Ra đời vào hoàn cảnh văn hóa Việt Nam ở trong tình hình nhiễu loạn và phức tạp của nhiều trường phái và triết thuyết khác nhau, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã trở thành một vũ khí tư tưởng sắc bén trên mặt trận văn hóa, định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc, tiến lên xây dựng chế độ mới, nền văn hóa mới.
“Bắt mạch” đúng những “căn bệnh” của văn hóa Việt Nam dưới chế độ thực dân thuộc địa, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 kêu gọi xây dựng nền văn hóa mới, phát triển nền văn hóa dân tộc. Chỉ dài hơn 1000 chữ, Đề cương gồm 5 phần ngắn gọn, là cụ thể hóa quan điểm văn hóa của Đảng; sự gắn bó vai trò văn hóa với ý nghĩa cuộc cách mạng giải phóng; đặt ra mục đích, nguyên tắc, quan hệ của cuộc cách mạng văn hóa với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam; đề ra nhiệm vụ cấp bách của người chiến sĩ văn hóa mác xít như là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đặt trong bối cảnh lịch sử ra đời của Đề cương, việc Đảng ta cho công bố Đề cương về văn hóa Việt Nam đã góp phần vạch rõ âm mưu, thủ đoạn nô dịch văn hóa của thực dân Pháp, phát xít Nhật, vạch rõ bản chất phản động, hèn nhát của lũ tay sai hòng "bán nước, cầu vinh". Từ đó, Đề cương đã góp phần để những ai còn mơ hồ, ảo tưởng nhận thức đúng bản chất vấn đề. Tác dụng thức tỉnh và thu hút của Đề cương văn hóa là ở toàn bộ nội dung của nó, nhưng nổi bật nhất là ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa.
Khẳng định phải dân tộc hóa vì văn hóa Việt Nam khi đó dưới ách áp bức của phát xít, thực dân đã và đang bị nô dịch và chia rẽ nặng nề. Đó là một nền văn hóa thiếu hẳn tinh thần độc lập, tự do và thống nhất dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam được dân tộc hóa nhằm chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập.
Đại chúng hóa là một nguyên tắc của vận động văn hóa vì quần chúng là cội nguồn của sức mạnh, là chủ thể đích thực của mọi giá trị văn hóa. Nhưng trên thực tế lúc đó, văn hóa lại đang trở thành, hoặc là thứ xa xỉ mà quần chúng không thể với tới, hoặc là những sản phẩm độc hại, phản giá trị mà quần chúng không thể thụ hưởng. Nền văn hóa mới, văn hóa cách mạng mà Đề cương văn hóa định hướng xây dựng hướng mọi sáng tạo nghệ thuật và hoạt động văn hóa vào phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cách mạng, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần quần chúng nhân dân, tạo sự phấn khởi, hăng hái trong thực hành các nhiệm vụ cách mạng.
Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm của “xu hướng văn hoá bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...”. Đặt nguyên tắc khoa học hóa lên vị trí ưu tiên vì một nền văn hóa muốn thực sự mang tính cách mạng, trước hết nó phải có một nền tảng khoa học chắc chắn làm tiền đề. Trong khi đó, ở một nước nông nghiệp lạc hậu thì chủ nghĩa kinh nghiệm thường lấn át tri thức khoa học và khoa học trong một nước bị đô hộ thì khó mà được ưu tiên phát triển.
Có thể nói, ba nguyên tắc nêu trên là cơ bản nhất, không thể tách rời nhau, phản ánh đúng nhất thực trạng và nhu cầu bức thiết của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ. Những luận điểm cơ bản đó phù hợp với quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là kết quả vận dụng sáng tạo quan điểm, tư tưởng của Mác - Lênin, Hồ Chí Minh để định hướng cho cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa khi cách mạng giải phóng dân tộc đang trong thời kỳ quyết liệt.
Từ quan điểm Đảng ta đưa ra trong Đề cương văn hóa năm 1943, đặc biệt là ba nguyên tắc dân tộc - khoa học - đại chúng trong vận động văn hóa, vận dụng vào việc phát huy các giá trị văn hóa quân sự Việt Nam - với tư cách là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc, để khơi dậy sức mạnh nội lực của cán bộ, chiến sĩ hướng vào hoàn thành các mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cần chú trọng những vấn đề có tính nguyên tắc sau đây:
Nguyên tắc tính Đảng: Như Đề cương văn hóa 1943 đòi hỏi hoạt động văn hóa của nhân dân, của mỗi tổ chức và cá nhân cần quán triệt sâu sắc tính Đảng Cộng sản, vấn đề xây dựng văn hóa quân sự Việt Nam luôn đòi hỏi mỗi tổ chức và cá nhân, mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc tính Đảng trong hoạt động văn hóa của mình. “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng” đối với quân đội. Đó là điều kiện bảo đảm vững chắc sự gắn bó hữu cơ giữa định hướng chính trị và hoạt động văn hóa quân sự.
Nguyên tắc tính dân tộc: Dù xây dựng và phát triển văn hóa đến mức độ hiện đại như thế nào thì văn hóa Việt Nam luôn phải gắn với bản sắc dân tộc. Đề cao bản sắc văn hóa dân tộc chính là vũ khí để bảo vệ sự độc lập của nền văn hóa đất nước trước xu thế toàn cầu hóa văn hóa, thức tỉnh tinh thần và ý chí dân tộc. Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng và thống nhất đất nước, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Những đặc trưng văn hóa bền vững trong lịch sử của dân tộc sẽ là nền tảng để xây dựng văn hóa quân sự trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, cần bổ sung những giá trị văn hóa mới vào hệ giá trị văn hóa quân sự Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, nhất là trên cơ sở những chuẩn mực đã được xác lập, cần bổ sung những chuẩn mực mới của Bộ đội Cụ Hồ cho phù hợp; xứng đáng là đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, “trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân”, có kỷ luật tự giác, nghiêm minh, có tình đồng chí, đồng đội và tinh thần nhân văn, gắn bó mật thiết với nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng thiêng liêng, cao quý nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Quán triệt sâu sắc tư tưởng nhân văn của Đảng trong nguyên tắc “đại chúng hóa” văn hóa. Quần chúng nhân dân vừa là người sáng tạo, vừa là đối tượng phản ánh, vừa là người được hưởng thụ mọi giá trị văn hóa. Ý nghĩa của nguyên tắc này không chỉ gói gọn trong xây dựng văn hóa mà xa hơn, rộng hơn chính là để khai thác và phát huy sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Nét đặc sắc trong văn hóa quân sự Việt Nam là phát động được đông đảo quần chúng nhân dân cùng tham gia các hoạt động quân sự, kết hợp được sức mạnh đông đảo của nhân dân với sức mạnh của các đơn vị quân đội chính quy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tính khoa học hướng dẫn các hoạt động văn hóa mới Việt Nam biết kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, có giá trị thúc đẩy tính tích cực của các chiến sĩ cách mạng luôn vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Đồng thời phải chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực làm xói mòn những giá trị đích thực của văn hóa quân sự Việt Nam.
BÁo QĐND
Ảnh 1: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Ảnh 2: Các đại biểu dự Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ I, tháng 11-1946. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét