Thứ nhất, trên bình diện văn hóa - xã hội, liêm, chính là chuẩn mực cơ bản của đạo đức truyền thống và đạo đức cách mạng.
Khi bàn về đức liêm, chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự kế thừa sâu sắc quan niệm đạo đức truyền thống của người phương Đông và phát triển nó lên một tầm cao mới gắn với thời đại mới. Người nhìn nhận liêm, chính trong tổng thể các giá trị đạo đức ở một con người, luôn đồng hành cùng cần, kiệm. Người chỉ rõ: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”(1). Người nhấn mạnh, cần - kiệm - liêm - chính có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời nhau; muốn có liêm, chính thì phải thực hành cần, kiệm; không rèn luyện cần, kiệm, sống buông thả, xa hoa thì ắt sẽ mất đi sự liêm, chính. Vậy nên, trong cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cần, kiệm, liêm, chính” luôn làm thành một cụm từ cố định. Hay nói cách khác, nội hàm của liêm, chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã bao gồm cả đức cần, kiệm; và theo đó, một người liêm, chính nhất thiết phải có sự cần cù, chịu khó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giữ mình liêm khiết, trong sạch, đúng mực trong các mối quan hệ, luôn hướng tới sự đúng đắn trong mọi phương diện của đời sống. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính vừa là con đường thực hành đạo đức, vừa là đích đến trong rèn luyện đạo đức truyền thống của người Á Đông.
Hơn thế nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nâng tầm, vận dụng quan điểm truyền thống về liêm, chính vào thời đại mới và khẳng định: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới”(2). Người nhấn mạnh, liêm, chính là chuẩn mực đạo đức của con người thời đại mới, là thước đo cho mọi giá trị, danh hiệu trong đời sống xã hội mới. Người phân tích: “Ai là anh hùng?... Anh hùng là những người thật cần kiệm liêm chính”(3); “Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính”(4); “Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”(5). Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nghiêm khắc mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động với tư cách là một công dân của xã hội mới “phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể”(6).
Trong cuộc đấu tranh giữa thiện và ác nhằm bảo vệ những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc và thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rất rõ ràng, những người cần, kiệm, liêm, chính là những người thuộc phe thiện, tiên phong, tiến bộ; còn những kẻ bất liêm, bất chính, bất nhân là những người thuộc phe ác; phe thiện phải có sứ mệnh đánh bại phe ác, làm cho điều thiện được lan tỏa, trở thành yếu tố chủ đạo trong đời sống xã hội. Người nêu rõ: “Nếu mình cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đấy là phe thiện. Nếu tham ô, hủ hóa, cầu danh, cầu lợi là phe ác. Phe thiện trong mình mà đánh thắng được phe ác, thì ảnh hưởng đến phe thiện trong nước đánh thắng được phe ác, phe thiện thế giới đánh thắng được phe ác”(7).
Thứ hai, trên bình diện xây dựng Đảng, liêm, chính là đặc trưng bảo đảm bản chất tốt đẹp, “là đạo đức, là văn minh” của Đảng ta; có liêm, chính thì Đảng mới trong sạch, vững mạnh.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, liêm, chính không chỉ là đạo đức của cá nhân, của xã hội, mà cao hơn nữa, là đạo đức của Đảng, là sự phản ánh trí tuệ, văn hóa của Đảng ta. Người coi đạo đức là bản chất hàng đầu của Đảng ta, và định nghĩa “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(8). Vậy nên, xây dựng liêm, chính trong Đảng là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm khiết, chính trực, vì nhân dân phục vụ, là góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa, trí tuệ.
Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên quan tâm, chăm lo và coi trọng việc rèn luyện đạo đức liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Theo Người, nếu như “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(9), “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(10) thì đạo đức chính là gốc của người cán bộ. Xây dựng Đảng phải bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức, xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự liêm, chính. Một mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, cần đi đầu trong “quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”(11) để xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Mặt khác, xây dựng liêm, chính trong nội bộ Đảng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp là nền tảng để bảo đảm an ninh tư tưởng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Có thể thấy, qua quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liêm, chính được xem là nền tảng để các chính đảng mác-xít duy trì sự trong sạch, vững mạnh; đạo đức liêm, chính là cơ sở để cán bộ, đảng viên trung thực, liêm khiết. Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho muôn đời sau, Người vẫn đau đáu về mối quan hệ mật thiết giữa đạo đức cách mạng (trong đó có đặc trưng liêm, chính) với sứ mệnh cao cả của Đảng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(12).
Thứ ba, trên bình diện xây dựng nền hành chính quốc gia, liêm, chính là điều kiện, yêu cầu của việc xây dựng Chính phủ tiến bộ, phát triển.
Ngay sau khi Nhà nước dân chủ nhân dân được thành lập ở Việt Nam (tháng 9-1945), liêm, chính là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ mới, và vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước Quốc hội, quốc dân và thế giới tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I rằng: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”(13). Đó là một Chính phủ mà tất thảy cán bộ, công chức phải liêm khiết, chính trực; phải hết sức tiết kiệm, minh bạch, phải có trách nhiệm, có cái tâm trong sáng, không bòn rút của dân, không vụ lợi, vị kỷ và phải cải tạo lòng mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Bất kể ai trong hệ thống công quyền cũng đều phải thực hành liêm, chính, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo bởi “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khuyến cáo, nếu cán bộ không giữ được mình trong sạch, sẽ sa vào hưởng thụ, tham lam, tham nhũng, tham ô, nhận hối lộ, lạm quyền, lộng quyền, rồi thoái hóa, biến chất; như vậy là có tội với nước, với dân: “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””(14); “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(15). Người nghiêm khắc nhắc nhở: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ... dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”(16). Để răn đe, ngăn chặn những hành vi bất liêm, bất chính, ngày 26-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc lệnh, trong đó quy định tội trộm cắp của công phải bị tử hình, giống như tội phản quốc.
Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, liêm, chính là linh hồn, là văn hóa và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống chính trị đất nước, mà đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân”(17). Chính vì lẽ đó, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hành liêm, chính trong công việc, trong sử dụng quyền lực nhà nước, trong tu dưỡng bản thân và ứng xử với nhân dân. Đây chính là những lời răn dạy rất thấm thía, sâu sắc mà Người đã để lại cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét