Thời gian gần đây, Trung Quốc đã làm dậy sóng giới tài chính khi nước này thử nghiệm thanh toán điện tử bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (DCEP) tại 4 thành phố vào tháng 4/2020.
Cuộc thử nghiệm này tiếp tục được mở rộng khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) thông báo rằng thành phố Thâm Quyến sẽ tặng ngẫu nhiên 10 triệu Nhân dân tệ cho người dân trong chương trình thử nghiệm tiền kỹ thuật số. Cuộc thử nghiệm tiền số của Trung Quốc thúc đẩy các cuộc thảo luận của giới chuyên gia về triển vọng xuất hiện một đồng tiền kỹ thuật số chung của khu vực ASEAN.
Theo Trợ lý Giáo sư thuộc Chương trình Các vấn đề toàn cầu và Chính sách Công (Đại học Kỹ thuật Công nghệ Nanyang – NTU) Dylan M.H Loh, dù các nước ASEAN có tiềm năng tạo ra đồng tiền kỹ thuật số ASEAN, nhưng vẫn còn những thách thức đáng kể để có thể hiện thực hóa tầm nhìn này. Đầu tiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có sự khác biệt đáng kể. Một số nước đi trước đã phát triển đáng kể so với những nước khác về hệ thống sinh thái kỹ thuật số mạnh mẽ và hợp lý về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn, Singapore đứng thứ tư trên toàn thế giới về chỉ số kết nối toàn cầu và có tỷ lệ sử dụng thiết bị di động khoảng 150%. Con số này cao hơn nhiều so với Lào, nước có tỷ lệ sử dụng thiết bị di động chỉ đạt 54% vào năm 2017, trong khi tỷ lệ sử dụng Internet là 43% vào tháng 1/2020.
Tiếp theo và có lẽ thách thức lớn nhất là thuyết phục các nhà lãnh đạo chính trị rằng một loại tiền kỹ thuật số ASEAN không nhất thiết phải bao hàm vấn đề chủ quyền cũng như không phải có một hệ thống tiền tệ duy nhất. Một loại tiền kỹ thuật số trên toàn ASEAN có thể tự mô phỏng theo mẫu đồng tiền Libra của Facebook - gắn nó vào một rổ các đồng tiền các nước ASEAN - do đó đảm bảo sự ổn định về giá cả và không cần các nước phải từ bỏ tiền tệ quốc gia của họ. Các ngân hàng trung ương của các nước thành viên ASEAN sau đó phải đảm bảo rằng đồng tiền này có tính thanh khoản và có thể dễ dàng trao đổi sang các loại tiền tệ quốc gia tương ứng. Trong mọi trường hợp, sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng, tài chính và kinh tế trước đây đã không ngăn cản ASEAN đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng như hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Như với bất kỳ ý tưởng mới lạ nào, viễn cảnh diễn ra những hậu quả không mong muốn vẫn còn đó. Một đồng tiền kỹ thuật số ASEAN trước mắt có thể khiến các chính sách tiền tệ quốc gia của các nước ASEAN rơi vào tình trạng khó khăn. Mặc dù vậy, việc áp dụng có thể tiến hành theo "cách tiếp cận so le", trong đó việc áp dụng được thử nghiệm với một số ngành, lĩnh vực của ASEAN trước khi được triển khai sang các lĩnh vực, ngành nghề khác. Việc thực hiện cũng có thể trở nên khó khăn và các vấn đề cần giải quyết như nguy cơ rửa tiền với một loại tiền tệ khu vực như vậy.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã cho thấy rằng cần xét lại một cách nghiêm túc những giải pháp giống nhau, rập khuôn máy móc trong thời gian dài. Mặc dù có thể còn một khoảng thời gian nhất định trước khi đồng tiền kỹ thuật số toàn ASEAN trở thành hiện thực, song các nước thành viên ASEAN bắt buộc phải bắt đầu suy nghĩ về khả năng này trong một thế giới hậu tiền tệ vật lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét