Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

NHỮNG NGƯỜI LÍNH QUÂN Y Ở TRƯỜNG SA

 Lẫn trong đội ngũ những người lính hải quân ở Quần đảo Trường Sa, không thể thiếu bóng dáng của lực lượng quân y với quân hàm hình chữ thập đỏ, luôn tận tâm, chăm sóc sức khỏe cho đồng đội để đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đồng thời các anh cũng là những thầy thuốc vô cùng tin cậy của nhân dân trên đảo và những ngư dân đánh cá xa bờ trên biển Đông, giúp họ yên tâm vươn khơi bám biển.

Phép thử tay nghề và bản lĩnh
Quần đảo Trường Sa, mỗi ca bệnh đều có thể là một ca khó bởi điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, đội ngũ y, bác sỹ cũng không thể đông đủ như trong đất liền. Câu chuyện mà Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây kể lại cho chúng tôi nghe là một ví dụ. Đó là một ngày đầu năm 2022, một ngư dân quê ở Bình Định, trong quá trình khai thác hải sản trên vùng biển gần đảo Song Tử Tây thì bất ngờ bị máy xay đá cuốn vào, làm d.ập n.át, g.ãy x.ương, đ.ứt gân đốt tay phải. Các ngư dân trên tàu cá đã sơ cứu, cầm m.áu và đưa anh vào đảo cấp cứu, tuy nhiên khi vào tới nơi thì đã qua 18 tiếng. Thời điểm vàng để cứu chữa không còn nhiều. Vấn đề cần giải quyết là cố định xương gãy nhưng mà ở đây lại chẳng có dụng cụ gì. Lúc đó thiếu tá, bác sỹ Nguyễn Văn Trường, Bệnh xá trưởng mới cho người sang chỗ tôi mượn một cái khoan dân dụng. Tôi cho mượn khoan mà nửa tin nửa ngờ. Ấy vậy mà kíp quân y bệnh xá của Đảo đã nhanh chóng phẫu thuật, cố định xương đốt ngón tay của anh này bằng chính chiếc khoan ấy sau đó cắt lọc, khâu vết thương, giảm đau, giảm nề. Và chỉ trong ngày hôm sau thôi bệnh nhân đã tỉnh táo, ngón tay hồng ấm và được cấp thuốc điều trị trở về tàu cá an toàn. "Tôi thực sự nể phục sự sáng tạo và tay nghề của anh em" - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây súyt xoa.
Khi được hỏi về ca bệnh đó, bác sỹ Trường chỉ cười hiền: "Lúc đó mình mới ra đảo chưa lâu, đây gần như là ca khó đầu tiên. Thực ra nếu ở đất liền thì ca này đơn giản thôi nhưng ở đây điều kiện chưa đầy đủ, sự sáng tạo của anh em có thể chữa được cho bệnh nhân thì niềm vui cũng sẽ khác hơn". Ở giữa biển, việc khám, chữa bệnh đều có thể trở nên đặc biệt như thế.
Thượng úy, bác sỹ Hoàng Xuân Bảo, Bệnh xá Trưởng Bệnh xá đảo Sinh Tồn, cũng nói: "Khi làm trong bệnh viện ở đất liền mình có cả một đội ngũ, có bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ xét nghiệm, bác sỹ gây mê hồi sức, điều dưỡng... Riêng ở đây mình phải kiêm nhiệm mọi thứ, nhiều việc trước chỉ biết sơ sơ thôi nhưng rồi phải tự học, tự làm, từ siêu âm, gây mê, m.ổ đến chăm sóc sau m.ổ. Tất cả các thủ thuật đều có thể gây ra tai biến, đôi khi cảm thấy rất áp lực, không chắc bản thân có làm được không. Tuy nhiên, đó lại là cơ hội để thử thách rèn luyện tay nghề, bản lĩnh người bác sỹ từ đây khẳng định bản thân ở những vai trò mới hơn".
29 tuổi, bác sỹ Hoàng Xuân Bảo (Khoa Ngoại chung - sản, Viện Y Học Hải quân) từng tham gia chống dịch COVID-19 ở miền Nam giai đoạn căng thẳng nhất. Trở về chưa được bao lâu, Bảo lại xung phong tình nguyện nhận nhiệm vụ ở Bệnh xá đảo Sinh Tồn. "Từ nhỏ tôi đã rất thích tìm hiểu về biển đảo. Tôi cảm thấy chủ quyền biển đảo có một cái gì đó rất là thiêng liêng mà mỗi công dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Bản thân được học tập, đào tạo bài bản nên tôi muốn đưa những cái tôi biết, vận dụng những cái tôi có để giúp đỡ các bệnh nhân, các chiến sỹ và những đồng bào của mình nơi đảo xa còn nhiều gian khó này" - bác sỹ Hoàng Xuân Bảo chia sẻ.
Góp phần giữ vững "Thế trận lòng dân"
Ông Nguyễn Văn Toán, người Phú Yên là một ngư dân kỳ cựu chuyên đánh bắt trên khu vực Quần đảo Trường Sa nói rằng không phải bây giờ mà nhiều năm trước, bà con ngư dân ra khơi đều đã rất yên tâm khi có bộ đội, có y, bác sỹ ở các đảo để làm chỗ dựa vững chắc cho những chuyến đi biển của họ. Rồi ông Toán giơ cho tôi xem những vết sẹo chằng chịt trên tay, chân của mình và kể những ngư dân như ông thường xuyên gặp phải những tai nạn thương tích trong quá trình đánh bắt trên biển.
Như 2 năm trước, trong một chuyến đi biển như thường lệ, tàu mới ra khơi được vài ngày thì ông bị dây neo quấn vào chân và b.ị th.ương nặng, ông mới gọi vào đảo Tiên Nữ xin cấp cứu. Cơn đau vượt quá ngưỡng chịu đựng, ông Toán thiếp đi và đến khi tỉnh lại, mở mắt ra hình ảnh đầu tiên ông thấy là người lính mặc áo blouse trắng ngồi trực bên giường bệnh. "Lúc đó là hơn 1 giờ chiều, bác sỹ trực quên cả ăn trưa, mình tỉnh lại nhìn họ mà cảm động ghê gớm", ông Toán rưng rưng. Sau lần đó, ông còn quay lại đảo vài bận, mang chút cá tươi lên gửi những ân nhân cứu mạng mình nhưng các anh ấy nói: "Ngư dân khỏe mạnh, là điều quan trọng nhất, là một món quà quý nhất của bác sỹ rồi, đâu cần gì nữa". Bảo đảm sức khỏe cho các lực lượng đang ngày đêm bám biển, bám đảo luôn được Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi nó phục vụ trực tiếp cho chiến lược vươn ra biển, làm giàu từ biển, mạnh từ biển của nước ta. Trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho bảo đảm y tế vùng biển, đảo còn hạn hẹp thì mô hình y tế kết hợp quân dân y là giải pháp hiệu quả để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.
Thời gian qua, hệ thống trung tâm y tế, bệnh xá ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc ngày càng được đầu tư khang trang, đầy đủ hơn. Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được xây mới và đi vào hoạt động 5 năm nay với đầy đủ trang thiết bị như máy chụp X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm mầu 4 chiều, máy gây mê kèm thở, hệ thống truyền dữ liệu và hội chẩn từ xa. Bên cạnh đó, các bệnh xá ở Song Tử Tây, Nam Yết... cũng được xây mới và đầu tư trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt hơn, các trung tâm y tế, bệnh xá ở Trường Sa hiện nay đều đã áp dụng hệ thống chẩn đoán trực tuyến, giúp truyền hình ảnh bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm lâm sàng về đất liền để hội chẩn phương pháp điều trị thích hợp cho các bệnh nhân, đặc biệt là các ca nặng.
Đất liền và đảo xa đang ngày càng gần lại. Yên tâm thực hiện nhiệm vụ, đó là cảm nhận của tất thảy những y, bác sỹ Trường Sa. Yên tâm đánh bắt khơi xa, đó là cảm nhận của những ngư dân đang ngày đêm vươn khơi, bám biển.
Báo Ninh Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét