Quyết chống "giặc nội xâm"
Người xưa có câu: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên”, nghĩa là: Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Nói cho dễ hiểu là nhân dân quan trọng như gốc của cây, cây không thể không có gốc, nếu gốc không vững chắc thì cây không thể phát triển tốt và tồn tại vững bền. Được nhân dân đồng lòng, đồng sức ủng hộ thì nước mới mạnh và muốn nhân dân đồng thuận ủng hộ thì phải chăm lo cho cuộc sống của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng
nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi
khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn
sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn
chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Đặc biệt, Người nhắc nhở rất ngắn
gọn, dễ hiểu mà vô cùng sâu sắc, trở thành nguyên tắc hành động đối với các cơ
quan, tổ chức, mọi cán bộ cách mạng: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, phải
tiền phong, gương mẫu. Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn
văn tuyên truyền. Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ nhất vẫn phải cố gắng làm,
việc gì có hại cho dân dù nhỏ nhất cũng phải tránh.
Theo quan điểm ấy, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng luôn tiền
phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm; luôn phấn đấu vì nhân dân, đất nước nên
quy tụ được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc-nhân tố quyết định để đánh
thắng những kẻ thù xâm lược.
Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự
thật, chúng ta nhận thấy hiện nay, việc huy động sức mạnh lòng dân để khơi dậy
khát vọng phát triển đất nước đang gặp phải những rào cản từ một bộ phận cán
bộ, đảng viên suy thoái, biến chất với các biểu hiện: Nói, viết và làm không
đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói
không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; kén chọn
chức danh, vị trí công tác, chọn nơi có nhiều lợi ích, việc dễ làm; không sẵn
sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn; chỉ tập trung giải quyết những vấn
đề có lợi cho mình...
Nhân dân không khỏi tâm tư trước tình trạng một số cán bộ, công
chức "giàu thần tốc" không phải từ thu nhập chính đáng. Rồi trong
thời kháng chiến, rất nhiều con cháu cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước xung
phong vào quân ngũ, xông pha nơi gian khổ, hiểm nguy nhưng bây giờ ngày càng ít
con cháu cán bộ cấp cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc xông pha nơi
khó khăn, gian khổ. Một số cán bộ không những nuông chiều con cháu thái quá mà
còn tìm cách ưu ái để con cháu được thăng tiến “thần tốc”, được công tác ở
những vị trí nhàn nhã...
Ở góc độ khác, có những cán bộ, đảng viên không chỉ vô trách
nhiệm mà còn vô liêm sỉ, trục lợi trên nỗi đau khổ của người dân (mà vụ án
liên quan đến Công ty Việt Á và vụ lợi dụng những chuyến bay giải cứu đồng bào
ở nước ngoài trong lúc cao điểm dịch Covid-19, với hàng chục, hàng trăm cán bộ,
đảng viên vi phạm đã và đang bị nghiêm trị-là điển hình của loại cán bộ thoái
hóa, biến chất).
Quần chúng cũng không khỏi bất bình trước hiện tượng một số cán
bộ ưu ái và bảo kê cho "doanh nghiệp sân sau"; doanh nghiệp ngang
nhiên sai phạm mà cán bộ sở tại, lực lượng chức năng vẫn phớt lờ "cho
qua" dù người dân nhiều lần phản ánh, kiến nghị cần kiểm tra, xử lý.
Tư tưởng tính toán thực dụng, háo danh, hám lợi, làm gì cũng chỉ
đặt lợi ích của bản thân và gia đình mình lên trên hết, trước hết là biểu hiện
rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân-kẻ thù nguy hại số một đối với mỗi cán bộ, đảng
viên và toàn Đảng. Đây chính là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên
tạc, thổi phồng nhằm chống phá cách mạng, gây mất lòng tin của nhân dân với
Đảng và chế độ ta. Chính vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức đấu tranh
chống chủ nghĩa cá nhân bởi đó chính là "giặc nội
xâm", là kẻ thù của những người cách mạng, là nguy cơ làm suy yếu
Đảng, giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng.
Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nhất là chống tham
nhũng, lãng phí, tiêu cực đang được Đảng ta tiến hành mạnh mẽ với quyết tâm
“không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", được nhân
dân rất đồng tình, ủng hộ. Đó là phương thức vô cùng quan trọng để giữ vững và
củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ-giữ vững
"thế trận lòng dân". Tuy nhiên, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân
trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn hiện hữu là thực tế cần
được nghiêm túc xem xét, đề ra giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và quyết
liệt đấu tranh, khắc phục hiệu quả, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: Tăng
cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo
thành sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh,
nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phát triển, phồn
vinh. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về
phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Ngày 1-8-2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực đã ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW về một số nội dung về
công tác phòng, chống tiêu cực, trong đó xác định rõ 19 nhóm hành vi tiêu
cực của cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (trước
hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị) phải tập
trung đấu tranh, xử lý. Việc quy định rõ những hành vi vi phạm này là hết sức
cần thiết, có tác dụng cảnh báo, răn đe để cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức soi xét lại hành vi của mình nhằm tránh vi phạm; đồng thời làm cơ sở cho
nhân dân giám sát, phòng, chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán
bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ cấp trung ương tới cơ sở. Mong rằng, tổ
chức đảng các cấp quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm hướng dẫn này để
phòng, chống hiệu quả tham nhũng, tiêu cực và những hành vi là biểu hiện của
chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, qua đó giữ vững và củng
cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền để thế trận lòng dân thêm vững
chắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét