Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Nâng cao văn hóa ứng xử trên không gian mạng cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số

Trong thời gian gần đây, văn hóa ứng xử trên không gian mạng đang là vấn đề đáng quan tâm, bởi những phát ngôn, bình luận “thiếu văn hóa”, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của Việt Nam... gây bất bình cho mọi người và xã hội nói chung, các nhà trường nói riêng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát đòi hỏi phải đồng bộ cả về phương pháp, công nghệ, nguồn lực, cho đến các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật. Lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động đăng tải, tuyên truyền nhiều nội dung xấu, độc; làm cho sinh viên có tư tưởng hoài nghi, dao động... dẫn đến có suy nghĩ, lối sống không lành mạnh, có nhiều đối tượng vi phạm pháp luật. Mặt khác, làm cho sinh viên suy giảm tinh thần đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái trong cuộc sống, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không lên án, né tránh những việc ảnh hưởng đến cá nhân, có thái độ vồ cảm về chính trị, thiếu trách nhiệm với cộng đồng; chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích tập thể, quên đi vinh dự và trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tập thể cao trong học tập, công tác, rèn luyện. Nguy hại hơn, có thể dẫn đến sự phai nhạt lý tưởng, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, biểu hiện bi quan, mất niềm tin khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống.

Do đó, để giúp sinh viên hình thành văn hóa ứng xử chuẩn mực trên không gian mạng, cần phải sử dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp giáo dục, rèn luyện gắn với quản lý sinh viên:

Một là, tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định quản lý, sử dụng không gian mạng chặt chẽ.

Quy chế quản lý va sử dụng không gian mạng là một trong những biện pháp mạnh, có tính răn đe, phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Để xây dựng nội dung về quy chế quản lý và sử dụng không gian mạng, trên cơ sỏ những văn bản pháp luật, các nghị định, hướng dẫn, các nhà trường cần xác định nội dung cụ thể đối với việc sử dụng không gian mạng và đưa vào quy chế quản lý. Khi xây dựng nội dung, các nhà trường cần căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành để dưa ra những nội dung cụ thể trong quản lý, như về hành vi, thái độ, bình luận vi phạm quy định và có những hình thức kỷ luật phù hợp với từng vi phạm cụ thể. Nội dung quy chế quản lý cần phải xác định rõ những hành vi, thái độ, bình luận được phép, khuyến khích như những thông tin có nguồn gốc chính thống, đáng tin cậy; những hành vi ứng xử phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam; những bình luận cần sử dụng ngôn từ phù hợp, không gây chia rẽ, mất đoàn kết và ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân hay tổ chức...

   Cần đưa vào quy chế những hành vi không được phép, như: sử dụng ngôn ngữ phản cảm, tung tin giả, xuyên tạc, kích động, gây hoang mang dư luận xã hội... để có những hình thức kỷ luật tương xứng. Những biện pháp xử lý đủ mạnh sẽ mang tính chất răn đe, kịp thời ngăn chặn những hành vi, thái độ và bình luận trên không gian mạng không chuẩn mực ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức. Các nhà trường cần có cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp để kịp thời ngăn ngừa những hành vi tiêu cực trên không gian mạng của sinh viên.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị cho sinh viên.

Mọi hoạt động thông tin tuyên truyền, giáo dục phải hướng đến mục tiêu không ngừng bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, tinh thần cảnh giác để cán bộ, giảng viên, sinh viên luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, không dao động trong mọi tình huống; luôn có thái độ, hành vi đúng đắn khi tham gia vào môi trường không gian mạng. Công tác giáo dục, tuyên truyền phải làm rõ âm mưu của các thế lực thù địch trong sử dụng mạng truyền thông để tác động tâm lý sinh viên; làm rõ các thủ đoạn đã, đang và sẽ được các thế lực thù địch sử dụng để lôi kéo, kích động sinh viên; khuyến cáo sinh viên cảnh giác trước thông tin trên các trang mạng xã hội.

Cần thường xuyên đưa những thông tin chính xác, kịp thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn, cách thức của các thế lực thù địch chống phá trên mạng internet, khắc phục tình trạng nhiễu thông tin dẫn đến hoang mang, nảy sinh tư tưởng tiêu cực. Đối với sinh viên, mọi công tác liên quan đến học tập, rèn luyện cần được công khai, minh bạch; tạo mọi điều kiện để sinh viên hoàn thành chương trình học tập, rèn luyện, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu các nhà trường, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có vai trò quyết định đến kết quả xây dựng môi trường văn hóa, là chủ thể hướng dẫn, uốn nắn các hành vi ứng xử có văn hóa, đạo đức trong sinh viên, tổ chức duy trì, quản lý hoạt động giáo dục, đào tạo theo chức trách, nhiệm vụ, tạo bầu không khí dân chủ trong các nhà trường.

Ba là, phát huy vai trò tự giác của sinh viên trong tự học, tự rèn nâng cao nhận thức về không gian mạng.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả xây dựng văn hóa của sinh viên trên không gian mạng. Thực chất, đó là quá trình sinh viên chủ động học tập, bổ sung kiến thức, tiếp nhận thông tin từ không gian mạng một cách khoa học, khai thác những ưu điểm của không gian mạng phục vụ cho học tập, phân biệt được những thông tin xấu, độc từ không gian mạng. Từ nhận thức đúng đắn, sinh viên sẽ nỗ lực và tự giác trong việc lựa chọn nội dung truy cập không gian mạng phù hợp, phân bổ thời gian hợp lý, từ đó sẽ tránh dược là những tác động tiêu cực của không gian mạng./.

1 nhận xét: