Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Trung Quốc cảnh báo Mỹ không vượt - lằn ranh đỏ

 

            Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken rằng Washington phải từ bỏ "chiêu thức bắt nạt đơn phương cũ kỹ" mà họ đang áp dụng với Bắc Kinh.

           

Description: 261207.png

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: Getty).

 

            "Cần phải chỉ ra rằng Mỹ không nên theo đuổi đối thoại và hợp tác trong khi vẫn kiềm chế và đâm sau lưng Trung Quốc. Trên thực tế, đó vẫn là chiêu thức bắt nạt đơn phương cũ kỹ. Nó đã không có tác dụng với Trung Quốc trong quá khứ, nên cũng không có tác dụng trong tương lai", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/12.

            Ông Vương Nghị cho biết Washington "phải nghiêm túc xem xét các mối quan ngại chính đáng của Trung Quốc, ngừng kiềm chế và ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là ngừng sử dụng chiến thuật "lát cắt salami" để liên tục thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc".

            Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, Washington và Bắc Kinh nên xây dựng dựa trên "những hiểu biết chung" mà các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đạt được trong cuộc gặp gần đây ở Indonesia. "Tâm lý "một mất một còn" sẽ chỉ dẫn hai nước lớn đến sự tiêu hao lẫn nhau và va chạm trực diện", ông Vương Nghị cảnh báo.

            Theo thông báo của phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken đã nhắc lại sự tôn trọng của Washington đối với chính sách Một Trung Quốc, đồng thời cho biết Mỹ "không ủng hộ "sự độc lập" của Đài Loan".

            "Hai bên cũng đã trao đổi quan điểm về vấn đề Ukraine. Ông Vương Nghị đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn ủng hộ hòa bình", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm.

            Bộ Ngoại giao Mỹ cũng công bố một thông cáo ngắn gọn về cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng, trong đó nói rằng ông Blinken đã "thảo luận về sự cần thiết phải duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý một cách có trách nhiệm" mối quan hệ song phương. Phía Mỹ cũng cho biết, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Blinken "nêu quan ngại về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và các mối đe dọa mà chiến dịch này gây ra đối với an ninh và ổn định kinh tế toàn cầu".

            Trong vài năm qua, quan hệ Trung - Mỹ đã bị cản trở bởi nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề Đài Loan. Mặc dù Mỹ tuyên bố tuân thủ chính sách Một Trung Quốc và công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan, song Washington vẫn tích cực hợp tác với hòn đảo này.

            Tình hình eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hòn đảo này vào ngày 2/8. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã vi phạm chính sách "Một Trung Quốc".

            Ngày 23/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn Đạo luật ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2023, trong đó phân bố một khoảng ngân sách trị giá 816,7 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật này vì cho rằng đạo luật bao gồm nhiều điều khoản "tiêu cực" liên quan tới Đài Loan.

            Theo phía Trung Quốc, đạo luật mới được Mỹ thông qua đã "can thiệp vào công việc nội bộ của nước này" và là "một sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng nhằm vào Trung Quốc".

Thành Đạt (Theo RT) dantri.com.vn

Nga nêu nguyên nhân mở chiến dịch quân sự tại Ukraine(12/12/2022)

 

            Điện Kremlin cho biết Nga đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vì những lo ngại của Moscow về thỏa thuận hòa bình giữa Kiev và lực lượng ly khai.

 

Description: 121201.png

 

Đoàn xe quân sự Nga tại Ukraine (Ảnh: Reuters).

           

            Khi được một phóng viên hỏi liệu Nga có cho rằng họ đang bị "lừa dối" về hiệp định Minsk hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 11/12 cho biết: "Tất nhiên, theo thời gian, điều đó đã trở nên rõ ràng".

            "Tổng thống Putin và các quan chức khác của chúng tôi liên tục nói về điều này. Nhưng tất cả đều bị các bên khác tham gia vào quá trình đàm phán phớt lờ. Đây chính xác là tiền đề dẫn đến chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine)", ông Peskov nói thêm.

            Ra đời năm 2015, thỏa thuận Minsk được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền Đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Điều khoản cốt lõi của thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. Quân đội chính phủ Ukraine được tái kiểm soát khu vực biên giới giáp Nga, trong khi tất cả lực lượng và lính đánh thuê nước ngoài phải rút khỏi miền Đông Ukraine.

            Theo giải thích của Nga, các thỏa thuận Minsk buộc chính quyền Kiev phải sửa đổi về luật và hiến pháp, mở đường cho phép các lực lượng ly khai thân Nga tại vùng Donbass có đại diện trong chính quyền Ukraine. Moscow cho rằng, việc Nga công nhận độc lập cho Donbass và sáp nhập vùng lãnh thổ này là kết quả trực tiếp của việc Ukraine thất bại trong thực thi các thỏa thuận này.

            Trong cuộc phỏng vấn với báo Die Zeit hôm 7/12, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết mục đích thực sự của các thỏa thuận Minsk trong giai đoạn năm 2014-2015 là nhằm kéo dài thời gian và cho phép Ukraine xây dựng tiềm lực quân sự cho một cuộc đối đầu trong tương lai với Nga.

            Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông bị sốc trước phát ngôn của bà Merkel. Theo nhà lãnh đạo Nga, phát biểu của bà Merkel một lần nữa chứng minh rằng, việc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine là một quyết định đúng đắn.

            "Tôi nghĩ rằng những bên khác tham gia thỏa thuận này ít nhất cũng trung thực, nhưng không, hóa ra họ cũng đang nói dối chúng tôi và chỉ muốn bơm vũ khí cho Ukraine, chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột quân sự", ông Putin nói. Tổng thống Putin kết luận rằng Nga có thể đã nhận ra điều này muộn và lẽ ra nên triển khai chiến dịch ở Ukraine sớm hơn.

            Tổng thống Putin hồi tháng 11 nói rằng, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể đã tránh được nếu không xảy ra cuộc đảo chính năm 2014 tại Kiev. Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine đã kéo dài trong suốt 8 năm qua kể từ sự kiện cuộc đảo chính lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.

            Ông Putin cáo buộc phương Tây đã trực tiếp kiểm soát các thể chế của Ukraine sau cuộc đảo chính. Ông cho rằng, chủ nghĩa tân phát xít đã xuất hiện tại Ukraine khiến Nga không còn lựa chọn nào khác là phải hành động để chống lại.

VTT (St)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét