Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực nhạy cảm, thẩm thấu, tiếp
nhận qua kênh đọc, nghe, xem, trực tiếp tác động đến đời sống tình cảm, biến
đổi nhận thức, tư tưởng con người. Với đặc điểm này, các thế lực thù địch, phản
động cùng những phần tử cơ hội triệt để lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước
ta, phá hoại sự nghiệp cách mạng qua các sản phẩm văn hóa độc hại.
Chúng thường
lợi dụng những tồn tại, mặt trái cải cách ruộng đất, những mất mát đau thương
bởi chiến tranh, vấn đề đất đai, an sinh xã hội, dịch bệnh, đời sống kinh tế -
xã hội… mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo, tập hợp những văn nghệ sĩ thiếu kiềm chế cảm
xúc, bất mãn, bất đồng chính kiến, nhẹ dạ cả tin, bản lĩnh chính trị non kém,
trở cờ để sáng tác, quảng bá những ấn phẩm, bài viết nhằm phủ nhận thành quả cách
mạng, hạ bệ lãnh tụ, bỉ bôi, nói xấu chế độ, thóa mạ chính quyền, chửi rủa cán
bộ, làm xáo trộn đời sống xã hội, gây nghi ngờ, chia rẽ giữa Đảng, chính quyền
và nhân dân ta.
* Những sản
phẩm văn hóa độc hại, phản động
Điều đáng nói
là, trước những thành quả cách mạng và thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới
của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng mang lại, trước những đổi thay mạnh mẽ
về mọi mặt đời sống của nhân dân ta, chưa khi nào chúng thừa nhận, đánh giá
đúng; ngược lại, luôn tìm mọi cách lợi dụng tình hình để xuyên tạc, đổi trắng
thay đen hoặc lập lờ đánh lận con đen, khi ngấm ngầm len lỏi, lúc công khai
đánh thẳng vào nền tảng tư tưởng văn hóa, trực diện công kích vào hệ thống
chính trị nước ta. Có nhiều con đường, phương thức thể hiện khác nhau như: lợi
dụng diễn đàn, qua mạng xã hội nhưng con đường tinh vi nhất, xảo quyệt, thâm
độc nhất, địa hạt dễ len lỏi nhất là thông qua các bài viết, các bài thuyết
giảng, các xuất bản phẩm văn học, văn hóa.
Những ấn phẩm
độc hại người đọc từng biết như Cọng rêu dưới đáy ao của Võ
Văn Trực phản ánh về một thời kỳ lịch sử dân tộc, những vĩ nhân, lãnh tụ,
nguyên thủ quốc gia… đã bị chính nhà xuất bản thu hồi sau 1 tháng phát
hành. Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù của Dương Thu
Hương… là những tác phẩm điển hình cho tư tưởng chống cộng, coi dân tộc Việt
Nam là những kẻ đần ngu để ngàn năm bị đô hộ đọa đày bởi giặc Tàu, trăm năm đô
hộ bởi giặc Tây. Hay như Hoa xuyên tuyết và Mặt thật của Bùi
Tín…, những kẻ trở cờ, chống cộng, phủ nhận cống hiến hy sinh, giành độc lập tự
do của dân tộc, đòi “Ai là người vì vận nước ngày mai/ Nuôi chí kinh bang/ Cùng
nhau rửa nhục…”. Thử hỏi, ông ta đòi vận nước vì ngày mai đó là vận nước nào?
Đòi đoàn kết để rửa nhục cho ai ngoài ông ta đã trở cờ, vong quốc nô!
Nổi lên gần
đây, dư luận bạn đọc cả nước bất bình, lên án mạnh mẽ trích đoạn: “Tôi muốn đan
một chiếc áo tự do dân chủ cho quê hương tôi để thay thế sự độc tài, đàn áp của
Cộng sản, đan cái tình dân tộc thiêng liêng thay cho cái chủ nghĩa ngoại lai
độc tài, đan những câu kinh lời nguyện thay cho những lời hứa hẹn vu vơ, những
câu mê hoặc mị dân, những lời gian dối điêu ngoa...” từ truyện ngắn Chiếc
áo len mẹ đan do Trung Quân biên soạn, in trong tập truyện ngắn về gia
đình, được cho là do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2014, phát hành rộng rãi trong hệ
thống thư viện toàn quốc…
Một số đối
tượng cơ hội chính trị, chống đối đã sáng tác và tán phát nhiều tài liệu có nội
dung phản động dưới dạng các ấn phẩm văn học như: Chính trị bình dân do
đối tượng Phạm Đoan Trang soạn thảo năm 2016 (Trang là thành viên tổ chức phản
động Sáng kiến vì lương tâm người Việt - VOICE và tổ chức Mạng lưới Blogger
Việt Nam, đã bị bắt). Cuốn sách xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2017, dày 517 trang,
gồm 6 phần, 30 chương.
Hay như
blogger Phạm Thanh Nghiên viết hồi ký Những mảnh đời sau song sắt năm
2012, sau khi chấp hành xong hình phạt tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước và
chính y sáng lập ra Mạng lưới Blogger Việt Nam. Sách dày 500 trang, in song ngữ
do Đài “Đáp lời Sông Núi”, “Tủ sách Tiếng quê hương” và “Thư viện Việt Nam”
phát hành.
Cuốn Một
người quốc dân (bút danh Lê Luân) do Lê Văn Luân soạn thảo năm 2016
(Luân thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội; được phong là “Luật sư nhân quyền”). Sách dày
281 trang.
Cả 3 cuốn nêu
trên đều có chung nội dung nói xấu chế độ, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, tiêm nhiễm nhận thức tư tưởng bàn cách thay thể chế, phản
đối chính sách giam giữ, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền; cổ vũ, kích động
“tinh thần đấu tranh dân chủ của các đối tượng tù nhân lương tâm”, nhất là đối
tượng nữ giới ở Việt Nam và sự phát triển của cái gọi là “phong trào xã hội dân
sự độc lập”, kêu gọi lập quốc gia mới…
Điều đáng nói
là, để những con voi chui lọt lỗ kim trong in ấn, xuất bản, phát hành trong
nước…, trước hết phải nói đến nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, vai
trò kiểm duyệt, thẩm định của các cơ quan chức năng, đội ngũ cán bộ kiểm soát
văn hóa, văn học nghệ thuật. Nếu có trách nhiệm và trình độ, có bản lĩnh chính
trị vững vàng… thì rất khó để lọt qua nhiều khâu, nhiều bước, cửa gác về văn
hóa, văn học nghệ thuật. Các ấn phẩm, sản phẩm văn hóa độc hại rất khó lọt ra
ngoài, đến tay bạn đọc, không đợi đến lúc ấn phẩm, sản phẩm văn hóa, văn học
nghệ thuật ra đời, nhờ bạn đọc phát hiện thì mới thu hồi, kiểm điểm!?
* Đấu tranh bảo
vệ cái đúng, lên án cái sai, phản động
Để nâng cao
hiệu quả phát hiện âm mưu chống phá trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, văn học,
nghệ thuật, cần tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, sự quản lý của cơ quan
Nhà nước. Khoản 2, Điều 60 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nhà nước, xã hội phát
triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh
của nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu
cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đó
là cơ sở pháp lý và định hướng chính trị trong các hoạt động văn học, nghệ
thuật, hướng vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc, chống mọi biểu hiện phi chính trị, thương mại hóa.
Theo đó, đòi
hỏi tăng cường rà soát, bổ sung các chế tài, quy định trong hệ thống luật pháp,
các chính sách đối với văn nghệ sĩ và lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Kiểm soát,
quản lý chặt chẽ các ấn phẩm, sản phẩm xấu độc xâm nhập vào nước ta. Tăng cường
giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Chú
trọng đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ cả
chuyên môn và nhận thức hệ tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách
pháp luật của Nhà nước; về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc
và văn học, nghệ thuật cách mạng. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ theo lời dạy của
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là
chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Hiện nay, trên MXH bọn phản động đã tung nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt, chống đối Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần hết sức tỉnh táo và đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của chúng.
Trả lờiXóa