Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023
KIÊN ĐỊNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG BỐN KHÔNG VÀ GIỮ GÌN MỐI QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM-TRUNG QUỐC
Lịch sử quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc đã chứng kiến sự nỗ lực của hai Đảng, hai Nhà nước cùng nhân dân để phát triển, làm sâu sắc thêm quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai bên. Song, vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan, quan hệ hai nước vẫn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, chưa được giải quyết tốt.
Đặc biệt, vấn đề chủ quyền và lợi ích trên Biển Đông là thách thức lớn nhất trong quan hệ Việt - Trung hiện nay. Trong lịch sử quan hệ hai nước, mặc dù gắn bó, sẵn sàng tương trợ lẫn nhau những lúc khó khăn, song không tránh khỏi những bất đồng liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ. Thực tiễn cho thấy, vấn đề Biển Đông luôn là nhân tố chính, cản trở những nỗ lực vun đắp, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đây được coi là vấn đề hết sức “nhạy cảm”, liên quan đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc nên khó tìm được sự “nhượng bộ” cần thiết trong thương lượng, giải quyết. Những “ý đồ chiến lược” của Trung Quốc đối với khu vực và thế giới gây bất lợi cho nhiều quốc gia và Việt Nam. Sự chống phá của các thế lực, đặc biệt là Mỹ trong chiến lược “kiềm tỏa” Trung Quốc đang ngày càng khoét sâu mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực Biển Đông với Trung Quốc. Qua đó đặt ra những thách thức khó giải quyết cho Việt Nam trong việc giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông với thúc đẩy, phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ, chủ trương của Việt Nam là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Chúng ta chủ trương không liên minh quân sự bởi đó là giải pháp hiệu quả để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam không thể dựa vào bất kỳ liên minh quân sự nào, hiệp ước quân sự nào, càng không thể trông chờ, ỷ lại vào nước ngoài, mà phải bằng chính bản lĩnh, trí tuệ, thực lực, bằng đoàn kết đồng lòng của triệu triệu con người Việt Nam. Chúng ta không đứng về bên nào, chúng ta bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam không chấp nhận để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, hoặc là sử dụng một phần lãnh thổ Việt Nam để phát động chiến tranh xâm lược nước thứ ba. Lịch sử hiện đại cho chúng ta thấy rõ, nếu có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình, dễ biến Tổ quốc ta thành mục tiêu tiến công của các thế lực thù địch, ít nhất thì cũng khiến đất nước ta khó tránh khỏi bị lôi kéo vào xung đột, chiến tranh giữa các nước.
Sử dụng vũ lực và liên minh quân sự không phải là phương thức tối ưu trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chính đường lối quốc phòng với mục đích tự vệ, hòa bình, chính nghĩa, phù hợp với quyền cơ bản của các quốc gia, dân tộc theo nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc mới là điều mà các quốc gia, dân tộc tiến bộ đều đang hướng tới. Việt Nam kiên quyết đấu tranh, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và luật pháp quốc tế; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không phải là Việt Nam tự “trói tay” mình, trái lại, nó có tác dụng “cởi trói” cho chúng ta, cả trong tư duy và hành động để ta có thể suy nghĩ và hành động một cách độc lập, sáng tạo và không bị chi phối, áp đặt bởi yếu tố bên ngoài, tức là không bị người khác trói buộc mình.
Chúng ta mở rộng quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, không hề mâu thuẫn với việc chúng ta không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia. Thực tế thế giới hiện đại cho thấy rõ: Tuy có quan hệ thân thiết với nhau, thậm chí liên minh quân sự với nhau, nhưng khi gặp vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia, dân tộc của nước lớn, họ sẽ xử lý quan hệ với các đồng minh theo triết lý ưu tiên lợi ích của họ là trước hết, là trên hết.
Trên thế giới chưa bao giờ có nước nào có thể hy sinh lợi ích của dân tộc mình chỉ vì lợi ích của một dân tộc khác. Chính vì vậy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù là thời bình hay thời chiến, không thể ảo tưởng trông chờ sự trợ giúp của nước ngoài hoặc tham gia liên minh quân sự với nước khác. Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là mở rộng quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, đồng thời phải tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, xây dựng thực lực sức mạnh tổng hợp quốc gia, kết hợp với sức mạnh của thời đại, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè và cộng đồng quốc tế. Việt Nam không chọn bên, không đi theo một cường quốc nào, không dựa hẳn vào một cường quốc nào để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc mình. Chính vì vậy, chúng ta không hề mâu thuẫn khi một mặt mở rộng quan hệ quốc tế, mặt khác chúng ta không tham gia liên minh quân sự, không liên kết nước này để chống nước kia.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 chỉ rất rõ rằng: “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, chúng ta sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Hiện nay quan hệ ngoại giao nhà nước Việt Nam “phủ sóng” tới 189 trong tổng số 200 quốc gia trên toàn thế giới. Quan hệ đối ngoại quốc phòng của ta ngày càng rộng mở, chúng ta có quan hệ quốc phòng với trên 80 quốc gia thuộc cả 5 châu lục, đặc biệt chúng ta có quan hệ quốc phòng với tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là những quốc gia có vai trò, có ảnh hưởng chủ chốt trong duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Điều đó chứng tỏ chúng ta chẳng bị ai cô lập, trái lại, còn mở rộng không ngừng quan hệ đối ngoại. Điều đó là cơ hội thuận lợi để chúng ta ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong mối quan hệ Việt - Trung hiện nay cần thống nhất về nhận thức, xác định rõ tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cần xác định, đây là mối quan hệ “đặc biệt” cần ưu tiên giải quyết trong các trường hợp xảy ra mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí xung đột. Với sự gắn bó chặt chẽ trong lịch sử và trong hiện tại giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân, có thể khẳng định đây là mối quan hệ không thể tách rời.
Mỗi chúng ta cần tránh những tư tưởng lệch lạc, dao động, thiếu nhạy bén, bị các lực lượng thù địch lôi kéo, tác động, ảnh hưởng đến nhận thức chung. Thống nhất hành động từ trung ương đến địa phương, các bộ, ngành cần đoàn kết, đặt lợi ích dân tộc lên trước hết, trên hết trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Giữ vững độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích giữa đôi bên. Sự “trỗi dậy” của Trung Quốc về kinh tế, chính trị, quân sự… trong những năm gần đây cho thấy, quan hệ Việt - Trung không dừng lại ở mối quan hệ láng giềng, đồng chí, anh em, đối tác mà còn là mối quan hệ với nước lớn, khu vực kinh tế lớn và cường quốc quân sự. Do đó, cần phát huy sự khéo léo, linh hoạt, tích cực, chủ động tranh thủ đàm phán, giải quyết mọi bất đồng bằng biện pháp hòa bình. Kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, chống lại mọi sự can thiệp, thao túng từ các thế lực bên ngoài.
Tiếp tục chính sách “cân bằng linh hoạt” trong quan hệ với các nước lớn, mang lại lợi ích tối đa cho dân tộc. Đề phòng mọi sự hợp tác của bên ngoài, gây tổn hại đến chế độ và lợi ích của dân tộc. Cần tỉnh táo, nâng cao sức đề kháng trong việc thu hút đầu tư, vay vốn để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Xây dựng “niềm tin chiến lược”, thúc đẩy việc ký kết Hiệp ước Láng giềng Hữu nghị với Trung Quốc. Xây dựng “niềm tin chiến lược” là nói đến sự tin cậy, thấu hiểu lẫn nhau, sự chuyển hóa từ những tuyên bố thành những hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả giữa hai bên.
Về phía Trung Quốc, cần có sự tôn trọng lợi ích trong hợp tác kinh tế, chính trị, quân sự đối với Việt Nam. Đảm bảo thống nhất thực hiện những cam kết quốc tế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ nguyên tắc đã tuyên bố giữa các bên. Về phía Việt Nam, thống nhất và kiên quyết trong hành động quốc tế. Giữ vững an ninh - quốc phòng, ổn định tư tưởng trong cán bộ và nhân dân, đầu tư hơn nữa cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Kiên trì, chủ động trong việc đàm phán, giải quyết bất đồng liên quan đến chủ quyền và lợi ích quốc gia. Tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân trong xử lý các quan hệ quốc tế./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
chính sách 4 không rất đúng đắn
Trả lờiXóa