Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

 

PHẢI CHĂNG CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN

CHỈ ĐÚNG VỚI CHÂU ÂU VÀ THỜI KỲ SƠ KHAI CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN

 

                                                                

          Cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc ta thành công cách đây đã 78 năm. Song ý nghĩa thắng lợi của nó còn vượt xa hơn trong thời gian và không gian. Một trong những ý nghĩa đó là mà ngày nay chúng ta càng phải nói đến là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cũng là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta. Chúng ta hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.

          Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và phong kiến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra chính là chủ nghĩa Mác - Lênin: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1]. Đi theo con đường đó, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đổ chủ nghĩa thực dân, phong kiến, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

          Đành rằng, trên thế giới thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ không nhất thiết chỉ gắn liền với vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản. Song, trong thực tế lịch sử nước ta, thì cuộc Cách mạng Tháng Tám đã gắn liền với sứ mệnh của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đấy là hiện thực đanh thép chứ không thể giả định khác thế. Công cuộc đổi mới đất nước ta trong những năm qua sở dĩ đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng bởi vì Đảng ta kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động.

          Chỉ từng ấy vấn đề cũng đã cho thấy chủ nghĩa Mác - Lênin đã từng cần thiết cho chúng ta như thế nào, chứ không phải nó là “hàng xa xỉ, chẳng ăn nhập gì ở Việt Nam” như một số người mưu toan đánh tráo, hạ thấp và phủ nhận. Và sự thật ở nước ta cũng đã từng cho thấy không phải học thuyết của Mác chỉ đúng với châu Âu, và cũng không phải chủ nghĩa Mác chỉ đúng với thời kỳ sơ khai của chủ nghĩa tư bản.

          Không phải vì C. Mác, V.I Lênin là người con của nước Đức và nước Nga mà chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ đúng với hai nước đó. Thật ra, chính nhờ phát hiện đúng đắn quy luật vận động của thế giới mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã có sức sống vượt qua biên giới châu Âu, đúng cả trên năm châu bốn biển.

          Một trong những quy luật vận động đó là trong xã hội có phân chia giai cấp thì đấu tranh giai cấp đóng vai trò là động lực phát triển xã hội. Đương nhiên không phải là động lực duy nhất, đấy là một trong những cái cốt lõi nhất trong hệ thống học thuyết của Mác, của Lênin mà hàng trăm năm nay hết thảy các thế lực thù địch với giai cấp công nhân, với Đảng Cộng sản, với chủ nghĩa xã hội đều liên tục công kích. Thật ra, họ càng công kích dữ dội bao nhiêu thì chỉ càng chứng minh cho sự đúng đắn của luận thuyết đấu tranh giai cấp bấy nhiêu. Kinh nghiệm đau đớn cho thấy chính vì từ bỏ học thuyết đấu tranh giai cấp, tiến hành phi tư tưởng hóa trong quan hệ quốc tế mà nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã lâm vào “diễn biến hòa bình” và nhanh chóng sụp đổ. Lịch sử bao giờ cũng vẫn là một người thầy vĩ đại. Sự kiện Liên Xô tan vỡ, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ không phải là một minh chứng cho sự lạc hậu của chủ nghĩa Mác - Lênin, trái lại chỉ càng chứng tỏ rằng hễ khi nào và ở đâu bắt đầu từ bỏ học thuyết Mác thì khi ấy và ở đó Đảng Cộng sản cầm quyền không tránh khỏi mất chính quyền. Vấn đề “dân tộc”, “quốc gia” đã tồn tại lâu đời và chắc chắn còn tồn tại rất lâu dài, song từ xưa đến nay người ta giải quyết vấn đề dân tộc, quốc gia bao giờ cũng theo những quan điểm giai cấp nhất định, trên những lập trường, những lợi ích giai cấp nhất định. Ngày nay ở nước ta chúng ta nói độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghiã xã hội, còn các thế lực thù địch nói độc lập dân tộc phi giai cấp mà thực chất là gắn liền với con đường tư bản chủ nghĩa, là đã nói theo những quan điểm giai cấp khác nhau.

          Chúng ta cũng không còn ấu trĩ để hiểu đấu tranh giai cấp một cách giải đơn, thô thiển. Không phải bất cứ lúc nào, đấu tranh giai cấp cũng có hình thù rõ riệt hai giai cấp có lợi ích đối kháng trực diện với nhau. Trước đây, Lênin đã từng nói về thế lực tự phát của tiểu tư sản ở nước Nga là một cái gì không có hình thù rõ riệt nhất, không tự giác nhất, không cố định nhất; như thế Người đã cho ta một quan niệm rất tinh tế về đấu tranh giai cấp. Đối với nước ta, các thế lực âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” muốn chuyển hóa chế độ xã hội hiện nay, còn nhân dân ta lại nâng cao cảnh giác, chống “diễn biến hòa bình” muốn chuyển hóa chế độ hiện nay, bảo vệ và kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Sự thật đang có cuộc đấu tranh giữa “diến biến hòa bình” và chống “diễn biến hòa bình”. Đó là một hình thức mới, một nội dung mới của cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta. Đương nhiên, đấu tranh giai cấp không chỉ có thế, mà nó diễn ra trên khắp các lĩnh vực, tư tưởng đến kinh tế, từ văn hóa đến chính trị.

          Nếu như chủ nghĩa tư bản bắt đầu hình thành từ đầu thế kỷ 16, thì C.Mác viết bộ “Tư bản” vào nửa cuối thế kỷ 19, trong thời điểm chủ nghĩa tư bản có bước chuyển từ “cạnh tranh tự do” thống trị sang giai đoạn “độc quyền” thống trị. Khi Ph.Ăngghen sưu tầm bản thảo của C.Mác biên tập đề xuất bản Quyển II bộ “Tư bản”, thì Ăngghen cũng đã chứng kiến chủ nghĩa tư bản độc quyền. Vì thế, không phải chủ nghĩa Mác bị giới hạn ở thời kỳ hoang sơ của chủ nghĩa tư bản. Tuy chủ nghĩa tư bản hiện đại có những điều chỉnh, thay đổi đáng kể, song học thuyết giá trị thặng dư vẫn luôn luôn chỉ rõ được cái bản chất kinh tế, từ đó hiểu thấu chính trị của chủ nghĩa tư bản. C. Mác đã bắt đầu từ phân tích hàng hóa - một hình thái tế bào, giản đơn nhất, điển hình nhất, phổ biến nhất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa để nghiên cứu chủ nghĩa tư bản. Xuất phát từ lý luận hành hóa sức lao động, Mác đã vạch ra được cái bản chất kinh tế của chủ nghĩa tư bản là bóp lặn giá trị thặng dư, rằng bóc lột giá trị thặng dư là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Chính mục đích giá trị thặng dư đã xuyên qua tất cả các hiện tượng, các thời kỳ phát triển khác nhau của chủ nghĩa tư bản. Nhờ nắm cái bản chất bóp lặn giá trị thặng dư mà chúng ta hiểu biết được các vấn đề về tích lỹ, tuần hoàn chu chuyển tư bản, tái sản xuất mở rộng, các hình thái biểu hiện bề ngoài của giá trị thặng dư như lợi nhuận, lợi tức, địa tô của chủ nghĩa tư bản. Tất cả những vấn đề đó cho thấy cho dù ngày nay chủ nghĩa tư bản có thay da đổi thịt, biến đổi màu cờ sắc áo như thế nào, thì học thuyết giá trị thăng dư - cái học thuyết đã chỉ ra được cái cốt lõi, cái bản chất nhất của chủ nghĩa tư bản - vẫn còn nguyên giá trị. Không thể nói về phương diện lý luận này, chủ nghĩa Mác đã lạc hậu. Đương nhiên, chúng ta không phủ nhận rằng ngày nay những hình thức, phương pháp tạo ra giá trị thặng dư, ăn chia phân phối giá trị thặng dư cũng có những thay đổi nhất định, có những biểu hiện cụ thể khác nhau ngay giữa các nước tư bản. Đó chính là nhiệm vụ kế tục nghiên cứu của chúng ta dưới ánh sáng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác.

          Vận dụng học thuyết giá trị thặng dư của Mác, Lênin đã chỉ rõ được giai đoạn phát triển cao của chủ nghĩa tư bản, đó là chủ nghĩa tư bản độc quyền, mà nấc thang cao của nó là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Cho dù hình thức có những sự thay đổi từ xanh-đi-ca, tơ-rớt công-xooc xi-om trước đây hay hình thức công-giô-mê-ra ngày nay thì vẫn là tư bản độc quyền. Mai đây có thể xuất hiện những hình thức tổ chức mới hơn nữa về doanh nghiệp tư bản, nhưng vẫn không ra ngoài giai đoạn tư bản độc quyền - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, với bản chất bóc lột giá trị thặng dư hình thức lợi nhuận độc quyền cao. Cho dù lợi nhuận thu được trên một đơn vị hàng hóa có thể giảm, thì khối lượng lợi nhuận vẫn không vì thế mà giảm đi, vì tổng hàng hóa vẫn tăng, rút cuộc nhà đại tư bản vẫn thu được lợi nhuận độc quyền cao. Chủ nghĩa tư bản phát triển càng cao thì mâu thuẫn cơ bản của nó càng sâu sắc, đó là mâu thuẫn giữa nền sản xuất có trình độ xã hội hóa cao với chế độ tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Đây là học thuyết Mác về chủ nghĩa tư bản. Mặc dù ngày nay chủ nghĩa tư bản hiện đại đã tự điều chỉnh, tự cải tiến, tự thích nghi, song vẫn không thể tự khắc phục được những mâu thuẫn của chế độ tư bản chủ nghĩa. Như thế, học thuyết Mác vẫn đầy sức sống, và là ước mơ, hoài bão, lý tưởng của con người, của loài người vươn tới chủ nghĩa xã hội là có tính hiện thực. Trước nay, các đảng tiên phong của giai cấp công nhân thường nhận thức tự giác về sứ mệnh lịch sử của mình, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Vì thế, chủ nghĩa Mác - Lênin từ lâu đã trở thành cái tên chung biểu hiện hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, cái tên chung của một hệ thống các học thuyết về thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận, về chính trị xã hội... chỉ dẫn cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới làm cách mạng, tiến lên làm chủ vận mệnh của mình. Nói đến chủ nghĩa Mác thì phải kể đến Ph. Ăngghen thiên tài, người bạn vĩ đại của C. Mác. Nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin thì phải kể đến sự đóng góp làm phong phú và phát triển sáng tạo của những bậc cách mạng tiền bối của phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới, của các Đảng chân chính của giai cấp công nhân, mà ở Việt Nam ta thì trước hết phải kể đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên tinh thần ấy, Đảng ta trong Cương lĩnh của mình đã xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[2].

          Từ lâu, chúng ta đã hiểu rằng không phải chủ nghĩa Mác - Lênin đã sẵn có đẩy đủ hết mọi câu trả lời cho cuộc sống cách mạng vô cùng sinh động. Phải từ những dự báo của Mác, của Ăngghen, của Lênin, của Hồ Chí Minh mà biết vận dụng và phát triển sáng tạo, tiếp tục góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác - Lênin, phải nắm lấy phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để đi tìm câu trả lời đúng đắn. Điều quan trọng nhất là bằng thực tiễn kiểm nghiệm, chúng ta có đủ lý trí và tình cảm để khẳng định: trên những quan niệm cơ bản, những nguyên lý, nguyên tắc, quy luật vận động cơ bản thì chủ nghĩa Mác - Lênin còn nguyên giá trị, hơn nữa vẫn luôn luôn nóng hổi với cuộc sống của chúng ta hôm nay. Theo tinh thần ấy, hơn lúc nào hết phải ra sức bảo vệ và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong đời sống hiện thực, đồng thời chúng ta nghiêm túc đổi mới phương pháp và nội dung nghiên cứu và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin.

          Trong công cuộc đổi mới hiện nay, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, mà còn là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam./.




[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H. 2009, tr. 314.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiên Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011. tr. 88.

1 nhận xét: