trở ngại lớn trên con đường củng cố
và kiện toàn đội ngũ cán bộ của chúng ta.
Bài “Làm xiếc” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 6-1985, với bút
danh Trọng Nghĩa đã lên án tệ “làm xiếc” được dùng để ám chỉ và phê phán những
việc làm có tính xảo thuật và mánh khóe vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của
một số người, một số cơ quan, đơn vị.
Hậu quả của tệ “làm xiếc” là: Nó đang gây ra biết bao tai hại
cho đời sống kinh tế, xã hội ta, cho thuần phong mỹ tục của nhân dân ta, cho
nền đạo đức mới, văn hóa mới của chúng ta. Nó làm hư hỏng không ít cán bộ, đảng
viên ta.
Bài “Một
sự thật nhức nhối” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 10-1987, với bút danh Trọng
Nghĩa đã lên án tệ lãng phí và: Điều đáng nói là có những cán bộ cấp
cao cũng phạm vào xa hoa, lãng phí. Tác giả nhấn mạnh: Chúng ta không phản đối
việc ăn ngon, mặc đẹp, ở rộng, đầy đủ tiện nghi, đi lại thuận tiện, dễ dàng;
không bác bỏ cuộc sống sang trọng, đàng hoàng do thu nhập chính đáng bằng lao
động của mỗi người đem lại; không đố kỵ với những người có điều kiện sống khá
giả. Trái lại, sống sung sướng, hạnh phúc trong công bằng là mục đích của chủ
nghĩa xã hội; chúng ta phấn đấu hy sinh là cốt làm cho cuộc sống của mỗi người,
mỗi gia đình ngày càng được sung sướng hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng chúng ta không
thể đồng tình với những lối sống quá cầu kỳ, hợm hĩnh, quá cách biệt, xa lạ với
đời sống chung của mọi người lao động, không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của
đất nước. Đồng thời, chúng ta kiên quyết lên án những hành vi lợi dụng chức
quyền tham ô, ăn cắp của công, làm lãng phí nghiêm trọng tài sản của Nhà nước
và của tập thể để có cuộc sống xa hoa, phè phỡn. Mọi sự tiêu dùng lãng phí, xa
xỉ không hề làm tăng thêm danh giá cho cơ quan hay cá nhân người nào. Trái lại,
nó gây ra không biết bao nhiêu tốn kém, ảnh hưởng đến nền kinh tế - tài chính
của nước ta, tạo ra một lối sống không lành mạnh trong xã hội ta, làm hư hỏng
nhiều cán bộ, đảng viên và góp phần tạo ra sự cách biệt giữa cán bộ và quần
chúng, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Đảng.
Bài “Cái làm nên uy tín đảng viên” đăng trên Tạp chí Cộng sản,
số tháng 2-1990 đã chỉ rõ thực trạng: Thế mà những năm gần đây, hình ảnh người
cộng sản dường như không còn sức hấp dẫn, dường như đã bị phai mờ. Đối với lớp
người lớn tuổi đã từng chiến đấu hy sinh hoặc đã từng sống những tháng năm khắc
nghiệt của cuộc đấu tranh quyết liệt, hình ảnh người cộng sản dường như chỉ còn
là một vầng hào quang, một ký ức hoặc một giấc mơ đẹp. Đối với những thanh
thiếu niên mới lớn, hình ảnh người cộng sản dường như quá xa xôi, lạ lẫm. Người
ta truyền nhau câu cửa miệng: “Đảng viên nhan nhản, cộng sản hiếm hoi”.
Tác giả bài viết nhấn mạnh, trong điều kiện đổi mới hiện nay,
cái quan trọng nhất thể hiện được vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên,
làm nên uy tín đảng viên, là những vấn đề sau:
Một là, đảng viên phải có thái độ
đúng đắn, tích cực đối với công cuộc đổi mới, đi đầu thực hiện đổi mới, kiên
định lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, trung thành với lý tưởng cộng
sản, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, vững vàng, không
dao động trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào.
Hai là, đảng viên phải có kiến
thức, có năng lực thực hiện công cuộc đổi mới.
Ba là, đảng
viên phải nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình, bằng lao động sáng tạo và có chất
lượng cao của mình, góp phần xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, làm giàu cho đất nước,
cho nhân dân, trong đó có bản thân.
Những người lợi dụng chức quyền để kiếm chác, tham nhũng, bóc
lột thì dù mang danh đảng viên, thực chất họ không còn là đảng viên. Họ còn ở
trong Đảng chẳng qua là vì tổ chức đảng nơi họ sinh hoạt đã kém đấu tranh, xuê
xoa, nể nang hoặc vì sự vô nguyên tắc nào đó. Và chừng nào còn
như vậy thì sự trong sạch và uy tín của Đảng không tránh khỏi bị phá hoại.
Bốn là, đảng viên phải có quan hệ
tốt với quần chúng.
Năm là, đảng viên phải có ý thức
tổ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng trên cơ sở thực hiện
đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
Có thể thấy rằng sau khi đọc những bài viết của Tổng Bí thư cách
đây 50 năm, bài gần nhất là 34 năm từ khi còn chưa giữ các chức vụ lãnh đạo,
quản lý, qua nhiều vị trí công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm
đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, cuốn sách cho thấy sự nhất quán giữa
nói đi đôi với làm; sự kiên trì, đấu tranh không ngừng, không nghỉ; sự thống
nhất giữa ý chí và hành động; đối xử với đồng chí, đồng đội rất thân ái, nhân
hậu; khi đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thì rất quyết liệt nhưng khi phải
xử lý kỷ luật những tổ chức, cá nhân có vi phạm cũng hết sức nhân văn, nhân
nghĩa, nhân ái, nhân tình với mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống
chính trị ngày càng thêm trong sạch, vững mạnh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét