Hội thảo quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển diễn ra sáng nay 27-2 tại Hà Nội.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hun đúc, hình thành nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, mang đậm truyền thống quý báu của dân tộc ta, thể hiện nổi bật phẩm chất, lương tri, trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của con người Việt Nam. Từ trong cội nguồn sâu thẳm, văn hóa đã trở thành hồn cốt, là điểm tựa, dệt kết nên sức mạnh vĩ đại và trường tồn của sức mạnh nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
"Đề cương về văn hóa Việt Nam" ra đời năm 1943, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cùng với lập trường, lý luận khoa học Mác-xít mới mẻ về văn hóa, bản Đề cương còn là sự kế thừa và bổ sung hết sức quan trọng tư tưởng Hồ Chí Minh, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, những chủ trương, đường lối và sự tổng kết thực tiễn lãnh đạo trong lĩnh vực văn hóa của Đảng ta qua các cao trào đấu tranh cách mạng kể từ sau khi thành lập.
Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc trong bối cảnh đẩy mạnh cao trào phản đế, phản phong, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, bản Đề cương đã tạo ra sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng văn hóa cho nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ có tâm huyết, cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, thật sự trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển nền văn hóa mới - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng bản Đề cương có cách đặt vấn đề ngắn gọn nhưng đã trình bày rất nổi bật quan điểm lý luận, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng khi Đảng mới chỉ hơn 13 năm tuổi; khẳng định văn hóa luôn sinh tồn và phát triển trong mối quan hệ biện chứng với kinh tế và chính trị như một quy luật khách quan của mọi thời đại. Quan điểm "văn hóa là một mặt trận" từ bản Đề cương nêu ra đã xác lập vị thế đặc biệt của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa và nhiệm vụ cần kíp "chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân" trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc, phát xít, thực dân và phong kiến tay sai bán nước.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, ra đời trong thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử, bản Đề cương đã khơi dậy tinh thần yêu nước, thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dù khó khăn, gian khổ đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta", vùng đứng lên, đập tan xích xiềng nô lệ, làm nên thắng lợi huy hoàng của cuộc Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Với chủ trương "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy", Đảng ta đã tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước, nhiều người đã từ bỏ con đường "vinh thân, phì gia" sát cánh cùng mọi tầng lớp nhân dân dấn thân đi theo cách mạng, cống hiến tâm huyết, tài năng và sức lực của mình cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Bản Đề cương đã góp phần hình thành nên những chân lý bất diệt, như: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ", "Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất", xây dựng một nền văn hóa mới "lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở", "phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân",... trở thành kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho dân tộc ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì, vĩ đại và trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc sau ngày hòa bình, thống nhất.
"Từ cách đặt vấn đề về mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với kinh tế và chính trị, ngày nay, chúng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc rằng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước; cần khơi dậy nguồn sức mạnh "mềm" lớn lao, hoán chuyển các tài nguyên, giá trị văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị gia đình Việt Nam thành những giá trị phát triển; làm cho văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội .
Khởi nguồn từ tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh" của bản Đề cương, ngày nay, Đảng ta đã hình thành quan điểm: Phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của nhân dân, nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa ấy. Một mặt, văn hóa phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân; mặt khác, cần phải vun đắp cho những tài năng văn hóa nghệ thuật, để có những tác giả với những tác phẩm mang giá trị "đỉnh cao"; kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta" - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.
Tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn 5 vấn đề. Đó là: Khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển; Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người; Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển./.
Báo Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét