Không
để cuốn vào thông tin thất thiệt, độc hại
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào ngày 4-11, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết tin giả trên không gian số lan truyền rất nhanh, rất rộng.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh
Hùng về giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất để giải quyết tình trạng này, khi
lực lượng của ngành thông tin - truyền thông mỏng mà có đến hàng chục triệu tài
khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài?
Xử lý trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn và nếu xử lý
không cẩn thận thì có thể dẫn đến tình trạng PR cho người muốn nổi tiếng?
Nhấn mạnh đây thật sự là công việc khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn
Mạnh Hùng cho rằng giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động
của mọi bộ, ngành, tổ chức, gia đình. Khi toàn xã hội vào cuộc thì mới giải
quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng. Đến nay, cơ quan có thẩm
quyền đã ban hành các nghị định quy định rõ những hành vi, trách nhiệm của các
bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải gỡ thông tin sai sự thật,
"xấu độc" từ 48 giờ xuống còn 24 giờ.
Về mức phạt đối với việc đưa thông tin giả trên không gian số,
theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay đã tăng lên 3 lần. Tuy nhiên, so với
các nước trên thế giới, mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ Thông tin và
Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc tăng mức xử phạt lên để
răn đe.
Trong thực tiễn, liên tiếp những trường hợp cơ quan chức năng xử
lý gần đây về hành vi vi phạm trong việc đưa tin giả, tin xấu, tin độc hại lên
không gian số đã chứng minh mức độ phức tạp của nó. Nhiều đối tượng đã tận dụng
triệt để tiện ích công nghệ; lợi dụng những khó khăn, thách thức trong quản lý,
xử lý, ngăn chặn thông tin "xấu độc" của các cơ quan quản lý nhà nước
để tung tin giả, tin xấu, tin độc hại lên không gian số.
Các thế lực thù địch cũng thường xuyên thực hiện những chiến
dịch tuyên truyền trên không gian số qua các thông tin thất thiệt, tư tưởng
phản động với tần suất nhiều hơn, sâu hơn, rộng hơn, tinh vi hơn nhằm lèo lái
dư luận, khiến công chúng hiểu sai lệch về các sự kiện, vấn đề… Đó là một trong
những thủ đoạn của chiến lược "diễn biến hòa bình" mà các thế lực thù
địch thực hiện để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà
nước, phá hoại thành quả cách mạng.
Thông tin trên môi trường số đã có người ví như "luồng cá
giữa đồng nước mênh mông", rất khó để có thể ngăn chặn. Cách tốt nhất được
các chuyên gia về an ninh mạng khuyến cáo là chúng ta nâng cao khả năng miễn
nhiễm, trình độ thẩm định, kỹ năng thanh lọc để không bị cuốn vào những thông
tin thất thiệt, phản động do các thế lực thù địch tung ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đối
với cán bộ, đảng viên là "không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động".
Cùng với các biện pháp từ nhà nước, nếu mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện rõ tinh
thần, trách nhiệm tiên phong trong việc chống tin giả, tin xấu, tin độc hại,
bắt đầu từ những việc cụ thể như không đăng tải, phát tán, lan truyền thông tin
loại này… thì sẽ dần tạo ra sức mạnh cộng đồng, sức mạnh toàn xã hội trong môi
trường số. Với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, mạng lưới thông
tin báo chí, truyền thông là môi trường cung cấp, lan tỏa thông tin chính
thống, tin cậy; là cơ sở để chúng ta nhận diện, đấu tranh vạch trần, đẩy lùi
các luận điệu xuyên tạc, thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét