Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

Phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn trên địa bàn biên giới trong tình hình mới


Đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn các tỉnh biên giới, trong đó bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt. Để thực hiện tốt các biện pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của địch.

Trong các cuộc kháng chiến, miền núi, biên giới là những khu căn cứ địa vững chắc của cách mạng, cung cấp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Thế nhưng, ngày nay tại những vùng đất chiến lược này, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tác động, chia rẽ, lôi kéo, kích động tư tưởng ly khai, tự trị... Chúng thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” thâm độc, gây bạo loạn để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, quân đội, công an với nhân dân, chia rẽ giữa đồng bào miền xuôi với miền ngược, giữa người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi dụng địa hình và địa bàn cư trú phức tạp, chúng tiến hành truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập các tổ chức phản động. Lợi dụng đời sống khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới, sự thoái hoá, biến chất, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, chúng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới, phủ nhận CNXH trên đất nước ta.

    Mục tiêu, ý đồ thâm độc của địch là chuyển hoá Việt Nam theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, xác lập vai trò thống trị của chúng ở Việt Nam. Phương thức tiến hành vẫn là tập trung thực hiện “diễn biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn chính trị, đồng thời răn đe về quân sự. Biện pháp chiến lược của chúng là: tổng hợp, toàn diện trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật, ngoại giao, quân sự, an ninh, gián điệp - tình báo..., nhưng then chốt là tăng cường chống phá về tư tưởng, văn hoá - xã hội, nền tảng tư tưởng, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, dựng ngọn cờ “dân chủ”, “tự do”, “nhân quyền”, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tiến hành thâm nhập chính trị, tư tưởng, văn hoá, đề cao các giá trị phương Tây, cổ vũ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện nền kinh tế thị trường tự do TBCN, tạo điều kiện cho cải cách “dân chủ hoá”.

    Thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã diễn ra phổ biến trên các địa bàn dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, biên giới, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Bắc Trung bộ và Tây Bắc... với những thủ đoạn tinh vi và hành động điên cuồng. Những vụ việc xảy ra hồi đầu năm 2001, tháng 10-2004 tại các tỉnh Tây Nguyên và đầu năm 2011 tại Mường Nhé, tỉnh Điện Biên... đã chứng minh điều đó. Lợi dụng sự mê tín dị đoan của một số người, bọn phản động bên ngoài cùng với bọn xấu tại địa phương đã ngầm cấu kết chặt chẽ với nhau để lừa bịp, mê hoặc quần chúng, hình thành các tổ chức phản động, từng bước phát triển lực lượng, tuyên truyền ảnh hưởng, kích động chia rẽ dòng họ, dòng tộc, khống chế và vô hiệu hoá cấp uỷ, chính quyền địa phương để khi có thời cơ, điều kiện thực hiện ý đồ chính trị của chúng.

    Một số thủ đoạn hoạt động chính của địch là: tung tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc; xây dựng nhân cốt, tạo dựng ngọn cờ; tuyển chọn người vào tổ chức phản động; chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết bằng các thủ đoạn lừa gạt, chiếm đoạt, kết hợp mê hoặc với cưỡng chế, kết hợp giữa thuyết phục với tung tin để răn đe; tuyên truyền kích động, lôi kéo từng gia đình, dòng họ; khi bị lộ, sẵn sàng chống lại chính quyền, đồng thời thủ tiêu, tàn sát, thanh trừng lẫn nhau để bịt đầu mối và trấn áp quần chúng. Những năm qua, ở một số nơi trên biên giới Tây Nam, Tây Bắc nước ta đã diễn ra các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tranh chấp đất đai, lợi dụng những yếu kém, sơ hở của chính quyền địa phương, xuyên tạc sự thật, kích động, chia rẽ nhân dân, chống đối chính quyền, làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống hoà bình, làm ăn sinh sống của đồng bào.

    Đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn các tỉnh biên giới, trong đó bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt. Để thực hiện tốt các biện pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của địch, từ kinh nghiệm thực tiễn những năm qua, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

    Trước hết, xây dựng và thống nhất giữa các lực lượng đứng chân trên địa bàn về phương án xử trí các tình huống khi có gây rối, bạo loạn. Đồng thời, thống nhất việc quản lý chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, chống xâm nhập biên giới trái phép. Tổ chức các hội nghị hiệp đồng giữa quân đội với công an và bộ đội biên phòng với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ đứng chân trên địa bàn, củng cố cơ sở chính trị ở địa phương tạo sự đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy sức mạnh tổng hợp cùng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng - an ninh. Phát huy sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, phục vụ cho công cuộc đổi mới xây dựng đất nước trong tình hình mới.

    Hai là, các lực lượng đứng chân trên địa bàn cùng phối hợp nắm vững tình hình, thông báo cho nhau, cùng nhau nghiên cứu phương án xử lý các tình huống nảy sinh. Thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, cơ quan chức năng làm tham mưu, trong đó quân đội, công an làm nòng cốt, chỉ huy thống nhất các lực lượng thuộc quyền. Duy trì chặt chẽ các chế độ giao ban định kỳ hàng tuần, tháng và đột xuất, phân tích, đánh giá tình hình có liên quan đến an ninh, quốc phòng, do bí thư hoặc chủ tịch xã, phường chủ trì. Những sự kiện đột biến, quan trọng cần chủ động thông báo để cùng các lực lượng đứng chân trên địa bàn phối hợp hành động kịp thời. Các đơn vị bộ đội biên phòng và công an cần thông báo cho nhau những tin tức có liên quan đến an ninh biên giới và những tin tức nắm được có liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn,...

    Ba là, tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện tốt đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, kiên trì thuyết phục, tuyệt đối không gò ép, mệnh lệnh. Gặp trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo bị các thế lực chống đối khống chế, kích động, có thái độ và hành động quá khích, thậm chí chống đối, phải bình tĩnh, kịp thời có biện pháp tự vệ, nhưng vẫn phải kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục; manh động, tùy tiện sẽ mắc vào bẫy của các thế lực chống đối, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

    Bốn là, bộ đội biên phòng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo và có kế hoạch củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là những địa bàn phức tạp. Hướng vào việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền làm cho đồng bào theo đạo hiểu và thực hiện đúng các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, không để phần tử xấu tuyên truyền xuyên tạc, lợi dụng chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Đối với các xã, làng bản biên giới có đông tín đồ tôn giáo, đặc biệt là số xã, bản bị ảnh hưởng của hoạt động tuyên truyền lập “Vương quốc Mông,...”, cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có kế hoạch củng cố toàn diện về mọi mặt, đồng thời tiếp tục tăng cường lực lượng xuống địa bàn nằm vùng, bảo đảm quản lý được địa bàn, đối tượng, làm chỗ dựa cho cấp ủy, chính quyền cơ sở. Ở những nơi có hoạt động tôn giáo trái pháp luật (đưa người nơi khác đến truyền đạo, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện... không theo các quy định hiện hành), cần phải kiên trì cảm hóa giáo dục, răn đe. Nếu thái độ ngoan cố, tiếp tục có hoạt động vi phạm, cần đưa ra kiểm điểm trước quần chúng và thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ pháp lý để xử lý công khai trước pháp luật khi có yêu cầu.

    Năm là, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số.Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng;thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh của Đảng, Chính phủ như: Chương trình 135, Chương trình xoá đói, giảm nghèo, Chương trình quân, dân y kết hợp,... Tập trung huy động nguồn nhân lực, vật lực cho đầu tư phát triển kinh tế các tỉnh biên giới, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc; ưu tiên đầu tư cho chương trình xoá đói, giảm nghèo, nhất là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Nhà nước, và chính quyền các địa phương chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng biên giới với những chương trình cụ thể như: tập trung giải quyết đất sản xuất cho nhân dân, giúp thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao thu nhập; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ nhà ở, phát triển y tế, giáo dục; có chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, tạo nguồn nhân lực trí thức, để phát triển lâu dài; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở mạnh, thật sự có phẩm chất, năng lực, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc. Đồng thời phải củng cố, xây dựng lực lượng bộ đội biên phòng, dân quân, tự vệ, an ninh nhân dân ở các bản, làng vững mạnh, làm nòng cốt giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

    Để làm tốt các biện pháp trên, cơ quan quân sự địa phương, mà thường xuyên và trực tiếp là cấp huyện trên tuyến biên giới phải thực sự làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự vững mạnh toàn diện. Cần thường xuyên quán triệt những quan điểm tư tưởng chỉ đạo, yêu cầu, đặc điểm nhiệm vụ của địa phương để chủ động, nhạy bén nắm chắc tình hình. Xây dựng tổ chức đảng, chính quyền địa phương vững mạnh, củng cố và xây dựng các tổ chức quần chúng, như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh... đồng thời tranh thủ các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, làm nòng cốt xây dựng “thế trận lòng dân” đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm, việc gì có ảnh hưởng đến dân phải gợi mở để nhân dân tự bàn cách tháo gỡ, không được áp đặt, buộc dân phải chấp nhận, dễ dẫn đến sự bất bình của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo kẽ hở cho kẻ địch lợi dụng. Phải luôn chú trọng giải quyết những vướng mắc giữa nhân dân với cơ quan Đảng, Nhà nước. Tiếp nhận những đơn, thư khiếu tố và ghi nhận những nguyện vọng chính đáng của quần chúng, đề nghị lên cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Chú trọng phát hiện những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, dựa vào các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong quần chúng, làm rõ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, giải quyết có lý, có tình, đúng pháp luật, không để địch lợi dụng, kích động, biến mâu thuẫn nội bộ thành mâu thuẫn đối kháng. Đồng thời, cần tiếp tục nâng cao dân trí, phát triển giáo dục, y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đây vừa là một yêu cầu bức thiết của việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là việc làm thiết thực để đấu tranh phòng chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong tình hình mới.

1 nhận xét:

  1. Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân.

    Trả lờiXóa