Nhân lực trong Quân đội đã được xác định là ngành “lao động đặc biệt”. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân mà tiền lương của cán bộ, nhân viên trong Quân đội lại chưa tương xứng với ngành “lao động đặc biệt” ấy.
Cách trả lương sau gần 20 năm vẫn không thay đổi
Tôi nhớ mãi phiên họp của Quốc hội khóa XI cách đây gần 20 năm bàn về cải cách tiền lương. Lúc đó, cả Hội trường Ba Đình như rơi vào khoảng không yên lặng sau lời phát biểu tâm huyết của một đại biểu Quốc hội cao tuổi rằng: "Chẳng có tiền lương nào so sánh được với những hy sinh của bộ đội. Ngay trong thời bình, cán bộ, chiến sĩ Quân đội cũng sẵn sàng chấp nhận những rủi ro nhất định trong huấn luyện, trong tham gia phòng, chống lụt bão, thiên tai. Bất cứ lực lượng nào trong Quân đội cũng đều phải huấn luyện với chương trình nghiêm túc, gian khổ và khi có chiến tranh thì sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân...".
Phiên họp Quốc hội đó đã thông qua Đề án cải cách tiền lương (Đề án) do Chính phủ trình. Trong đó có quy định “tiền lương và phụ cấp của LLVT phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm, cống hiến của LLVT là "một ngành lao động đặc biệt", vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ công chức như hiện nay”.
Thực hiện Đề án nói trên, ngày 14-12-2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và LLVT.
Sau gần 20 năm, cán bộ Quân đội vẫn đang nhận lương cơ bản theo nghị định nói trên. Theo đó, tiền lương của cán bộ Quân đội được nhận chủ yếu theo cấp bậc quân hàm. Tính lương theo cách nhân tiền lương cơ sở với hệ số lương. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng. Hệ số lương của cấp thiếu úy là 4,2; trung úy là 4,6; thượng úy là 5,0; đại úy là 5,4; thiếu tá là 6,0; trung tá là 6,6; thượng tá là 7,3; đại tá là 8,0... Đi kèm với tiền lương theo cấp bậc còn có phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên... nhưng các khoản phụ cấp này không đáng kể. Ví dụ, trung đội trưởng hiện đang hưởng phụ cấp chức vụ với hệ số 0,2. Theo đó, mỗi tháng trung đội trưởng hưởng phụ cấp chức vụ là 360.000 đồng.
Cần sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương
Thực tiễn cho thấy, cách trả lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP đối với cán bộ Quân đội lúc đó là phù hợp nhưng nay đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý.
Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, từ năm 2004 đến nay, chính sách tiền lương đối với sĩ quan Quân đội, Công an mặc dù có nhiều sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Mức phụ cấp lãnh đạo thấp, chưa thể hiện rõ sự đãi ngộ tương xứng với mức độ trách nhiệm của sĩ quan lãnh đạo, chỉ huy ở từng cấp. Bất cập lớn nhất trong chính sách tiền lương đối với Quân đội, Công an là việc lấy quân hàm làm căn cứ chủ yếu để xác định lương và chế độ, chính sách cho sĩ quan, người hưởng lương. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối và mâu thuẫn giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan.
Theo khảo sát của chúng tôi, trong gần 20 năm qua, tiền lương của cán bộ Quân đội được điều chỉnh không tương ứng với mức tăng giá sinh hoạt và mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, kém xa mức tăng tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp.
Thực tế tiền lương của sĩ quan cấp úy, giữ chức vụ trung đội trưởng, phó đại đội trưởng, chính trị viên phó đại đội (vừa được tăng lương từ ngày 1-7-2023) sau khi trừ tiền ăn hằng tháng và các khoản đóng, như: Đảng phí, hội phí, quỹ nghĩa tình đồng đội, ủng hộ người nghèo... thì còn rất khiêm tốn. Tôi đã từng chứng kiến nhiều sĩ quan trẻ không dám lấy vợ hoặc hạnh phúc lứa đôi bị ảnh hưởng vì thu nhập thấp, lại ở xa gia đình. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội, trung đội ở các đơn vị đủ quân gần như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, vì thế, họ không có thời gian để giao lưu với người khác giới. Trong khi cuộc sống ngoài doanh trại luôn sôi động, các cô gái thời nay rất khó chấp nhận người yêu mà cả năm trời không gặp mặt.
Vì thế, rất cần có chế độ đãi ngộ hợp lý với cán bộ Quân đội, trong đó có chế độ tiền lương.
Được biết, thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương LLVT đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng bảng lương mới đối với các đối tượng trong Quân đội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trong đó, tiền lương của sĩ quan Quân đội sẽ được xây dựng theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm phù hợp với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, các chế độ phụ cấp nói chung cũng được nghiên cứu cải cách cho phù hợp với thực tiễn. Riêng đối với các đối tượng trong Quân đội được thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù quân sự và được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng, tăng mức hưởng để bảo đảm tương xứng với tính chất, hoạt động đặc thù trong Quân đội.
Mong rằng việc cải cách tiền lương mới này sẽ sớm được thực thi để ngành "lao động đặc biệt" có tiền lương tương xứng./.
-------------
CHĂM LO TỐT HƠN ĐỜI SỐNG CỦA BỘ ĐỘI!
Vì hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân luôn sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, coi đó là mệnh lệnh từ trái tim mà không hề so đo, tính toán. Những thiệt thòi, hy sinh này là không thể đong đếm, bù đắp bằng vật chất. Bởi vậy, càng cần chăm lo tốt hơn đời sống mọi mặt và không thể lấy đồng lương để "so bì" thiệt hơn với bộ đội... Trang "Ý kiến chiến sĩ" giới thiệu một số ý kiến xung quanh nội dung này!
Đồng chí LÊ NHƯ TIẾN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội: Bộ đội thời nào cũng chịu nhiều gian khổ
Tôi từng là một người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị những năm 1971-1972 nên rất thấu hiểu bộ đội. Thời nào cũng vậy, bộ đội luôn phải đối mặt với gian khổ, hy sinh, có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất. Đã là bộ đội thì khi có lệnh là lên đường, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ bởi hoạt động của Quân đội vừa đặc thù, vừa đặc biệt, đối mặt với kẻ thù, với nguy nan, gian lao, giữa lằn ranh cái sống và cái chết. Đó là điều mà ai cũng thấy.
Quan điểm của tôi là đầu tư cho Quân đội, chính sách cho Quân đội, quân nhân là đầu tư cho bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta có hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là đặc biệt quan trọng. Nếu đã không bảo vệ được Tổ quốc thì chúng ta không còn gì để xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vậy, một chế độ lương thỏa đáng đối với quân nhân trong Quân đội là hoàn toàn đúng đắn, không ai có thể ganh nạnh được. Xã hội dành cho người lính tình cảm trân trọng, nhưng đồng thời cũng phải có chính sách đãi ngộ tương ứng, tương thích. Vì thế, theo tôi, Đảng, Nhà nước cần có chính sách quan tâm hơn nữa đối với Quân đội, nhất là chế độ tiền lương.
Đồng chí TRẦN NAM THUẦN, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long (Đắk Nông): Sự hy sinh không thể đong đếm
Quảng Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Đắk G’long. Từ năm 2012, với phương châm “3 bám, 4 cùng”, bộ đội và các trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) Quảng Sơn (Công ty TNHH MTV Cà phê 15, Quân khu 5) đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đời sống bà con xã Quảng Sơn vơi bớt khó khăn. Theo đó, cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP Quảng Sơn đã hỗ trợ bà con từng bước định canh, định cư, dựng nhà, lập vườn; xây dựng các công trình thủy lợi, y tế, trường học, đường điện, đường giao thông; khai hoang đồng ruộng, xây dựng vườn mẫu; tận tình hướng dẫn, giúp hộ nghèo tái canh cà phê, cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi để bà con phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Các đồng chí còn vận động trẻ em đến trường, mở lớp bồi dưỡng hè cho học sinh, khám, chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ khi đồng bào gặp thiên tai, hỏa hoạn. Vì cuộc sống của bà con và sự ổn định ở địa bàn đóng quân, bộ đội Đoàn KT-QP Quảng Sơn chấp nhận gian khổ, gác lại công việc cá nhân, thường xuyên phải xa gia đình. Sự gian khổ, hy sinh của bộ đội là không thể đong đếm, không có giá trị vật chất nào có thể bù đắp, cũng không thể lấy đồng lương để "so bì" thiệt hơn với bộ đội...
“Chẳng có tiền lương nào so sánh được với những hy sinh của bộ đội”
Huấn luyện vượt sông trong hành trú quân cho bộ đội Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 (Quân khu 9). Ảnh: HỮU TÀI
Đại tá ĐỖ KHẮC LONG, Chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 382, Quân khu 1: Đội ngũ sĩ quan trẻ còn rất nhiều khó khăn
Là đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) nên Lữ đoàn Pháo binh 382 phải duy trì trực 100% quân số vào ngày thường, ngày nghỉ là 70%, vì thế đội ngũ trung đội trưởng 3 tuần mới được về nhà một lần. Hằng ngày, anh em phải thức dậy trước để đôn đốc bộ đội, tổ chức, duy trì các hoạt động theo kế hoạch. Tối đến thì tổ chức cho bộ đội sinh hoạt, rút kinh nghiệm, chuẩn bị công việc ngày hôm sau nên thường ngủ muộn hơn. Cuối tuần vẫn phải bám nắm bộ đội, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí... Vì vậy, đội ngũ cán bộ trẻ gần như không có thời gian để gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu và chọn bạn đời cho mình. Lữ đoàn Pháo binh 382 hiện có khoảng 10 đồng chí gần 30 tuổi chưa lập gia đình. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là lương bộ đội còn thấp. Cụ thể, theo mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2023, tiền lương và phụ cấp của một đồng chí trung đội trưởng được khoảng 11,6 triệu đồng; trừ tiền ăn, mua nhu yếu phẩm, chi phí đi lại, hiếu hỉ... chỉ còn khoảng 4-5 triệu đồng. Những đồng chí đã có gia đình còn khó khăn hơn vì phải lo nhiều khoản chi tiêu sinh hoạt, học tập, phòng lúc con cái, bố mẹ hai bên gia đình ốm đau...
Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Có phải bộ đội lương cao?
Sau thời gian công tác ở Tiểu đoàn Tên lửa 82, Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân), chúng tôi tham gia nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, có đồng chí ở lại tiếp tục phục vụ Quân đội, trở thành sĩ quan, QNCN. So với chúng tôi làm việc ngoài Quân đội, các đồng chí sĩ quan, QNCN nhiều thiệt thòi hơn vì hầu hết thời gian ở đơn vị, có rất ít thời gian chăm lo cho cha mẹ, vợ con, ngay cả khi ốm đau, hoạn nạn. Đó là những thiệt thòi, hy sinh mà không phải ai cũng dám chấp nhận để phục vụ Quân đội. Sự hy sinh thầm lặng, khó diễn đạt thành lời ấy khiến hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ luôn được người dân tin yêu, quý trọng. Nếu chỉ nhìn vào hệ số lương để so sánh và cho rằng “bộ đội lương cao” thì chưa chính xác, không thấy được bản chất vấn đề. Bởi Quân đội là ngành lao động đặc biệt, chịu nhiều gian khổ và luôn phải đối mặt với những hy sinh; quân nhân luôn trong tâm thế SSCĐ, không có thời gian làm thêm để cải thiện thu nhập. Nếu tính theo giờ làm việc, thời gian phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân thì thu nhập của bộ đội so với các ngành nghề khác là không cao, thậm chí thấp hơn nhiều.
Trung tá LÊ KHẮC NGỌC ANH, Chính ủy Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4: Khó bù đắp được những thiệt thòi, xa cách
Là cán bộ chủ trì ở đơn vị chủ lực đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, cách nhà hơn 300km, tôi luôn sắp xếp hài hòa công việc đơn vị với việc gia đình. Trung bình hơn một tháng tôi về thăm nhà một lần. Vào các dịp lễ, tết hay những đợt cao điểm tập trung cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, trực SSCĐ, tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ, động viên vợ, con, gia đình sau khi hoàn thành nhiệm vụ mới về thăm. Mọi việc trong gia đình chủ yếu do vợ tôi gánh vác. Vắng bóng người đàn ông, vợ tôi gặp không ít khó khăn, bởi nhà cửa xây dựng đã lâu, một số hạng mục xuống cấp, hư hỏng, không kịp thời sửa chữa hay lúc các con, bố mẹ ốm đau... Chỉ có những người trong hoàn cảnh này mới thấu hiểu nỗi xa cách.
Lao động của Quân đội là lao động xương máu, toàn thời gian. Đồng lương của bộ đội không chỉ mang giá trị vật chất để nuôi sống gia đình mà còn là nguồn động viên về tinh thần, giúp tạo thêm động lực cho người lính yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Trên cương vị công tác, với quân hàm trung tá, mỗi tháng tôi nhận được hơn 16 triệu đồng tiền lương. Sau khi trừ một số khoản chi tiêu, sinh hoạt cá nhân, mỗi tháng tôi gửi về cho gia đình khoảng 10 triệu đồng. Gia đình tôi có 4 thành viên, vợ chưa có việc làm ổn định, cháu gái đầu học lớp 5, cháu trai học lớp 4; mỗi tháng gia đình tôi chi tiêu khoảng 13 triệu đồng, bởi vậy không còn dư để tiết kiệm...
Đại úy NGUYỄN VĂN HIỂN, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 395, Quân khu 3: Rất ít thời gian tìm hạnh phúc riêng
Ngày mới ra trường về đơn vị nhận công tác, tôi cũng có người yêu. Gắn bó với nhau được hơn hai năm thì bạn gái nói lời chia tay. Tôi không trách bạn gái vì trong khoảng thời gian yêu nhau, số lần tôi được nghỉ về thăm cô ấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều lúc thấy bạn bè cùng trang lứa lập gia đình, vợ con đề huề tôi cũng thấy chạnh lòng và muốn tìm được một người con gái “tâm đầu ý hợp” để kết duyên. Tuy nhiên, công tác ở đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ nên tôi thường xuyên phải bám nắm bộ đội; khoảng 3-4 tuần mới đi tranh thủ một lần vào ngày nghỉ cuối tuần nên ít có điều kiện tìm hạnh phúc riêng. Đến nay, mặc dù đã gần 31 tuổi nhưng tôi vẫn là “lính phòng không”.
Ngoài tôi, ở Trung đoàn còn gần 10 đồng chí khác hơn 30 tuổi chưa lập gia đình. Ngoài đặc thù công việc bận rộn thì còn do đồng lương sĩ quan cấp úy cũng chỉ ở mức trung bình, thậm chí là thấp. Như bản thân tôi, sau 9 năm ra trường với mức lương cấp bậc đại úy, mỗi tháng cũng chỉ được gần 11 triệu đồng sau khi trừ tiền ăn và một số khoản khác. Đặc thù nghề nghiệp khiến chúng tôi không có điều kiện, thời gian để làm thêm, tất cả thu nhập đều từ đồng lương. Thực tế cho thấy, với sĩ quan cấp bậc thiếu úy, trung úy thì mức lương hằng tháng như thời điểm hiện nay chỉ đủ phục vụ sinh hoạt của bản thân. Đây là một trở ngại lớn với sĩ quan trẻ khi muốn xây dựng gia đình và sống tự lập...
Yêu nước ST.
so sánh như vậy rất khập khiễng
Trả lờiXóa