Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRƯỚC TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC CHIẾN THÔNG TIN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

 

Tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc chiến thông tin, nhất là chiến tranh thông tin trên không gian mạng. Các cuộc chiến tranh này đã và đang có những tác động chưa thể lường hết đối với chế độ chính trị, thể chế nhà nước cũng như hệ giá trị của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Mặc dù Liên hợp quốc và các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đã và đang nỗ lực để giải quyết, nhưng đến nay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tác động của cuộc chiến thông tin trên không gian mạng đối với an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế
Sự ra đời và phát triển của internet cùng những yếu tố, như hạ tầng thông tin, công nghệ,... tạo nên không gian mạng, đã và đang giúp tăng khả năng thu thập dữ liệu, lan truyền thông tin, bảo vệ thông tin cũng như làm gián đoạn thông tin, đồng thời tạo ra các cơ hội dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin đến từng người dân ở khắp nơi trên thế giới, cộng đồng quốc tế và quan hệ giữa các chủ thể (nhà nước, phi nhà nước) trong quan hệ quốc tế. Với tốc độ đường truyền nhanh, độ bao phủ rộng và chi phí thấp, các chiến dịch thông tin truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội tương tác ở tất cả các cấp độ đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội trên toàn cầu.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, bên cạnh những thành quả to lớn và khía cạnh tích cực đối với thế giới, không gian mạng và các khía cạnh liên quan đến công nghệ mới đã và đang tạo điều kiện cho sự bùng nổ, phát triển của chiến tranh thông tin trên không gian mạng. Các hoạt động chiến tranh thông tin trên không gian mạng có thể bao gồm các cuộc tấn công mạng, phá hủy hệ thống thông tin của đối phương, tấn công nền tảng mạng xã hội, bằng cách đưa vào trong tâm trí con người hình ảnh, thông tin có chủ đích theo hướng có lợi cho mình/nước mình về thế giới hay quốc gia, cộng đồng nhằm thực hiện mục tiêu xác lập vị thế độc quyền trong việc “diễn giải” một câu chuyện, sự kiện nào đó, trong khi tìm cách “tước đoạt” năng lực phát tán thông tin của một quốc gia hay các chủ thể nhà nước, phi nhà nước trong quan hệ quốc tế. Các hình thức chiến tranh này đã và đang có những tác động sâu sắc trong quan hệ giữa các quốc gia nói chung và nội bộ của từng quốc gia nói riêng với một số nguy cơ đáng chú ý sau:
Một là, đe dọa sự ổn định chính trị, thậm chí là sự tồn vong, sự lựa chọn về thể chế chính trị của các quốc gia, đảng cầm quyền, tổ chức, liên minh. Thông tin sai lệch, xuyên tạc từ nước ngoài được truyền tải bằng các nền tảng công nghệ hiện đại được vận hành cùng với công nghệ tr.í t.uệ nh.ân t.ạo (AI), đã và đang có những tác động rất lớn nhằm tăng cường sự đối nghịch về ý thức hệ, nhằm can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước của quốc gia khác, như can thiệp sâu hơn vào các cuộc bầu cử, bao gồm cả việc cải thiện khả năng nhắm trúng mục tiêu và thuyết phục các nhóm bỏ phiếu cụ thể của đối thủ, thậm chí là thay đổi kết quả bầu cử cũng như hạ bệ đảng cầm quyền, liên minh đảng cầm quyền,... tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước lớn. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu gần đây cũng đưa ra không ít bằng chứng về các chiến dịch tin giả, xuyên tạc từ bên ngoài đã có tác động nhất định đối với sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là “Brexit”). Điều này không chỉ làm suy yếu vị thế toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU), mà còn dẫn đến những tác động tiêu cực về xu thế liên kết quốc tế và cân bằng quyền lực trong quan hệ quốc tế.
Cuộc chiến thông tin giữa Nga và phương Tây về cuộc xung đột Nga - U-crai-na hiện nay cũng là một ví dụ điển hình. Với thế mạnh về các nền tảng mạng xã hội, hệ thống truyền thông mạng của phương Tây đã và đang truyền tải nhiều nội dung thông tin, hình ảnh và video một chiều về cuộc xung đột Nga - U-crai-na và tình hình nội trị nước Nga. Ở chiều ngược lại, bên cạnh việc gồng mình chống các hình thức cấm vận toàn diện của phương Tây, Nga cũng có sự chủ động triển khai “phòng thủ” tốt, bao gồm các giải pháp công nghệ do Nga làm chủ nhằm ngăn chặn, đập tan những cuộc xâm nhập, tấn công mạng, lan truyền tin trên không gian mạng mà Nga cho là tin giả, xuyên tạc, kích động, gây rối loạn từ bên trong nước Nga. Bên cạnh đó, Nga cũng chủ động phản công, triển khai các biện pháp truyền tải thông tin có lợi nhất của mình ra bên ngoài khi có thể để cộng đồng quốc tế và người dân phương Tây hiểu rõ nguyên nhân của việc Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở U-crai-na. Trong cuộc chiến này, các phương tiện tuyên truyền chính trị giữa Nga và phương Tây hiện nay đã chuyển sang một không gian mới - không gian của các phương tiện truyền thông xã hội đa nền tảng, như Facebook, Instagram, Tiktok, Twitter, Youtube, Vkontakte, Odnoklassniki và Moy Mir cho đến các ứng dụng di động, các kênh truyền hình, các trang web và tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, có thể tạo ra những tác động mạnh mẽ ngay lập tức, như BBC, Reuter (Anh), CNN, AP (Mỹ), AFP (Pháp), DW (Đức), RT (Nga)...
Hai là, làm mất lòng tin, căng thẳng chính trị, thậm chí dẫn đến xung đột trong quan hệ quốc tế, đe dọa tới trật tự, an ninh quốc gia, khu vực và thế giới. Các thông tin giả, sai sự thật được sử dụng trong không gian mạng đều có mục đích chính trị nhằm thực hiện lợi ích của các quốc gia, đối thủ và các chủ thể có lợi ích. Đây là một trong những công cụ quan trọng mà các quốc gia sử dụng trong triển khai chính sách đối ngoại nhằm gây hiểu lầm, bất đồng và bất hòa giữa các tầng lớp nhân dân ở các quốc gia khác, nhằm mục tiêu gia tăng lợi ích, vị thế, ảnh hưởng của mình trong quan hệ quốc tế và làm suy yếu vai trò của đối phương. Các công nghệ hiện đại ngày nay đã trở thành công cụ để các quốc gia, chủ thể lợi ích (kể cả chủ thể phi nhà nước) tạo ra những loại hình sản phẩm truyền thông, tin tức theo thời gian thực một cách giả mạo, tinh vi nhằm gây ra những xáo trộn, mâu thuẫn, thậm chí là xung đột trong nội bộ một quốc gia hoặc giữa các quốc gia. Có thể thấy, quốc gia nào, xã hội nào cũng đều thấm thía những hậu quả chính trị của những thông tin sai lệch, cho dù mức độ dễ bị tổn thương khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh trong nước của từng quốc gia.
Đối với những “điểm nóng” xung đột hay chiến tranh, các loại hình chiến tranh thông tin mạng được triển khai rầm rộ trong thời gian qua đã và đang tạo ra các nguy cơ, hệ lụy đối với hòa bình, an ninh quốc tế. Bên cạnh đó, thông qua các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, các tổ chức khủng bố, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia có thể dễ dàng chiêu mộ, đào tạo trực tuyến, mở rộng hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, đe dọa tình hình an ninh của các quốc gia cũng như sự ổn định, hòa bình, an ninh của khu vực và quốc tế.
Ba là, nguy cơ dẫn đến xung đột về hệ giá trị của các quốc gia. Việc áp dụng, phát triển các nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ mới nổi, đặc biệt là vận hành trên công nghệ AI của các doanh nghiệp, tập đoàn ở các nước lớn, như Mỹ và Trung Quốc, nhằm cạnh tranh, đối phó lẫn nhau sẽ dẫn đến những tác động lớn, thậm chí là xung đột không chỉ về hệ giá trị đối với Mỹ, Trung Quốc nói chung, người dân sử dụng ở Mỹ và Trung Quốc nói riêng, mà còn đối với các quốc gia và người dân trên thế giới. Các nền tảng công nghệ hiện đại vươn tới toàn cầu và công nghệ AI đã được địa phương hóa cho phù hợp với từng khu vực, lãnh thổ, có thể là phương tiện để tăng cường sự đối nghịch về ý thức hệ, tiêu chuẩn về dân chủ, tự do ngôn luận, kích động bạo lực,... phục vụ việc can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước của quốc gia khác, gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị của các quốc gia có chủ quyền.
Ngoài ra, trên thế giới hiện nay, các chiến dịch tuyên truyền tin giả, xuyên tạc, sai sự thật từ cuộc chiến thông tin giữa các thực thể tham gia quan hệ quốc tế (nhà nước, phi nhà nước) đã và đang lan rộng và trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng đối với thế giới, quốc gia và người dân trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng đi kèm với nguy cơ hiện hữu về đói nghèo... đã tạo ra làn sóng thông tin sai lệch, xuyên tạc dữ dội hơn trên các nền tảng mạng xã hội toàn cầu, khu vực và quốc gia, gây ảnh hưởng đến quyền con người cũng như những giá trị tích cực và nỗ lực của các quốc gia, định chế quốc tế, xã hội trên khắp thế giới đạt được trong nhiều thập niên qua.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Theo số liệu thống kê đến tháng 6-2021, trong số 97,75 triệu dân cả nước có trên 68,72 triệu người (chiếm 70,3% dân số) sử dụng internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 ở châu Á; hơn 72 triệu người (chiếm 73,7% dân số) dùng mạng xã hội, chủ yếu là Youtube, Facebook (đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất) và là một trong 10 nước có số lượng người dùng Youtube cao nhất thế giới. Trong đó, 94% số người sử dụng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên.
Trong thời gian qua, lợi dụng những thế mạnh và tính mở của không gian mạng với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, không có ranh giới cụ thể giữa “thực” và “ảo”, các thế lực thù địch, phản động trong nước và ngoài nước, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, không ngừng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với âm mưu hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, đó là: 1- Xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin; 2- Tập trung công kích, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 3- Bóp méo, hạ thấp, phủ nhận thành quả đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng... Điển hình là đầu năm 2022, ngay từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - U-crai-na, trên các diễn đàn đa phương quốc tế và phương tiện thông tin đại chúng, Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm chính thức của mình. Thế nhưng, trên internet, các trang mạng, diễn đàn, tài khoản mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại cố tình đăng tải những tin, bài có nội dung phê phán, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong quan điểm, cách nhìn nhận, ứng xử trước những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na..., mưu toan hướng dư luận trong nước và quốc tế hiểu sai lệch về Việt Nam, gây ảnh hưởng tới mối quan quan hệ của Việt Nam với Nga, U-crai-na và cộng đồng quốc tế. Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị còn đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam khi xuyên tạc rằng nguyên tắc “không tham gia liên minh quân sự” nêu trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019 của Việt Nam là “hành động tự trói”, không phù hợp với xu thế của thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cần phải thay đổi...
Để chủ động đập tan những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, ngay từ năm 1983, Đảng ta đã đưa ra quan điểm: “Tăng cường hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận để làm tốt nhiệm vụ tham gia nghiên cứu, chuẩn bị và giải thích về mặt lý luận đường lối, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực, nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm tiên tiến trong các phong trào cách mạng của quần chúng, phê phán những tư tưởng, quan điểm sai trái với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối của Đảng”. Kể từ đó đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản (nghị quyết, chỉ thị) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, về công tác tư tưởng, lý luận... trong đó nêu rõ các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”... Tháng 1-2021, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lôí̀ sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã thể hiện sự chủ động của Đảng ta trong công tác quan trọng này.
Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới vấn đề “bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia”, nhất là về các nguy cơ, biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, bảo vệ bí mật quốc gia trong không gian mạng, như Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25-7-2018, của Bộ Chính trị, “Về Chiến lược an ninh mạng quốc gia”... Có thể thấy, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đều thống nhất quan điểm chỉ đạo về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã thể chế hóa thành pháp luật, như Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Quốc phòng năm 2018... Việc Nhà nước từng bước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về an toàn thông tin, nhất là thông tin mạng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng.
Mặc dù vậy, việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật nêu trên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức, xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn song gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, quyết liệt, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cách thức tập hợp lực lượng trên thế giới và trong khu vực diễn ra hết sức linh hoạt. Bên cạnh các thách thức an ninh truyền thống, các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu và dịch bệnh nổi lên gay gắt hơn. Đặc biệt là đại dịch COVID-19, với sự xuất hiện của các biến chủng mới tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển của các quốc gia và quan hệ quốc tế, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề về chính trị, đối ngoại, kinh tế, y tế, môi trường, khoa học - công nghệ và văn hóa - xã hội... Tất cả những điều này ít nhiều tác động đến môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của quốc tế, khu vực và các nước, trong đó có Việt Nam, tác động đến việc triển khai đường lối đối ngoại, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cũng như bảo đảm tình hình an ninh, ổn định trật tự xã hội của Việt Nam thời gian qua. Về nguyên nhân chủ quan, hạn chế về nguồn lực triển khai, làm chủ công nghệ, hạn chế về nghiên cứu, dự báo và những thách thức nhức nhối của tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã tạo cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vu cáo, xuyên tạc.
Trên cơ sở những phân tích về thực trạng, tác động của chiến tranh thông tin trong không gian mạng và những khó khăn, thách thức, nguyên nhân nêu trên, để góp phần triển khai thực hiện hiệu quả công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động trong thời gian tới, cần lưu ý một số nội dung từ góc độ chính trị, đối ngoại như sau:
Ở phương diện quốc tế và khu vực
Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế đối với tất cả các loại hình không gian, nhất là không gian mạng, trong thời gian tới.
Hai là, chủ động tham gia các diễn đàn đa phương quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc về việc xây dựng bộ quy chuẩn quốc tế về cách hành xử có trách nhiệm của các thực thể tham gia quan hệ quốc tế (bao gồm nhà nước, phi nhà nước...) khi tham gia, triển khai các hoạt động trên không gian mạng, trong đó nhấn mạnh đến nội dung bảo đảm việc tôn trọng thể chế chính trị, nền tảng tư tưởng và giá trị dân chủ của các quốc gia có chủ quyền cũng như chống các loại hình thông tin xuyên tạc, tin giả, xấu, độc hại và coi các loại hình thông tin này là kẻ thù chung của cộng đồng quốc tế.
Ba là, tham gia thúc đẩy xây dựng các văn kiện quốc tế về hợp tác ở cấp độ quốc tế và khu vực, xây dựng và triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế nhằm giải quyết tận gốc vấn đề thông tin xuyên tạc, tin giả, sai sự thật và ngăn chặn các cuộc chiến tranh thông tin trong không gian mạng, thậm chí là chiến tranh mạng..., qua đó đóng góp vào việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trên không gian mạng; tham gia thảo luận, đóng góp nội dung theo quan điểm của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực về xây dựng các văn bản quản lý, quản trị đối với việc áp dụng các công nghệ mới nổi có liên quan đến các lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam trong không gian mạng; tham gia thúc đẩy việc triển khai thực hiện các điều ước, nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc về bảo vệ và bảo đảm việc thụ hưởng, thực hiện các quyền con người trước những tác động tiêu cực ngày càng gia tăng và sâu rộng của thông tin xuyên tạc, sai lệch, tin giả.
Ở phương diện quốc gia
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị nêu trên của Đảng, Nhà nước về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, Luật An ninh mạng và các luật liên quan; mở rộng, nâng cao hiệu quả và đưa các mối quan hệ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân đi vào chiều sâu, tạo nền tảng chính trị cho quan hệ giữa Việt Nam với các nước; tạo lập sự đồng thuận và hậu thuẫn chính trị của các chính đảng và các lực lượng chính trị đối với sự nghiệp đổi mới cũng như bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức nhân dân với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong hoạt động đối ngoại.
Thứ hai, tăng cường giáo dục, tuyên truyền sâu rộng về Luật An ninh mạng, để người dân có ý thức đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi sử dụng không gian mạng tuyên truyền chống phá Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam. Quyết tâm thực hiện nội dung về “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng, trong đó ưu tiên bảo đảm thực hiện các nội dung hệ giá trị của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, bao gồm các lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích xã hội, lợi ích chính đáng của cá nhân, trên cơ sở tập trung nhấn mạnh các thành tố, như dân chủ và pháp quyền, nhân ái và yêu nước, trung thực và bản lĩnh; dân giàu, nước mạnh, công bằng, trách nhiệm, hạnh phúc, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; quan tâm đầu tư phát triển các lực lượng đặc biệt, đặc thù và mạng lưới cộng tác viên với sự hỗ trợ của công nghệ AI trong theo dõi, ngăn ngừa, thậm chí là chủ động tấn công, loại bỏ các sản phẩm truyền thông chứa đựng thông tin xuyên tạc, tin giả, độc hại nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và các chính sách, hoạt động của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng, củng cố đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước cũng như ngoài nước nhằm giải quyết tận gốc “giặc nội xâm” (tham nhũng, tiêu cực...), tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó tăng cường sức mạnh nội tại, bổ trợ cho việc đối phó với các loại hình giặc ngoại xâm thông qua triển khai đồng bộ các biện pháp đối ngoại, quốc phòng và an ninh; quyết liệt triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030”, nhằm phục vụ việc quảng bá, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, thu thập những thông tin có chọn lọc về tình hình, sự phát triển của thế giới, khu vực về các vấn đề được dư luận và nhân dân trong nước quan tâm; đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Ở phương diện ý thức của con người
Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người do luật pháp quy định, trong đó bao gồm các quyền về tự do ngôn luận, quyền riêng tư, quyền tham gia các công việc của cộng đồng và bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử; nâng cao, đa dạng hóa các biện pháp triển khai ở tất cả các cấp trong việc củng cố lòng tin của người dân vào Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa và ngăn ngừa, đập tan các xu hướng phân cực, kích động, cổ xúy ngôn từ hận thù trên không gian mạng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân; củng cố, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân, tạo nền tảng xã hội hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên không gian mạng.
Hai là, xác định cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước những tác động tiêu cực của cuộc chiến thông tin không gian mạng là lâu dài, kiên nhẫn, bền bỉ và cần học cách sống chung với tin giả, thông tin xuyên tạc, qua đó tự tạo sức đề kháng, giúp hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân kiên cường hơn khi tham gia tương tác trên không gian mạng để chống thông tin độc hại, âm mưu thâm độc chống phá Đảng và Nhà nước. Chú trọng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nhìn nhận và có trách nhiệm, ý thức trước mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Củng cố mối quan hệ thường xuyên, liên tục với các nhóm cần tranh thủ ở nước ngoài đã hiểu biết về Việt Nam cũng như ưu tiên xây dựng quan hệ và tạo thiện cảm với các đối tượng, như giới báo chí, giới trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ba la, chú trọng đầu tư và đặt con người vào vai trò chủ thể, luôn làm chủ công nghệ, trong đó có công nghệ hiện đại, công nghệ mới nổi phục vụ việc xây dựng nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, trong đó có yêu cầu kiên định về lập trường, bản lĩnh chính trị trước những thay đổi, biến đổi của thế giới trong tương lai.
Ở phương diện kỹ thuật
Thứ nhất, tập trung triển khai các chiến lược quan trọng tự lực, tự cường về công nghệ, nhất là Chiến lược ch.uyển đ.ổi s.ố quốc gia, Chiến lược quốc gia về phát triển tr.í t.uệ nh.ân t.ạo đến năm 2030, trong đó quan tâm tập trung đầu tư cho công nghệ tiên tiến, hiện đại, đặc biệt là công nghệ AI, tiến tới xây dựng Việt Nam trở thành một “cường quốc mạng” (đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực về AI), góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bao gồm việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ hai, phát huy phẩm chất cần cù, thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam; đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các nền tảng hạ tầng, hệ thống mạng “Make in Viet Nam” song song với việc làm chủ, quản lý được các hệ thống nền tảng mạng do nước ngoài sản xuất, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào các nền tảng mạng do các doanh nghiệp, tập đoàn của nước ngoài cung cấp và tạo nền móng vững chắc trong việc triển khai, áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hệ giá trị quốc gia trong toàn bộ đời sống chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam trong tương lai; hợp tác, đặt hàng với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín, các tập đoàn công nghệ lớn (Viettel, VNPT, FPT...) để xây dựng bộ công cụ toàn diện được vận hành bởi công nghệ AI và có tính tương thích cao trên mọi nền tảng mạng xã hội nhằm phục vụ việc triển khai công tác đấu tranh lâu dài của Đảng trong lĩnh vực này.
Thứ ba, sớm xây dựng, cập nhật, ban hành các văn bản pháp luật, trong đó bao gồm các quy định bảo vệ, quản lý dữ liệu quan trọng của quốc gia, của người dân Việt Nam; cập nhật, sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến công nghệ AI trong các văn bản, chính sách, quản lý hoạt động nền tảng mạng/trực tuyến của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam./.
Tạp chí cộng sản

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì phải dựa vào cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân mới mang lại thành công

    Trả lờiXóa