“ĐA NGUYÊN
CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP”
KHÔNG PHẢI LÀ
LỰA CHỌN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM
Lịch sử đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội
đã chứng minh: giai cấp nào tiến bộ hơn, lý tưởng nào cao đẹp hơn, hướng tới
phục vụ lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động và được dẫn dắt bởi
một đảng chính trị có đường lối phù hợp với hoàn cảnh đương thời thì tất yếu sẽ
giành thắng lợi. Ở Việt Nam, từ khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược (1858)
và hoàn thành việc áp đặt ách đô hộ lên đất nước ta, nô dịch nhân dân ta
(1885), các phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc đã xuất hiện và
phát triển mạnh mẽ theo nhiều lập trường,
quan điểm khác nhau như: phong trào Cần Vương của Vua Hàm Nghị; phong trào khởi
nghĩa nông dân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám; phong trào yêu nước của Phan Bội
Châu, Phan Châu Trinh; phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo đường lối
tư sản của Nguyễn Thái Học,… Song tất cả các phong trào ấy đều thất bại hoặc bị
dìm trong biển máu, bởi vì không có đường lối đúng, không phù hợp với bối cảnh
lịch sử đương thời và xu thế thời đại.
Tuy nhiên, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh ra đi tìm đường cứu nước và tìm thấy con đường cách mạng Việt Nam - Con
đường cách mạng vô sản, Người chủ trì hợp nhất ba tổ chức cộng sản và thành lập
Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Từ đây, cách mạng Việt Nam chấm dứt sự khủng
hoảng về đường lối, nhân dân Việt Nam sau “đêm dài bế tắc không có đường ra” đã
tìm thấy lý tưởng, ngọn cờ lãnh đạo, lực lượng lãnh đạo và dẫn đường chỉ lối
cho toàn dân tộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc
cho nhân dân. Cũng từ khi có Đảng lãnh đạo, cách mạng Việt Nam giành được hết
thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, đế quốc
Pháp và Mỹ, các thế lực ngoại bang xâm lấn biên cương bờ cõi, và ngày nay đang
giành nhiều thắng lợi trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với những thắng lợi và thành
tích vẻ vang Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giành được trên tất cả các lĩnh vực
hơn 88 năm qua, song hành với thời gian ấy là cuộc đấu tranh không kém phần gay
go, quyết liệt để chống lại các biểu hiện nhận thức và hành động không đúng;
các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch phủ nhận, xuyên tạc,
tấn công nhằm hạ thấp vai trò, vị thế, uy tín của Đảng, nhằm lật đổ vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới nhiều chiêu bài, thủ đoạn tinh vi,
thâm độc. Đặc biệt, chúng vu khống Đảng ta độc đoán chuyên quyền, tham quyền,
cố vị; phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; phủ nhận hệ tư tưởng
của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu cầu thực hiện “đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở Việt Nam… Chúng đẩy mạnh các hoạt động phá
hoại về tư tưởng, chống phá về tổ chức, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, vu khống,
bôi nhọ các lãnh tụ và cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước ta; cổ vũ, “hà hơi
tiếp sức” cho các quan điểm sai trái, đối lập, các phần tử cơ hội chính trị
chống phá cách mạng Việt Nam cả ở trong nước và ở hải ngoại. Kết hợp giữa chống
phá công khai, bán công khai với bí mật, sử dụng nhiều lực lượng tham gia,
chống phá dưới nhiều hình thức, nhiều phương tiện, nhất là lợi dụng các phương
tiện thông tin đại chúng, internet, các trang mạng xã hội để tuyên truyền,
chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
Mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch
là thông qua các hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ
trang, “xâm lăng về văn hóa”,… nhằm phá hoại tư tưởng, thay đổi nhận thức, niềm
tin của các tầng lớp nhân dân, kể cả đội ngũ cán bộ, đảng viên vào vai trò lãnh
đạo của Đảng, vào tính tất yếu sự ra đời và lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo hệ
thống chính trị và toàn xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam; đòi xóa bỏ Điều 4,
Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ đó lôi kéo các tầng lớp
nhân dân, trước hết là thanh thiếu niên, đồng bào các dân tộc thiểu số, kiều
bào ta đã từng học tập, làm việc ở nước ngoài và các phần tử chống đối, phản
động nghe theo, tin theo, đi theo con đường chống đối lại mục tiêu, lý tưởng và
sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, từng bước
hình thành tư tưởng, quan điểm đối lập, phần tử đối lập, thành lập nên các tổ
chức, lực lượng chính trị đối lập tại Việt Nam, tiến tới thiết lập các đảng
phái chính trị mới nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện “đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập” ở Việt Nam.
Trước hết, chúng ta khẳng định rằng: quan điểm đòi thực hiện “đa nguyên chính
trị, đa đảng đối lập” ở Việt Nam là sai trái và phản động, không phải là lựa
chọn của tuyệt đại đa số nhân dân ta, không phải là sự lựa chọn của lịch sử,
không phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam và không có cơ sở khoa học và
hiện thực. Vì vậy, nghiên cứu nhận
diện đầy đủ về mục đích, bản chất của luận điệu trên để đấu tranh phản bác lại
quan điểm sai trái trên một cách khoa học, có sức thuyết phục là nhiệm vụ rất
quan trọng và cần thiết, là trách nhiệm chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng
viên, của các tổ chức đảng và của toàn xã hội.
Một là, ở Việt Nam hiện nay không cần thực hiện “đa nguyên chính
trị, đa đảng đối lập”.
Mục tiêu cao nhất
của con người nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng là “Độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc”. Mục tiêu ấy đã từng trao cho
tất cả các giai tầng trong xã hội, các đảng phái, các cá nhân,… trong những năm
cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Và trên thực tế, các phong trào yêu nước, các
cuộc cách mạng theo các quan điểm, lập trường phi vô sản đã được tiến hành ở
Việt Nam dưới nhiều hình thức song đều thất bại. Cùng với quá trình phát triển
của lịch sử dân tộc, trong thế kỷ XX ở nước ta đã từng xuất hiện và tồn tại
nhiều đảng phái khác nhau như: Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam
cách mệnh đồng minh hội (Việt Cách), Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt
Nam,… Tuy nhiên, những đảng phái khác trên thực
tế đã không vượt qua được những đòi hỏi khách quan và thử thách gay gắt của cuộc
đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và đấu tranh dân chủ. Vận mệnh và sứ mệnh
lịch sử thiêng liêng của dân tộc ta chỉ do Đảng Cộng sản Việt Nam đảm trách. Những
lần vượt qua khó khăn, thách thức đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm lớn
lao, trí tuệ tuyệt với của Đảng đối với vận mệnh của dân tộc và cuộc sống, quyền
tự do, dân chủ của nhân dân. Do đó, chính lịch sử cũng đã chứng minh, ngoài Đảng
Cộng sản, không có và không thể có một đảng phái hoặc một lực lượng chính trị
nào có thể đưa ra được cương lĩnh, đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam,
có thể đồng thời giải quyết những mục tiêu về dân tộc và giai cấp, độc lập dân
tộc, “ruộng đất cho dân cày” và chủ nghĩa xã hội, “ấm no, tự do, hạnh phúc” cho
nhân dân,... Tuy nhiên, lịch sử vốn rất công bằng, nhân dân luôn
là lực lượng khách quan, công bằng, chính xác nhất khi xem xét, đánh giá công
lao của các tổ chức và cá nhân với dân tộc. Và lẽ dĩ nhiên, giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam đã thống nhất lựa chọn cho mình duy nhất
một con đường đúng đắn (cách mạng xã hội
chủ nghĩa), một sự nghiệp vẻ vang (xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc), một đảng cách mạng, chân chính, duy nhất lãnh đạo
cách mạng Việt Nam, (Đảng Cộng sản Việt
Nam). Trong đó, sự
lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử,
là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của giai cấp công nhân, của nhân dân
lao động, của dân tộc Việt Nam và phù hợp với quy luật, phù hợp với thực tiễn
cách mạng Việt Nam và xu thế thời đại.
Thực tiễn đã cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam đối với đất nước ta là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, là ý
nguyện của toàn thể nhân dân. Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vừa tuân
theo quy luật chung, vừa tuân theo quy luật đặc thù phù hợp với thực tiễn cách
mạng Việt Nam và phù hợp với xu thế thời đại, nó đã giải quyết được cuộc khủng
hoảng về đường lối cách mạng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với nguyện
vọng của quảng đại quần chúng nhân dân, đó là “độc lập cho dân tộc”, “ấm no, tự
do, hạnh phúc cho nhân dân”. Từ khi thành lập và cho đến tận ngày nay, Đảng
Cộng sản Việt Nam luôn là “đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là
đội tiên phong của nhân dân lao động và toàn
thể dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam”. Do vậy, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt
Nam là đảng cầm quyền, đảng duy nhất lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn bộ xã
hội, đảng là bộ phận của hệ thống chính trị và hoạt động trong khuôn khổ Hiến
pháp, pháp luật. Nhân dân Việt Nam không muốn và không cần có một đảng phái
chính trị nào khác trên đất nước Việt Nam. Vì vậy, ở Việt Nam hiện nay không
cần thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.
Hai là, ở Việt Nam nhân dân không muốn và không có cơ sở lý luận
và thực tiễn cho việc thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.
Dân chủ, phát triển, ổn định và
tiến bộ là những mục tiêu thuộc về lý tưởng của loài người, có giá trị phổ quát
chung của toàn nhân loại. Tuy nhiên, những mục tiêu này có được không đồng
nghĩa với vấn đề phải nhất quyết thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. Và thực tế
hiển nhiên là ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đã và đang thực hiện “đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập” cũng không đồng nghĩa với việc ở đó sẽ có
dân chủ triệt để, đất nước và con người phát triển, chính trị ổn định và tiến
bộ, công bằng xã hội được thực thi theo đúng nghĩa. Đây là hai vấn đề không tỷ
lệ thuận với nhau, không quan hệ biện chứng với nhau, do đó, không phải là tiền
đề, cơ sở bảo đảm duy nhất cho nhau cùng tồn tại.
Thế giới quan của “chủ nghĩa đa nguyên” là phủ
nhận tính thống nhất của thế giới, cho thế giới là sự kết hợp các nguyên thể,
các yếu tố độc lập và tồn tại riêng biệt. Họ cường điệu và thổi phồng cái
riêng, coi cái riêng là cái duy nhất, cái phong phú đa dạng và vĩnh hằng, là
cái vốn có. Chủ nghĩa đa nguyên chủ yếu gắn liền với những vấn đề xã hội, phát
triển mạnh ở phương Tây và lấy xã hội tư sản trên nền tảng của chế độ tư hữu về
tư liệu sản xuất chủ yếu làm cơ sở vật chất để tồn tại. Họ cho rằng: xã hội
luôn được chia nhỏ thành cơ số các cá thể, nhóm, tầng lớp, tập đoàn; phân biệt
nhau trong xã hội chủ yếu phải bằng tài sản và thu nhập, tín ngưỡng, tôn giáo,
đảng phái, nghề nghiệp và do đó, họ cố tình che đậy tính chất đối kháng về lợi
ích giai cấp trong xã hội, làm lu mờ vấn đề lợi ích chung, mục tiêu chung cao
đẹp của con người trong xã hội, mà chủ yếu bảo vệ và cổ vũ cho tư tưởng cá
nhân, cục bộ, ích kỷ, hẹp hòi. Cao hơn là phủ nhận sự phân chia xã hội thành
giai cấp đối kháng, phủ nhận đấu tranh giai cấp, phủ nhận sứ mệnh lịch sử thế
giới của giai cấp công nhân, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản trong xã hội.
Trên thực tế, nhiều nước đã và
đang thực hiện cái gọi là “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” song thực chất
xã hội cũng không phát triển, dân chủ cũng không triệt để, đời sống vật chất và
tinh thần của quảng đại quần chúng nhân dân lao động vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Tuy một vài nước có thu nhập bình quân đầu người cao, GDP hàng năm cao, song
phần lớn tài sản và sự thụ hưởng giá trị vật chất và tinh thần lại không thuộc
về đa số nhân dân lao động, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân mà lại nằm
chủ yếu trong tay của một bộ phận người trong xã hội - Đó là giai cấp tư sản.
Một vài nước tư bản phương Tây đang tồn tại nhiều đảng phái chính trị với tên
gọi khác nhau, song thực chất các đảng chính trị cầm quyền vẫn chỉ thuộc đảng
của giai cấp tư sản mà thôi, các chính đảng này không bảo vệ cho quyền lợi,
không phản ánh nguyện vọng của quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Do đó,
khẩu hiệu “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” mà họ rêu rao cũng chỉ là luận
điệu tuyên truyền có dụng ý chính trị mỵ dân, thực chất ở các nước này cũng
không có “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.
Có thể thấy rằng, chủ nghĩa đa nguyên là sản
phẩm của giai cấp tư sản với thế giới quan phản khoa học, là một trong những “công
cụ lý luận”, “vũ khí tư tưởng” để các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc,
phủ nhận vai trò duy nhất lãnh đạo xã hội của các đảng cộng sản, trong đó có
Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận lợi ích chung, mục tiêu chung cao cả, tốt đẹp,
nhân văn; chúng đang muốn hướng lái con người và xã hội vào chủ nghĩa cá nhân,
cục bộ, ích kỷ, hẹp hòi. Và do vậy, bản thân nó không phù hợp với thực tiễn
Việt Nam, bản chất nhân văn, nhân đạo của con người Việt Nam, không có cơ sở lý
luận và thực tiễn tồn tại “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở Việt Nam.
Ba là, yêu cầu thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”
thực chất là âm mưu, thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống
phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân
tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nước ta dưới sự lãnh đạo
của Đảng tiếp tục thu được những thành tưu có ý nghĩa lịch sử, đời sống vất
chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, uy tín và vị thế của nước
ta trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định vững chắc. Chính vì lẽ đó, để
chống phá cách mạng Việt Nam, để ngăn chặn và phá hoại con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta, hạ thấp uy tín, vị thế, vai trò của Đảng ta, sự nghiệp
đổi mới của nhân dân ta, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, thực dụng
đã, đang và vẫn sẽ tìm mọi cách tấn công và chống phá, phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng, đòi hỏi phải thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở
Việt Nam.
Về mục tiêu và bản chất của các thế lực thù
địch là nhằm gây chia rẽ nội bộ từ trong Đảng, chia rẽ và phá hoại khối đại
đoàn kết toàn dân tộc, gây bất ổn về chính trị-xã hội, tạo điều kiện, tiền đề
cho việc ra đời và “công khai hóa”, “hợp pháp hóa” các tư tưởng đối lập, hình
thành và phát triển các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam,
giành giật quần chúng và từ đó cạnh tranh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản,
tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đời sống
chính trị, mở đường cho việc đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nghiêm khắc và có
trách nhiệm cao với sứ mệnh lãnh đạo của mình, gắn vận mệnh của mình với vận
mệnh của quốc gia, dân tộc. Đảng không bảo thủ, độc đoán, chuyên quyền, xa rời
những nguyên lý và nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của mình. Kiên
trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nguyên tắc tập trung
dân chủ, tự phê bình và phê bình, tập thể lãnh đạo gắn với cá nhân phụ trách,
quan hệ gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng
Đảng, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh
đạo và sức chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và xứ mệnh lịch sử cao
cả của mình và sứ mệnh và nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng nhân dân lao động và
toàn thể dân tộc Việt Nam tin tưởng, giao phó.
Như vậy, xét cả trên phương diện lý luận và
thực tiễn đều cho thấy, yêu cầu thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập” ở Việt Nam là phản khoa học, phi thực tế. Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt
Nam hiện nay và mãi mãi mai sau không muốn, không cần thiết phải thực hiện “đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Các quan điểm phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ở
nước ta là sai trái, phản động, phải bị lên án, đấu tranh, phê phán và bác bỏ./.
Hiện nay, các thế lực thù địch không từ thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của chúng là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.
Trả lờiXóa