Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

TỪ "ĐẶC BIỆT" ĐẾN "TOÀN DIỆN" VÀ NHỮNG CÂU HỎI CẬN GIẢI ĐÁP"-TOÀN CẢNH CUỘC CHIẾN UKRAINA SAU MỘT NĂM NHÌN LẠI.


( Bài viết của Đại tá Lê Thế Mẫu trên Chuyên san Hồ sơ Sự kiện của Tạp chí Cộng sản)
Ngày 24/2/2023 vừa tròn một năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina. Đến nay, tính chất “đặc biệt” đó đã đưa chiến dịch quân sự này leo thang thành cuộc chiến tranh toàn diện giữa Mỹ đứng đầu tập thể Phương Tây chống lại Nga với toan tính sẽ đưa Liên bang Nga lâm vào khủng hoảng toàn diện về kinh tế-xã hội, chính trị và an ninh, thậm chí là xóa sổ vĩnh viễn nước Nga trên bản đồ thế giới.
Tuy toan tính này của Mỹ và Phương Tây bước đầu đã bị phá sản nhưng đã tạo ra những thay đổi căn bản và không thể đảo ngược trong cục diện kinh tế-chính trị quốc tế. Sau một năm nhìn lại còn có nhiều câu hỏi về cuộc chiến tranh này cần có lời giải khách quan và thỏa đáng.
Vì sao Nga buộc phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina?
Tại nhiều diễn đàn quốc tế ở cấp Liên hợp quốc và cấp quốc gia, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Nga nên và cần phải sử dụng biện pháp đối thoại chính trị để hóa giải xung đột với Ukraina chứ không nên sử dụng giải pháp quân sự.
Tuy nhiên, trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã sử dụng hết toàn bộ tiềm lực chính trị đối ngoại nhưng đã không được Mỹ đứng đầu tập thể Phương Tây mà nòng cốt là NATO và EU, cũng như Ukraina chấp nhận và bị “dồn vào chân tường”, không còn lối thoát nào khác, và buộc phải sử dụng giải pháp quân sự.
Biện pháp ngoại giao cuối cùng và có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng là ngày 15/12/2021, đứng trước nguy cơ NATO đưa các căn cứ quân sự áp sát biên giới Nga và sử dụng Ukraina tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Nga, Bộ ngoại giao Nga chính thức chuyển cho Mỹ và NATO bản dự thảo Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nga và NATO-Nga để đàm phán nhằm xây dựng cấu trúc an ninh chung công bằng, bền vững và ổn định lâu dài ở Châu Âu, trong đó có điều khoản then chốt là không kết nạp Ukraina vào NATO.
Sau 3 ngày đàm phán, Mỹ và NATO đã bác bỏ toàn bộ nội dung của dự thảo hiệp ước này, trong đó có yêu cầu của Nga không kết nạp Ukraina vào NATO với lập luận “bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền tự do lựa chọn liên minh”. Phía Nga cho rằng, lý do này của Mỹ và NATO hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của Tổ chức hợp tác và an ninh Châu Âu cũng như của Hiến chương Liên hợp quốc là “các quốc gia có quyền tự do lựa chọn liên minh nhưng không được làm phương hại đến an ninh của quốc gia khác”.
Trong khi đó, kể từ sau cuộc đảo chính bất hợp pháp tháng 2/2014, Mỹ và các nước Phương Tây dựng lên ở Kiev chính quyền đi theo tư tưởng phát xít và đóng vai trò đồng minh ngoài NATO. Từ năm 2014 đến năm 2021, Mỹ đã xây dựng và hiện đại hóa quân đội Ukraina theo tiêu chí của NATO và tiến hành hàng chục cuộc tập trận binh chủng hợp thành trên lãnh thổ Ukraina với kịch bản “chiến tranh với Nga” và “giải phóng Crimea”. Như vậy, một khi Mỹ kết nạp Ukraina vào NATO sẽ dẫn tới xung đột giữa Nga và NATO, có thể leo thang thành cuộc chiến tranh thế giới mới ở Châu Âu.
Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Ukraina V.Zelensky còn bác bỏ hoàn toàn Thỏa thuận Minsk đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác định trong khi thỏa thuận này là giải pháp chính trị quan trọng nhất để hóa giải xung đột Nga-Ukraina.
Vừa qua, chính cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel-một trong các bên bảo lãnh cho Thỏa thuận Minsk, thú nhận Mỹ và NATO sử dụng thỏa thuận này làm biện pháp “câu giờ” để chuẩn bị tiềm lực cho quân đội Ukraina sẵn sàng tiến hành chiến tranh với Nga. Chính vì thế, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nhận định, việc Nga buộc phải phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là cơ hội duy nhất để ngăn chặn hiểm họa một cuộc chiến tranh thế giới mới giữa Nga và NATO.
Vì sao Nga đặt ra ba mục tiêu cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine?
Trong tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống V.Putin nệu rõ ba mục tiêu chính của chiến dịch này là bảo vệ người dân, phi phát xít hóa và phi quân sự hóa Ukraina.
Về mục tiêu bảo vệ người dân, sau khi chính quyền hai tỉnh Donetsk và Lugansk tổ chưc cuộc trưng cầu ý dân để thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk do họ không chấp nhận chính quyền tân phát xít được Mỹ dựng lên ở Kiev sau cuộc đảo chính trong tháng 2/2014, quân đội Ukraina tiến hành “chiến dịch chống khủng bố” nhằm vào người dân ở hai khu vực này.
Trong 8 năm từ năm 2014 đến năm 2022, Nga đã chính thức gửi lên Liên hợp quốc hơn 3.000 tài liệu thu thập chứng cứ xác thực về tội ác do chính quyền Kiev gây ra đối với người dân hai tỉnh Donetsk và Lugansk, làm chết gần 14.000 dân thường. Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cơ quan tình báo Nga thu được bản kế hoạch của Mỹ và NATO sử dụng quân đội Ukraina mở cuộc tiến công chớp nhoáng vào Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, từ đó sẽ tiến tới giải phóng Crimea.
Quyết định của Tổng thống V.Putin phát động chiến dịch vào ngày 24/2/2022 trước hết là để làm phá sản kế hoạch này của Mỹ và NATO. Để bảo vệ người dân, trên cơ sở kết quả trưng cầu ý dân, ngày 30/9/2022, Nga chính thức sáp nhập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, hai tỉnh Kheron và Zaparogia thành các chủ thể mới của Liên bang Nga.
Về mục tiêu phi phát xít hóa, các tài liệu giải mật của Cục tình báo trung ương Mỹ và giới nghiên cứu lịch sử ở Phương Tây và Nga chứng tỏ, sau khi Ukraina tuyên bố độc lập vào năm 1991, Mỹ đã đưa các phần tử dân tộc cực đoan người Ukraina đã từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức chống lại Hồng quân Liên Xô trở về đất nước và bắt đầu thưc hiện chủ trương phát xít hóa xã hội Ukraina.
Trong cuộc bạo loạn chính trị tháng 2/2014, Mỹ sử dụng các lực lượng tân phát xít tiến hành cuộc đảo chính và dựng lên ở Kiev chính quyền mới hoàn toàn chịu quyền kiểm soát của Washington. Chính quyền mới ở Kiev thực hiện chủ trương tiêu diệt người Nga và hủy diệt nước Nga tương tự như chủ trương của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chính vì thế, trong cuộc bỏ phiếu ngày15/12/2022 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết lên án sự tôn vinh chủ nghĩa phát xít, Mỹ và 49 quốc gia thành viên NATO và đồng minh của Mỹ bỏ phiếu chống.
Về mục tiêu phi quân sự hóa, kể từ năm 2014, Mỹ coi Ukraina là đồng minh ngoài NATO; hiện đại hóa quân đội Ukraina theo tiêu chuẩn NATO; xây dựng trên lãnh thổ Ukraina 30 trung tâm huấn luyện và căn cứ quân sự, 30 phòng thí nghiệm vũ khí sinh học và chuẩn bị khả năng công nghệ cho Ukraina chế tạo vũ khí hạt nhân. Đây thực sự là hiểm họa đối với nước Nga.
Do đó, mục tiêu tấn công của các loại vũ khí chính xác cao của Nga trong giai đoạn đầu của chiến dịch là nhằm vô hiệu hóa tiềm lực quân sự của Ukraina. Trong giai đoạn sau, khi Mỹ và NATO ồ ạt chuyển giao vũ khí hiện đại cho Ukraina, Nga tập trung tấn công các cơ sở hạ tầng hậu cần-kỹ thuật để giảm thiểu khả năng của Ukraina sử dụng vũ khí của Mỹ và NATO.
Vì sao đàm phán hòa bình rơi vào bế tắc?
Kể từ đầu chiến dịch, Nga và Ukraina đã tiến hành 4 cuộc đàm phán. Trong cuộc đàm phán cuối cùng ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/3/2022, hai bên đạt được một số thỏa thuận quan trọng. Trong đó, Ukraina chấp nhận vị thế trung lập, không gia nhập NATO, để đổi lấy các đảm bảo an ninh, còn Nga chấp nhận rút các lực lượng đang phong tỏa thủ đô Kiev.
Tuy nhiên, trong khi Nga rút các lực lượng bao vây thủ đô Kiev thì Ukraina bất ngờ tuyên bố xóa bỏ các thỏa thuận đã đạt được và chấm dứt đàm phán. Ngay 30/9/2022, Tổng thống Ukraine V. Zelensky ký sắc lệnh dừng hòan toàn các cuộc đàm phán với Nga và tuyên bố sẽ giành chiến thắng trước Nga trên chiến trường. Mỹ và NATO cũng tuyên bố sẽ “đánh bại Nga trên chiến trường” và tiếp tục viện trợ ồ ạt vũ khí hiện đại cho Ukraina. Đàm phán rơi vào bế tắc.
Ngày 8/11/2022, Tổng thống Ukraine V.Zelensky đưa ra “điều kiện nối lại đàm phán” như Nga phải rút khỏi Crimea và 4 khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia vừa sáp nhập, chấp nhận Ukraine gia nhập NATO v.v. Phía Nga tuyên bố các điều kiện đó thực chất là “tối hậu thư” không thể chấp nhận được.
Vì sao kinh tế Nga không sụp đổ trước các biện pháp cấm vận “địa ngục”của Mỹ và Phương Tây?
Tính từ sau khi Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và Phương Tây đã áp đặt gần 11.000 biện pháp cấm vận Nga. Tổng thống Joe Biden tuyên bố, với các biện pháp cấm vận “địa ngục” nhằm vào “trái tim” của nền kinh tế Nga là dầu mỏ và khí đốt thì nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ, nước Nga sẽ lâm vào trạng thái khủng hoảng toàn diện, người dân Nga sẽ xuống đường biểu tình để lật đổ V.Putin.
Để đáp trả các biện pháp cấm vận của Mỹ và Phương Tây, kể từ năm 2014, Nga đã chuẩn bị sẵn các biện pháp chống cấm vận như xây dựng và đưa vào sử dụng thành công hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế sau khi bị Mỹ tách Nga sa khỏi hệ thống SWIFT; đầu tư phát triển các công nghệ mới thay thế các công nghệ trước đây phải nhập khẩu; chuyển sang thanh toán các hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và các nguyên liệu sản xuất có ý nghĩa chiến lược bằng đồng ruble v.v.
Tổng kết tình hình năm 2022, Tổng thống V.Putin nhận định, cuộc chiến tranh kinh tế của Mỹ đứng đầu tập thể Phương Tây chống Nga đã hoàn toàn thất bại. Thí dụ, mặc dù bị cấm vận, kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga trong năm 2022 tăng gần 40% so với năm 2021, đạt 337,5 tỷ USD. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống V.Putin sau 1 năm chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã lên tới gần 80%-mức tín nhiệm cao kỷ lục mà bất cứ nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng ao ước. Trên thế giới, đa số các nước Châu Ấ, Châu Phi và Mỹ Latinh không tham gia các lệnh cấm vận Nga do Mỹ và Phương Tây áp đặt. Trong đó có 2 cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ.
Do đâu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga phải kéo dài ?
Theo nhận định của A. Khramchikhin-Phó Giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự của Nga, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine phải kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu vào khoảng vài tháng là do nhiều nguyên nhân.
Một là, sai lầm của các cơ quan phân tích và tình báo Nga đã đánh giá quá thấp sức kháng cự của quân đội Ukraina.
Hai là, Nga đánh giá thấp mức độ và tác động tuyên truyền tẩy não của Mỹ và Phương Tây đối với người dân Ukraine bắt đầu từ thời Xô Viết và gia tăng vô cùng mạnh mẽ sau khi Liên Xô sụp đổ, biến Ukraina thành quốc gia thù địch với Nga “đến tận xương tủy”, không còn là “dân tộc anh em” với Nga như giới lãnh đạo Nga vẫn nghĩ. Nhưng hoạt động tuyên truyền tẩy não do Mỹ và Phương Tây tiến hành trong 30 năm qua đã biến "dân tộc anh em Ukraina" thành nhà nước tân phát xít, kế thừa tư tưởng của Đức quốc xã từ Chiến tranh thế giới thứ hai và trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất đối với Nga.
Từ chỗ đánh giá sai lầm đối phương, quân Nga đã vấp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình chiến dịch.
Ba là, giới lãnh đạo Nga không lường hết được sự ủng hộ toàn diện của Phương Tây dành cho Ukraina, cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự.
Bốn là, Nga đánh giá quá thấp mức độ gian giảo và xảo quyệt của Tổng thống Ukraine V. Zelensky, quá tin vào khả năng đàm phán của V.Zelensky, thậm chí vẫn tin rằng có thể ép ông ta thực hiện Thỏa thuận Minsk mà trên thực tế thỏa thuận này chỉ là cái bẫy của Mỹ và NATO nhằm đánh lừa Nga.
Liệu cuộc chiến Ukraina có thể leo thang thành Chiến tranh thế giới lần thứ ba?
Lãnh đạo nhiều nước và giới phân tích lo ngại cuộc chiến Ukraina có thể leo thang thành Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên thực tế đã chứng tỏ Ukraina là tâm điểm của cuộc chiến tranh thế giới phức hợp (World Hybrid War) đầu tiên trong lịch sử xét về mục tiêu, lực lượng tham gia và phương thức tác chiến.
Xét về mục tiêu, tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraina, Mỹ tập hợp lực lượng để duy trì quyền thống thế giới đơn cực do Washington kiểm soát sau Chiến tranh lạnh, trước hết là để đánh bại Nga-cản trở lớn nhất đối với quyền thống trị thế giới của Mỹ. Nếu Nga thất bại, Mỹ sẽ chuyển sang “xử lý” Trung Quốc-quốc gia được Washington xác định là thách thức đối với “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” của Mỹ.
Xét về lực lượng tham gia, toàn bộ thế giới Phương Tây và một số đồng minh của Mỹ ở Phương Đông đã đứng trên cùng một chiến tuyến chống lại Nga.
Xét về phương thức tác chiến, Mỹ và Phương Tây đã áp dụng toàn bộ các biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học-công nghệ để chống phá Nga. Xét không gian tác chiến, cuộc chiến này diễn ra trên đất liền, trên biển, trên không, trong vũ trụ và trong không gian mạng trên phạm vi toàn cầu. Cuộc chiến tranh này tiềm ẩn hiểm họa leo thang tới chiến tranh thế giới lần thứ ba hoặc chiến tranh hạt nhân./.
Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét