Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

CHIẾN THẮNG KHE LAU – VANG MÃI BẢN HÙNG CA SÔNG LÔ


Trong chiến dịch Việt Bắc Thu–Đông 1947, chiến thắng Khe Lau là một trong những trận thắng giòn giã trên mặt trận sông Lô. Dòng sông Lô mãi đi vào lịch sử, minh chứng sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Khe Lau là nơi giao nhau giữa sông Gâm và sông Lô thuộc địa phận xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Nơi đây còn có nhiều tên gọi khác là ngã ba Luồng, Cửa Sông hoặc Hòn Lau. Với địa hình hiểm trở, cả hai bờ sông đều có những đồi lau rậm rạp và ở gần chân núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta phục kích đánh địch.
Từ ngày 3/11/1947, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Chiêm Hóa về thị xã Tuyên Quang bằng cả đường thủy lẫn đường bộ.
Bộ đội Trung đoàn 112 cắt rừng vượt về Yên Nguyên phối hợp cùng dân quân, du kích địa phương lập một trận địa phục kích từ chân đèo Gà tới cầu Cả. Pháo binh được điều gấp từ Yên Bình về bố trí phục kích tàu chiến địch ở Hòn Lau.
Lúc 14 giờ ngày 10/11/1947, đoàn tàu của địch gồm 2 chiếc LCT, 1 ca-nô chở 200 lính Âu-Phi từ Chiêm Hóa chạy về tới Hòn Lau. Pháo binh của ta dồn dập nhả đạn. Cả 2 chiếc LCT của địch đều bị trúng đạn, bốc cháy. Chiếc ca-nô của địch tháo chạy nhưng cũng bị trúng đạn. Lính Pháp chạy lên bờ liền bị dân quân, du kích nổ súng tiêu diệt.
Trận Khe Lau diễn ra hơn 1 giờ đồng hồ, quân ta đã tiêu diệt hơn 200 tên lính địch, bắn chìm 2 tàu chiến, 1 ca-nô. Chiến thắng Khe Lau, được đánh giá là 1 trong 10 trận đánh lớn trong chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947.
Cố Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca từng khẳng định, trong chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, Tuyên Quang đã đóng góp vào chiến thắng trên mặt trận sông Lô bằng 2 trận đánh. Trận đầu là trận Bình Ca và trận cuối cùng là trận Khe Lau.
Bác Hồ đã nói “địch mạnh ở hai gọng kìm, ta bẻ gãy thì cái ô mà chúng chụp xuống Việt Bắc sẽ cụp thành ô rách”.
Quân và dân Tuyên Quang đã góp phần bẻ gãy cánh quân đường thủy của Pháp, đóng góp rất lớn vào chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông năm 1947. Đập tan ý đồ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, buộc chúng phải chuyển sang đánh lâu dài để đối phó với ta, góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta sang một thời kỳ mới. Với thắng lợi này, lực lượng vũ trang của ta ngày càng trưởng thành, căn cứ địa Việt Bắc đã trở thành biểu tượng của niềm tin và chiến thắng.
Không thực hiện được âm mưu, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Việt Bắc, trong quá trình rút chạy chúng bị quân ta chặn đánh tiêu hao nhiều sinh lực. Giữa tháng 12/1947, Tuyên Quang sạch bóng quân xâm lược.
Trong chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947, quân và dân Tuyên Quang đã đánh 48 trận trong đó có 30 trận độc lập tác chiến, 18 trận phối hợp với bộ đội chủ lực, tiêu diệt 1.300 tên địch, bắn cháy, bắn hỏng 10 ca-nô, tàu chiến, phá hủy 1 máy bay, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Quân và dân Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao sinh lực địch, góp phần bảo vệ an toàn, bí mật nơi ở của Bác Hồ, các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến.
Ngày 23/12/1947, tại thị xã Tuyên Quang đã diễn ra lễ mừng chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 và vinh dự được đồng chí Võ Nguyên Giáp – Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ Việt Nam thay mặt Chính Phủ tuyên dương công trạng quân dân Việt Bắc./.
Nhân dân
Thích
Bình luận
Chia sẻ

1 nhận xét: